Bài 1: Khai thác “kho báu” bản địa

Chẳng hoa mỹ khi nói chè hoa vàng là “hoàng trà”, “nữ hoàng” của các loại trà ở Việt Nam và may mắn khu vực miền Tây xứ Nghệ, cụ thể là huyện Quế Phong có loại chè độc đáo này. Những bông hoa quý màu vàng ấy với những lớp cánh ken dày, nhụy vàng đậm, cho hương thơm và giá trị cao đối với sức khoẻ…

Chè hoa vàng, đặc sản riêng có của Quế Phong. Ảnh: T.P
Chè hoa vàng, đặc sản riêng có của Quế Phong. Ảnh: T.P

Ngày đầu mùa Thu, ngược từ thành phố Vinh theo Quốc lộ 48, vượt hơn 200 km đến huyện Quế Phong, thủ phủ của chè hoa vàng, chúng tôi đi qua nhiều bản làng, núi đồi bao quanh trong cái se lạnh và những cơn mưa bất chợt. Đất trời Quế Phong bắt đầu lạnh, cũng là thời gian những cây hoa vàng dưới các tán rừng bắt đầu tích luỹ dưỡng chất để tháng 11 nở hoa. Theo các chủ rừng vào đại ngàn, vượt suối xiết, trơn trượt, thỉnh thoảng mới bắt gặp một cây chè hoa vàng mọc tự nhiên dưới những khu rừng ẩm ướt, thiếu ánh sáng. Những cây hoa vàng tuổi thọ mấy chục năm cũng chỉ cao khoảng hơn 2m, nằm dưới các tán cây to, các cành lá không nhiều, hoa mọc ở nách lá hoặc đầu cành. Với những cây hoa vàng hiếm hoi đó, nở hoa không nhiều, người dân bản địa thu hái vào mùa rộ hoa cả ngày mỗi người chỉ được 1kg hoa tươi.

Thu hái chè hoa vàng. Ảnh: T.P
Thu hái chè hoa vàng. Ảnh: T.P

Nhận cốc trà ấm nóng có bông hoa trà còn nguyên vẹn, vàng óng ánh, nhấp ngụm nhỏ, tôi cảm nhận hương trà thơm phảng phất khiến bao giá lạnh, mệt mỏi như tan biến. Ông Lô Hùng Cường – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quế Phong cho hay, địa phương có khoảng 2.000ha chè hoa vàng phân bổ ở cả 13 xã, thị trấn, hoàn toàn là cây chè mọc tự nhiên dưới tán rừng, được người dân khoanh nuôi, bảo vệ và khai thác mỗi khi mùa hoa nở vào tháng 10 đến tháng 11 âm lịch. Hơn 2.000 ha chè hoa vàng đó, nhưng khoảng cách mỗi cây khá xa nhau, nên mỗi ha chỉ có khoảng 300 cây. Nhiều dự án khôi phục chè hoa vàng đã không thành công, mà chủ yếu là cây chè tự nhiên nói lên sự khó tính của loài “hoàng trà” này.

Là người đam mê gắn bó với cây chè hoa vàng, ông Lô Hùng Cường bộc bạch, từ nhỏ ông đã mê mẩn những bông trà vàng trên núi rừng. Sau này được học hành, tìm hiểu mới thấy, cây chè hoa vàng là sản vật quý hiếm của quê hương mình. Theo Đông y, trà hoa vàng có tác dụng phòng chống khối u, ngăn ngừa ung thư; giảm cholesterol, giảm những bệnh lý về tim mạch, ổn định huyết áp và đường huyết, giảm nguy cơ đột quỵ. Trà hoa vàng còn giúp thanh nhiệt, giải độc cho gan, hỗ trợ giảm cân, chống dị ứng, chống viêm…

Kiểm tra dược liệu đã chế biến ở Kỳ Sơn. Ảnh: Trân Châu
Kiểm tra dược liệu đã chế biến ở Kỳ Sơn. Ảnh: Trân Châu

Theo những nghiên cứu của y học tiên tiến (Tây y) về dược liệu, tác dụng của trà hoa vàng đã được hơn 120 nhà khoa học trên toàn cầu khẳng định với các dự án nghiên cứu khác nhau. Trong đó, trà hoa vàng được phát hiện trong dược chất của trà có tới 33,8% hoạt chất có tác dụng ức chế và làm giảm quá trình phát triển của tế bào gây ung thư và có nhiều yếu tố vi lượng khác như Se, Ge, Mo, Mn, V, Zn, acid amin…

Không thể để lãng phí nguồn sản vật của núi rừng, đồng thời tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân, với sự tiếp sức của Chương trình OCOP, sự quan tâm hỗ trợ của huyện Quế Phong cùng gia đình, ông Lô Hùng Cường và một số hộ đã đứng ra thu nhận hoa của người dân thu hái mỗi vụ để chế biến chè hoa vàng và bán ra thị trường, dần dần nâng lên đạt sản phẩm OCOP. Những nụ hoa còn ngậm sương được thu hái về được người dân nhẹ nhàng mở cánh từ từ rồi đưa vào sấy khô. Các công đoạn này thực là “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”… để rồi những bông hoa vàng ươm, hé nở đúng độ mà vẫn nguyên hương được đóng hộp với trọng lượng vừa đủ và xuất bán. Một kg hoa tươi người dân bản địa bán được 200 ngàn đồng, chế biến được khoảng hơn 1 lạng khô.

Chế biến trà hoa vàng. Ảnh: Thanh Sầm
Chế biến trà hoa vàng. Ảnh: Thanh Sầm

Thấy được giá trị của chè hoa vàng, người dân các xã ở huyện Quế Phong không ai bảo ai đều nâng niu, giữ gìn, để mỗi mùa hoa còn cho cái ăn cái mặc. Hàng ngàn hộ dân Quế Phong có thu nhập từ chè hoa vàng, có hộ mỗi mùa thu hàng chục triệu đồng. Hiện nay, Quế Phong có 6 cơ sở chế biến, kinh doanh trà hoa vàng chủ yếu sấy nguyên nụ hoa với số lượng khoảng 10 tấn nụ hoa tươi/ năm và bán ra thị trường với giá 300 ngàn đồng/gram, tương đương 3 triệu đồng/lượng.

Nghệ An xác định cây chè hoa vàng là cây xóa đói giảm nghèo của đồng bào, là cây hàng hóa. Chất lượng chè hoa vàng của Nghệ An theo các nghiên cứu là “độc nhất vô nhị” trong các loại trà hoa vàng cũng như cách thức xếp cánh của bông hoa. Với đặc tính quý hiếm, việc chè hoa vàng được các cá nhân, tổ chức ở huyện Quế Phong xây dựng thương hiệu sản phẩm chè hoa vàng Kim Sơn hay chè hoa vàng Nghệ An… đều có giá trị.

Kho dược liệu đã chế biến ở Kỳ Sơn. Ảnh: Châu Lan
Kho dược liệu đã chế biến ở Kỳ Sơn. Ảnh: Châu Lan

Hiện nay, chè hoa vàng Nghệ An đang được tiêu thụ ở trong tỉnh, trong nước và các hội chợ quy mô lớn, tuy nhiên số lượng chưa nhiều, nguyên nhân do là cây đặc sản, sinh sống hoàn toàn tự nhiên, việc bảo vệ và thu hái còn những khó khăn. Nếu được quan tâm và phát triển thì sản vật này rất có giá trị đối với Nghệ An. Hiện cây chè hoa vàng đang tạo việc làm cho hàng ngàn hộ dân ở các xã Đồng Văn, Thông Thụ, Hạnh Dịch, Cắm Muộn, Quang Phong, Nậm Nhoóng, Quế Sơn, Mường Nọc, Kim Sơn (Quế Phong)… và một số xã ở huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp. Đây thực sự là cây trồng giá trị và bí ẩn của Nghệ An mà các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu.

Người dân xã Châu Kim (Quế Phong) bảo tồn cây trà hoa vàng thiên nhiên. Ảnh: Hoài Thu
Người dân xã Châu Kim (Quế Phong) bảo tồn cây trà hoa vàng thiên nhiên. Ảnh: Hoài Thu
Vùng nguyên liệu Pù Mát. Ảnh: T.P
Vùng nguyên liệu Pù Mát. Ảnh: T.P

Dược liệu dưới tán rừng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm bảo tồn những dược liệu quý hiếm góp phần chủ động chăm sóc sức khoẻ nhân dân và gắn phát triển kinh tế với bảo vệ rừng, tạo sinh kế bền vững cho người dân có rừng.

Trên những đỉnh núi cao của Nghệ An vùng Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương, Quỳ Hợp, rừng nguyên sinh Pù Mát… là những kho báu về dược liệu lớn mà nhiều năm qua đang dần mai một hoặc bị khai thác vô tội vạ. Đón nhận chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, sự quan tâm của tỉnh, trên địa bàn Nghệ An đã có những dự án đầy trăn trở và tâm huyết như của Tập đoàn TH ở Kỳ Sơn với sâm Puxailaileng, cây 7 lá một hoa, các loại lan thảo dược, đương quy… và đang cho thu hoạch, chế biến.

Những sản phẩm OCOP của Công ty dược liệu Pù Mát. Ảnh: P.V
Những sản phẩm OCOP của Công ty dược liệu Pù Mát. Ảnh: P.V

Một điển hình OCOP thành công của Nghệ An về dược liệu rất đáng tự hào nữa đó là thương hiệu dược liệu Pù Mát – núi cao thuốc quý. “Nghĩ giàu, làm giàu”, nghĩ lớn và kiên trì là bí quyết của nhiều doanh nhân trẻ với những bước khởi nghiệp đầu tiên. Từ bao khó khăn ban đầu, nay dược liệu Pù Mát là một “kho báu” của huyện Con Cuông nói riêng và OCOP Nghệ An nói chung.

Dược liệu Pù Mát tạo sinh kế cho lao động địa phương. Ảnh: T.P
Dược liệu Pù Mát tạo sinh kế cho lao động địa phương. Ảnh: T.P

Người đứng đầu Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát – anh Phan Xuân Diện, từ năm 2017 đã bắt đầu ươm những mầm cây, trồng những cây giống dược liệu như cà gai leo, dây thìa canh, kim ngân hoa… vào mảnh đất Con Cuông. Trải qua gần 7 năm kiên trì, vừa làm, vừa học hỏi, nghiên cứu, chấp nhận đầu tư chưa có lãi, đến nay, Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát đã nâng quy mô diện tích gần 25ha dược liệu ổn định sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và sở hữu trong tay 10 sản phẩm được Nghệ An chứng nhận OCOP với các thương hiệu trà cà gai leo, trà dây thìa canh…; trong đó có nhiều sản phẩm 4 sao và tự hào nhất là sản phẩm được thị trường đón nhận, tiêu thụ mạnh, trở thành quà biếu, quà tặng của huyện Con Cuông và Nghệ An trong nhiều sự kiện.

Công nhân HTX Nông dược Tĩnh Sáng Đường  chăm sóc diện tích cà gai leo. Ảnh: T.P
Công nhân HTX Nông dược Tĩnh Sáng Đường chăm sóc diện tích cà gai leo. Ảnh: T.P

Kỹ sư, Giám đốc Phan Xuân Diện chia sẻ, ngoài uy tín của sản phẩm, sự ghi nhận của người tiêu dùng, địa phương thì chính việc tạo ra sinh kế cho người dân bản địa từ dược liệu là điều mà anh lấy đó làm mục tiêu phấn đấu. Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát ngoài tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục lao động tại công ty, còn trực tiếp tạo ra nguồn thu ổn định cho khoảng 150 hộ dân khác thuộc các xã Lạng Khê, Châu Khê, Chi Khê và Thạch Ngàn (Con Cuông) thông qua mô hình liên kết trồng dược liệu. Đơn cử như mặt hàng cà gai leo, hiện Công ty đang thu mua với giá 7.300 đồng/kg tươi ngay tại ruộng, bình quân mỗi ha cho 35 – 40 tấn sản phẩm, tổng doanh thu không dưới 200 triệu đồng/ha, trừ chi phí nông dân thu về 120 – 130 triệu đồng/ha. Hiệu quả kinh tế như vậy ở miền núi cao là vượt trội và dược liệu còn được các chuyên gia Nhật Bản hỗ trợ quy trình canh tác.

Đóng gói sản phẩm ở HTX Tĩnh Sáng Đường. Ảnh: T.P
Đóng gói sản phẩm ở HTX Tĩnh Sáng Đường. Ảnh: T.P

Xã miền núi cao Yên Hợp (Quỳ Hợp) có tiềm năng dược liệu dưới tán rừng khá phong phú. Đặc biệt, từ năm 2022, được hưởng lợi từ các tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia, xã Yên Hợp đã phát triển mô hình cây dược liệu để tạo sinh kế cho đồng bào Thái. Hiện nay, hơn 8 ha cây dược liệu vừa được trồng mới dưới tán rừng, trong vườn nhà của các hộ gia đình. Ngoài ra, bà con cũng khai thác nguồn dược liệu tự nhiên dưới tán rừng với sản lượng hàng năm hàng chục tấn. Toàn bộ dược liệu được HTX Nông dược Tĩnh Sáng Đường đứng chân trên địa bàn bao tiêu toàn bộ với giá cao hơn thị trường. Hiện tại, HTX đã cho ra đời khoảng 30 dòng sản phẩm, trong đó có 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. “Tiêu thụ mạnh nhất là các dòng sản phẩm đã được gắn sao OCOP như rau má sấy lạnh, mật ong và trà gai leo túi lọc. Hiện nay, các sản phẩm đạt chuẩn OCOP của hợp tác xã đã tiêu thụ khắp cả nước với khoảng 15 – 20 tấn dược liệu cho người dân”- ông Lá Văn Duy  – Giám đốc HTX Nông dược Tĩnh Sáng Đường cho biết.

Vùng nguyên liệu của HTX Nông dược Tĩnh Sáng Đường. Ảnh: T.P
Vùng nguyên liệu của HTX Nông dược Tĩnh Sáng Đường. Ảnh: T.P