Trồng rừng thay thế – Bài 1: Rừng… trắng

Biết Ban Quản lý rừng phòng hộ Tương Dương được giao nhiệm vụ trồng rừng thay thế Dự án trọng điểm Quốc gia Hồ chứa nước Bản Mồng với diện tích 100 ha, cuối tháng 12/2023, chúng tôi đã liên hệ, ngỏ ý được đi thực địa. Dù đồng ý nhưng Giám đốc ban, ông Nguyễn Thành Dũng hẹn một ngày gần, vì các điểm trồng đều ở vùng núi xa xôi cách trở, thời tiết đang có mưa lạnh chưa thể lên được. Ông Dũng nói: “Năm 2022 chúng tôi đã triển khai tại 5 điểm thuộc các xã Lượng Minh, Yên Thắng, Nhôn Mai, Mai Sơn và Hữu Khuông. Đường đến những nơi này rất khó khăn, khi thời tiết thuận lợi chúng tôi sẽ liên hệ…”. Hỏi về kết quả bước đầu, ông Dũng trả lời: Tôi chỉ có thể nói là ban đã cố gắng hết sức…”.

Một góc bản Tạt, xã Yên Thắng, huyện Tương Dương.
Một góc bản Tạt, xã Yên Thắng, huyện Tương Dương.

Thế rồi trung tuần tháng 1/2024, chúng tôi được Ban Quản lý rừng phòng hộ Tương Dương sắp xếp lên điểm trồng rừng ở xã Yên Thắng, nơi được đánh giá là có cung đường thuận lợi nhất. 8h40’ ngày 17/1 lên đến thị tứ Khe Bố, ở đây, chúng tôi chuyển sang xe của Ban Quản lý rừng phòng hộ Tương Dương, theo Quốc lộ 48E vào trung tâm xã Yên Thắng, rồi men đường núi quanh co qua các bản Văng Lin, Xốp Cốc và dừng tại bản Tạt. Ghé vào nhà ông Vi Văn Tiến Nam – Bí thư Chi bộ bản Tạt để “chuẩn bị hành trang ngược núi”, lúc này đã gần 10h. Hỏi Trưởng đoàn Dương Văn Chuẩn – Trưởng phòng Khoa học kỹ thuật Ban Quản lý rừng phòng hộ Tương Dương về quãng đường sắp tới, được trả lời: “Bây giờ vượt dốc Càng Hèm là đến, khoảng 1 giờ đồng hồ…”.

Đường lên dốc Càng Hèm.
Đường lên dốc Càng Hèm.

Đỉnh dốc Càng Hèm có độ cao khoảng 800m. Dù lối đi đã được cải tạo nhưng do trước đó mưa nhiều nên trơn trượt, thời gian vượt dốc của đoàn kéo dài so với dự tính. Lên đến nơi, giữa chập chùng núi, thấy có những đường hào sâu hơn 1m, bề rộng hơn 1 sải tay, trên có hàng cọc rào dây thép gai. “Vùng đất trong phạm vi đường hào bao quanh là nơi chúng tôi trồng rừng thay thế, diện tích hơn 23 ha…”, anh Dương Văn Chuẩn cho biết. Đã nghe Giám đốc Nguyễn Thành Dũng thông tin cây bản địa, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tương Dương lựa chọn trồng là giống cây mét, triển khai từ năm 2022, nên bất ngờ khi thấy trong phạm vi hơn 23 ha chủ yếu là bãi cỏ, đất trống, và lưa thưa một số cây bụi, cây thân gỗ nhỏ. Hỏi anh Dương Văn Chuẩn: Cây mét giống mà ban đã trồng ở đâu, sao không thấy? Vị Trưởng phòng Khoa học kỹ thuật đã cập kề tuổi hưu trả lời: “Hầu hết đã bị hư hại. Những cây mét giống còn sót lại thì còi cọc, không phát triển được. Vượt hào vào phía bên trong tìm mới thấy được…”.

Đường hào ngăn trâu, bò vây quanh vùng trồng rừng thay thế trên đỉnh dốc Càng Hèm.
Đường hào ngăn trâu, bò vây quanh vùng trồng rừng thay thế trên đỉnh dốc Càng Hèm.

Quả là khi vượt hào vào sâu trong phạm vi 23 ha đất trồng rừng thay thế thì bắt gặp một số bụi cây mét giống. Cây mét còn có tên gọi là luồng, nếu phát triển tốt thì cây có thân thẳng, đường kính có thể lên đến 12 – 15cm. Vậy nhưng, những bụi cây mét giống của Ban Quản lý rừng phòng hộ Tương Dương trồng trên vùng núi Yên Thắng dù đã bước sang tuổi thứ hai mà chỉ lè tè chừng dăm chục cm, thân bé như đầu ngón tay, lơ thơ đôi chùm lá nhỏ. “Có hào, có rào nhưng vẫn không ngăn được trâu, bò của dân vào phá nên hư hỏng hết. Ban đã phải mua cây giống trồng dặm thêm mà cũng không có kết quả…” , anh Vi Văn Viên – một cán bộ trẻ của Ban Quản lý rừng phòng hộ Tương Dương trao đổi.

Nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Tương Dương Vi Văn Viên trong đường hào ngăn trâu, bò.
Nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Tương Dương Vi Văn Viên trong đường hào ngăn trâu, bò.

Bí thư Chi bộ bản Tạt Vi Văn Tiến Nam cho biết, ông có phối hợp cùng Ban Quản lý rừng phòng hộ Tương Dương chỉ đạo công tác trồng rừng thay thế. Với nhân dân bản Tạt, bởi mong muốn phục hồi lại rừng nên cũng tích cực tham gia. Tuy nhiên, việc trồng rừng gặp nhiều khó khăn, do đây là vùng chăn thả trâu, bò lâu đời của người dân 2 xã Yên Thắng, Yên Hòa. Ông Vi Văn Tiến Nam nói: “Tôi cũng thường xuyên tham gia bảo vệ đẩy đuổi nhưng không ăn thua. Vì chỉ ngăn được trâu, bò của bản Tạt, còn của người dân bản Văng Lin, hoặc của xã Yên Hòa thì chịu. Thời kỳ đầu, cây mét đã lớn bằng cán dao, nhưng bị trâu, bò ăn một, hai lần là chết, số còn lại không thể phát triển được. Khó nhất trong việc trồng rừng trên Càng Hèm là việc bảo vệ, phải có người túc trực thường xuyên để đẩy đuổi trâu, bò”.

Nghe anh Vi Văn Viên và Bí thư Chi bộ bản Tạt Vi Văn Tiến Nam trao đổi thì thấy băn khoăn. Bởi với hơn 2.000m đường hào được đào rất kỳ công, lại có thêm hàng rào dây thép gai mà toàn bộ 23 ha rừng mét bị trâu, bò tác động gần như mất trắng thì có phần thái quá. Bởi vậy, nên đề nghị anh Dương Văn Chuẩn làm rõ việc này. Là Trưởng phòng Khoa học kỹ thuật, anh Chuẩn cho biết, bản thân có nhiệm vụ chỉ đạo cán bộ của phòng khảo sát thổ nhưỡng đất đai, thẩm định giống cây trồng, hướng dẫn kỹ thuật… Anh nói: “Ban đầu chúng tôi đánh giá khu vực vùng núi thuộc xã Yên Thắng nhìn chung đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn để trồng rừng theo quy định. Từ thổ nhưỡng đất đai, tầng cây tái sinh… Chi cục Kiểm lâm và Hạt Kiểm lâm Tương Dương kiểm tra hiện trường cũng có đánh giá như vậy mới phê duyệt hồ sơ trồng rừng. Việc lựa chọn cây mét là loại cây bản địa để trồng trên vùng núi Yên Thắng cũng có sự thống nhất cao…”. Nhưng dù vậy đến nay, anh Dương Văn Chuẩn nhận thấy cùng với nạn trâu, bò phá hoại, thì còn có những nguyên nhân khác. Đó là điều kiện lập địa, thời tiết, và chất lượng cây giống.

Dù có hào, có rào thép gai nhưng trong vùng trồng rừng thay thế vẫn có trâu bò thả rông.
Dù có hào, có rào thép gai nhưng trong vùng trồng rừng thay thế vẫn có trâu bò thả rông.

Trưởng phòng Khoa học kỹ thuật của Ban Quản lý rừng phòng hộ Tương Dương trao đổi, ở vùng cao, người dân đã trồng rừng mét nhiều, tuy nhiên, đều ở vùng thấp, ven sông, khe, suối. Ở vùng đỉnh dốc Càng Hèm có độ cao từ 700 – 800 mét so với mực nước biển. Như vậy, với kinh nghiệm của người dân địa phương thì độ cao chưa thật sự phù hợp. Dùng từ chuyên môn thì điều kiện lập địa chưa thực sự đảm bảo. Về giống cây mét trồng, ngay từ khi được giao nhiệm vụ thì Phòng Khoa học kỹ thuật đã bỏ công tìm hiểu. Nhưng trên địa bàn tỉnh không có đơn vị có tư cách pháp nhân sản xuất cây giống đảm bảo chất lượng. Lý do vì vài năm trở lại đây, các công ty lâm nghiệp, các lâm trường đã không còn sản xuất cây mét giống. Cũng trong năm 2022, ban cũng đã làm việc với Công ty Lâm nghiệp Tương Dương để bàn về việc sản xuất cây giống cho công tác trồng rừng thay thế. Vậy nhưng, không cho ra được kết quả như ý, do cây giống được sản xuất ra không đảm bảo tiêu chuẩn. Vì vậy, hộ nhận khoán trồng rừng thay thế đã phải đánh đường ra Thanh Hóa để tìm mua cây giống. Phòng Khoa học kỹ thuật cũng đã trực tiếp ra Thanh Hóa, đến từng hộ sản xuất cây giống kiểm tra chất lượng. Tuy nhiên, việc vận chuyển từ Thanh Hóa về đến địa bàn Tương Dương, sau đó lại ngược núi đưa lên vùng trồng, qua một quãng đường rất xa, khó khăn như vậy nên cây giống bị tác động, ảnh hưởng xấu như vỡ bầu, ảnh hưởng tới rễ.

Cây mét giống qua quá trình vận chuyển bị hư hỏng trên đỉnh dốc Càng Hèm.
Cây mét giống qua quá trình vận chuyển bị hư hỏng trên đỉnh dốc Càng Hèm.

Bên cạnh đó, một tác động rất xấu lên cây giống là vấn đề thời tiết. Ban đã chọn thời điểm đưa cây giống về khi thời tiết có mưa. Nhưng sau đó, ở Tương Dương có nắng, có lần nắng kéo dài ròng rã cả tuần. Ai thì cũng biết địa bàn Tương Dương nổi tiếng là vùng nắng nóng nhất cả nước. Đã vậy, còn có gió Lào nhiều tháng trời. Thế nên, ở vùng này thường chịu nắng nóng, khô hạn, thiếu độ ẩm để cây mét giống phát triển.

Nói với anh Chuẩn: Mét là cây bản địa. Nhưng như vậy thì những cây mét giống đưa về từ tỉnh Thanh Hóa đã chính xác với tên gọi cây bản địa của tỉnh ta chưa? Anh trả lời: “Nếu phân tích đầy đủ mọi khía cạnh thì cũng chưa thực sự chính xác…”. Nói rồi anh thở dài: “Việc lựa chọn, đưa cây mét từ Thanh Hóa về trồng là phương án cuối cùng. Vì ở Tương Dương cũng không thể lựa chọn loại cây bản địa nào khác, tốt hơn để thay thế mà đảm bảo các quy định của Nhà nước…”.

P.V Báo Nghệ An và Trưởng phòng Khoa học kỹ thuật, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tương Dương Dương Văn Chuẩn bên một cây mét giống còn sót lại.
P.V Báo Nghệ An và Trưởng phòng Khoa học kỹ thuật, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tương Dương Dương Văn Chuẩn bên một cây mét giống còn sót lại.

Trong những trao đổi của Trưởng phòng Khoa học kỹ thuật Dương Văn Chuẩn, còn nhiều nội dung khiến chúng tôi đặc biệt lưu tâm. Như kinh phí đã bỏ ra để trồng rừng thay thế ở huyện 30a Tương Dương là những hộ trồng rừng đã tự bỏ ra chứ “chưa dám” tạm ứng từ nguồn dự án đã nộp vào ngân sách. Cụ thể, tại điểm trồng trên đỉnh dốc Càng Hèm, các hộ đã đầu tư hơn 300 triệu đồng để cải tạo đường lên; thuê máy đào hào; dựng rào ngăn trâu, bò; mua cây giống; thuê nhân công đào hố, trồng mét, bảo vệ… Là cán bộ nghiệm thu của ban, anh Chuẩn biết rõ vấn đề này, xác định hộ nhận khoán đã rất công phu, bài bản trong việc trồng rừng. Tuy nhiên, với thực trạng như vậy thì không ký nghiệm thu thanh toán, đánh giá việc trồng rừng không đạt yêu cầu!

Năm 2022, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tương Dương triển khai trồng rừng thay thế tại các xã Yên Thắng, Lượng Minh, Hữu Khuông, Nhôn Mai, Mai Sơn. Theo anh Chuẩn, 2 khu vực gần vùng lòng hồ Hữu Khuông, Mai Sơn dù chưa phải đạt 100% nhưng còn có kết quả; còn tại các xã Lượng Minh, Nhôn Mai thì cũng như ở xã Yên Thắng đều không đạt. Trong tâm trạng day dứt anh nói: “Hộ nhận khoán tổ chức trồng rừng là anh em trong đơn vị. Để làm được, họ phải vay tiền ngân hàng nhưng với thực tế này sẽ rơi vào tình cảnh thua lỗ, nợ nần. Về phía ban, kết quả trồng rừng đang có hạn chế, nhưng tôi nghĩ cũng có cái may. Vì nếu là hộ dân nhận khoán thì sẽ rất khó xử do không thể thu hồi lại được kinh phí đã bỏ ra, nguy cơ bị kỷ luật. Với cá nhân tôi, cũng như các cán bộ làm công tác nghiệm thu thì xác định không thể dễ dãi, vì như vậy sẽ phải lập khống hồ sơ, sẽ vi phạm pháp luật khi …”.

Hỏi: Với thực tế này, ban có giải pháp nào hay chưa? Anh cho biết, các hộ nhận khoán trồng rừng đã lên phương án mới, đề nghị cho được trồng lại. Tuy nhiên, cá nhân anh Dương Văn Chuẩn còn nhiều băn khoăn, anh trăn trở: “Tôi đã nhiều lần trao đổi với hộ nhận khoán cần tính toán kỹ, nên nghiên cứu thay đổi cây giống, và đề xuất ban kiến nghị cơ quan cấp trên xem xét điều chỉnh đơn giá đảm bảo giá thành. Lý do vì ở những vùng cao địa hình khó khăn, thời tiết khắc nghiệt thì kỹ thuật đòi hỏi phải cao hơn, cây giống phải đủ lớn, đồng nghĩa chi phí sẽ tốn kém hơn…”.