Voi rừng kêu cứu: Kỳ 2 – Mang đơn đi kiện… voi rừng

Ngày cuối tháng 2/2023, chúng tôi có mặt tại bản Tăng, xã Nam Sơn – đây là khu vực mà con voi rừng thường xuyên xuất hiện, phá hoại hoa màu của người dân. “Nó mới về cách đây 2 tuần chú ạ. Dịp này lúa chưa trổ bông nên nó không phá hoại nhiều, mà chỉ giẫm đạp một ít diện tích rồi bỏ đi”, ông Lô Văn Luyện – Trưởng bản Tăng cho biết.

Gia đình ông Luyện là một nạn nhân của con voi cái đơn độc này. Khi mà toàn bộ chuối trồng trong vườn bị nó ăn sạch. Ruộng lúa ít ỏi ven khe suối cứ gần đến mùa thu hoạch lại bị voi về ăn, tàn phá. Ông Luyện đành phải giăng thép gai bảo vệ nhưng vẫn không ngăn cản được con voi này. Đây là con voi hoang dã cuối cùng còn sót lại trên địa bàn huyện Quỳ Hợp.

Lúa chưa đến mùa trổ bông, voi chỉ giẫm nát diện tích nhỏ rồi bỏ đi.
Lúa chưa đến mùa trổ bông, voi chỉ giẫm nát diện tích nhỏ rồi bỏ đi.

Ngôi nhà của ông Luyện nằm sát bên Quốc lộ 48C. Theo ông Luyện, trước đây khu vực này là nơi sinh sống của đàn voi rừng đông đúc. Quốc lộ chưa có, đoạn đường qua đây chỉ là tuyến đường mòn. Trong khi đó, xung quanh khu vực này bạt ngàn những cánh rừng nứa – món ăn ưa thích của loài voi. Năm 1990, bố mẹ ông Luyện là hộ đầu tiên từ trung tâm xã di dời đến đây để định cư. Sau đó, nhiều hộ dân khác cũng di chuyển theo. “Thời điểm đó tôi còn nhớ, đàn voi này vẫn còn tới 8 con. Nó thường xuyên xuống vũng nước gần nhà tôi để uống và tắm. Chúng tôi vẫn thường ra trêu đùa, ngày đó chúng vẫn còn hiền lắm”, ông Luyện nhớ lại. Vũng nước đó bây giờ nằm cạnh Quốc lộ 48C, người dân vẫn thường gọi là vũng voi. Bây giờ, dù đàn voi chỉ còn 1 con, nhưng nó vẫn thường xuyên tới vũng nước này để uống.

Khi người dân định cư ở đây ngày càng đông đúc, những cánh rừng nứa cũng thưa thớt dần. Thay vào đó là rẫy lúa, rừng keo, nương sắn… Có vẻ như rừng nứa bị tàn phá, nguồn thức ăn khan hiếm đã khiến cho đàn voi nổi giận. Chúng bắt đầu tàn phá hoa màu, người dân nhiều lần tổ chức xua đuổi nhưng không hiệu quả. Năm 1995, một người phụ nữ khi chứng kiến đàn voi đang ăn dưới ruộng lúa sắp đến kỳ thu hoạch của gia đình đã liều lĩnh chạy xuống để xua đuổi. Tuy nhiên, người này không may đã bị đàn voi quật chết. Sau đó, đàn voi tiếp tục tấn công một người khác nhưng nạn nhân may mắn thoát chết.

Theo các bậc cao tuổi, có vẻ như lo sợ người dân trả thù sau lần quật chết người, đàn voi đã chấp nhận nhường lại địa bàn sinh sống quen thuộc của mình cho con người để di chuyển đến vùng đất khác. Chúng dắt díu nhau băng qua địa bàn các xã Châu Lý, Châu Đình để tới những cánh rừng thuộc địa phận các xã Văn Lợi, Hạ Sơn. Khu vực này cách địa bàn cũ của chúng chừng 40km.

Vài năm sau, người dân bản Tăng lại thấy voi xuất hiện trở lại. Tuy nhiên, lần này chỉ còn con voi cái duy nhất. “Không rõ sang bên Văn Lợi và Hạ Sơn bị người ta sát hại hay bỏ đi đâu mất mà từ 8 con sau chỉ còn 1 con quay trở lại. Nó tiếp tục sinh sống trên địa bàn cũ”, ông Lô Văn Luyện nhớ lại. Lần trở về, con voi cái này mang theo dị tật ở bàn chân sau. Theo người dân nhận định, có thể là vết thương sau một lần bị sập bẫy. Kể từ đó, con voi cái sinh sống đơn độc, thường xuyên về bản làng 2 xã Nam Sơn và Bắc Sơn quấy phá.

Cận cảnh một con voi rừng ở Nghệ An.
Cận cảnh một con voi rừng ở Nghệ An.

Cách nhà ông Luyện không xa, nhiều năm nay cuộc sống của gia đình bà Lương Thị Danh (bản Tăng, xã Nam Sơn), cũng bị đảo lộn chỉ vì con voi cái này. Đây là hộ dân bị thiệt hại nặng nề nhất do con voi gây ra. “Nó về nhà này suốt. Có tháng nó về 5 lần. Ăn ngủ cũng chẳng yên”, bà Danh nói, chỉ tay vào tấm phên bên hông nhà sàn vừa bị con voi giật sập.

Không chỉ ăn hết chuối trong vườn, gần đây bà Danh chẳng dám để thực phẩm hớ hênh ở ngoài, mà phải giấu kỹ trên nhà sàn vì sợ voi ăn mất. Cách đây không lâu, hũ măng chua bà vừa muối cùng với 2 bì cám ngô gác trên nhà sàn nhưng cũng bị voi dùng vòi kéo xuống ăn hết. Có đêm, bà Danh thức giấc, nhìn ra trước sân thì hoảng hồn khi phát hiện con voi đang đùa giỡn với quả bóng. “Nó toàn về ban đêm. Cứ nghe thấy chó sủa là y như rằng voi lại về. Nó không tấn công người đâu. Nó chỉ về tìm thức ăn và có vẻ như sống một mình cô độc, buồn nên muốn về nhà dân hơn. Dù vậy thì chúng tôi vẫn sợ, biết đâu nó giở chứng giận dữ, quay qua tấn công người. Vì thế mà nhiều đêm phải thức trắng vì nó quấy”, bà Danh kể.

Nhiều đêm thức giấc, bà Danh hoảng hồn khi thấy con voi đứng thừng thững trước sân nhà.
Nhiều đêm thức giấc, bà Danh hoảng hồn khi thấy con voi đứng thừng thững trước sân nhà.

Mỗi lần voi đi qua bản, những ruộng lúa, rẫy mía của người dân lại tan nát. Phần vì bị voi ăn, phần thì bị nó giẫm đạp. Để ngăn chặn voi, nhiều hộ dân làm hàng rào quấn thép gai bảo vệ nhà, bảo vệ ruộng nhưng biện pháp đó vẫn không có hiệu quả. Những lần voi di chuyển, nó phá luôn cả thép gai. Đầu tháng 6/2022, con voi rừng trong lúc về bản bỗng dưng giận dữ, đã cùng lúc quật chết 2 con bò của bà Danh. Xác con bò mẹ được voi để lại nhưng con bò nhỏ thì bị nó cắp theo, mang vào rừng sâu. Sau vụ việc đó, bà Danh cùng nhiều hộ dân khác đã nhiều lần đề nghị với chính quyền địa phương có biện pháp di chuyển con voi đi nơi khác đồng thời hỗ trợ thiệt hại cho người dân. Tuy nhiên, đến nay những đề nghị này vẫn chưa được thực hiện.

Trong khi đó, tại hội nghị giữa kỳ Dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Nghệ An diễn ra vào năm 2018, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng đã có kết luận bằng văn bản, giao chính quyền địa phương nơi có voi sinh sống “trong trường hợp có sự phá hoại của voi về hoa màu, tài sản cần kịp thời đánh giá, đề xuất UBND tỉnh các giải pháp hỗ trợ”.

Về vấn đề này, ông Lương Văn Biết – Chủ tịch UBND xã Nam Sơn cho biết, xã nhận được nhiều đơn của người dân. Sau khi tiếp nhận ý kiến của người dân, năm 2022 xã đã 2 lần làm báo cáo gửi lên UBND huyện Quỳ Hợp. Tuy nhiên, đến nay việc hỗ trợ thiệt hại cũng như di chuyển con voi chưa được triển khai.

Bà Danh chỉ vào vũng nước voi thường về uống. Vì thế mà vũng nước này được gọi là vũng voi.
Bà Danh chỉ vào vũng nước voi thường về uống. Vì thế mà vũng nước này được gọi là vũng voi.

Lãnh đạo huyện Quỳ Hợp xác nhận, huyện thường xuyên nhận được các văn bản của 2 xã Nam Sơn và Bắc Sơn về việc voi rừng thường xuyên phá hoại cây cối, hoa màu. Theo đó, hàng năm cứ đến mùa lúa chín, chuẩn bị thu hoạch thì voi thường xuất hiện ở nương vườn ở bản Hiêng, bản Mánh, bản Vi, bản Pục Nháo (xã Bắc Sơn) và bản Tăng (xã Nam Sơn). Voi di chuyển qua nhiều vùng, nhiều nương vườn, phá hoại hoa màu, lúa, cây keo, làm ảnh hưởng đến kinh tế và đời sống người dân.

UBND huyện Quỳ Hợp sau đó đã lập đoàn kiểm tra. Kết quả cho thấy, diện tích cây cối, hoa màu bị voi phá hoại đúng như báo cáo của các xã Nam Sơn, Bắc Sơn phản ánh. Theo kiểm kê của huyện Quỳ Hợp, chỉ riêng trong năm 2021, thiệt hại con voi rừng này gây ra đối với người dân 2 xã Bắc Sơn và Nam Sơn là 130 triệu đồng. Năm 2022, địa phương chưa có thống kê thiệt hại, nhưng chỉ riêng 2 con bò của nhà bà Danh cũng đã khoảng 30 triệu đồng.

Ông Quán Vi Giang – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết, huyện sau đó đã có các báo cáo gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó đã đề xuất các sở, ban, ngành kiểm tra, xem xét phương án di dời voi sang Vườn quốc gia Pù Mát là khu vực rộng lớn và có chức năng bảo tồn động vật hoang dã. Đồng thời xem xét có chính sách hỗ trợ cho người dân 2 xã Bắc Sơn và Nam Sơn bị thiệt hại do voi rừng gây ra.

Khu vực voi thường xuất hiện ở bản Mánh, xã Bắc Sơn (Quỳ Hợp) Ảnh tư liệu: Thành Cường
Khu vực voi thường xuất hiện ở bản Mánh, xã Bắc Sơn (Quỳ Hợp) Ảnh tư liệu: Thành Cường

Ngày 29/6/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản phản hồi các đề xuất của UBND huyện Quỳ Hợp. Trong đó, về việc di chuyển voi rừng, lãnh đạo sở cho biết, chưa thể thực hiện được do nhiều nguyên nhân. Còn về vấn đề hỗ trợ, sở đề nghị UBND huyện Quỳ Hợp lập hồ sơ chi tiết trình UBND tỉnh và Sở Tài chính để có hỗ trợ cho nhân dân bị thiệt hại theo đúng các quy định của tỉnh. Tuy nhiên, cho đến nay đã 8 tháng trôi qua, việc này vẫn chưa được triển khai.