Kinh tế dưới tán rừng – Bài 1: Tiềm năng khai thác tín chỉ carbon

Khu vực miền Tây Nghệ An chiếm 84% diện tích cả tỉnh, với 1,4 triệu ha, có đặc điểm địa hình miền núi cao, là lợi thế để phát triển nhiều ngành nghề thuộc nhiều lĩnh vực như: kinh tế rừng (khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng), trồng dược liệu, sản xuất nông sản sạch (chăn nuôi, trồng trọt), phát triển du lịch… Diện tích rừng của Nghệ An chủ yếu phân bố ở 11 huyện, thị xã miền Tây, đặc biệt là khu vực phía Tây Nam, là điều kiện để phát huy tiềm năng lớn trong việc khai thác tín chỉ carbon.

Khu vực miền Tây Nghệ An chiếm 84% diện tích cả tỉnh. Ảnh: google.maps
Khu vực miền Tây Nghệ An chiếm 84% diện tích cả tỉnh. Ảnh: google.maps

Một trong các nguồn thu nhập từ tài nguyên rừng mà khu vực Tây Nam Nghệ An có thể xác định trong tương lai gần là thực hiện chính sách về môi trường, bán tín chỉ carbon. Việc mua bán tín chỉ carbon có thể được thực hiện bởi một cá nhân với khối lượng vài tấn cho đến vài tỷ tấn của một quốc gia, đối tác cần tín chỉ. Do vậy, các chủ rừng có thể thu được nguồn kinh phí từ các đối tác cần tín chỉ carbon trong tỉnh, trên toàn quốc và trên toàn cầu…

Để tiến tới có thể thực hiện bán tín chỉ carbon, điều quan trọng là việc thực hiện các chính sách khoanh nuôi, bảo vệ rừng của các chủ rừng, người dân. Đơn cử tại bản Bủng Xát, xã Châu Khê (Con Cuông), Trưởng bản Lương Văn Kim cho biết, từ lâu nguồn thu từ khoanh nuôi, bảo vệ rừng đã trở thành thu nhập quan trọng của bà con. Bản Bủng Xát có nhiều gia đình khoanh nuôi, bảo vệ rừng như các hộ: Vi Thị Nhân, Kha Văn Phòng, Kha Văn Cảnh, Lô Văn Kỳ, Lương Văn Thương, Lương Văn Chanh, Ngân Văn Tình… Chỉ dẫn cho khách về khoảnh rừng của gia đình nhận bảo vệ, bà Vi Thị Nhân cho biết, diện tích vườn và rừng của gia đình khoảng 5 ha, trong đó, có một nửa trồng lúa, một nửa khoanh nuôi, bảo vệ. Trước đây trồng dặm mét, keo dưới tán rừng và duy trì cho đến nay, kết hợp với bảo vệ các vùng rừng tự nhiên, lấy ngắn nuôi dài nên bà cũng khá yên tâm thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong bảo vệ rừng.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm Con Cuông trao đổi với người dân xã Châu Khê về kiểm kê rừng chuẩn bị đón tín chỉ carbon. Ảnh: Hoài Thu
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Con Cuông trao đổi với người dân xã Châu Khê về kiểm kê rừng chuẩn bị đón tín chỉ carbon. Ảnh: Hoài Thu

“Nhiều năm trước, người dân trong bản phát nương, làm rẫy luân canh, sau này Nhà nước cấm phát nương, làm rẫy, cấm chặt phá rừng nên người dân chỉ trồng xen keo, mét vùng giáp ranh hoặc dưới tán rừng và nhận khoanh nuôi, bảo vệ rừng tự nhiên. Hiện nay, tiền được chi trả từ bảo vệ gần 3 ha rừng của bà chưa đến 1 triệu đồng/năm, không bằng tiền khai thác các cây trồng xen dưới tán rừng. Nghe nói sắp tới có thêm nguồn chi phí hỗ trợ cho những người bảo vệ rừng, bà chưa biết cụ thể là được bao nhiêu tiền, nhưng thấy các cán bộ đã thông báo rà soát lại các chủ rừng tham gia bảo vệ để làm thủ tục nên cũng vui lắm”, bà Vi Thị Nhân cho biết.

Hộ bà Vi Thị Nhân cũng như hàng nghìn gia đình khác trên địa bàn 9 thôn, bản của xã Châu Khê phần lớn đều tham gia khoanh nuôi, bảo vệ rừng và trồng rừng. Riêng năm 2023, người dân xã Châu Khê đã trồng mới được khoảng 86 ha rừng (chủ yếu là cây keo nguyên liệu), nâng độ che phủ rừng đến thời điểm hiện tại đạt 96,08% trên tổng diện tích tự nhiên hơn 44.000 ha. Hoạt động này không chỉ góp phần giữ độ che phủ rừng của huyện Con Cuông ở tốp cao nhất tỉnh, mà còn mang lại nguồn thu nhập cho người dân và các chủ rừng là tập thể, cộng đồng.

Một góc bản Bủn Xát, xã Châu Khê (Con Cuông). Ảnh: Hoài Thu
Một góc bản Bủn Xát, xã Châu Khê (Con Cuông). Ảnh: Hoài Thu

Năm 2023, người dân 9 thôn, bản của xã Châu Khê được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng hơn 676 triệu đồng. Trong đó, chi trả dịch vụ môi trường rừng cho hộ gia đình, cá nhân là gần 386 triệu đồng; tập thể các thôn, bản hơn 290 triệu đồng. Các cá nhân, tập thể nhận khoán bảo vệ rừng tự nhiên tại các bản Châu Sơn (Khe Nóng), bản Bu, bản Nà được chi trả hơn 334 triệu đồng; các tổ bảo vệ rừng cộng đồng bản Châu Sơn, bản Bu, bản Nà, bản Bủng Xát, bản Diềm cũng được nhận số tiền hơn 8 triệu đồng.

Ngoài những nguồn thu đáng kể trên, người dân bản Bủng Xát cũng như những hộ, tập thể nhận khoanh nuôi, bảo vệ rừng tự nhiên sẽ được hưởng thêm một khoản tiền khác từ bán tín chỉ carbon. Cụ thể, ngày 7/1/2022, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Nghị định này có quy định cụ thể về lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước. Hiện Việt Nam đang thực hiện các bước chuẩn bị cho việc vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon bắt đầu từ năm 2025 và đến năm 2028 sẽ hoạt động chính thức.

Đồ họa: H.Q
Đồ họa: H.Q

Tháng 10/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) – cơ quan nhận ủy thác của Quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp (FCPF), ký kết Thỏa thuận chi trả giảm phát thải Chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA). Với Thỏa thuận này, Việt Nam chuyển nhượng cho FCPF 10,3 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế giai đoạn 2018-2024. FCPF sẽ thanh toán cho dịch vụ này là 51,5 triệu USD.

Bảo vệ rừng là nguồn thu nhập của đồng bào các dân tộc. Ảnh: Quang An
Bảo vệ rừng là nguồn thu nhập của đồng bào các dân tộc. Ảnh: Quang An

Để người giữ rừng của Nghệ An được hưởng khoản thu nhập từ bán tín chỉ carbon, hiện nay, các cấp, ngành cần làm tốt công tác “hậu cần” chuẩn bị hồ sơ đủ điều kiện để giải ngân nguồn quỹ mà Ngân hàng Thế giới đã chuyển. Tại huyện Con Cuông, ông Lô Văn Lý – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, huyện đã nắm bắt được tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh tại Kế hoạch số 124/KH-UBND ngày 22/2/2024 của UBND tỉnh về triển khai Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) trên địa bàn tỉnh.

Ngay sau khi nhận được công văn, UBND huyện Con Cuông đã có Công văn số 294/UBND-NN về việc giao nhiệm vụ chỉ đạo lập kế hoạch triển khai Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính trên địa bàn huyện. Trong các nội dung triển khai, huyện chú trọng việc tuyên truyền, phổ biến chính sách về chi trả kinh phí bán tín chỉ carbon; lập kế hoạch chi trả theo đúng hướng dẫn; thẩm định kế hoạch tài chính hàng năm, trước mắt là năm 2024 cho UBND các xã và tổ chức được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng.

Lãnh đạo UBND tỉnh thăm mô hình trồng sâm của Tập đoàn TH tại xã Na Ngoi (Kỳ Sơn). Ảnh: Hoài Thu
Lãnh đạo UBND tỉnh thăm mô hình trồng sâm của Tập đoàn TH tại xã Na Ngoi (Kỳ Sơn). Ảnh: Hoài Thu

Cũng như huyện Con Cuông, các địa phương có “đối tượng” thuộc diện được nhận kinh phí chi trả từ bán tín chỉ carbon đều đang bắt tay thực hiện các khâu “hậu cần” để đón nguồn thu lớn từ mặt hàng đặc biệt này. Ông Thái Minh Hiệp – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Con Cuông cũng khẳng định, đơn vị đã nhận được kế hoạch của UBND huyện và đang xây dựng kế hoạch thực hiện theo chức năng, thẩm quyền, trong đó, chủ yếu là kiểm kê lại hiện trạng giao đất, giao rừng.

Một trong các khâu quan trọng để hoàn thiện hồ sơ chi trả trong giao dịch tín chỉ carbon đó là lập danh sách chủ rừng được nhận chi trả kinh phí đúng thời hạn. Để đảm bảo thời gian chi trả cho các chủ rừng theo đúng thời gian quy định, chậm nhất ngày 31/12/2026, theo chia sẻ của các địa phương, còn rất nhiều bước thủ tục cần phải hoàn thành theo yêu cầu về hồ sơ giải ngân. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được UBND tỉnh giao các sở, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện là lập danh sách các đối tượng được hưởng tiền giảm phát thải khí nhà kính. Danh sách này do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, dựa trên căn cứ quyết định công bố diễn biến rừng hàng năm của UBND tỉnh để trình UBND tỉnh phê duyệt.

Mô hình trồng rừng của anh Vừ Vả Chống ở bản Trung tâm xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn). Ảnh tư liệu: Duy Thành
Mô hình trồng rừng của anh Vừ Vả Chống ở bản Trung tâm xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn). Ảnh tư liệu: Duy Thành

Để lập danh sách đối tượng hưởng lợi từ nguồn ERPA, chủ rừng là tổ chức cần phải rà soát đối tượng đảm bảo diện tích rừng tự nhiên khoán bảo vệ rừng từ nguồn ERPA không trùng với diện tích khoán bảo vệ rừng có sử dụng nguồn kinh phí của ngân sách Nhà nước và đảm bảo nguyên tắc “hợp lý, không chồng chéo với các khoản chi khác của ngân sách Nhà nước”; thực hiện việc ký hợp đồng nguyên tắc giao khoán quản lý, bảo vệ rừng đối với cộng đồng dân cư.

Tiếp đó, thực hiện rà soát, thống kê xác định diện tích rừng tự nhiên hiện có của từng chủ rừng để làm cơ sở cho việc lập Kế hoạch tài chính hàng năm. Để thực hiện nội dung này, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng xây dựng biểu mẫu thu thập thông tin chủ rừng để thực hiện việc chi trả theo quy định.

Nhờ bảo vệ rừng tự nhiên tốt đã tạo nguồn sinh thủy dồi dào cho người dân xã Nậm Giải (Quế Phong) đào ao nuôi cá. Ảnh: Xuân Hoàng
Nhờ bảo vệ rừng tự nhiên tốt đã tạo nguồn sinh thủy dồi dào cho người dân xã Nậm Giải (Quế Phong) đào ao nuôi cá. Ảnh: Xuân Hoàng

Lãnh đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Nghệ An cũng cho biết, ngay sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) ký Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA), Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã phối hợp với các đoàn chuyên gia, tư vấn khả năng thực hiện Thỏa thuận tại Nghệ An và được Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế đánh giá khá tốt.

Song song với đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cũng cử cán bộ tham gia các khóa tập huấn về “Thị trường giao dịch carbon nội địa – ETS” do Ban Quản lý dự án hỗ trợ kỹ thuật “Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học” VFBC Trung ương tổ chức. Đồng thời, cập nhật các kiến thức cơ bản về cách thức vận hành, giao dịch hạn ngạch phát thải, tín chỉ carbon trên sàn giao dịch của thị trường carbon nội địa quy định tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone; Các kiến thức về giảm phát thải khí nhà kính; Công tác kiểm kê khí nhà kính; Giá carbon và hạn ngạch trong thị trường carbon nội địa; Phần mềm mô phỏng sàn giao dịch carbon (CarbonSim) và nhiều nội dung liên quan khác…

Rừng Nghệ An được bảo vệ tốt. Ảnh: Quang An
Rừng Nghệ An được bảo vệ tốt. Ảnh: Quang An