Công tác Dân vận ở cơ sở – Bài 2: Nhân rộng cách làm hay, sáng tạo

Tại một số vùng miền, đa số lao động trẻ đi làm ăn xa, dẫn đến nhiều diện tích vườn, đất hoa màu, ruộng lúa bỏ hoang. Cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, Hội Nông dân các cấp đã kiên trì tuyên truyền, vận động người dân cải tạo vườn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng; cùng đó, hình thành những mô hình chuyển đổi sản xuất trên đất cao cưỡng; tăng cường chăn nuôi, nâng cao thu nhập.

Anh Trần Văn Hà ở xóm Bình Hải, xã Nghĩa Bình (Nghĩa Đàn) là hộ đầu tiên xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm trên địa bàn xã. Gia đình anh ở gần khe suối, quanh năm nước chảy trong vắt. Gia đình anh sử dụng nguồn nước này cung cấp cho 3 ao cá và chăn nuôi vịt hàng hóa. Để thuận lợi khi qua suối sản xuất đồng ruộng, những năm trước, anh Hà cùng 2 người em hợp sức làm một cái cầu tre dài hơn 100m bắc qua suối. Hai năm gần đây, rất nhiều người dân quanh vùng ở huyện Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hòa thấy khung cảnh nơi đây cuốn hút đã tìm đến tham quan, chụp ảnh. Nhận thấy có thể khai thác du lịch sinh thái, trải nghiệm, anh Hà bàn mấy anh em chung nhau dựng vài căn nhà lá làm nơi dừng chân cho du khách, mở dịch vụ câu cá tại ao nhà và sẵn sàng phục vụ những món ăn dân dã…

Cán bộ xã Nghĩa Bình (Nghĩa Đàn) thăm mô hình phát triển kinh tế, du lịch của gia đình anh Trần Văn Hà ở xóm Bình Hải. Ảnh: Nguyên Nguyên
Cán bộ xã Nghĩa Bình (Nghĩa Đàn) thăm mô hình phát triển kinh tế, du lịch của gia đình anh Trần Văn Hà ở xóm Bình Hải. Ảnh: Nguyên Nguyên

Khi mô hình của gia đình anh Trần Văn Hà vừa hình thành, Đảng ủy, chính quyền, Hội Nông dân xã Nghĩa Bình đã kịp thời đến động viên và tạo mọi điều kiện thuận lợi để gia đình anh từng bước thực hiện thành công. Đồng chí Lê Thị Thanh Hải – Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Bình cho biết: “Lãnh đạo xã cùng Hội Nông dân luôn xác định nhiệm vụ phải thường xuyên gần dân, kịp thời động viên, giúp đỡ bà con đẩy mạnh phát triển kinh tế. Khi có những mô hình mới, tiên phong, chúng tôi đến thăm thường xuyên và sẵn sàng giúp được cái gì thì tiến hành ngay, từ đó để nhân rộng trên địa bàn”.

Ở xã Xuân Thành (Yên Thành), hiện đã hình thành nhiều mô hình trồng cây ăn quả có hiệu quả kinh tế. Bà con mạnh dạn đầu tư, chuyển những diện tích trồng keo giá trị thấp thành những mô hình trồng bưởi, cam, đào… đem lại thu nhập cao. Điển hình như các hộ gia đình ông Phạm Cao Tuỵ, ông Nguyễn Cảnh Đoàn, bà Thái Thị Hồng, ông Thái Duy Hiển ở xóm Bùi Sơn (Xuân Thành) có thu nhập từ 1 – 2,5 tỷ đồng/năm từ chuyển đổi vườn keo sang trồng cây ăn quả hàng hóa. Cùng đó, có nhiều mô hình nuôi ếch, lươn trên diện tích ruộng trũng cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng chí Lê Xuân Nhung – Bí thư Đảng ủy xã Xuân Thành chia sẻ, có được phong trào sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế như hiện nay, bên cạnh quyết tâm của các hộ dân, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể của xã bền bỉ vận động, hỗ trợ và lấy những mô hình hiệu quả để phổ biến, từng bước nhân rộng.

Hội Nông dân tỉnh đẩy mạnh triển khai các mô hình sản xuất chế biến nông sản an toàn. Ảnh: Thanh Lê
Hội Nông dân tỉnh đẩy mạnh triển khai các mô hình sản xuất chế biến nông sản an toàn. Ảnh: Thanh Lê

Nhằm giúp hội viên nông dân chuyển đổi dần từ canh tác truyền thống sang canh tác cải tiến, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nâng cao hiệu quả kinh tế, Hội Nông dân các cấp đã triển khai xây dựng nhiều mô hình “Dân vận khéo” phát huy hiệu quả thiết thực. Bình quân hàng năm, Hội Nông dân toàn tỉnh hỗ trợ xây dựng được 380 mô hình kinh tế. Bên cạnh đó, các cấp hội tích cực tuyên truyền, hỗ trợ nông dân tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); 462 mô hình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh; xây dựng 2.125 vườn mẫu nông dân, 880 vườn chuẩn nông thôn mới. Các cấp hội vận động hội viên đóng góp kinh phí, ngày công, hiến đất, hiến kế để phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là về giao thông, thủy lợi. 5 năm qua, nông dân toàn tỉnh đã đóng góp được hơn 3.500 tỷ đồng, hiến hơn 930.000m2 đất, tham gia gần 1,5 triệu ngày công xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.

Đến thời điểm này, huyện Nam Đàn là địa phương có số lượng sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn nhiều nhất tỉnh với 69 sản phẩm 4 sao và 3 sao. Kết quả đó, theo đồng chí Nguyễn Hồng Sơn – Chủ tịch UBND huyện, chính là sự bài bản trong chỉ đạo, tổ chức vận động các hộ sản xuất tăng liên kết thực hiện. Huyện thành lập Tổ OCOP cấp huyện để vừa tham mưu cho Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện chỉ đạo, điều hành chương trình OCOP. Đồng thời mỗi cán bộ, công chức từ huyện đến cơ sở phải nắm vững chính sách để hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ các chủ thể xây dựng sản phẩm.

Cán bộ Ban Dân vận Huyện ủy Nam Đàn kiểm tra thực tế mô hình dân vận khéo, xây dựng vườn mẫu nông thôn mới ở xã Nam Cát. Ảnh: Thanh Lê
Cán bộ Ban Dân vận Huyện ủy Nam Đàn kiểm tra thực tế mô hình dân vận khéo, xây dựng vườn mẫu nông thôn mới ở xã Nam Cát. Ảnh: Thanh Lê

Việc thực hiện tốt các mô hình “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế đã giúp tỉnh Nghệ An đứng thứ 2 toàn quốc về số lượng sản phẩm OCOP với 405 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm có tiềm năng đạt cấp Quốc gia 5 sao và 6 sản phẩm được nâng hạng, đứng thứ 2 của cả nước (sau Hà Nội) và được bình chọn 1 trong 10 kết quả nổi bật năm 2021 của tỉnh, vượt xa với mục tiêu của đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến năm 2030” (đề án đặt ra đến năm 2030, toàn tỉnh có 200 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên); góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương ở Nghệ An tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” gắn với thực hiện có hiệu quả các chủ trương, Nghị quyết của Đảng về công tác dân vận và Chỉ thị số 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Các cấp, ngành, địa phương đã chỉ đạo, tiến hành dân vận toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, xây dựng hệ thống chính trị; tăng cường hướng mạnh về cơ sở, phát huy sức mạnh tổng hợp từ cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Công tác dân vận đã tạo sự đồng thuận “triệu người như một”. Từ sự vận động, khích lệ của các cấp ngành, nhân dân ở Nghệ An đã đoàn kết trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bão lụt; hỗ trợ chương trình “Tết vì người nghèo”; quyên góp Quỹ Vì người nghèo và các chương trình an sinh xã hội. Đặc biệt chương trình vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở theo Chỉ thị số 21 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an và tỉnh Nghệ An thăm hỏi gia đình ở xã Châu Khê (Con Cuông) được hỗ trợ xây nhà ở năm 2023. Ảnh: Thành Duy
Các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an và tỉnh Nghệ An thăm hỏi gia đình ở xã Châu Khê (Con Cuông) được hỗ trợ xây nhà ở năm 2023. Ảnh: Thành Duy

Sau 6 tháng phát động, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và các nhà hảo tâm, đến đầu tháng 8/2023, đã có hơn 12.500 căn nhà được đăng ký hỗ trợ xây dựng với tổng số tiền gần 637 tỷ đồng; trong đó đã làm được 3.940 căn nhà cho người dân với tổng giá trị 197 tỷ đồng. Nhờ làm tốt công tác dân vận, Nghệ An trở thành “điểm sáng” đi đầu trong thực hiện Chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh, hiện nay mô hình này đã được các tỉnh, thành học tập, làm theo.

Qua việc xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” đã huy động các cấp, ngành, đoàn thể và nhân dân chung sức thực hiện thắng lợi những mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Cùng với công tác chỉ đạo, đôn đốc, giám sát thực hiện các mô hình ở cơ sở, Ban Dân vận Tỉnh ủy cũng trực tiếp xây dựng nhiều mô hình thiết thực tại nhiều địa phương. Riêng công tác dân vận trong vùng đồng bào có đạo, từ năm 2020 đến nay, mỗi năm, Ban Dân vận Tỉnh ủy xây dựng 5 – 6 mô hình, cấp huyện xây dựng 3 – 5 mô hình “Dân vận khéo” tạo sức lan tỏa cao, như: Mô hình “Xóm đạo đoàn kết chung tay xây dựng khu dân cư sáng – xanh – sạch – đẹp”; “Đường cờ, điện sáng đại đoàn kết”; “Đường cây dân vận”; “Xây dựng đường cờ và thiết chế nhà văn hóa”; mô hình “Vận động giải phóng mặt bằng xây dựng đường sáng – xanh – sạch – đẹp”;…

Đoàn thanh niên xã Nghĩa An (Nghĩa Đàn) chỉnh trang đường cờ, biển cảnh báo giao thông ở giáo xứ Đồng Tâm. Ảnh: Mai Phượng
Đoàn thanh niên xã Nghĩa An (Nghĩa Đàn) chỉnh trang đường cờ, biển cảnh báo giao thông ở giáo xứ Đồng Tâm. Ảnh: Mai Phượng

Trong giai đoạn mới, Chính phủ đặt ra quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hoạt động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả, xây dựng lòng tin trong nhân dân vào hệ thống chính trị. Điều đó đòi hỏi các cơ quan, đơn vị, đoàn thể các cấp nâng cao hiệu quả công tác dân vận, “gần dân, trọng dân, lắng nghe ý kiến của dân, có trách nhiệm với dân”. Đồng thời, tập trung cải cách hành chính, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Hiện nay, cả tỉnh đang thực hiện Đề án 06/CP về kích hoạt định danh điện tử VNeID. Trên cơ sở đó, lực lượng công an và cán bộ các huyện, thành phố, thị xã phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, rà soát lập danh sách đến từng ngõ, gõ từng nhà, làm thêm ngoài giờ để hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt, kích hoạt và sử dụng tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID.

Các lực lượng chức năng hướng dẫn người dân phường Hồng Sơn (TP. Vinh) cài đặt định danh điện tử. Ảnh: Thanh Lê
Các lực lượng chức năng hướng dẫn người dân phường Hồng Sơn (TP. Vinh) cài đặt định danh điện tử. Ảnh: Thanh Lê

Thượng tá Trần Ngọc Tuấn – Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: “Quá trình thực hiện, lực lượng công an và các cấp, ngành có những cách làm hay, sáng tạo phù hợp với thực tế như: Thành lập các nhóm Zalo, hoặc nền tảng mạng xã hội để tuyên truyền về tiện ích Đề án 06; thành lập các tổ lưu động, tranh thủ buổi tối, các ngày nghỉ trong tuần đến từng thôn xóm, từng nhà tuyên truyền, hướng dẫn, cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho công dân. Đến nay, Nghệ An được các bộ, ngành đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu trong công tác này”.

Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh đã kết hợp giữa việc nâng cao chất lượng công tác dân vận của Đảng, công tác dân vận chính quyền với xây dựng mô hình “Dân vận khéo”, điểm sáng dân chủ ở cơ sở; “khéo” tập trung vận động nhân dân, cán bộ, đảng viên củng cố hệ thống chính trị ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn từng bước đi vào hoạt động có hiệu quả; nêu cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và toàn dân cùng giải quyết tốt những vấn đề thực tiễn đặt ra; góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ và mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức.

Một góc xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Thành Cường
Một góc xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Thành Cường