Yêu thôi chưa đủ

Hồi ở Pháp, có lần tôi đến nhà bạn chơi và hết sức ngạc nhiên khi thấy cậu con trai 4 tuổi của họ vui vẻ phụ mẹ chuẩn bị bữa tối. Nói là phụ nhưng thực ra cậu bé cũng chỉ đứng trên chiếc ghế được bố kê cạnh bồn rửa bát, giúp mẹ vo gạo – nếu chúng ta không quá khắt khe và đồng ý rằng việc cậu bé cho tay vào nồi gạo được mẹ ngâm nước, vò nhẹ bằng đôi bàn tay bé xíu là hành động vo gạo. Sau đó, cậu bé được mẹ giao cho nhiệm vụ tưới cây cùng bố. Thấy tôi đứng nhìn một cách thích thú, chị bạn tôi giải thích: “Nói là tưới cây chứ thằng bé chỉ biết nghiêng bình cho nước chảy xuống thôi, bố nó phải đứng bên cạnh giúp nó nâng bình nước chuyển sang chậu cây khác vì nặng. Không thì thằng bé sẽ đứng yên một chỗ tưới hết nước vào một chậu cây duy nhất!”. Tôi bật cười vì sự đáng yêu của cậu bé. Nhưng điều khiến tôi chú ý hơn cả không phải là đứa trẻ mà cách bố mẹ nó yêu cầu nó “giúp” và nghiêm túc nói “cảm ơn con” mỗi khi cậu bé hoàn thành việc gì đó. Cái cách họ đối xử với cậu bé như thể cậu là một người lớn trong gia đình. Cái cách mà họ tôn trọng con, dù nó mới chỉ 4 tuổi.

Thực ra tôi nghĩ rằng mọi mối quan hệ đều phải dựa trên nền tảng của sự tôn trọng lẫn nhau, cho dù đó là tình bạn, tình yêu, tình thân hay kể cả là với những người không quen biết. Thế nhưng cũng lại có một nghịch lý là mối quan hệ càng thân thiết, chúng ta lại càng có xu hướng thiếu tôn trọng nhau.

Trong gia đình, biểu hiện thường thấy nhất của sự thiếu tôn trọng là việc bố mẹ áp đặt quan điểm, mong muốn của mình lên con cái. Nhân danh tình yêu thương và những điều tốt đẹp, các bậc phụ huynh tước bỏ khỏi bọn trẻ quyền lựa chọn và chịu trách nhiệm cho những lựa chọn đó. Đó có thể là những vấn đề “nhỏ nhặt” như phong cách ăn mặc, đầu tóc, sở thích ăn uống, giải trí… nhưng cũng có thể là những vấn đề mang tính quyết định trong cuộc đời mỗi con người như sự nghiệp, hôn nhân, gia đình… Đừng biến con cái thành tấm gương phản chiếu, càng đừng xem chúng như công cụ để hoàn thành những ước nguyện dở dang của bố mẹ. Hãy để chúng sống cuộc đời riêng, dù đó có thể là thiên đường hay địa ngục.

Để bắt đầu việc xây dựng một mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, hãy bắt đầu bằng việc “minh bạch” với bọn trẻ về quyền và trách nhiệm của chúng trong gia đình. Đừng ra lệnh cho con, hãy yêu cầu chúng và tôn trọng nếu chúng từ chối, cảm ơn nếu chúng đồng ý. Đổi lại, đừng đáp ứng mọi yêu cầu của con một cách vô điều kiện và dạy con biết chấp nhận lựa chọn của bố mẹ kể cả khi điều đó đồng nghĩa với việc yêu cầu của con bị từ chối. Đừng đánh đồng tình yêu thương và sự tôn trọng. Yêu mà không tôn trọng sẽ chỉ là gánh nặng mà thôi.