Những chàng trai múa lân sư rồng bằng cả đam mê

Trong một chiếc ki ốt cũ rộng chưa đến 10m2, cửa tiệm cắt tóc bình dân của anh Hồ Quang Chính (sinh năm 1984) là địa điểm quen thuộc mà những người bạn mê múa lân sư rồng của anh vẫn thường tìm đến mỗi ngày. Với chất giọng đặc sệt xứ Huế, anh say sưa kể cho chúng tôi nghe về điệu múa lân, về tình yêu của gia đình mình dành cho điệu múa ấy và cả hành trình đầy nhẫn nại để lan tỏa nó trên mảnh đất xứ Nghệ thân yêu.

Anh Chính biểu diễn đánh trống cho đội luyện tập.
Anh Chính biểu diễn đánh trống cho đội luyện tập.

Ngày ấy, phố Huế nhỏ lắm, chỉ cần đứng ở hiên nhà là đã có thể nghe được tiếng trống múa lân, múa rồng vang dội trên khắp mọi nẻo đường. Chỉ cần có vậy, những đứa trẻ lên 5, lên 6 như anh lại nhấp nhỏm dắt díu nhau đi xem hội múa lân để rồi không khỏi ngỡ ngàng trước những pha xoay, lộn, chồm người đầy mạo hiểm và hứng thú. Điều đặc biệt khiến cho điệu múa này trở nên gần gũi và thân thuộc như một phần của cuộc sống quê anh là bởi nó không hề phân biệt nam – nữ. Miễn rằng có khả năng thì bất cứ ai, ở bất kỳ độ tuổi nào đều có thể tham gia biểu diễn. Vậy nên thủa ấy, không ít lần anh được chứng kiến cảnh bà và mẹ anh hóa thân thành những chú lân, chú rồng nhảy múa trong dịp rằm Trung Thu. Và cũng chính họ đã trao truyền cho anh một niềm đam mê máu thịt với điệu múa này.

Năm 1990, vì cuộc sống mưu sinh, gia đình anh chuyển ra định cư tại thành phố Vinh. Rời xa xứ mộng mơ để bắt đầu một cuộc sống mới tại mảnh đất gió lào cát trắng khiến cậu bé Hồ Quang Chính không khỏi cô đơn, lạc lõng trong những ngày đầu. Rồi nỗi buồn ấy qua mau khi ngày Trung Thu tới, cậu lại được nghe âm thanh rộn rã của tiếng trống múa lân và háo hức cùng điệu múa rồng điêu luyện biểu diễn trên đoạn đường rước đèn ông sao của thành phố. Niềm đam mê trỗi dậy, cậu ngay lập tức đăng ký vào nhóm múa lân sư rồng và trở thành một phần không thể thiếu trong những mùa Trung Thu sau đó.

Lớn hơn một chút, vào năm 18 tuổi, Hồ Quang Chính đứng ra thành lập nhóm múa lân sư rồng với hơn 10 thành viên là những bạn trẻ có chung niềm đam mê. Và chính nó là hạt nhân để liên kết nhiều người yêu mến bộ môn này ở trong và ngoài thành phố để cho đến hiện tại, nhóm đã có gần 30 thành viên.

30 con người là 30 thân phận, họ khác nhau về nghề nghiệp, tính cách nhưng lại có chung một niềm đam mê với điệu múa lân sư rồng. Bởi thu nhập từ nghề là rất ít, nên các thành viên đều phải tìm cho mình một nghề nghiệp khác để trang trải cuộc sống mưu sinh. Giống như anh Chính gắn bó với nghề cắt tóc để trang trải cơm áo gạo tiền cho gia đình.

Trước ngỏ ý muốn tìm hiểu kỹ hơn về những yêu cầu, đặc trưng riêng của điệu múa lân sư rồng, anh Chính nhiệt tình giải thích: “Múa lân sư rồng thực chất là sự nói tắt của múa “Kỳ Lân, Sư tử và Rồng”. Đó là 3 linh vật đem lại may mắn và thịnh vượng theo quan niệm của ông cha ta. Theo thời gian và nhu cầu của thị trường, mình thấy múa Lân ngày càng phổ biến và được nhiều người mời biểu diễn bởi đây là điệu múa đẹp mắt nhất, đòi hỏi nhiều kỹ thuật khó nhất cũng như mang lại sự gần gũi nhất cho người xem.”

Nó khó nhất là bởi đầu lân không có bờm như sư tử, cho nên khi biểu diễn phải khéo léo để không bị lộ và phô ra những điểm yếu của người biểu diễn. Mặt khác, múa rồng gồm 1 đội hình nhiều người sẽ dễ dàng tạo nhiều thế, nhiều kiểu và có sự khoan thai nhất định trong các động tác hơn. Mọi người còn có một chiếc gậy cầm để điều khiển thân rồng theo ý muốn. Còn múa lân đòi hỏi tốc độ thực hiện các động tác phải nhanh, mạnh mẽ và dứt khoát nên rất mau xuống sức. Nếu người múa không thực sự tập trung cao độ trong khi múa lân thì đầu và đuôi không thể ăn khớp với nhau. Đặc biệt là những động tác leo, chồng người lên cao.

Anh Chính là một trong 3 người có thể đánh trống biểu diễn.
Anh Chính là một trong 3 người có thể đánh trống biểu diễn.
Động tác chồng người phức tạp trong điệu múa lân.
Động tác chồng người phức tạp trong điệu múa lân.

Dù rằng, ai cũng thực hiện được những động tác căn bản nếu được dạy, nhưng không có niềm đam mê thì điệu múa sẽ trở nên vô hồn. Phải múa làm sao để thể hiện được con lân nó đang tìm kiếm cái gì, nếu hái linh chi thì cái linh chi đang ở đâu. Cũng là lân, nhưng lân trong từng điệu múa động thổ lại khác trong đám cưới hay đón giao thừa và dịp Trung Thu. Mỗi bài múa đều toát lên một nét tính cách, cảm xúc riêng biệt của lân.

Em Đức - một thành viên trong đội múa lân của anh Chính miệt mài luyện tập.
Em Đức - một thành viên trong đội múa lân của anh Chính miệt mài luyện tập.

Từ những đòi hỏi khắt khe đó nên các thành viên trong nhóm tập luyện rất vất vả. Người múa phải có một sức khỏe dẻo dai, ngoài năng khiếu phải biết một chút võ thuật để có thể thực hiện những động tác leo trèo, bay nhảy. Nếu không cẩn thận có thể xảy ra tai nạn và chấn thương. Đặc biệt là cần có sự kiên trì để thực hành điêu luyện những động tác khó.

Nhiều người khi xem trình diễn múa lân thường chỉ tập trung vào những người nghệ sỹ hóa thân vào con lân, rồng hay sư tử. Nhưng không biết rằng, người quyết định cho sự thành công của một buổi biểu diễn lại là …. người đánh trống. Người đánh trống trong những buổi múa lân giống như là vị nhạc trưởng điều khiển cho một dàn nhạc hàng chục người vậy. Tiếng trống ngoài việc tạo không khí sôi động cho màn múa còn là hiệu lệnh hay tín hiệu để các thành viên phối hợp với nhau. Ví như tiếng trống tùng tùng tùng dồn dập nghĩa là bắt đầu vào màn múa, mọi người xê dịch lên xuống nhịp nhàng giống như chú lân đang vờn, còn tiếng trống pha lẫn những thanh cắc tùng, tùy theo từng phân phúc mà người biểu diễn phối hợp chồng người hay di chuyển trái phải.

Mỗi bài múa lân thường có 7 trường đoạn như: thần lân xuất động, bát bộ liên hoa, phục lan, lân linh chi, lân tranh châu, lân ký kiều, và lân hồi sơn. Mỗi trường đoạn lại mang một nét cảm xúc khi cương khi nhu, lúc khoan thai đĩnh đạc. Vậy nên, người đánh trống phải là người múa lân lâu năm để thuộc các bài múa, để hiểu các tiết tấu nhạc điệu trong khi múa lân.

“Mình múa lân hơn 7 năm mới đảm nhiệm được phần đánh trống cho mọi người. Hiện nhóm múa của mình chỉ có 3 thành viên có thể chơi trống mà thôi. Vậy nên, số lượng người yêu thích điệu múa này rất nhiều nhưng để gắn bó được với nghề lại là rất hiếm. Thời gian gần đây, khi nhiều cửa hàng khai trương bắt đầu mời đội múa lân về xông đất nhưng thù lao chỉ dao động từ 1,5 đến 2 triệu đồng. Trong khi mỗi nhóm biểu diễn là 7 người chưa tính chi phí quần áo và dụng cụ nên số tiền cát xê còn lại chỉ đủ xăng xe và ăn uống một bữa mà thôi. Tuy nhiên, vượt qua tất cả khó khăn thì hạnh phúc của những người theo nghề này như tụi mình là mang niềm vui đến cho mọi người cũng như bảo tồn được nét văn hóa truyền thống của cha ông để lại” _ anh Chính chia sẻ.

Khi câu chuyện đã vãn cũng là lúc các thành viên trong nhóm múa lân sư rồng rục rịch chuẩn bị cho buổi tập tại công viên gần đó. Chúng tôi cũng hào hứng hòa vào dòng người đổ về công viên để thích thú ngắm nhìn buổi tập. Khi tiếng trống rộn ràng vang lên, cũng là khi những chú lân hóa mình trong những điều vờn, điệu nhảy và chồng người điêu luyện. Điều khiến cho khán giả thích thú là sự xuất hiện của cậu bé Nguyễn Tuấn Đức. Dù năm nay mới học lớp 8 nhưng em đã đảm nhận thành thạo vị trí đầu lân. Những bước di chuyển khéo léo,những cú nhảy chuẩn xác là thành quả sau gần 5 năm tập luyện chăm chỉ cùng lớp đàn anh.

Và còn nhiều nhân tố mang sức trẻ thổi hồn cho điệu múa lân như chàng thanh niên Nguyễn Văn Minh ở phường Đội Cung. Nghe Minh kể thì sau một lần xem nhóm của mình biểu diễn trong đêm rằm Trung Thu mà phường tổ chức, em đã rất thích thú nên một mực đòi bố mẹ đèo đến nhà anh Chính để xin tham gia nhóm luyện tập. Những tưởng đó chỉ là ý thích nhất thời của trẻ con nên bố mẹ cậu và các thành viên trong nhóm cũng không quá khắt khe mà nhận em vào tập. Những ngày đầu Minh chăm chú tìm hiểu kỹ từng động tác của mọi người nhưng chưa thực hiện được nhiều. Bẵng đi 1 tháng, em trở lại và xin nhận múa ở vị trí đầu lân khiến cho ai nấy đều ái ngại. Bởi những người mới tham gia thường đảm nhận vị trí đuôi lân do đầu lân rất to, nặng và khó múa.

Anh Chính và Minh
Anh Chính và Minh

Nhưng rồi cậu bé Minh đã khiến cho các thành viên lớn tuổi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi em có thể đảm nhận ví trí múa đầu lân liên tiếp hơn 1 tiếng đồng hồ không biết mệt, còn đòi múa tiếp. Trong khi những người lớn tuổi chỉ có thể múa được 30 phút là bắt buộc thay người rồi. Hóa ra, suốt cả tháng trời em đã mua đĩa về tự tập ở nhà, cùng với năng khiếu sẵn có của mình nên mới có được thành tích đáng nể ấy. Giờ đây cậu bé Minh ngày nào đã 17 tuổi và trở thành một trong những thủ lĩnh trẻ tiếp nối thế hệ của anh Chính.

Khi trời đã về chiều, chúng tôi chia tay anh Hồ Quang Chính trong tiếng rộn rã của trống lân của nhóm chuẩn bị tập luyện để biểu diễn rằm Trung Thu sắp tới. Dù rằng lót dạ trước buổi tập kéo dài hàng tiếng đồng hồ chỉ là những bát mỳ tôm pha vội. Nhưng niềm hạnh phúc vẫn rạng ngời trong đôi mắt của họ. Trước khi ra về, anh không quên nhắc nhở tôi: “Đừng viết về bọn anh theo hướng khó khăn, vất vả. Mà hãy nói lên những niềm vui của bọn anh khi được gắn bó với nghề. Bởi tất cả các thành viên chỉ có một ước muốn theo đuổi và cháy trọn với niềm đam mê của mình mà thôi!…”

Ý kiến bạn đọc(2)

  1. Nguyễn tuấn đức

    Chúc em rất cảm ơn bài báo đã biết đến đoạn lân chúng em bài báo rất có ý nghĩ và rất hay đội với chúng em. Em là nguyễn tuấn đức trong đoàn lân đây ạ

  2. Nguyễn tuấn đức

    Bài bào rất ý nghĩa và rất hay ạ