Xóa “điểm đen” để kiềm giảm tai nạn giao thông

Trong những năm qua, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) nói chung và việc rà soát, xử lý “điểm đen”, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông (TNGT) nói riêng luôn được Ban An toàn giao thông tỉnh Nghệ An quan tâm triển khai quyết liệt và đồng bộ. Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Huy Chương – Phó Ban chuyên trách Ban ATGT tỉnh cho biết: Năm 2020, Ban đã chủ động phối hợp với Cục Quản lý đường bộ II (QLĐB II), Sở Giao thông Vận tải và các địa phương tổ chức rà soát, lập hồ sơ, xử lý khắc phục được 21 “điểm đen”, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên các tuyến Quốc lộ: 1A; 7A; 7B; 48D; 15; 7C…

Trong 6 tháng đầu năm 2021 đã xử lý được 12 “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT, đang tiếp tục lập hồ sơ xử lý 13 “điểm đen”, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh. Qua đó, góp phần giảm thiểu TNGT trên cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương. Trong 6 tháng đầu năm 2021 (từ ngày 15/12/2020 đến ngày 14/6/2021) trên địa bàn tỉnh xảy ra 76 vụ tai nạn giao thông, làm chết 60 người, bị thương 47 người. So với cùng kỳ năm 2020 giảm 20 vụ, số người chết giảm 9 người, số người bị thương giảm 14 người.

Nói về các giải pháp xóa “điểm đen”, ông Nguyễn Thanh Hoài – Phó Cục trưởng Cục QLĐB II cho biết: Cục được giao quản lý 7 tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh Nghệ An, với tổng chiều dài 783.69 km. Riêng tuyến QL1 có tổng chiều dài 84 km và QL1 tuyến tránh Vinh dài 25,8 km, trong đó 45,13 km được đầu tư theo hình thức BOT.

Về phía lực lượng xử lý vi phạm, Thượng tá Nguyễn Nam Hồng – Phó trưởng Phòng CSGT (Công an tỉnh) cho biết: Ngoài những bất cập về hạ tầng thì ý thức của người tham gia giao thông là một trong những nguyên nhân dẫn đến TNGT. Xác định vấn đề đó, ngoài tăng cường chỉ đạo các đội, trạm tuần tra, kiểm soát tại các “điểm đen” TNGT, các vị trí có nguy cơ cao mất an toàn giao thông, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như: đi sai làn đường, phần đường, vượt xe sai quy định, chạy quá tốc độ, sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện, vượt đèn đỏ, đặc biệt là tập trung xử lý các loại xe container, xe tải và xe khách…

Trong năm 2020, Công an tỉnh Nghệ An đã phối hợp Cục CSGT tổ chức lễ khánh thành hệ thống giám sát, xử lý vi phạm TTATGT trên Quốc lộ 1A. Đây là tuyến giao thông huyết mạch, với mật độ phương tiện qua lại cao, nên tình hình giao thông tương đối phức tạp. Theo đó, hệ thống giám sát gồm 28 camera đặt tại 20 điểm trên Quốc lộ 1A, đường tránh Vinh, và tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua TP. Vinh. Hệ thống giám sát này tự động lập, quản lý, lưu trữ các hồ sơ ghi nhận các hành vi vi phạm, giúp lực lượng CSGT lập biên bản vi phạm hành chính đối với người và phương tiện vi phạm các quy định của Luật Giao thông. Kể từ ngày 1/8/2020 đến ngày 24/6/2021, hệ thống đã phát hiện 15.182 trường hợp vi phạm.

Có thể thấy, với những nỗ lực của các ngành chức năng, nhiều “điểm đen”, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông sau khi được xử lý đã có những chuyển biến rõ. Đơn cử, ngã tư đường 72m giao đường Nguyễn Trường Tộ (xã Hưng Đông); ngã tư đường Lê Viết Thuật giao đường 35m (xã Hưng Lộc) trước đây được xác định là 2 “điểm đen” giao thông trên địa bàn TP. Vinh, xảy ra hàng chục vụ TNGT, không ít vụ dẫn đến chết người. Về nguyên nhân, theo phân tích của cơ quan chức năng, tại các giao lộ này, do mật độ phương tiện qua lại lớn, chưa có đèn tín hiệu giao thông, nên các phương tiện chuyển hướng phức tạp, khó xác định khiến tình hình giao thông trở nên lộn xộn.

Theo ông Trần Đình Tấn – Chủ tịch UBND xã Hưng Đông: Ngã tư đường 72m giao đường Nguyễn Trường Tộ trước thời điểm chưa có đèn tín hiệu thường xảy ra tai nạn, nặng thì gây chết người, bị thương, nhẹ thì phương tiện bị hư hỏng. Tuy nhiên, từ khi được trang bị hệ thống đèn tín hiệu giao thông, các vụ TNGT đã giảm hẳn, chủ yếu va quệt nhỏ.

Hay như “điểm đen” nằm ngay trên Quốc lộ 1A đoạn qua khu vực xã Diễn Kỷ (Diễn Châu) thuộc Km 420+400, ở đây các điểm mở quá ngắn và lệch với đường ngang từ phía khu dân cư đi ra nên gây khó khăn cho người dân. Đáng nói, tại khu vực này nằm trong khoảng 100m tập trung đến 3 trường học gồm tiểu học, trung học sở sở và trung học phổ thông với hàng nghìn học sinh, cùng với đó là UBND xã Diễn Kỷ, khu vực sân vận động, nhà văn hóa…

Vì vậy, vào đầu buổi hay giờ tan tầm, các em học sinh, lẫn người dân mỗi khi vượt được qua đường, phải đứng trọn trong khoảng mở nhỏ hẹp để chờ qua đường, cứ thế hết tốp này đến tốp khác, trong khi lưu lượng xe tải, xe khách qua lại nhiều, rất nguy hiểm. Theo anh Ngô Sỹ Trọng – Bí thư Đoàn xã Diễn Kỷ, từ khi tại đây được bố trí đường gom, có gờ giảm tốc trước khi ra Quốc lộ 1A thì tai nạn giảm hẳn, người dân qua lại yên tâm hơn rất nhiều.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện nay còn 36 “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT chưa được xử lý. Về việc khó xử lý dứt điểm các “điểm đen”, ông Phan Huy Chương – Phó Ban chuyên trách, Ban ATGT tỉnh chia sẻ: “Điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT vẫn luôn phát sinh trong quá trình khai thác, do các yếu tố lưu lượng xe ngày càng tăng cao, tốc độ lưu thông nhanh hơn… nên kinh phí không đưa vào dự toán hàng năm, chỉ đề nghị cấp sau khi xác định đầy đủ các tiêu chí về “điểm đen”, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông từ nguồn Trung ương (đối với quốc lộ) và ngân sách tỉnh (đối với đường địa phương). Tuy nhiên, các hồ sơ, thủ tục liên quan theo quy định mất nhiều thời gian nên một số vị trí chưa được khắc phục kịp thời.

Việc xác định các vụ tai nạn giao thông thực tế và hồ sơ lưu trữ phức tạp do nhiều vụ tai nạn giao thông người dân tự thỏa thuận, không báo cơ quan chức năng nên không có đủ hồ sơ để xác lập “điểm đen” theo quy định. Mặt khác, việc xử lý các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông tại các tuyến đường địa phương còn gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn kinh phí; việc giải phóng mặt bằng để bàn giao xử lý một số điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông còn gặp nhiều vướng mắc do vướng kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng…

Về phía Cục QLĐB II, ông Nguyễn Thanh Hoài – Phó Cục trưởng cho biết: Mặc dù được sự quan tâm của Tổng cục ĐBVN, nhưng do nguồn vốn dành cho công tác QLBT đường bộ rất hạn hẹp, kết hợp với lưu lượng phương tiện tham gia giao thông và mức độ đô thị hóa dọc theo các tuyến quốc lộ ngày một tăng mạnh nên công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ trên các tuyến quốc lộ còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc xử lý dứt điểm, triệt để các vị trí “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT tại các vị trí nút giao cần phải đưa ra giải pháp tối ưu như xây cầu vượt, giải phóng mặt bằng để mở rộng các góc cua và bố trí làn chuyển tốc… nhưng muốn thực hiện được phải giải phóng mặt bằng và sử dụng nguồn kinh phí với khối lượng tương đối lớn. Trong khi nguồn kinh phí bảo trì đường bộ còn hạn hẹp, kết hợp với công tác giải phóng mặt bằng phải do địa phương thực hiện và chi trả nên khó khăn trong thực hiện.

Bên cạnh những khó khăn, bất cập về hồ sơ, thủ tục, kinh phí để triển khai thì trên thực tế có những “điểm đen”, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông mặc dù đã được xử lý nhưng vẫn xảy ra tai nạn. Đơn cử như tại Km 33, ngã tư đường N5 đoạn qua xã Đại Sơn (Đô Lương) còn gọi là ngã tư Bàu Ú, dù đã được lắp hệ thống đèn tín hiệu giao thông, cùng với sơn kẻ đường từ đầu năm 2020, nhưng vẫn xảy ra tai nạn. Mới đây nhất vào khoảng 10h50’ ngày 20/2/2021, bà Nguyễn Thị Kh. trú ở xóm 4, xã Đại Sơn đi xe máy hướng từ TP. Vinh về Đô Lương khi qua ngã tư này đã va chạm với xe ô tô đầu kéo BKS 37R – 011.02 đi hướng ngược lại. Vụ va chạm mạnh khiến bà Kh. tử vong tại chỗ.

Hay như tại ngã tư Văn – Bảng, giáp ranh 2 xã Quỳnh Bảng và Quỳnh Văn của huyện Quỳnh Lưu, giao với Quốc lộ 1A, sau khi xác định “điểm đen”, tại đây đã được lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông đưa vào hoạt động từ tháng 11/2020. Tuy nhiên, sau thời điểm đó đến nay, chưa đến 1 năm tại đây tiếp tục xảy ra 4 vụ tai nạn, làm chết 2 người.

Theo ông Lê Văn Ba – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Văn, trước khi tại ngã tư Văn – Bảng được lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông, tại đây xã đã trích kinh phí cho lắp đặt hệ thống đèn cao áp, camera an ninh, đồng thời hỗ trợ kinh phí cho ông Hồ Văn Điều, trú tại xóm 6, người tình nguyện làm “hiệp sỹ giao thông” đưa học sinh qua đường… Tuy nhiên, hiện tại vị trí này vẫn còn xảy ra tai nạn và chủ yếu vào buổi đêm, bởi hàng ngày chợ Quỳnh Văn bắt đầu đi vào hoạt động từ 12h đêm cho đến sáng, theo đó, người dân đi lại, trong khi đây là thời điểm lái xe thường chủ quan đường vắng nên chạy với tốc độ cao, khi gặp tình huống bất ngờ xử lý không kịp.

Theo Ban ATGT tỉnh thì hiện nay vẫn còn tồn tại một số điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông cần được tập trung chỉ đạo xử lý. Tuy nhiên, quá trình rà soát, lập hồ sơ xử lý “điểm đen” còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Hồ sơ xử lý “điểm đen”, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông cần nhiều thủ tục liên quan. Việc xác định các vụ tai nạn giao thông thực tế và hồ sơ lưu trữ phức tạp do nhiều vụ tai nạn giao thông người dân tự thỏa thuận, không báo cơ quan chức năng nên không có đủ hồ sơ để xác lập “điểm đen” theo quy định. Mặt khác, việc xử lý các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông tại các tuyến đường địa phương còn gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn kinh phí…