Thanh Chương nỗ lực trở thành “cực” đầu tư hấp dẫn

Đầu năm 2022, ở xã Thanh Liên, trên diện tích gần 3,2 ha trồng ngô đã được giải phóng mặt bằng bàn giao cho nhà đầu tư chuẩn bị khởi công Nhà máy may Matsuoka của Công ty Matsuoka Corporation (Nhật Bản). Bà Đậu Thị Vân, 1 trong 45 hộ dân nhường đất cho dự án phấn khởi nói: “Dù mảnh đất rất gắn bó, là “cơm áo, gạo tiền” của  gia đình, nhưng khi xã có chủ trương thu hồi để xây dựng nhà máy, mở ra cơ hội mới cho quê hương và cho chính người dân chúng tôi, nên gia đình sẵn sàng ủng hộ chủ trương thu hồi ngay”.

Lãnh đạo tỉnh và huyện Thanh Chương kiểm tra triển khai dự án trồng, chế biến tinh dầu bạc hà tại xã Thanh Tiên; Lãnh đạo huyện Thanh Chương và xã Thanh Tiên kiểm tra công tác chuẩn bị khởi công dự án Nhà máy may Matsuoka. Ảnh: Mai Hoa
Lãnh đạo tỉnh và huyện Thanh Chương kiểm tra triển khai dự án trồng, chế biến tinh dầu bạc hà tại xã Thanh Tiên; Lãnh đạo huyện Thanh Chương và xã Thanh Tiên kiểm tra công tác chuẩn bị khởi công dự án Nhà máy may Matsuoka. Ảnh: Mai Hoa

Đồng chí Phan Bá Ngọc – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Liên cho biết: Nhà máy may Matsuoka (Nhật Bản) có tổng vốn đầu tư 154 tỷ đồng với quy mô sản xuất 14 triệu sản phẩm/năm. Ngoài tạo việc làm, thu nhập cho khoảng 1.500 lao động địa phương, khi dự án đi vào hoạt động sẽ còn thúc đẩy phát triển các dịch vụ khác, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho người dân. Bởi vậy, khi tỉnh có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp ủy, chính quyền và nhân dân đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai dự án, dự kiến khởi công trong tháng 2/2022 này.

Cùng Nhà máy may Matsuoka (Nhật Bản), theo chia sẻ của đồng chí Trình Văn Nhã – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, dự án chế biến chè chất lượng cao xuất khẩu tại xã Thanh Thủy cũng đã hoàn thành các thủ tục và dự kiến khởi công trong quý I/2022 này, sẽ giải quyết đầu ra cho vùng nguyên liệu chè Thanh Chương với hơn 4.700 ha hiện có, gắn với từng bước hỗ trợ nông dân chuyển đổi trồng các giống chè có chất lượng cao, đáp ứng chuỗi cửa hàng trà Phúc Long trong cả nước và xuất khẩu. Đồng thời hỗ trợ các nhà đầu tư xúc tiến triển khai thực hiện một số dự án, như Nhà máy sản xuất than viên nén và gỗ ép tại xã Thanh Tùng; Nhà máy chế biến tinh dầu dược liệu tại xã Thanh Tiên.

Nông nghiệp Thanh Chương vừa có quy mô diện tích, hàng hóa lớn, vừa chất lượng để tập trung thu hút đầu tư chế biến nông sản. Ảnh: Mai Hoa
Nông nghiệp Thanh Chương vừa có quy mô diện tích, hàng hóa lớn, vừa chất lượng để tập trung thu hút đầu tư chế biến nông sản. Ảnh: Mai Hoa

Ngoài các dự án nêu trên, thời gian qua, huyện Thanh Chương tích cực đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, tiếp xúc, mời chào các nhà đầu tư trong nước về khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư trên địa bàn. Hiện tại đã có một số nhà đầu tư vào khảo sát đầu tư dự án trồng cây mắc ca gắn với khai thác, phát triển du lịch sinh thái khu vực hồ sông Rộ; Dự án du lịch đảo chè Thanh Chương. Riêng Nhà máy may TAAD tại xã Thanh Khê và Nhà máy sản xuất viên nén gỗ tại xã Thanh Hương được huyện thu hút và đưa vào hoạt động trong năm 2021 vừa qua, giải quyết việc làm cho hơn 750 lao động.

Huyện Thanh Chương có tiềm năng đất đai rộng lớn, nguồn lao động dồi dào, đặc biệt là nền sản xuất nông nghiệp đa dạng nhiều sản phẩm có quy mô lớn như cây nguyên liệu giấy hiện có hơn 20.000 ha; chè hơn 4.600 ha; hơn 500 ha cây cam; đàn trâu, bò 76 – 80 nghìn con, chiếm 10% tổng đàn cả tỉnh… Đó là những tiềm năng, lợi thế vô cùng quan trọng và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở ở huyện Thanh Chương cũng đang thể hiện một quyết tâm và cam kết mạnh mẽ luôn đồng hành, hỗ trợ, đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư vào đầu tư vào địa bàn.

Du lịch du lịch trải nghiệm sản phẩm nông nghiệp nông thôn mới đang là xu hướng hút khách ở huyện Thanh Chương. Ảnh: Diện Nguyễn
Du lịch du lịch trải nghiệm sản phẩm nông nghiệp nông thôn mới đang là xu hướng hút khách ở huyện Thanh Chương. Ảnh: Diện Nguyễn

Quan điểm, nguyên tắc trong thu hút đầu tư của Thanh Chương được đồng chí Trình Văn Nhã – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương chia sẻ: Thu hút đầu tư phải đảm bảo phát triển bền vững, tuyệt đối không đánh đổi phát triển kinh tế làm ô nhiễm môi trường, làm mất an ninh, trật tự mà bài học một số địa phương đã từng xảy ra. Thu hút đầu tư được ưu tiên các dự án công nghiệp chế biến các sản phẩm từ rừng nguyên liệu, chế biến chè công nghiệp, chế biến, bảo quản các loại nông sản. Thu hút các dự án khai thác, phát triển tiềm năng, lợi thế du lịch của huyện; các dự án tận dụng nguồn lao động dồi dào trên địa bàn, đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 với sự dịch chuyển lao động về nông thôn rất lớn, tạo điều kiện cho người dân có thể làm việc trong ngành công nghiệp trên chính quê hương của mình, “ly nông bất ly hương”.

Thanh Chương có nhiều di tích và phong cách đẹp, tạo thuận lợi thu hút đầu tư phát triển kinh tế du lịch... Ảnh: Diện Nguyễn
Thanh Chương có nhiều di tích và phong cách đẹp, tạo thuận lợi thu hút đầu tư phát triển kinh tế du lịch... Ảnh: Diện Nguyễn

Để tạo ra sự thay đổi bộ mặt của huyện, Thanh Chương cũng đặt ra mục tiêu thu hút các dự án phát triển khu đô thị. Ngoài đô thị trung tâm thị trấn huyện lỵ, Thanh Chương sẽ kêu gọi thu hút đầu tư đô thị Lĩnh Trường tại xã Thanh Lĩnh với định hướng mở rộng, “ôm” các xã Thanh Lĩnh, Thanh Đồng, Đồng Văn vào thị trấn, hình thành đô thị hai bên bờ sông Lam; khu đô thị ở xã Thanh Đồng (hiện đã có quyết định phê duyệt để quy hoạch chi tiết); khu đô thị cầu Rộ ở xã Võ Liệt.

Thanh Chương tập trung thu hút các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, tạo kết nối liên vùng, thúc đẩy phát triển. Ảnh: Mai Hoa
Thanh Chương tập trung thu hút các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, tạo kết nối liên vùng, thúc đẩy phát triển. Ảnh: Mai Hoa

Đồng chí Nguyễn Văn Quế – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Chương cho biết thêm: Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thanh Chương khóa XXXI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 và những định hướng phát triển ngành, lĩnh vực trên địa bàn huyện được tích hợp vào quy hoạch tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng như tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, Thanh Chương đang quyết tâm đưa huyện nhà trở thành “cực” hấp dẫn thu hút đầu tư. Hiện huyện đang phối hợp khảo sát, đề xuất đưa vào quy hoạch phát triển 2 khu công nghiệp Thanh Cát (xã Cát Văn) và Xuân Lâm (các xã Xuân Tường, Thanh Dương); 4 cụm công nghiệp Thanh Liên; Thanh Phong – Thanh Đồng; Thanh Tiên; Thanh Khai và giữ nguyên quy hoạch cụm công nghiệp Thanh Thủy. Đây là cơ sở để huyện xúc tiến, kêu gọi các nguồn lực đầu tư hạ tầng các cụm, khu công nghiệp, tạo mặt bằng sạch, thu hút các dự án đầu tư vào địa bàn.

Cùng với quy hoạch các cụm, khu công nghiệp, huyện đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, tạo kết nối liên vùng và giao thông thuận lợi cho các dự án đầu tư vào địa bàn. Ngoài tuyến đường huyết mạch nối xã Thanh Liên đi xã Hạnh Lâm có chiều hơn 12 km đang thi công, huyện cũng đang chuẩn bị các điều kiện để khởi công xây dựng cầu đò Cung bắc qua sông Lam với tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng; tuyến đường từ xã Ngọc Sơn đi xã Nam Hưng (Nam Đàn), tổng vốn đầu tư 113 tỷ đồng; tuyến đường nối đường Hồ Chí Minh lên Tổng đội Thanh niên xung phong II (xã Thanh Đức); đường từ xã Thanh Hương đi xã Ngọc Lâm…

Với quan điểm, nguyên tắc, định hướng rõ trong thu hút đầu tư, đặc biệt là trăn trở, quyết tâm mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, công tác thu hút đầu tư vào địa bàn huyện Thanh Chương sẽ có nhiều khởi sắc trong thời gian tới.

Đảo Chè ở xã Thanh An (Thanh Chương).
Đảo Chè ở xã Thanh An (Thanh Chương).