“Lửa” tuồng Kẻ Gám

Trích đoạn ``Trần Bình Trọng xuất binh`` được biểu diễn tại nhà chủ nhiệm câu lạc bộ tuồng Kẻ Gám - ông Đặng Văn Huy

Về Kẻ Gám, không ai không biết cụ Phan Văn Lạng – Nghệ nhân Ưu tú bộ môn tuồng. Cụ Lạng kể rằng, thuở nhỏ, cụ đã theo cha lên sân đình, sân chùa để xem tuồng. Cha của cụ cũng diễn tuồng, vì thế, tiếng trống tuồng, nhịp phách nhị, muôn màu gương mặt tuồng đã sớm ngấm vào huyết quản của cụ một cách tự nhiên. Cũng như bao người nông dân làng Kẻ Gám, cụ Lạng chẳng rõ tuồng đến với đất này tự bao giờ, chỉ biết rằng, nghệ thuật truyền thống ấy đã bền bỉ xuôi theo những người dân đi làm ăn muôn phương về đây, và bén duyên, rồi bền chặt gắn bó đến nay.

Tuồng Kẻ Gám là
Tuồng Kẻ Gám là "món ăn" tinh thần làm nên thương hiệu của vùng đất này.

“Tuồng lạ lắm, người mới xem đã mê ngay, đã muốn diễn ngay, còn người mê rồi, ngấm rồi thì không dứt ra được” – cụ Lạng nói. Rồi cụ say sưa kể về tuổi đôi mươi của mình mà cụ gọi là “thời hoàng kim”, cụ đã có thể diễn hay các vở tuồng cổ như Trưng Trắc – Trưng Nhị, Lưu Bình – Dương Lễ… Những ngày còn trẻ, cụ say sưa đi diễn, đến khi vào độ cổ lai hy vẫn chưa nguôi “lửa” tuồng, ngày đêm đi trao truyền, chỉ dạy cho lớp trẻ.

Những vở cụ Lạng biên đạo và chỉ dạy cho đội tuồng làng Kẻ Gám được người dân và những nghệ nhân đam mê tuồng đánh giá rất cao. Ông Đặng Văn Huy – Chủ nhiệm CLB tuồng Kẻ Gám cho biết: Cụ Lạng rất có công trong việc chỉ dẫn cho diễn viên tuồng Kẻ Gám. Cụ có giọng hát tốt và thuộc hầu hết các tích cổ. Đặc biệt, cụ có tài dựng các tích cổ, dù những kịch bản ấy không còn đầy đủ. Cụ cũng là người có cách truyền đạt dễ hiểu, nhất là các động tác hình thể và đặc biệt là niềm đam mê của cụ tạo nên sức lôi cuốn với lớp trẻ.

Sửa soạn trang phục cho ông Phan Văn Cung vào vai Trần Bình Trọng.
Sửa soạn trang phục cho ông Phan Văn Cung vào vai Trần Bình Trọng.

Ông Đặng Văn Huy cũng là một trong những nghệ nhân tuồng làng Kẻ Gám với hơn 40 năm theo nghề, bố ông là nghệ nhân Đặng Văn Hướng – người chuyên đóng vai kép nón từng được Nhà hát Tuồng Trung ương vào tuyển chọn. Cũng như những thế hệ theo tuồng khác, ông Huy sớm thừa hưởng ở cha mình “gen tuồng”, nên từ khi còn nhỏ đã mê đắm tiếng trống, tiếng nhị, tiếng phách và những ngữ điệu hình thể của các tướng sĩ trong các tích tuồng.

Thuở đó, tuổi đời của “diễn viên” tuồng… cấp làng khá trẻ, ông chỉ mới đôi mươi đã đảm nhiệm kép chính, chuyên vào vai tướng lĩnh. Ông diễn ngọt và sắc, khiến mỗi khi ông lên sân khấu bà con trong làng, ngoài xã nô nức hò reo, họ khóc cười theo từng lớp diễn. “Chúng tôi được làm tuồng là sướng lắm, quên ăn quên ngủ, đêm nào cũng đi tập tuồng, bất kể mưa, nắng” – ông Huy kể về tuồng, ánh sáng ngời trong đáy mắt.

Cùng trang lứa với ông Huy còn có ông Lê Khắc Tài, năm nay đã 70 tuổi, từ thuở thanh niên trai tráng ông đã chuyên vào kép đen – vai các tướng ngụy hoặc tướng trung. Thế hệ như ông từng sống chết với tuồng, ăn có thể chưa đủ no, mặc có thể chưa đủ ấm nhưng hễ nghe tiếng trống tuồng là nô nức đi tập.

Trích đoạn
Trích đoạn "Trần Bình Trọng xuất binh" trong vở "Trần Bình Trọng".

“Thời ấy ai được biên chế vào đội tuồng là vinh dự cho cả gia đình, chúng tôi cơm đùm, cơm nắm say sưa đi tập. Có những đêm mưa phùn gió bấc, rét cắt da cắt thịt nhưng vẫn đạp xe từ 17h chiều đến tận 23h đêm mới đốt đuốc ra về” – ông Tài nhớ lại với niềm tự hào không giấu diếm. Biết bao kỷ niệm buồn vui của ngày xưa ấy, như việc chợt quên kịch bản khi lên sân khấu, người nhắc vở sau cánh gà nhắc to quá khiến khán giả cười ồ, rồi trang phục không đủ, người thiếu áo, người thiếu hia… Sân khấu tuồng hồi ấy chủ yếu được dựng vội với tre mét trên một gò đất cao ở ngoài đồng. Thế nhưng cứ đốt đuốc lên, tiếng trống rộn lên là nhân dân khắp vùng kéo đến đông như trẩy hội. Ông Tài cho biết, 40 năm theo tuồng là 40 năm ông được sống trong không khí chộn rộn đó, không lúc nào ông nguôi nhiệt huyết, cạn đam mê với tuồng.

Những ngày này, về làng Kẻ Gám, bên cạnh những nhộn nhịp mùa vụ là náo nức câu chuyện những nông dân chân chất của làng được ra Thủ đô Hà Nội nhận giải thưởng Đào Tấn. Bà Hoàng Thị Dung – người chuyên vào vai kép chính và các đào mẫu, đào nương chưa nguôi niềm vui, chia sẻ: Chúng tôi vô cùng vui sướng, tự hào khi được đứng trên bục nhận giải. Tuồng Kẻ Gám giờ đây không chỉ có giải thưởng trong lòng nhân dân mà còn được Nhà nước ghi nhận bằng giải thưởng danh giá.

Bà Hoàng Thị Dung trong trích đoạn
Bà Hoàng Thị Dung trong trích đoạn "Trần Bình Trọng xuất binh".

Bà Dung kể, trong lễ vinh danh, bà biểu diễn trích đoạn Mỵ Châu – Trọng Thủy khiến cả khán phòng xôn xao. Người ta trầm trồ trước độ nhuyễn của một người nông dân khi nhập vai tuồng, người ta còn trầm trồ bởi bất ngờ, thắc mắc không biết những người nông dân ấy học ở đâu mà có thể hát hay diễn giỏi đến thế. Thế rồi, khi đến tiệc chiêu đãi, bà được mọi người yêu cầu diễn lại trong sự xúc động của nhiều diễn viên và những khán giả hôm ấy.

Nói về giải thưởng mang tên ông tổ của nghệ thuật tuồng Việt Nam, ông Đặng Văn Huy – Chủ nhiệm CLB tuồng Kẻ Gám bày tỏ: Sau nhiều năm miệt mài và đam mê với tuồng, chúng tôi đón nhận giải thưởng trong niềm vui khôn xiết. Giải thưởng càng khiến chúng tôi có nhiều động lực hơn để tiếp tục lan tỏa và trao truyền, giúp tuồng sống mãi, chảy mãi trong lòng Kẻ Gám.

Tuồng ở làng Kẻ Gám không chỉ là món ăn tinh thần mà còn là thương hiệu văn hóa của vùng đất này. “Bất kỳ ai từ người già đến trẻ nhỏ, thanh niên hay các cụ phụ lão đều có thể hát tuồng” – ông Đặng Văn Huy cho hay. Ấy là đánh giá chung về mặt phong trào, chứ còn tính người thực sự hiểu sâu sắc và diễn được tuồng hay cũng không phải là nhiều. Để diễn được hay, ngoài năng khiếu còn cần hơn nữa ở cái duyên vào vai. Có những người “đóng đinh” với một tuyến nhân vật, khó chuyển sang diễn được tuyến nhân vật khác. Người yêu tuồng đều biết, trong tuồng có 4 tuyến nhân vật chính là tướng, đào, lão, kép. Tuyến nào cần diễn viên ấy, thể hiện nét duyên nhập vai ở các đặc điểm hình thể, nét mặt, ánh mắt, đài từ, nụ cười, thậm chí chỉ là một cái nhấc tay đặt chân. Do vậy, bên cạnh niềm vui vinh danh, người yêu tuồng Kẻ Gám vẫn còn đó bộn bề trăn trở khi tuổi nghề của các diễn viên tuồng ngày càng già đi. Đội tuồng Kẻ Gám nay biên chế tới 17 người, người ít tuổi nhất cũng đã… 50!

Ông Lê Khắc Tài và ông Đặng Văn Huy xem lại các kịch bản tuồng.
Ông Lê Khắc Tài và ông Đặng Văn Huy xem lại các kịch bản tuồng.

Cũng theo ông Huy, tuồng làng Kẻ Gám nay không còn có những nhân vật sắc sảo như các cụ Phan Lạng, Đặng Hướng, Phan Long… Đội tuồng ngày xưa còn có những nhạc công rất cừ, chỉ cần nổi kèn, sáo, trống, nhị là đã thấy náo nức không khí tuồng. Ngày nay, tuy bộ nhạc vẫn còn nhưng những nhạc công đánh hay như xưa thì không còn nữa. Vì thế, đau đáu nhất của người yêu tuồng làng Kẻ Gám vẫn là làm sao đào tạo được đội ngũ trẻ kế cận, đắm say với tuồng như lớp cha anh. “Nếu nói tình yêu trong lớp trẻ thì nay chỉ hiện hữu ở phương diện hưởng ứng, đi xem và ủng hộ. Ở đâu có tuồng là ở đó kín khán giả già, trẻ, trai, gái. Còn thì…” – ông Nguyễn Khắc Tài bỏ lửng chia sẻ. Cái điều “còn thì…” ấy là nỗi trăn trở trao truyền, là niềm mong mỏi để tiếng tuồng vang mãi, bởi thẳm sâu trong mỗi người Kẻ Gám, tuồng chính là một phần văn hóa làng, phải làm sao đừng để nhạt đi…

Bà con nô nức xem biểu diễn tuổng.
Bà con nô nức xem biểu diễn tuổng.