Bài 4: Khai mở tiềm năng một phía rẻo cao Tây Nam

Đầu những năm 2000, những cây chè Shan tuyết đầu tiên được trồng tại xã Huồi Tụ, huyện rẻo cao Kỳ Sơn. Thích hợp với thổ nhưỡng và thời tiết nơi đây, chè sinh trưởng tốt, búp to, cho năng suất cao. Nhận thấy đây là loại cây trồng hiệu quả, giúp đồng bào các dân tộc xóa đói, giảm nghèo, chính quyền địa phương đã vận động bà con trồng chè Shan tuyết thay vì trồng các cây nông nghiệp truyền thống hiệu quả kinh tế thấp như ngô, lúa.

Chè Shan tuyết là sản phẩm OCOP chủ lực  tại vùng cao Kỳ Sơn. Ảnh: Thành Cường
Chè Shan tuyết là sản phẩm OCOP chủ lực tại vùng cao Kỳ Sơn. Ảnh: Thành Cường

Chè Shan tuyết thơm ngon, có hương vị thanh mát và hậu vị ngọt ngào, thường được trồng ở những vùng núi cao, nơi có sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khá lớn. Điểm đặc trưng dễ nhận thấy nhất của chè Shan tuyết chính là màu trắng như tuyết của sợi chè, những búp chè mùa trắng được tạo ra bởi những sợi lông tơ nhỏ li ti bám dày quanh búp. Để chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, búp chè tươi khi còn ở trên cây đã được bao phủ bởi lớp lông trắng bạc này.

Chè Shan tuyết có vị ngon đặc trưng. Ảnh: P.V
Chè Shan tuyết có vị ngon đặc trưng. Ảnh: P.V

Đến nay, qua gần 20 năm, cây chè Shan tuyết khẳng định được ưu thế phát triển tốt trên vùng đất núi cao từ 1.200 – 1.500m so với mặt biển thuộc vùng biên giới Việt – Lào. Ông Nguyễn Bá Cường – Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kỳ Sơn, cho biết: Thấy rõ lợi ích của cây chè Shan tuyết, huyện Kỳ Sơn chỉ đạo thực hiện mở rộng quy mô trồng chè, để đưa thương hiệu chè Shan tuyết Kỳ Sơn lên tầm cao mới, đem lại giá trị thu nhập cao cho người dân. Đến nay, diện tích chè trên địa bàn huyện là hơn 600 ha, trong đó 350 ha đã và đang cho khai thác, năng suất đạt bình quân 4 tấn/ha, sản lượng bình quân hàng năm đạt 1.400 tấn, cây chè Shan tuyết đã có tuổi đời trên 20 năm.

Chè Shan tuyết được trồng ở độ cao trên 1.200m - 1.500m so với mực nước biển, nơi mây mù phủ quanh năm của vùng Huồi Tụ - Mường Lống. Ảnh: Thành Cường
Chè Shan tuyết được trồng ở độ cao trên 1.200m - 1.500m so với mực nước biển, nơi mây mù phủ quanh năm của vùng Huồi Tụ - Mường Lống. Ảnh: Thành Cường

“Tiểu vùng khí hậu các xã Huồi Tụ, Na Ngoi, Nậm Càn, Mường Lống rất phù hợp đối với cây chè Shan tuyết, đây là điều kiện quyết định đến chất lượng chè. Nhân dân bắt đầu ý thức được giá trị và lợi ích kinh tế của cây chè Shan tuyết mang lại; trên địa bàn đã có các dự án đầu tư và bắt đầu hình thành vùng chuyên canh để mở rộng vùng trồng, nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế từ cây chè Shan tuyết – Ông Cường cho biết thêm: Do vùng trồng có điều kiện khí hậu, thời tiết phù hợp cho cây chè Shan tuyết bị hạn chế (bởi có sự phân vùng tiểu khí hậu rõ rệt), nên huyện xác định chỉ phát triển diện tích ở những vùng địa hình phù hợp, đảm bảo chất lượng sản phẩm chè”.

Thừa hưởng khí hậu núi cao quanh năm mát mẻ của Kỳ Sơn, với nhiều ngày có mây mù nên chè ở đây búp to, phủ 1 lớp trắng nhẹ như tuyết và cho năng suất khá cao. Ảnh: Thành Cường
Thừa hưởng khí hậu núi cao quanh năm mát mẻ của Kỳ Sơn, với nhiều ngày có mây mù nên chè ở đây búp to, phủ 1 lớp trắng nhẹ như tuyết và cho năng suất khá cao. Ảnh: Thành Cường

Chè Shan tuyết cũng là một trong những loại cây trồng chủ lực được huyện Kỳ Sơn đưa vào danh mục tiếp tục mở rộng diện tích trồng, theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP, trước mắt trong năm nay sẽ phát triển thêm 30- 50 ha trồng mới tại xã Na Ngoi. Năm 2022, hai sản phẩm Trà Shan tuyết Kỳ Sơn và Chè tuyết Shan của HTX nông nghiệp, sản xuất chè hữu cơ xã Huồi Tụ được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Theo bà Đặng Thị Hoa – Giám đốc HTX cho hay, thì do khí hậu và chất đất tốt, nên cây chè Shan tuyết Huồi Tụ hầu như không phải bón phân, chăm sóc, là “chè sạch”, thu hoạch hái hoàn toàn bằng tay; vì vậy chất lượng sản phẩm được khách hàng đánh giá rất cao. Tất cả chè đã qua sơ chế của HTX hiện đã được bao tiêu ở TP. Vinh và nhiều tỉnh, thành trong nước…

Người dân bản Huồi Mũ, xã Huồi Tụ thu hoạch chè Shan tuyết, là 1 trong 6 sản phẩm OCOP của Kỳ Sơn vừa được công nhận đạt OCOP 3 sao. Ảnh: Hoài Thu
Người dân bản Huồi Mũ, xã Huồi Tụ thu hoạch chè Shan tuyết, là 1 trong 6 sản phẩm OCOP của Kỳ Sơn vừa được công nhận đạt OCOP 3 sao. Ảnh: Hoài Thu

Chè Shan tuyết ở Huồi Tụ khi pha uống sẽ có màu vàng đượm như màu của mật ong, không xanh như những loại trà khác, độ thơm không khác biệt với nguyên gốc Shan tuyết cổ thụ mọc tự nhiên ở vùng cao Hà Giang hay Yên Bái. Giá trị đó không phải chè trồng ở vùng nào cũng có được. Khai thác tiềm năng, lợi thế sản vật vùng cao này, Công ty chè Phương Đông – doanh nghiệp có thâm niên trong chế biến, xuất khẩu chè đã “nhắm” đến sản phẩm chè Shan tuyết Kỳ Sơn.

Người dân huyện Kỳ Sơn hái chè Shan tuyết trên độ cao hơn 1.000m. Ảnh: Thành Cường
Người dân huyện Kỳ Sơn hái chè Shan tuyết trên độ cao hơn 1.000m. Ảnh: Thành Cường

Đang mới ở bước thử nghiệm, thăm dò thị trường, nhưng ông Trần Văn Long – Giám đốc nguyên liệu của Công ty chè Phương Đông đã bày tỏ kỳ vọng rất lớn: “Chúng tôi đã làm sản phẩm Hồng trà Shan tuyết, đưa sang chào hàng ở Đài Loan, Hồng Kong và hiện đã được phía Đài Loan chấp thuận hợp tác thu mua, còn Hong Kong đang trong quá trình đánh giá. Nếu vào được 2 thị trường này thì rất đáng mừng, vì đây là những thị trường tiêu thụ rất nhiều sản phẩm hồng trà, với những yêu cầu cực kỳ khắt khe về chất lượng sản phẩm”. Hiện doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền ban đầu, ngoài sản phẩm Hồng trà, đơn vị còn xác định một sản phẩm chủ lực nữa là Chè trà Shan tuyết nguyên búp, để hướng đến thị trường các nước châu Âu, Nhật Bản, Đài Loan.

Năm 2003, lần đầu tiên, cây chè Shan tuyết được Tổng đội TNXP 8 đưa về trồng và giới thiệu với bà con người Mông ở xã Huồi Tụ và Mường Lống. Từ đó, các đồi chè Shan tuyết bắt đầu phủ xanh các nương rẫy phía Tây Bắc huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Thành Cường
Năm 2003, lần đầu tiên, cây chè Shan tuyết được Tổng đội TNXP 8 đưa về trồng và giới thiệu với bà con người Mông ở xã Huồi Tụ và Mường Lống. Từ đó, các đồi chè Shan tuyết bắt đầu phủ xanh các nương rẫy phía Tây Bắc huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Thành Cường

Nhắc đến đặc sản bản địa tại Kỳ Sơn không thể không nhắc đến cây gừng. Với diện tích khoảng 800ha, Kỳ Sơn đang được coi là “thủ phủ” gừng của xứ Nghệ. Từ bao đời nay, gừng đã là cây bản địa được đồng bào các dân tộc huyện Kỳ Sơn trồng trên nương rẫy, với khí hậu và vị trí địa lý đặc trưng nên gừng sinh trưởng và phát triển tốt, hàm lượng tinh dầu cao, thơm nồng mà hiếm có nơi nào sánh được.

Gừng Kỳ Sơn được trồng nhiều ở các bản núi cao, trong đó trồng nhiều nhất là ở xã Na Ngoi với trên 150 ha. Ảnh: Lữ Phú
Gừng Kỳ Sơn được trồng nhiều ở các bản núi cao, trong đó trồng nhiều nhất là ở xã Na Ngoi với trên 150 ha. Ảnh: Lữ Phú

Gừng Kỳ Sơn hiện nay có 2 loại chính là gừng dé và gừng sừng trâu với các đặc điểm khác nhau. Gừng sừng trâu củ to, thân tròn, ít nhánh, vỏ và ruột màu trắng, lõi vàng nhạt, ít xơ có vị cay đậm. Đối với gừng dé có củ nhỏ, thân tròn, nhiều nhánh, mùi thơm nồng đặc trưng, nhiều xơ. Các loại gừng được trồng chủ yếu ở các xã Na Ngoi, Bảo Thắng, Đoọc Mạy, Mường Lống, Huồi Tụ… là các khu vực có địa hình chủ yếu là núi cao trên 700m so với mực nước biển, có nhiều lớp lượn sóng, hiểm trở, độ dốc tương đối lớn. Với khí hậu và điều kiện tự nhiên khác biệt đã tạo nên sản vật gừng Kỳ Sơn nức tiếng.

Gừng Kỳ Sơn được trồng trên rẫy nên chất lượng tốt. Ảnh: Lữ Phú
Gừng Kỳ Sơn được trồng trên rẫy nên chất lượng tốt. Ảnh: Lữ Phú

Ngày 15/11/2019, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 5587/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý số 00077 cho sản phẩm gừng “Kỳ Sơn”. Chỉ 1 năm sau đó, sản phẩm “gừng Kỳ Sơn” đã được tỉnh Nghệ An cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao, cũng là sản phẩm OCOP đầu tiên trên địa bàn huyện. Đó cũng là động lực để địa phương tiếp tục phát triển sản phẩm từ gừng, tạo sự đa dạng cho sản phẩm bản địa này.

Gừng Kỳ Sơn được đồng bào các dân tộc trồng trên các nương rẫy lưng chừng núi. Ảnh: Xuân Hoàng
Gừng Kỳ Sơn được đồng bào các dân tộc trồng trên các nương rẫy lưng chừng núi. Ảnh: Xuân Hoàng

Trong số 800 ha gừng trên địa bàn Kỳ Sơn, thì xã Na Ngoi có diện tích gừng lớn nhất với trên 300ha. Ông Xồng Bá Dênh – Chủ tịch UBND xã Na Ngoi cho biết: Gừng là nông sản cho thu nhập chính đối với bà con trên địa bàn. Từ thời điểm gừng tươi Kỳ Sơn đạt chứng nhận OCOP, thị trường được mở rộng, sức tiêu thụ của gừng tại địa phương cũng tăng cao nên bà con rất phấn khởi. Có thời điểm gừng lên đến 30.000 đồng/kg, bà con nhập gừng có tiền tươi trong ngày, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Thu hoạch gừng ở Kỳ Sơn. Ảnh: Lữ Phú
Thu hoạch gừng ở Kỳ Sơn. Ảnh: Lữ Phú

Ghé thăm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn (HTX Hương Sơn) tại xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, chúng tôi không khỏi bất ngờ về hệ thống chế biến các sản phẩm từ gừng khép kín tại mảnh đất vùng biên này. Từ công đoạn sơ chế, sấy, xay nghiền, đóng gói sản phẩm…đều được bố trí khoa học. Ông Nguyễn Văn Luân – Giám đốc HTX Hương Sơn, cho biết: Năm 2023, đơn vị thu mua khoảng 1.200 tấn gừng cho bà con, do nhu cầu thị trường lớn nên gừng thu hoạch bao nhiêu được bao tiêu bấy nhiêu. Chúng tôi rất vui vì đã bao tiêu được sản phẩm cho bà con cũng như đưa sản phẩm gừng Kỳ Sơn tiếp cận đến nhiều thị trường, quảng bá cho sản phẩm gừng bản địa.

Huyện Kỳ Sơn hiện có 3 sản phẩm OCOP từ gừng. Ảnh: Quang An
Huyện Kỳ Sơn hiện có 3 sản phẩm OCOP từ gừng. Ảnh: Quang An

Được biết, sau khi gừng tươi Kỳ Sơn đạt chứng nhận OCOP 3 sao, HTX Hương Sơn đã đầu tư máy móc thiết bị để mở rộng quy mô sản xuất, chế biến thêm các sản phẩm mới như: Tinh dầu gừng, gừng lát sấy khô, bột gừng… Đến nay, có thêm 2 sản phẩm từ gừng là tinh dầu gừng, bột gừng cũng đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao, đưa các sản phẩm từ gừng đạt OCOP nhiều nhất trên địa bàn huyện so với các nông sản khác. Hiện nay, HTX tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng nghiên cứu sản phẩm dịch nanô gừng, phấn đấu đưa ra thị trường trong thời gian sớm nhất và hoàn tất các thủ tục để chứng nhận thêm sản phẩm OCOP từ gừng.

Gừng được tập kết tại một đơn vị thu mua ở thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Văn Trường
Gừng được tập kết tại một đơn vị thu mua ở thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Văn Trường

Điều đáng mừng là sản phẩm gừng Kỳ Sơn hiện đã vươn ra thị trường trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc và châu Âu. Ông Thò Bá Rê – Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn nhấn mạnh: Thông qua các đơn vị, HTX trên địa bàn, sản phẩm gừng Kỳ Sơn đã được các thương lái tại Vinh, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… thu mua với số lượng lớn hàng năm. Các đơn vị này đã đưa sản phẩm gừng Kỳ Sơn xuất khẩu sang các nước châu Á, châu Âu. Dù sản phẩm gừng chưa trực tiếp xuất khẩu tại Kỳ Sơn tuy nhiên đó cũng là tín hiệu đáng mừng. Hiện nay, gừng đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý và sản phẩm OCOP nên việc xuất khẩu gừng cũng là định hướng của huyện trong tương lai. Động lực để địa phương tiếp tục đầu tư, mở rộng diện tích gừng trên địa bàn, đảm bảo thu nhập cho đồng bào vùng cao cũng như quảng bá nông sản bản địa Kỳ Sơn vươn ra thế giới.

Bên cạnh Chè Shan tuyết và gừng Kỳ Sơn là những sản phẩm OCOP đã khẳng định được vị thế, thì đối với huyện rẻo cao biên giới Kỳ Sơn, những sản phẩm khác như: mận, đào, bò giàng vẫn cần hỗ trợ truyền thông để đến với người tiêu dùng cũng như bao tiêu kịp thời vào chính vụ…

Gừng Kỳ Sơn đã có chỉ dẫn địa lý. Ảnh: Lữ Phú
Gừng Kỳ Sơn đã có chỉ dẫn địa lý. Ảnh: Lữ Phú