Bài 3: Lươn đồng “đi” container; đèn lồng 5 sao có mặt ở 34 nước

Lươn đồng – Một món ăn mang đậm nét ẩm thực của vùng nông thôn Nghệ An, được chế biến thành nhiều món ngon như: lươn om chuối đậu, lươn cuộn sả ớt, lươn xào… nhưng phổ biến và được ưa chuộng hơn cả vẫn là súp lươn, cháo lươn. Từ món ăn của những buổi “ngày Ba, tháng Tám” khi nông nhàn, nông dân mang ống đụt đi đặt, đi câu để bữa cơm có thêm “chất tươi” dần dà lươn trở thành đặc sản của làng quê xứ Nghệ. Và rồi, cháo lươn, súp lươn bước lên hàng mỹ vị, thành món ngon riêng có của Nghệ An, là mong muốn được thưởng thức của khách xa khi về với Nghệ An.

Hiện sản phẩm súp, miến lươn của NAP Food có mặt trên thị trường các nước EU. Ảnh: T.P
Hiện sản phẩm súp, miến lươn của NAP Food có mặt trên thị trường các nước EU. Ảnh: T.P

Người Nghệ xa quê, dù sang tận trời Tây, ở nơi đất khách quê người, trong nỗi nhớ quê, bao giờ cũng phảng phất mùi vị của món súp lươn cay, của bát cháo lươn nghi ngút khói quyện với mùi hành tăm quyến rũ. Để thỏa nỗi nhớ món quê, nhiều người cấp đông lươn để mang đi, thi thoảng thưởng thức nhưng tiếc là không còn trọn vị. Chính điều này, đã thôi thúc CEO trẻ tuổi Trần Hà Nhung của Công ty TNHH Phát triển ẩm thực NAP Food đã mày mò, nghiên cứu cho ra đời dòng sản phẩm miến, cháo, súp lươn ăn liền mang thương hiệu NAP Food (Tự hào Nghệ An).

Sơ chế lươn. Ảnh: T.P
Sơ chế lươn. Ảnh: T.P

Từ những sản phẩm thử nghiệm, làm ra chỉ để gửi người thân, bạn bè dùng. “Ban đầu chỉ là những thùng hàng xách tay do bạn bè, người thân của mình mang ra nước ngoài để ăn, sau đó, từ những người thân này đã lan tỏa ra cộng đồng xung quanh. Việt kiều, người nước ngoài “ăn thử” thấy ngon, thấy hợp khẩu vị nên ngỏ ý muốn đặt hàng. Nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của khách nên công ty đã tìm hiểu, kết nối với các công ty, hệ thống cửa hàng, siêu thị ở các nước để ký kết hợp đồng xuất khẩu, phân phối”, CEO Trần Hà Nhung chia sẻ. Và từ tháng 6/2021, các sản phẩm lươn đóng gói ăn liền của NAP Food đã được xuất khẩu sang Úc, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản với số lượng 12-15 container/năm…

Đóng gói lươn ăn liền xuất khẩu. Ảnh: T.P
Đóng gói lươn ăn liền xuất khẩu. Ảnh: T.P

Đến nay, các sản phẩm chế biến từ lươn của NAP Food của Nghệ An đã chinh phục thị trường trong nước và ký kết được nhiều hợp đồng xuất khẩu ra nước ngoài. Cụ thể, hiện nay, các sản phẩm từ lươn của NAP Food đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Úc, Nhật Bản, Cộng hoà Séc, Mỹ và hiện đang đàm phán thương mại để xuất khẩu sang Trung Quốc, Singapore. Ngoài ra, cháo, súp, miến lươn còn có mặt ở Anh, Pháp, Hàn Quốc theo đường tiểu ngạch. Trung bình mỗi năm, NAP Food xuất đi trên 2 triệu sản phẩm như súp, miến, cháo lươn ăn liền đóng gói ra nước ngoài, đem về doanh thu hàng chục tỷ đồng.

Sơ chế để làm sản phẩm miến lươn xuất khẩu. Ảnh: T.P
Sơ chế để làm sản phẩm miến lươn xuất khẩu. Ảnh: T.P

Để có được “quả ngọt” đó là điều không hề đơn giản, ngoài nỗ lực để đạt chuẩn 3 sao OCOP là giấy “thông hành” thì để xuất khẩu, nhất là vào các thị trường “khó tính” như EU, Mỹ… đòi hỏi phải có sự đầu tư đột phá cả về chất lượng lẫn mẫu mã, vượt qua những kiểm định khắt khe. Chị Trần Hà Nhung cho biết: “Dư địa xuất khẩu của đặc sản lươn Nghệ An sang các nước này rất lớn, rất tiềm năng. Việc xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ lươn của Công ty NAP Food sang thị trường EU được coi là một bước tiến vượt bậc. Bởi đây là thị trường đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm, nhãn mác, đặc biệt vệ sinh an toàn thực phẩm và các hàng rào kỹ thuật khác”.

Ký kết xuất khẩu lươn ăn liền sang Nhật Bản. Ảnh: T.P
Ký kết xuất khẩu lươn ăn liền sang Nhật Bản. Ảnh: T.P

Do đó, ngoài khâu tuyển chọn nguyên liệu tươi ngon, không tồn dư hoá chất, lươn phải chuẩn lươn đồng; gạo làm miến, làm cháo phải là gạo quê, củ hành tăm, củ nghệ làm gia vị cũng phải chuẩn vị quê. Đặc biệt, quá trình chế biến, công ty đã ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất để các món lươn không mất đi hương vị đặc trưng như sấy lạnh, tách nước… nhờ vậy, các sản phẩm lươn đóng gói, ăn liền của NAP Food vẫn giữ được hương vị đặc trưng, chuẩn vị đặc sản Nghệ An. Bên cạnh đó, bản thân chủ thể OCOP cũng phải có chiến lược quảng bá, tiếp thị sản phẩm và đẩy mạnh xúc tiến thương mại bằng nhiều cách, kết nối với thị trường nước ngoài bằng các kênh khác nhau.

Lươn sấy khô của NAP; Lươn đồng được chế biến thành sản phẩm lươn ăn liền 3 sao OCOP; Gia vị làm lươn ăn liền. Ảnh: T.P
Lươn sấy khô của NAP; Lươn đồng được chế biến thành sản phẩm lươn ăn liền 3 sao OCOP; Gia vị làm lươn ăn liền. Ảnh: T.P

Đầu tháng 4/2023, tin vui đến với Nghệ An khi sản phẩm đèn lồng treo mây tre của Công ty TNHH Đức Phong (xã Nghi Phú, TP.Vinh) được công nhận 5 sao OCOP Quốc gia. Không giấu được niềm vui, tự hào, ông Thái Đại Phong – Giám đốc công ty cho biết: “Từ một sản phẩm của làng nghề truyền thống nay là sản phẩm duy nhất của Nghệ An đạt 5 sao OCOP. Chứng nhận 5 sao OCOP không chỉ là “tấm hộ chiếu thông hành” giúp sản phẩm đèn lồng lưu thông trên thị trường quốc tế, mà còn là chứng chỉ cao nhất thể hiện sự công nhận của quốc gia đối với sản phẩm OCOP. Việc đạt chứng chỉ này là mở rộng cơ hội để chúng tôi tiếp cận đối tác mới, thị trường mới với một vị thế mới.

Ông Thái Đại Phong - người đưa đèn lồng mây tre 5 sao OCOP xuất khẩu. Ảnh: T.P
Ông Thái Đại Phong - người đưa đèn lồng mây tre 5 sao OCOP xuất khẩu. Ảnh: T.P

Để sản phẩm đèn lồng mây tre – một sản phẩm truyền thống của làng quê Nghệ An vươn ra xuất ngoại là cả một câu chuyện dài, trải qua hàng chục năm bền bỉ gắn bó tâm huyết của một cựu chiến binh từng có thời gian mưu sinh ở xứ người – ông Thái Đại Phong. “Sau thời gian dài lao động ở nước Đức, trở về quê hương tìm kế sinh nhai với nghề mây tre đan truyền thống song khó khăn tứ bề khi đầu ra sản phẩm không có, thu nhập thấp, người dân bỏ nghề. Lúc đó, những năm 2000, tôi đã nghĩ đến chuyện đưa sản phẩm mây tre xuất khẩu. Song, để xuất khẩu thì vấn đề mẫu mã, chất lượng sản phẩm, tiêu chí xuất xanh phải đặt lên hàng đầu”, ông Thái Đại Phong nhớ lại.

Mây tre tại hội thảo. Ảnh: T.P
Mây tre tại hội thảo. Ảnh: T.P

Kiên trì nghiên cứu, ý chí thực hiện bằng được mục tiêu xuất khẩu, thế nên vị giám đốc này không ngần ngại chi tiền để mở các lớp tập huấn cho những người thợ đan lát ở làng được cập nhật kiến thức, mẫu mã phù hợp với thị trường. Bên cạnh đó, công ty đã áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Đó là công đoạn khử trùng chống mọt, đầu tư mua sắm máy móc thiết bị. Đến năm 2007, công ty đã thực hiện quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 và được tổ chức quốc tế cấp chứng chỉ phù hợp năm 2008. Việc quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn vào sản xuất giúp công ty giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Cùng với đó, ông liên kết với người dân Quỳ Châu, Quế Phong để xây dựng vùng nguyên liệu tre lùng bền vững, ổn định, chất lượng, có chứng chỉ FSC.

Sản xuất đèn lồng treo mây tre tại Công ty TNHH Đức Phong; Vùng nguyên liệu tre lùng cho mây tre đan Đức Phong. Ảnh: T.P
Sản xuất đèn lồng treo mây tre tại Công ty TNHH Đức Phong; Vùng nguyên liệu tre lùng cho mây tre đan Đức Phong. Ảnh: T.P

Công ty cũng tham gia nhiều hội chợ trong nước và quốc tế, từ đó học hỏi, nghiên cứu marketing sản phẩm. “Trong kinh doanh, nhất là nghề truyền thống thì việc phát triển vùng nguyên liệu gắn với chiến lược phát triển thị trường và xây dựng thương hiệu trong nước và quốc tế là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Các sản phẩm mây tre đan Đức Phong luôn có sự kết hợp hài hòa giữa nét truyền thống và hiện đại, giữ được nét tinh tế, độc đáo, thể hiện nét tài hoa của nghệ nhân làm mây tre đan Nghệ An. Đạt đến 5 sao vốn không cần lời hoa mỹ nữa, bởi đó thành quả, niềm tự hào không chỉ của xứ Nghệ. Hiện sản phẩm đèn lồng treo mây tre của công ty có mặt tại thị trường 34 nước trên thế giới”- ông Thái Đại Phong cho biết.

Đèn lồng mây tre Đức Phong hiện có mặt tại 34 nước trên thế giới. Ảnh: T.P
Đèn lồng mây tre Đức Phong hiện có mặt tại 34 nước trên thế giới. Ảnh: T.P

Bánh đa vừng cũng là thức quà quê của người dân vùng Đô Lương, Thanh Chương. Những tấm bánh làm từ hạt gạo, hạt vừng trồng trên đồng đất quê nhà, theo các bà, các mẹ có mặt ở những phiên chợ quê, cũng chỉ là thức quà ăn “chơi” của người dân quê, là kế mưu sinh của một vài hộ làm nghề ở quê. Không ai nghĩ rằng, chiếc bánh đa vừng dân dã ấy lại trở thành sản phẩm OCOP, được gắn sao, có mã vạch, được “khoác áo” bằng hộp giấy sang trọng, đẹp mắt và có ngày xuất khẩu sang tận Nhật Bản, Đài Loan, Úc… Đó chính công sức, nỗ lực không ngừng của đôi bạn trẻ 9X Nguyễn Ngọc Phương và Nguyễn Bá Thắng (xã Nhân Sơn, huyện Đô Lương) – những người đã lựa chọn khởi nghiệp bằng chính sản vật địa phương là bánh đa vừng. “Bánh đa là đặc sản của người dân quê tôi, Đô Lương có hẳn làng nghề bánh đa trăm năm tuổi; song, tôi từng chứng kiến người dân làng tôi lam lũ trên đồng, làm ra hạt gạo, hạt vừng; rồi vất vả xay bột, mướt mồ hôi tráng từng chiếc bánh, lại mất công phơi khô. Rồi chính họ, phải oằn lưng gánh bánh đi chợ, quạt bánh và bán lẻ cho khách muôn nơi. Và nếu chỉ như vậy thì bánh đa chỉ dừng lại là một nghề truyền thống”, anh Nguyễn Bá Thắng bộc bạch.

Dây chuyền nhà xưởng bánh đa Lương Sơn (huyện Đô Lương). Ảnh: T.P
Dây chuyền nhà xưởng bánh đa Lương Sơn (huyện Đô Lương). Ảnh: T.P

Thế nên, khi lựa chọn khởi nghiệp bằng sản vật địa phương, Phương và Thắng quyết tâm “đổi đời” cho bánh đa vừng. Đôi bạn trẻ 9X đã đầu tư nhà xưởng hiện đại, các công đoạn từ làm bột, tráng bánh, phơi bánh đều được tự động hóa bằng dây chuyền, máy móc với sản lượng lên đến 40 triệu bánh/năm, tạo việc làm cho 50 lao động địa phương. Năm 2020, sản phẩm bánh đa vừng Lương Sơn được công nhận 3 sao OCOP cấp tỉnh, được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, Phương và Thắng xác định đó chính là đòn bẩy, là nền tảng bước đầu để hiện thực hoá giấc mơ đưa bánh đa làng vươn ra thế giới. Một mặt, họ nỗ lực nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, đầu tư bao bì. Mặt khác, để tìm đầu ra cho sản phẩm, ngoài mở rộng thị phần trong nước, thời gian qua, Phương và Thắng đã tìm mọi cách để kết nối, tiếp thị sản phẩm bánh đa ra các nước. Ban đầu, thông qua con em địa phương đi xuất khẩu lao động, bánh đa vừng – đặc sản của Đô Lương được xuất khẩu bằng con đường tiểu ngạch, chủ yếu sang thị trường Đài Loan, Thái Lan.

Sản xuất bánh đa Lương Sơn. Ảnh: T.P
Sản xuất bánh đa Lương Sơn. Ảnh: T.P

Năm 2021, thông qua một công ty đối tác trong hội nhóm hàng xuất khẩu, những chiếc bánh đa đầu tiên của Đô Lương được xuất sang thị trường Nhật Bản với số lượng nửa container. Anh Nguyễn Ngọc Phương cho biết: “Thị trường Nhật Bản đòi hỏi sản phẩm rất khắt khe, từ truy xuất nguyên liệu đầu vào, chất lượng, mẫu mã, trọng lượng chính xác đến từng gram, đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong năm 2022, công ty đã xuất sang Nhật Bản 1 triệu chiếc bánh đa vừng, giá trị 2,2 tỷ đồng, được phân phối ở các siêu thị, đại lý tạp hoá ở Nhật. Đây chính là hướng mở để bánh đa Đô Lương “rộng đường xuất ngoại”, vươn đến thị trường các nước khác. Trung tuần tháng 9/2023, phía đối tác Mỹ đã chấp thuận nhập bánh đa Lương Sơn vào hệ thống bán lẻ ở Mỹ và sắp tới, chúng tôi sẽ mở rộng xuất khẩu sang Hàn Quốc và các nước châu Âu. Hiện nay, không chỉ bánh đa, mà bánh chưng Đô Lương, Yên Thành cũng được xuất đi tiểu ngạch góp phần tăng doanh thu và việc làm cho người Nghệ.

Đóng gói xuất khẩu bánh đa Lương Sơn (huyện Đô Lương). Ảnh: T.P
Đóng gói xuất khẩu bánh đa Lương Sơn (huyện Đô Lương). Ảnh: T.P