Tháng Chạp luôn là thời điểm rõ nhất để ta hiểu hơn câu nói quen thuộc: “Ra đi để trở về”.
Tôi còn nhớ những ngày còn là sinh viên. Dù đặt vé tàu Tết từ trước vài tháng, có khi quên khuấy mất tấm vé đã cất kỹ như nào nhưng rồi một sáng đầu tiên của tháng Chạp, khi cô bạn giường tầng bên kia mở cuốn lịch cầm tay lẩm nhẩm như một bà cụ non: “Tháng Chạp rồi đấy”, thì sẽ sực nhớ ra tấm vé ở đâu để bắt đầu hành trình đếm ngược. Năm nào cũng như năm nào, mà hành trình đếm ngược từ ngày đầu tiên tháng Chạp cho đến những ngày ngoài 20 tháng Chạp nó kỹ lưỡng, cẩn thận y như nhau. Cứ mở mắt buổi sáng lại tự nhủ, còn mười hai ngày, còn mười một ngày… cho đến khi còn một ngày thì trời ơi, tâm trạng nhẹ thênh thênh vì biết có chuyến tàu đã sẵn sàng chở mình về nhà. Cảm giác ấy, mãi đến khi đã có nhà riêng với những đứa nhỏ của riêng mình tôi vẫn rất trân quý, nhớ rất kỹ. Nhớ để nhắc mình rằng, chẳng phải ở đâu xa, hãy nhìn bố mẹ mình đấy, đã cho con mình một nơi chốn khiến chúng khấp khởi đếm ngược từng ngày đợi mong trở sau những tháng ngày đi xa. Cho con bạc, tiền, bạc tiền tiêu đi hết, cho những cảm xúc, cảm xúc ở mãi trong tim.
Tháng Chạp hiện rõ nhất trên lưng áo mẹ tôi với những vạt mồ hôi lấm tấm rơi trong những ngày giá lạnh. Bố mẹ tôi vẫn bị gọi đùa là nông dân giữa phố. Cho đến những năm gần đây, khi xe xích lô đã vắng bóng dần ở phố Vinh thì chiếc xe đã gắn bó với bố mẹ cả hơn hai mươi năm qua vẫn bền bỉ chạy. Mùa hè mô hôi rơi không nói làm gì, mùa đông mồ hôi vẫn rơi… Mẹ đã mất, bố vẫn gắn với chiếc xích lô xưa cũ ấy, háo hức chở than tổ ong bán cho những khách hàng lâu năm (Có những khách quen biết cũng lâu y như cái xe xích lô vậy). Nhiều khi việc gắn bó ấy như một thói quen, để tránh rảnh rỗi sẽ buồn chân buồn tay không chịu nổi như bố vẫn nói chứ không hoàn toàn vì mưu sinh. Nhà bố mẹ cũng có thể cho thuê một phần đủ trang trải cuộc sống của bố. Tháng Chạp vẫn nhắc tôi những giọt mồ hôi trong mùa đông lạnh và bếp than hồng bố nhóm lên mỗi sáng mai. Chẳng chỉ là cơm là cá, mà còn cả vị mặn mồ hôi và hơi ấm bếp than nuôi những đứa trẻ nhà nghèo như tôi ngày xưa khôn lớn.
Rồi Tháng Chạp, có bao người con tha hương, mang trên mình cánh chim thiên di với nỗi nhớ hoài hương. Cả năm có khi chẳng nghe những ca khúc Đêm nằm mơ phố, Đêm đông… nhưng tại sao cứ phải là một đêm Tháng Chạp, nghe thấy lòng mình chùng chình rồi có khi bật khóc. Thấy rằng đầu đã hai thứ tóc rồi đấy mà sao vẫn như trẻ nhỏ dễ khóc như ngày xưa. Rồi thì vu vơ mỉm cười mằ nghĩ rằng, có những giọt nước mắt chẳng cần giấu đâu, hãy cứ để hồn nhiên rơi, như giọt nước mắt của một đêm Tháng Chạp này.
Mà trời ạ, Tháng Chạp rồi đấy, nói chuyện vui đi được không? Kiểu gì thì Tết cũng sắp đến nơi rồi. Ngoái ngoảnh chi hoài quá khứ, mà quá khứ đọng lại, kì lạ thay những mất mát, vất vả thường lại đọng lại nhiều hơn. Ừ vui như là chuyện đóa hoa thược dược sáng nay, nó nhắc tôi nhớ tới những ngày Tháng Chạp thuở ấu thơ nâng niu từng mầm cây, chờ từng nụ hoa nõn nà tròn múp míp lớn dần để ra hoa đúng độ xuân sang Tết đến. Ở Sài Gòn không có hoa thược dược. Tận gần 20 năm có con bé ngày xưa yêu thược dược đến đỗi có thể trồng cây từ những nhánh, cành, củ, gốc… kiểu gì cũng có thể ra hoa rất đẹp mà không cần sách nào dạy, người lớn nào chỉ, và càng chưa từng có “thầy Google” để trợ giúp như giờ; còn tin rằng hát cho nụ hoa nghe hoa sẽ nở rất sai. Sáng kia bất ngờ gặp lại thược dược ở hàng hoa quen. Có bốn năm đóa hoa đương độ mãn khai rực rỡ và chi chít những nụ xinh. Ngỡ tưởng kiểu gì hoa cũng nở đến sức tàn lực kiệt với đám nụ ấy, ai dè hoa tàn thì nụ cứ im thin thít nín thinh không hứa hẹn sẽ ra bông, những chiếc lá héo dần héo mòn trong sự thẫn thờ của người vì yêu hoa mà quên khuấy mất rằng thược dược đâu phải là hoa để trồng vùng nhiệt đới. Để rồi sáng nay, bất ngờ có đóa hoa bé nhỏ tím hồng hé chào trong nắng mềm gió lạnh y như một sáng cuối Đông quê mình.
Bông hoa bé nhỏ ấy vì mình mà bất chấp thời tiết đỏng đảnh ngày nóng ngày lạnh của phương Nam những ngày cuối năm mà nở. Bông hoa ấy đáng được mình yêu thương hơn hết thảy, khi hẳn đã cố hết sức (kể cả khi mình đã tưởng như vô vọng) để trao tặng một niềm vui bất ngờ vào một sáng bình yên chạm tay mềm Tháng Chạp.
Rồi là niềm vui hân hoan của con bé con tối qua, khi Tháng Chạp nhắc mẹ nó nhớ rằng có những đứa trẻ cần áo Tết, dù đó chỉ là tấm áo đã chật của con mình. Và thế là mẹ con hí hoáy xếp xếp, gọn gàng để cuối tuần đưa đến lớp học nhạc gửi cô Linh. Cô Linh sẽ mang về cho những đứa trẻ nghèo quê cô trong dịp Tết sắp tới. Ôi sao vẻ hân hoan của con bé nó khiến mình nhớ ngày xưa cũng cùng mẹ xếp áo quần tặng những đứa trẻ nhà nghèo ở núi đồi Ngọc Sơn quê nội, những đứa trẻ lang thang hay đi mót hành mót tỏi bên lề chợ Vinh… Có thế thôi mà, niềm vui Tháng Chạp lan tỏa thật ngọt.
Bạn hỏi tôi, năm nay cũng đã hết năm rồi đấy, rồi nhìn lại, mọi việc có được như ý không? Bỗng giật mình, những tờ lịch cuối cùng của năm rơi xuống khi ngày tháng của năm đã cạn. Bỗng tâm trạng mang một chút bối rối, một chút háo hức khi xé dần từng tờ lịch vào mỗi sáng. Đọc tỉ mẩn cả những câu nhắn nhủ của ông x.y.z nào đó từ mấy trăm năm trước tìm sự đồng cảm. Ơ hay, hình như phải hơn ba trăm mấy chục ngày trong năm chẳng làm cái điều ấy, thậm chí có khi vì bận bịu mà có khi quên cả xé lịch. Kể cho bạn nghe rằng mình đấy, U40 mà như U80 rồi đấy. Bạn nói, mình cũng thế. Rồi chúng mình chẳng đếm chi những thiệt hơn, chẳng cần một bảng thành tích trong năm đạt được là… mà nói với nhau rằng, tuổi này rồi, “đủ lớn để mong bé lại” rồi, đủ biết để trân trọng và hiểu những ngày đang sống là những ngày đáng quý nhất rồi… và cả hai cùng cười xòa, niềm vui Tháng Chạp sao nhẹ nhàng quá đỗi.
Vui buồn Tháng Chạp của bạn là gì? Có bao giờ bạn cũng như tôi sáng nay, khi mở tờ lịch nhắc ngày đầu tiên của tháng cuối năm, lơ đễnh nhìn ra ngoài ô cửa sổ, là sương sớm bịn rịn cùng gió se se và nắng mềm thật mềm, thấy những nỗi buồn, niềm vui cứ hoang hoải chạy vòng quanh mà cảm nhận rằng, ơ kìa lạ kỳ chưa, chính những điều ấy đi cùng năm tháng, khiến ta thấy “chẳng có ai tẻ nhạt trên đời” như câu thơ của Eptusenko mà ta vẫn yêu quý.
Kỹ thuật: Chôm Chôm