Tiếp tục nói “không” với dự án khai thác vàng trên núi Pu Phen!

Cuộc họp mà Bí thư Đảng ủy xã Yên Tĩnh Quang Văn Đặng thông tin được Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 24/11/2023. Dự họp có đoàn công tác Cục Khoáng sản Việt Nam, UBND huyện Tương Dương, đại diện lãnh đạo 2 xã Yên Tĩnh, Yên Na và Công ty CP Xây dựng và Thương mại tổng hợp Thủ Đô.

Diễn biến cuộc họp được ghi tại biên bản cho thấy, thông tin và các vấn đề liên quan dự án khai thác quặng vàng trên núi Pu Phen được mổ xẻ khá kỹ. Cụ thể, Công ty CP Xây dựng và Thương mại tổng hợp Thủ Đô được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 75/GP-BTNMT ngày 19/1/2017, cho phép khai thác quặng vàng gốc tại các xã Yên Na và Yên Tĩnh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, thời gian khai thác 15 năm. Tại khoản 5, Điều 2 của Giấy phép, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu Công ty CP Xây dựng và Thương mại tổng hợp Thủ Đô phải lập lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường và Phương án cải tạo, phục hồi môi trường của Dự án đầu tư. Vậy nhưng, công ty này đã chậm triển khai thực hiện các thủ tục có liên quan để đưa dự án đi vào hoạt động.

Khu vực từng có tình trạng khai thác trái phép khoáng sản vàng trên núi Pu Phen.
Khu vực từng có tình trạng khai thác trái phép khoáng sản vàng trên núi Pu Phen.

Gần 5 năm sau, vào ngày 7/12/2021, UBND tỉnh có Công văn số 9556/UBND-CN giao Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản số 75/GP-BTNMT. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có các Công văn số 5042/STNMT-KS ngày 6/9/2021 và số 7926/STNMT-KS ngày 20/12/2021 kiến nghị thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản. Thế nhưng, thay vì xem xét kiến nghị, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Cục Khoáng sản Việt Nam đã có 3 công văn (số 2953/ĐCKS-KS ngày 26/10/2021, số 3157/ĐCKS-KS ngày 19/10/2022 và số 114/KSVN-TĐHS ngày 7/2/2023) yêu cầu Công ty báo cáo với UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn, địa phương liên quan của tỉnh để được cho phép, hướng dẫn, hỗ trợ hoàn thiện Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tiến tới khai thác. Là địa phương đã hứng chịu nhiều hệ lụy của nạn khai thác vàng, dĩ nhiên huyện Tương Dương và hai xã Yên Tĩnh, Yên Na không đồng thuận việc tiếp tục triển khai dự án. Để rồi ngày 9/2/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường có Công văn số 641/STNMTKS hồi đáp, thông báo ý kiến của UBND huyện Tương Dương đến Cục Khoáng sản và Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.

Về phía Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại tổng hợp Thủ Đô, tại cuộc họp đã lý giải quá trình lập lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Theo vị đại diện công ty, đến tháng 11/2021, công ty đã đề nghị UBND hai xã Yên Na, Yên Tĩnh cho phép tham vấn ý kiến cộng đồng. Tuy nhiên, do diễn biến dịch Covid-19 phức tạp nên giai đoạn này chưa triển khai được. Ngày 4/1/2023, Công ty đã nộp hồ sơ đề nghị phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường lên Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng còn thiếu biên bản họp cộng đồng dân cư nơi triển khai dự án. Vì vậy, đề nghị được làm việc với UBND tỉnh để được chỉ đạo tiếp tục triển khai tham vấn ý kiến cộng đồng. Đồng thời, cam kết trong trường hợp người dân không đồng thuận, sẽ đồng ý việc thu hồi, chấm dứt hiệu lực giấy phép.

Hình ảnh truy quét, đẩy đuổi vàng tặc trên núi Pu Phen năm 2019. Ảnh tư liệu
Hình ảnh truy quét, đẩy đuổi vàng tặc trên núi Pu Phen năm 2019. Ảnh tư liệu

Dự họp, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, ông Nguyễn Hữu Hiến đã nhắc lại những hệ lụy từ hoạt động khai thác vàng trên núi Pu Phen mà địa phương phải gánh chịu trước đây; những khó khăn vất vả trong truy quét, đẩy đuổi vàng tặc của tỉnh, huyện và các xã liên quan. Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cũng không quên nhắc đến việc từ năm 2017, thời điểm được cấp giấy phép đến năm 2021, Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại tổng hợp Thủ Đô không có hoạt động trên địa bàn; dự án thuộc diện chậm tiến độ được UBND tỉnh kết luận tại Công văn số 9556/UBND-CN ngày 7/12/2021; và huyện Tương Dương đã có văn bản (số 1372/UBNDNL ngày 20/12/2021, số 1439/UBND-NL ngày 31/12/2022) đề nghị thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản. Qua đó, khẳng định, cấp ủy, chính quyền huyện Tương Dương giữ nguyên quan điểm, tiếp tục đề nghị cấp có thẩm quyền thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản số 75/GP-BTNMT.

Lãnh đạo hai xã Yên Tĩnh, Yên Na khi được phát biểu cũng có chung quan điểm với lãnh đạo huyện Tương Dương. Riêng Bí thư Đảng ủy xã Yên Tĩnh Quang Văn Đặng còn thông tin thêm, trong phạm vi cấp phép khai thác hiện có 12 hộ dân đang xây dựng mô hình chè dây, là sản phẩm OCOP của địa phương theo định hướng của huyện, của tỉnh nhằm hướng đến phát triển kinh tế cho nhân dân. Vì vậy, kiến nghị không triển khai dự án.

Bí thư Đảng uỷ xã Yên Tĩnh Quang Văn Đặng trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An về tình hình sản xuất của người dân trên núi Pu Phen. Ảnh tư liệu
Bí thư Đảng uỷ xã Yên Tĩnh Quang Văn Đặng trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An về tình hình sản xuất của người dân trên núi Pu Phen. Ảnh tư liệu

Tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, ông Võ Văn Ngọc cũng có trao đổi. Theo ông Ngọc, dự án thuộc khu sinh quyển thế giới, khó khăn trong công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất; dự án chậm tiến độ, UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết. Vì vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường có các Công văn số 5042/STNMT-KS ngày 6/9/2021 và số 7926/STNMT-KS ngày 20/12/2021 gửi Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam kiến nghị thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản…

Cuộc họp ngày 24/11/2023 kết thúc với ghi nhận nội dung mà các bên liên quan thống nhất. Cụ thể: “Dự án đã được UBND các cấp, các cơ quan chuyên môn liên quan cho phép triển khai, đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép. Tuy nhiên, dự án chậm tiến độ, việc triển khai dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đại diện UBND huyện Tương Dương, các xã Yên Na, Yên Tĩnh băn khoăn việc triển khai dự án có thể tác động tiêu cực đến tình hình an ninh trật tự, bảo vệ môi trường trong vùng, kiến nghị các cấp thẩm quyền chấm dứt hoạt động dự án. Về vấn đề khu dự trữ sinh quyển, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp thêm thông tin làm cơ sở tham vấn. Trong thời gian Công ty chưa hoàn thiện các thủ tục liên quan, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An xem xét, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong khu vực theo quy định”.

Trang trại của người dân Yên Tĩnh trên núi Pu Phen.
Trang trại của người dân Yên Tĩnh trên núi Pu Phen.

Liên quan dự án đầu tư khai thác khoáng sản quặng vàng gốc trên núi Pu Phen tại các xã Yên Na và Yên Tĩnh đã được Báo Nghệ An thông tin qua nhiều bài viết; lần gần nhất vào ngày 13/1/2023 với bài “Yên Tĩnh lại có nguy cơ không yên?”. Quá trình thực tế thực hiện các tuyến bài này, khẳng định hệ lụy kéo dài nhiều năm ở xã Yên Tĩnh mà nguyên nhân từ nạn khai thác vàng là có thật; nỗ lực đẩy đuổi, chấm dứt nạn vàng tặc của cấp ủy, chính quyền huyện Tương Dương và hai xã Yên Tĩnh, Yên Na cũng là có thật. Và ở thời điểm hiện tại, mong muốn của cán bộ, nhân dân huyện Tương Dương là chấm dứt hoàn toàn việc khai thác vàng trên địa bàn.

Bìa bài viết “Yên Tĩnh lại có nguy cơ không yên?” trên Báo Nghệ An điện tử ngày 13/1/2023.
Bìa bài viết “Yên Tĩnh lại có nguy cơ không yên?” trên Báo Nghệ An điện tử ngày 13/1/2023.

Riêng với cán bộ, nhân dân các xã Yên Tĩnh, Yên Na, thì mong muốn Bộ TN&MT thu hồi giấy phép đã cấp cho Công ty CP Xây dựng và Thương mại tổng hợp Thủ Đô. Cụ thể như trao đổi của Bí thư Đảng ủy xã Yên Tĩnh, ông Quang Văn Đặng mà Báo Nghệ An đã nêu trong bài viết “Yên Tĩnh lại có nguy cơ không yên?”, rằng: “Hiện trên núi Pu Phen đã được nhân dân sản xuất ổn định, tổ chức xây dựng được các mô hình kinh tế như Bảo tồn và phát triển chè dây; việc khai thác vàng sẽ tiếp tục tái diễn nhiều hệ lụy như tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường… cho địa phương và các xã lân cận. Vì các lẽ này, Đảng ủy, chính quyền và nhân dân không đồng ý cho khai thác vàng trên núi Pu Phen. Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Yên Tĩnh không đồng ý việc Công ty CP Xây dựng và Thương mại tổng hợp Thủ Đô lấy ý kiến cộng đồng thôn bản…”.