Nghệ An: Những tấm gương cộng sản tiêu biểu

Lúc còn nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Tất Thành, trong nhiều năm hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, sinh ngày 19/5/1890 ở làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Cuối năm 1911, với ý muốn học tập lý luận và kinh nghiệm cách mạng của các nước để về giải phóng nước nhà khỏi ách thực dân, Nguyễn Tất Thành ra nước ngoài làm công nhân, tham gia cuộc vận động cách mạng của nhân dân nhiều nước, đồng thời không ngừng đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc mình. Là người Việt Nam đầu tiên ủng hộ cuộc Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại và tìm thấy ở chủ nghĩa Mác – Lê nin con đường giải phóng của giai cấp công nhân và nhân dân các nước thuộc địa.

Từ một người yêu nước chân chính, Người đã trở thành một chiến sỹ cộng sản lỗi lạc. Người nói: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

Người tham gia thành lập Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa Pháp (1921), xuất bản tờ báo Người cùng khổ ở Pháp (1922). Năm 1923, Người được bầu vào Ban chấp hành Quốc tế nông dân. Năm 1924, Người tham dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế cộng sản và được chỉ định làm Ủy viên thường trực Bộ Phương Đông, trực tiếp phụ trách Cục Phương Nam. Năm 1925, Người tham gia thành lập Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở châu Á, xuất bản hai cuốn sách nổi tiếng: Bản án chế độ thực dân Pháp (1925) và Đường kách mệnh (1927).

Hai tác phẩm
Hai tác phẩm "Bản án chế độ thực dân Pháp" và "Đường kách mệnh".

Để chuẩn bị tiến tới thành lập Đảng của những người Cộng sản Việt Nam, năm 1925, Người thành lập Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Quảng Châu (Trung Quốc) và tổ chức Cộng sản đoàn làm nòng cốt cho hội đó, đào tạo cán bộ cộng sản để lãnh đạo Hội và truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào nước ta.

Ngày 3/2/1930, được sự ủy nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương Quốc tế cộng sản, Người triệu tập “Hội nghị hợp nhất” để thống nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong “hội nghị hợp nhất”, Người vạch rõ đường lối cách mạng ở nước ta là trước làm cách mạng dân tộc dân chủ, sau làm cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Hồ Chí Minh là người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và của cả dân tộc Việt Nam, một chiến sỹ xuất sắc, một nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc.

Ngày 31/10/1987, Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa liên hiệp quốc (UNESCO) đã ra nghị quyết kỷ niệm lần thứ 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh “anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn” vào năm 1990.

Nghị quyết Đại hội lần thứ VII của Đảng Cộng sản Việt Nam (1991) khẳng định: Cách mạng nước ta lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động.

Thời niên thiếu tên là Lê Văn Phơn, sinh năm 1899, quê làng Xuân Hồ, tổng Xuân Liễu, huyện Nam Đàn.

Năm 1919, Lê Hồng Sơn được ông Ngô Quảng, một thủ lĩnh nghĩa quân trong phái bạo động của Hội Duy Tân đang hoạt động trong vùng đem sang Xiêm xây dựng Trại Cày, chuẩn bị cơ sở lâu dài cho công cuộc phục quốc. Thấy Lê Hồng Sơn là một thanh niên yêu nước, có chí lớn, ông Đặng Thúc Hứa, người phụ trách Trại Cày gửi anh sang học Trường quân sự Hải Nam của Chính phủ Tôn Trung Sơn. Sau một thời gian học tập, anh được giới thiệu trở lại Quảng Châu hoạt động.

Được Phan Bội Châu tín nhiệm và giao nhiều nhiệm vụ quan trọng: lúc thì làm phái viên giao thiệp với Nhật để mua vũ khí;  khi thì sang Xiêm hoặc về nước gặp các sỹ phu để quyên góp tiền bạc và vận động con em các gia đình có thù sâu với giặc Pháp ra nước ngoài hoạt động cách mạng. Dù phải băng rừng lội suối, tránh giặc vây lùng, nhịn đói nhịn khát, gối đất nằm sương, nhưng Lê Hồng Sơn vẫn không hề nao núng, quyết tâm làm tròn nhiệm vụ.

Do hoạt động nhiều nơi, với nhiều hoàn cảnh khác nhau, Lê Hồng Sơn thường phải thay tên, đổi họ. Lúc tới Hàng Châu (Trung Quốc) Phan Bội Châu lấy tên hai ngọn núi lịch sử ở quê hương đặt biệt hiệu cho Lê Hồng Sơn là Lê Tản Anh. Lúc sang Nhật, ông lại đặt biệt hiệu cho anh là Lê Hưng Quốc. Từ đó về sau, mỗi lần thay đổi địa điểm hoặc công tác, anh lại mang một tên mới như: Võ Hồng Anh lúc vào học Trường võ bị Hoàng Phố; Võ Nguyên Trinh lúc hoạt động ở Quảng Châu, Hồ Thiện Đông, Lê Thiếu Tố lúc đến công tác ở Thượng Hải, Vân Nam; Đỗ Trí Phương, Lê Bạt Quần sau lúc ra tù, đến hoạt động ở Hương Cảng…

Trong lớp thanh niên Nghệ Tĩnh xuất dương vào những năm sau chiến tranh thế giới thứ nhất, Lê Hồng Sơn là một trong những người hoạt động hăng say và gần gũi với các bậc tiền bối như Phan Bội Châu. Anh không những tiếp thu được tinh thần yêu nước sôi sục của lớp trước, mà còn rút được những bài học thất bại trong hoạt động cứu nước của họ.

Đầu năm 1925, Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội thành lập, Lê Hồng Sơn được kết nạp vào Hội và là một trong những thành viên đầu tiên của nhóm bí mật (Cộng sản đoàn). Năm 1926, Lê Hồng Sơn gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Mộ đồng chí Lê Hồng Sơn ở xã Xuân Hòa (Nam Đàn)
Mộ đồng chí Lê Hồng Sơn ở xã Xuân Hòa (Nam Đàn)

Năm 1927, Lê Hồng Sơn và một số cán bộ cách mạng Việt Nam khác bị tay sai Tưởng Giới Thạch bắt giam. Trước áp lực đấu tranh của nhân dân ta và nhân dân Trung Quốc, tháng 10/1927, bọn chúng phải trả lại tự do cho Lê Hồng Sơn và các đồng chí khác.

Tháng 1/1929, Lê Hồng Sơn cùng với Tổng bộ chuẩn bị triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội Thanh niên. Với tư cách là một cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Hội, Lê Hồng Sơn đã viết dự thảo các văn kiện cho Đại hội chính thức và tích cực chuẩn bị điều kiện cho việc thành lập Đảng Cộng sản.

Khi đồng chí Nguyễn Ái Quốc từ Xiêm sang Cửu Long gần Hương Cảng (Trung Quốc) triệu tập hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930, Lê Hồng Sơn là một trong những người đã tích cực giúp đỡ đồng chí Nguyễn Ái Quốc trong việc tổ chức cuộc hội nghị này.

Sau hội nghị Lê Hồng Sơn được Đảng phân công ở lại hoạt động trong chi hội Việt Nam của Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông, lấy tên mới là Lê Bạt Quần, sau đó đồng chí bị Tưởng Giới Thạch bắt giam, với lý do hoạt động cộng sản. Lê Hồng Sơn viết thư nhờ Hồ Học Lãm đang làm tham mưu trong bộ chỉ huy quân đội Quốc dân Đảng ở Vân Nam can thiệp, đồng chí được thả ra nhưng bị trục xuất ra khỏi Trung Quốc, đồng chí phải qua Miến Điện rồi sang Xiêm tìm gặp các cán bộ cách mạng Việt Nam đang hoạt động ở đây. Sau đó đồng chí lại sang Thượng Hải (Trung Quốc) tiếp tục nhiệm vụ. Ngày 25/9/1932, đồng chí bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giao cho thực dân Pháp ở Đông Dương. Chúng đưa đồng chí về giam ở nhà lao Vinh vào cuối năm 1932. Biết Lê Hồng Sơn là người đã hỗ trợ cho Phạm Hồng Thái mưu sát Toàn quyền Méc-lanh, và là một tay cộng sản nổi danh, Tòa án Nam triều ở Nghệ An đã kết án tử hình đồng chí.

Những ngày bị giam ở nhà lao Vinh, Lê Hồng Sơn vẫn bình tĩnh lạc quan, tranh thủ thời gian truyền lại kinh nghiệm hoạt động cách mạng cho các bạn tù. Đồng chí quan tâm theo dõi phong trào cách mạng đã diễn ra sôi nổi trên quê hương và rất phấn khởi khi được nghe anh em trong tù nói chuyện về Xô viết Nghệ -Tĩnh. Đồng chí khuyên mọi người hãy giữ vững niềm tin sắt đá, tiếp tục sự nghiệp cách mạng.

Ngày 15/2/1933, bọn cầm quyền Nghệ An đã đưa Lê Hồng Sơn về xử bắn tại làng Xuân Hồ, huyện Nam Đàn, nơi mười bốn năm về trước, đồng chí đã tạm biệt gia đình và quê hương ra đi tìm đường cứu nước.

Trước năm 1924 có tên là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902 (có tài liệu ghi 1900, 1904) tại làng Thông Lãng, tổng Phù Long (nay là xã Hưng Thông) huyện Hưng Nguyên.

Những năm đầu làm công nhân ở nhà máy Diêm Bến Thủy (Vinh), Lê Huy Doãn thấy công nhân bị ức hiếp, bóc lột dã man, anh đã vận động công nhân đấu tranh, cùng bạn bàn việc tìm đường cứu nước. Được tin các sỹ phu hoạt động ở nước ngoài cho người về quê tuyển chọn thanh niên xuất dương làm cách mạng, các anh đến gặp con cụ Phan Bội Châu ở Sa Nam, huyện Nam Đàn để tìm manh mối.

Tháng 1/1924, Lê Huy Doãn với tên mới là Lê Hồng Phong cùng một số thanh niên trong vùng vượt núi rừng Trường Sơn qua Xiêm. Sau đó được cụ Đặng Thúc Hứa giới thiệu sang Quảng Châu (Trung Quốc), được Hồ Tùng Mậu kết nạp vào tổ chức Tâm Tâm Xã. Ngày 19/6/1924, nhận nhiệm vụ của Tâm Tâm xã, Lê Hồng Phong hỗ trợ Phạm Hồng Thái mưu sát toàn quốc Đông Dương.

Cuối năm 1924, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu, tiếp xúc với những người thanh niên yêu nước tại đây, mở lớp huấn luyện chính tị, lập ra tổ chức Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí hội và ra báo Thanh Niên. Lê Hồng Phong trở thành học trò của Nguyễn Ái Quốc, gia nhập tổ chức cách mạng do Người sáng lập, đồng thời tham gia hoạt động trong Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức và trong tổ chức Quốc tế Cứu tế đỏ…

Tháng 8/1933, Lê Hồng Phong cùng 2 đồng chí nữa bắt tay vào chuẩn bị thành lập Ban lãnh đạo hải ngoại của Đảng và thảo ra Chương trình hành động của Đảng. Tháng 3/1934, đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Bí thư Ban lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài.

Tháng 3/1935, Đại hội I của Đảng họp ở Ma Cao, bầu đồng chí Lê Hồng Phong vào Ban chấp hành Trung ương, tên đồng chí được xếp lên đầu danh sách Ban lãnh đạo của Đảng (theo bản lý lịch tự khai của đồng chí Lê Hồng Phong tại Đại hội VII Quốc tế cộng sản, ngày 25/8/1935, bằng tiếng Nga, thì tại Đại hội I của Đảng cộng sản Đông Dương (3/1935), đồng chí đã được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng).

Sau đại hội VII Quốc tế Cộng sản, Lê Hồng Phong về nước, cùng Hà Huy Tập triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương, tháng 7/1936, tại Thượng Hải, bàn về chuyển hướng chính sách của Đảng theo tinh thần mới của Nghị quyết Đại hội VII Quốc tế Cộng sản.

Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong tại xã Hưng Thông (Hưng Nguyên).
Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong tại xã Hưng Thông (Hưng Nguyên).

Cuối năm 1937, Lê Hồng Phong về Sài Gòn, với tấm thẻ căn cước lấy tên là La Anh, khi đóng vai một giáo dạy học Chợ Lớn, lúc đóng vai một người làm công ở hiệu buôn, đồng chí tham gia lãnh đạo bên cạnh Trung ương Đảng.

Đồng chí đã góp phần tích cực cùng Ban chấp hành Trung ương quán triệt Nghị quyết của Đại hội VII Quốc tế cộng sản trong đường lối, chính sách của Đảng trước tình hình mới.

Ngày 22/6/1939, Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn, hết hạn, bọn chúng trục xuất về quê quản thúc. Về quê chưa được bao lâu, thì cuộc chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Ngày 6/2/1940, đồng chí lại bị thực dân Pháp bắt vào giam ở khám lớn Sài Gòn. Biết Lê Hồng Phong là người lãnh đạo quan trọng của Đảng Cộng sản Đông Dương, thực dân Pháp cố tìm mọi cách ám hại.

Trưa ngày 5/9/1942, đồng chí Lê Hồng Phong đã hy sinh tại xà lim cấm cố, banh II, Côn Đảo, trước khi hy sinh, biết sức mình không thể sống được nữa, đồng chí đã nói với một bạn tù ở phòng bên cạnh: Nhờ đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng!

Hồ Tùng Mậu sinh năm 1896, với tên khai sinh là Hồ Bá Cự, tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu. Những năm hoạt động ở Trung Quốc đồng chí đã từng mang tên Hồ Quốc Đống, Mộc Công, Lương Tử Anh… sang Xiêm, đồng chí lại có tên là Ích. Lúc về nước hoạt động, đồng chí mang thẻ thuế thân với tên là Phan Tái.

Năm 19 tuổi, Hồ Tùng Mậu dự thi hương ở trường Nghệ rồi chuyển sang học Quốc ngữ và chữ Pháp, sau đó đi dạy học ở Thanh Chương. Tại đây Hồ Tùng Mậu đã được ông Ngô Quảng giác ngộ về chí hướng cứu nước. Anh quyết định bỏ nghề dạy học để có điều kiện đi lại gặp gỡ các bạn thanh niên trao đổi công việc chống giặc cứu nước.

Năm 1920, Hồ Tùng Mậu cùng hàng chục thanh niên Nghệ An bí mật lên đường qua Xiêm, sau đó được Lê Hồng Sơn đưa đến Băng Cốc xuống tàu qua Hải Nam (Trung Quốc).

Tháng 3/1924, theo yêu cầu của Phan Bội Châu, Lê Hồng Sơn đến gặp Hồ Tùng Mậu và giao cho anh mang thư từ, tài liệu về nước. Nhiệm vụ hoàn thành, giữa năm đó anh lại trở sang Quảng Châu và bắt liên lạc được với Nguyễn Ái Quốc vừa từ Liên Xô đến. Người phân tích cho anh thấy những nguyên nhân thất bại của các phong trào cứu nước vừa qua, đồng thời chỉ rõ cách mạng Việt Nam cần phải đi theo con đường cách mạng vô sản mà người Nga đang thực hiện.

Được sự chỉ dẫn của Nguyễn Ái Quốc, Hồ Tùng Mậu đã cùng Lê Hồng Sơn tập hợp những thành viên tích cực nhất trong Tân Việt thanh niên đoàn đưa vào Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Từ đó, Hồ Tùng Mậu trở thành người học trò và là người bạn chiến đấu thân cận của Người. Đồng chí là một trong những hội viên đầu tiên của nhóm bí mật do Người lập ra để làm nòng cốt cho Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí hội.

Để truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam, Hồ Tùng Mậu tham gia tích cực vào việc dự thảo điều lệ của Hội, xuất bản tuần báo Thanh niên, tổ chức ra cơ quan huấn luyện “Chính trị đặc biệt” cho số cán bộ trong nước sang học tập.

Đầu năm 1926, Hồ Tùng Mậu gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tháng  4/1927, phản bội chính sách “Quốc-Cộng hợp tác” của Tôn Trung Sơn, Tưởng Giới Thạch thẳng tay đàn áp Đảng Cộng sản Trung Quốc, Hồ Tùng Mậu và nhiều cán bộ cách mạng Việt Nam hoạt động ở Trung Quốc cũng bị cầm tù. Ra tù, Hồ Tùng Mậu lại tiếp tục công việc của Tổng bộ. Hoạt động chưa được bao lâu, đồng chí lại bị bắt giam và sau đó được thả. Lúc này hoạt động của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội cũng đang gặp khó khăn. Với thái độ khôn khéo, mềm dẻo của một người đã trải qua thử thách trong đấu tranh cách mạng, Hồ Tùng Mậu vẫn chủ trương hợp tác, trao đổi, thuyết phục, tránh mọi hoạt động chia rẽ, bè phái. Thái độ chân thành và vô tư của Hồ Tùng Mậu đã góp phần làm cho những người cộng sản chân chính hiểu nhau hơn.

Đồng chí Hồ Tùng Mậu và Bác Hồ.
Đồng chí Hồ Tùng Mậu và Bác Hồ.

Đến khi đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế cộng sản đến Hương Cảng nghiên cứu tình hình để chuẩn bị cho việc hợp nhất các nhóm cộng sản, thành lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, Hồ Tùng Mậu là một trong những người tham gia tích cực vào việc tổ chức hội nghị lịch sử này.

Để đối phó với cao trào cách mạng do Đảng ta lãnh đạo, đi đôi với việc đàn áp phong trào cách mạng trong nước, thực dân Pháp cấu kết với bọn phản động quốc tế tiến hành khủng bố cách mạng Việt Nam đang hoạt động ở nước ngoài. Ngày 6/6/1931, đồng chí Nguyễn Ái Quốc bị cảnh sát Anh ở Hương Cảng bắt giam. Hồ Tùng Mậu cùng Trương Vân Lĩnh đã tìm mọi cách liên hệ với Hội quốc tế Cứu tế đỏ, vận động được luật sư Lô-dơ-bai đấu tranh về mặt pháp lý, buộc chính quyền Anh phải trả lại tự do cho lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Ngày 30/6/1931, cảnh sát Anh ở Hương Cảng lại bắt Hồ Tùng Mậu và giao cho thực dân Pháp ở Đông Dương. Trong phiên tòa ngày 6/12/1931 ở Vinh, Hồ Tùng Mậu bị kết án tù khổ sai chung thân.

Đồng chí đã làm đơn chống án và vạch mặt bọn quan lại Nam triều làm tay sai cho đế quốc Pháp. Đồng chí viết: “Tôi lìa nhà lập chí không phải để hại nước. Tôi tự hỏi lương tâm tôi không có tội gì và việc làm của bản thân vẫn sáng như ban ngày”.

Ở trong tù đồng chí luôn tỏ ra chín chắn, thận trọng trong công việc, kiên trung bất khuất trước kẻ thù, đoàn kết thân ái đối với đồng chí, bè bạn. Mọi thủ đoạn xảo quyệt của địch hòng tách đồng chí khỏi bộ phận tích cực trong tù chính trị đều thất bại trước lập trường kiên định và thái độ khôn khéo, linh hoạt của đồng chí. Bài thơ “Tin tưởng” phản ánh tinh thần cách mạng kiên cường của đồng chí đã được ra đời trong hoàn cảnh đó:

Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí Hồ Tùng Mậu được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy thác làm nhiệm vụ tổ chức hệ thống liên lạc giữa Ủy ban nhân dân cách mạng các địa phương từ Bắc vào Nam; được Đảng và Chính phủ giao nhiệm vụ làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Trung Bộ và Ủy viên Liên khu ủy Liên khu IV. Tổng thanh tra Chính phủ, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng…

Ngày 21/7/1951, trên đường vào Liên khu IV công tác, đồng chí đã hy sinh vì trúng đạn của máy bay địch. Khi nhận được tin này, Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng đau đớn. Người đã viết bài điếu đồng chí Hồ Tùng Mậu bằng những lời thống thiết “…Mất chú, đồng bào mất một người lãnh đạo tận tụy, Chính phủ mất một cán bộ lão luyện, Đoàn thể mất một đồng chí trung thành và tôi mất một người anh em chí thiết… Tôi gạt nước mắt, thay mặt Chính phủ, nghiêng mình trước linh hồn chú và truy tặng chú Huân chương Hồ Chí Minh, để nêu cao công lao của chú với đồng bào, đối với Tổ quốc”.

Phan Đăng Lưu sinh ngày 2/1/1901 tại xã Tràng Thành (nay là xã Hoa Thành) huyện Yên Thành.

Năm lên sáu tuổi, Phan Đăng Lưu bắt đầu theo học chữ Hán và tuy chưa đến tuổi thành niên, anh đã đi dự thi hương trường Nghệ, vào học Trường tiểu học Vinh.

Rời vùng chiêm trũng Yên Thành, Phan Đăng Lưu bắt đầu tiếp xúc với cuộc sống thị thành. Anh thường nghe được các thầy giáo bàn luận về “văn minh” của nước Pháp, nhưng thực trạng xã hội làm anh hoài nghi và thất vọng. Anh nhận thấy rằng, thực dân Pháp lập ra trường học không phải để “khai hóa văn minh” cho người Việt Nam, mà cốt biến thanh niên bản xứ thành tay sai phục vụ cho chính sách cai trị của chúng.

Nhìn những cảnh tượng đau lòng ấy, Phan Đăng Lưu càng thêm căm ghét bọn vua quan bán nước. Nhân lúc tên tổng đốc Nghệ An tổ chức tiệc mừng thăng chức, anh đã làm một đôi câu đối dán ngay cổng thành Vinh để đả kích bọn người chỉ biết “vinh thân phì gia”, cúi đầu làm tay sai cho giặc Pháp:

Là một thanh niên có tư tưởng chống thực dân Pháp và bọn vua quan bán nước, Phan Đăng Lưu nhanh chóng bắt liên lạc với các thầy giáo trung Hội phục Việt và tích cực tham gia các hoạt động yêu nước ở Vinh. Anh tìm đọc và phổ biến sách báo tiến bộ, bàn luận thời cuộc với những người yêu nước và ký tên vào bản yêu sách đòi thực dân Pháp trả lại tự do cho nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu.

Sự nghiệp cách mạng và báo chí của Phan Đăng Lưu thực sự sôi nổi, phong phú khi ông tham gia Đảng Tân Việt – một trong những tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này. Khoảng cuối năm 1927, đầu 1928, để tuyên truyền tư tưởng xã hội chủ nghĩa và tư tưởng dân chủ mới, Đào Duy Anh và lãnh đạo Đảng Tân Việt ở Huế thành lập Nhà sách Quan Hải Tùng Thư.

Trên cương vị là Thường vụ Tổng bộ phụ trách tuyên truyền, Phan Đăng Lưu – với kiến thức Hán học và vốn tiếng Pháp tinh tế đã dịch và biên soạn nhiều tư liệu quý như “A.B.C Chủ nghĩa Mác”, “Dân chủ mới”; dịch các cuốn “Xã hội luận”, “Lược sử các học thuyết kinh tế”… Các cuốn sách, bài báo của Phan Đăng Lưu, Đào Duy Anh và các tác gia ở Quan Hải Tùng Thư góp phần thức tỉnh nhiều thanh niên, học sinh yêu nước. Từ họ, tư tưởng tiến bộ, cách mạng lan tỏa, thấm dần vào các tầng lớp nhân dân.

Trong chuyến đi Trung Quốc sau đó, được đến Bắc Kinh, Thượng Hải, Nam Ninh… Phan Đăng Lưu mang về nước nhiều tài liệu, sách báo về chủ nghĩa Mác rất quý giá. Một số tài liệu do ông dịch (khi tá túc trong căn nhà của ông Đăng Trọng Ninh ở phố hàng Vôi, Hà Nội), hiện vẫn được Bảo tàng Cách mạng Việt Nam lưu giữ.

Khu lưu niệm đồng chí Phan Đăng Lưu ở xã Hoa Thành (Yên Thành).
Khu lưu niệm đồng chí Phan Đăng Lưu ở xã Hoa Thành (Yên Thành).

Tháng 9/1929, trong chuyến sang Trung Quốc lần thứ hai để tìm gặp và liên kết Đảng Tân Việt với Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, Phan Đăng Lưu bị bắt ở Hải Phòng, bị đưa về nhà lao Vinh và bị kết án 5 năm tù khổ sai, lưu đày Buôn Ma Thuột. Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Phan Đăng Lưu được kết nạp Đảng ở trong tù và tham gia ban lãnh đạo những người cộng sản ở trong tù.

Vào quãng giữa năm 1932, sau cuộc phá ngục của tù nhân ở nhà tù Kon Tum, thực dân Pháp siết chặt chế độ lao tù đến mức hà khắc. Lãnh đạo nhà tù Buôn Ma Thuột, trong đó có cả Phan Đăng Lưu, chủ trương viết báo bằng cả tiếng Việt, tiếng Pháp, để khi có người được ra tù hoặc qua đường dây bí mật gửi đăng ở các báo, tố cáo chế độ nhà tù, kêu gọi dư luận bên ngoài hỗ trợ cuộc đấu tranh của tù nhân. Một số ít bài báo như vậy đã may mắn lọt ra ngoài. Bọn cai ngục ở nhà tù Buôn Ma Thuột tức lồng lộn, xoi mói, lùng sục các buồng giam kỹ hơn.

Một lần, người đồng chí của Phan Đăng Lưu là Đậu Hàm, quê Hà Tĩnh mãn hạn ra tù. Phan Đăng Lưu viết một bài báo bằng tiếng Pháp. Đêm đó, ông tách đế dép cao su của bạn, nhét tờ báo vào bên trong. Khoảng 3 giờ sáng, vì có nội gián, cai ngục và lính gác ập vào. Sự việc bị bại lộ, Phan Đăng Lưu bị tra tấn tàn khốc và bị tăng thêm án tù.

Ở Pháp, đầu năm 1936, Mặt trận Nhân dân Pháp và Chính phủ Pháp ra sắc lệnh ân xá chính trị phạm ở Đông Dương và ban hành một số chính sách tiến bộ khác. Phan Đăng Lưu được ra khỏi nhà tù Buôn Mê Thuột tháng 2/1936 nhưng buộc phải “an trí” ở Huế. Tại đây, ông cùng các đồng chí của mình liên lạc với Đảng, chuẩn bị cho cuộc đấu tranh mới bằng những bài viết trên các báo.

Tháng 3/1937, tại Đông Pháp Lữ quán, số 7 đường Đông Ba, Đại hội Báo chí Trung kỳ khai mạc với sự tham gia của hơn 70 nhà báo. Phan Đăng Lưu và các nhà báo cách mạng đã có công hướng Đại hội vào những nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa lúc bấy giờ.

Ngày 24/12/1937, một số đại biểu vừa trúng cử Viện Dân biểu Trung Kỳ qua sự gợi ý, đề xuất của Phan Đăng Lưu đã làm đơn xin xuất bản tờ báo lấy tên là “Dân”. Hai người quản lý báo Dân là Nguyễn Đan Quế và Nguyễn Xuân Cát. Tuy nhiên, về thực chất, đây là tờ báo của Xứ ủy Trung Kỳ do Phan Đăng Lưu trực tiếp chỉ đạo.

Báo Dân kết hợp chặt chẽ với các đại biểu tiến bộ trong Viện Dân biểu và phong trào cách mạng của quần chúng, tạo nên sức mạnh to lớn chống sưu cao, thuế nặng, chống áp bức, bất công, đòi tự do ngôn luận, đặc biệt là đánh bại dự án Thuế thân và dự án Thuế điền thổ do khâm sứ Trung Kỳ đưa ra, làm rung chuyển bộ máy cai trị ở chính nơi đầu não của chúng.

Trong thành công lớn lao ấy, Phan Đăng Lưu có những cống hiến hết sức quan trọng. Cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình, sắc sảo, các bài viết của ông thực sự là những tác phẩm báo chí giàu tính chiến đấu, tính giai cấp, tính văn hóa, tính nhân dân.

Tháng 9/1939, Phan Đăng Lưu được Trung ương chỉ đạo rút vào Nam Kỳ hoạt động bí mật. Tháng 11/1939, ông ra Việt Bắc dự Hội nghị Trung ương lần thứ VII (tháng 11 năm 1939), được bầu làm Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng và trở thành một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng ta lúc đó. Tại Hội nghị này, ông báo cáo, phân tích tình hình ở Nam Kỳ, cho rằng tình thế cách mạng chưa chín muồi, xin Trung ương cho hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ.

Đề nghị của ông được chấp thuận. Ông vội vã trở lại vùng đất đang sục sôi khí thế cách mạng, nhưng không kịp. Phan Đăng Lưu bị địch bắt ngay khi vừa đặt chân xuống Sài Gòn. Cuộc khởi nghĩa vẫn bùng nổ theo kế hoạch đã định trước của Xứ ủy Nam Kỳ.  Thực dân Pháp đã dìm cuộc khởi nghĩa trong biển máu. Hàng vạn chiến sỹ cách mạng bị chém giết, tù đày. Ngày 3/3/1941, tòa án binh Sài Gòn đưa đồng chí Phan Đăng Lưu ra xử cùng với các chiến sỹ bị bắt trong cuộc khởi nghĩa. Tại phiên tòa này, đồng chí bị kết án tử hình và đem vào giam ở xà lim án chém.

Trong những ngày còn lại của đời mình, đồng chí đã tìm cách truyền đạt những chủ trương của Trung ương Đảng và những kinh nghiệm hoạt động cách mạng của mình cho những đồng chí cùng bị giam và khuyên mọi người hãy giữ vững tinh thần, tiếp tục chiến đấu.

Ngày 26/8/1941, Phan Đăng Lưu cùng các chiến sĩ cộng sản ưu tú Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập bị đưa ra trường bắn Bà Điểm (Hóc Môn, Gia Định). Trước họng súng quân thù, cùng với các đồng chí lãnh đạo Đảng ta, đồng chí Phan Đăng Lưu đã tỏ rõ khí phách anh hùng của người cộng sản Việt Nam.

_________________

Nguồn: Lịch sử Nghệ Tĩnh, tập 1; Nghệ An những tấm gương cộng sản; Lịch sử Đảng bộ Nghệ An tập 1 (1930-1945)…