Tạo “thế trận lòng dân” vững chắc – Bài 2: Những cơ hội việc làm ý nghĩa

Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Anh khi nói về công việc mới của mình tại Ban Văn thư – Bảo mật, thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 4. Chị Anh là vợ của liệt sĩ Đinh Văn Trung – 1 trong 13 chiến sĩ đã hy sinh tại Thuỷ điện Rào Trăng 3, vào năm 2020. Trong căn nhà của ông bà nội, trước ban thờ chưa hết khó của chồng, chị Anh trải lòng: “Thời điểm chồng hy sinh, con trai đầu mới 4 tuổi, con gái thứ 2 của tôi mới chỉ được mấy tháng và tôi vẫn chưa xin được việc ở đâu. Đó là một trong những lý do khiến tôi đã suy sụp lại càng điêu đứng, tôi không biết mình sẽ phải cáng đáng công việc, chăm sóc gia đình như thế nào…”.

Sau sự ra đi của liệt sĩ Đinh Văn Trung chưa đến 2 tháng, từ chính sách giải quyết việc làm cho thân nhân liệt sĩ, chị Anh được nhận Quyết định tuyển dụng quân nhân chuyên nghiệp ở vị trí quân bưu tại đơn vị của chồng. “Tôi thật sự biết ơn sự quan tâm này, bởi bản thân tôi đang rất cần một công việc ổn định, vừa là để có thu nhập chăm sóc gia đình, vừa để bản thân cảm thấy bận rộn, nguôi ngoai. Hơn hết, sự hỗ trợ nhiệt tình, đồng cảm từ các đồng nghiệp trong đơn vị khiến tôi cảm thấy rất ấm lòng. Tuy nhiên, công việc này đòi hỏi phải làm việc ca kíp, khiến tôi khó lòng sắp xếp thời gian để chăm sóc con nhỏ”, chị Anh thổ lộ.

Trước thực tế này, lãnh đạo đơn vị đã đồng ý với nguyện vọng của chị Anh, sắp xếp cho chị một công việc mới tại Ban Văn thư – Bảo mật. Công việc không chỉ phù hợp về thời gian mà còn phù hợp với tính cách cẩn trọng, hướng nội của chị. Xoa đầu cậu con trai, chị Anh chia sẻ thêm: “Với cá nhân tôi, chính sách tuyển dụng quân nhân chuyên nghiệp đối với thân nhân của liệt sĩ thật sự đã cho tôi một điểm tựa lớn, trở thành một bước ngoặt trong đời tôi. Sự ổn định về công việc không chỉ giúp bản thân tôi vững vàng hơn trong cuộc sống mà còn giúp bố mẹ yên tâm hơn, con cái có sự chăm lo tốt hơn cả về tinh thần và vật chất”.

Cũng tâm tư này, chị Bùi Thị Bích – vợ liệt sĩ Bùi Đình Toản, 1 trong 22 liệt sĩ thuộc Đoàn kinh tế Quốc phòng 337 hy sinh tại Quảng Trị xúc động: “Từ chính sách này, con trai đầu của tôi có cơ hội bước tiếp con đường của bố, tiếp tục nhiệm vụ dang dở của bố – trở thành một người lính. Với hoàn cảnh của tôi bây giờ, không niềm hạnh phúc nào lớn hơn thế. Đây không chỉ là mong muốn của gia đình mà còn là tâm nguyện của cháu. Thậm chí, dù đã ở tuổi 50 nhưng bản thân tôi vẫn có thể được bố trí một công việc phù hợp nếu có nguyện vọng. Điều này khiến tôi vô cùng cảm kích!”.

Anh Bùi Đình Tuấn – con trai đầu của vợ chồng anh Toản, chị Bích chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp đại học, cả 2 anh em em đều lập nghiệp xa quê. Tuy nhiên, vì bố là tộc trưởng, sức khoẻ mẹ lại yếu, thường xuyên đau ốm nên em luôn đau đáu tìm một công việc phù hợp, ở gần nhà”. Mong muốn là thế nhưng Tuấn không dễ gì tìm được một cơ hội tốt. Sau giỗ đầu của bố, từ nguyện vọng gia đình và chính sách nhân văn dành cho thân nhân liệt sĩ, hồ sơ của Tuấn được xét duyệt và tiếp nhận. Tháng 1/2022, Tuấn trở thành sĩ quan thuộc Phòng Tham mưu – Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An. Nói về cơ hội này, Tuấn thổ lộ: “Em từng lo lắng chuyên môn của mình khó có thể đáp ứng được yêu cầu công việc, nhưng sự giúp đỡ tận tình của lãnh đạo và các đồng nghiệp đã giúp em nhanh chóng thích nghi, học hỏi những kiến thức mới. Suốt thời gian qua, gia đình em thường xuyên nhận được sự quan tâm, động viên khiến em cảm thấy đơn vị thật sự như một gia đình lớn. Có nằm mơ em cũng chưa từng nghĩ mình có được một cơ hội quý báu như vậy”.

Không riêng gì chị Bích, chị Anh, rất nhiều gia đình liệt sĩ đã tìm thấy điểm tựa từ chính sách giải quyết việc làm cho thân nhân liệt sĩ. Có thể hoàn cảnh khác nhau, nhưng sau cùng một nỗi đau, những gia đình liệt sĩ này đã kịp thời có được sự hỗ trợ, giúp đỡ ý nghĩa và nhân văn.

Với mỗi một quân nhân xuất ngũ, tấm “thẻ học nghề” mà họ nhận được trong lễ xuất quân thực sự là một cơ hội quý giá để mở ra một chương mới của cuộc đời. Và thực tế, rất nhiều quân nhân đã biết nắm bắt cơ hội này để vượt qua những chông chênh tuổi trẻ, tìm thấy cho mình một con đường để thành công.

Trần Xuân Bách (SN 1993, TP. Vinh) là một quân nhân như vậy. Sau 1 năm rưỡi phục vụ quân đội, tháng 8/2013, trong lễ xuất ngũ của mình, Bách được trao một tấm thẻ học nghề tại Trường Cao đẳng nghề số 4. “Ở thời điểm ấy, trẻ tuổi, bồng bột, tôi cảm thấy vô cùng chông chênh khi không biết làm gì tiếp theo với cuộc đời mình, và tấm thẻ đã cho tôi một gợi ý: Học điện lạnh. Với những ưu đãi về học phí, chỗ ăn ở, đơn vị thực tập…, tôi không gặp bất cứ khó khăn, rào cản nào trên hành trình này”, Bách nhớ lại. Năm 2015, ra trường với tấm bằng Giỏi, Bách tự tin ứng tuyển vị trí lắp đặt, bảo hành của một đơn vị điện máy có tên tuổi và được nhận vào làm việc. Chỉ sau 3 tháng, Bách được đề bạt lên làm quản lý cửa hàng và trở thành quản lý vùng của hệ thống vào tháng 8/2016.

Đánh giá vai trò của chương trình hướng nghiệp, dạy nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm cho quân nhân, Bách thẳng thắn: “Từ trải nghiệm của chính mình và bạn bè, tôi cho rằng quân nhân sau xuất ngũ có một lợi thế quan trọng so với những thanh niên không nhập ngũ. Chúng tôi được rèn luyện kỷ luật và bản lĩnh trong một môi trường chuyên nghiệp, được định hướng về những chuẩn mực đạo đức, tác phong, thái độ. Cùng với nền tảng đó, sự định hướng nghề nghiệp, tư vấn việc làm đã giúp tôi có một cái nhìn rõ ràng, lựa chọn đúng đắn hơn cho tương lai. Chính vì thế, chính sách thiết thực này rất nên được duy trì, thực hiện một cách bài bản, mở rộng lựa chọn với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, nhiều trường, nhiều đơn vị. Nó không chỉ mang đến lợi ích cho quân nhân mà còn mang đến nhiều giá trị cho gia đình, xã hội”.

Cũng theo chia sẻ của Bách, cùng khoá với anh có rất nhiều người đã gặt hái cho mình những thành công riêng từ các lớp học nghề miễn phí dành cho quân nhân. Với anh Nguyễn Viết Thành (SN 1984, quê Nam Đàn), vai trò quân nhân không chỉ mang đến cho anh cơ hội học việc mà còn cả cơ hội việc làm. “Từ thẻ học nghề, tôi chọn học nghề nhôm kính, có cơ hội được tham gia hội chợ việc làm và tìm thấy công việc phù hợp tại Khu công nghiệp VSIP. Nếu như không có chính sách ưu đãi này, tôi sẽ phải bỏ một số tiền rất lớn để học nghề và chưa chắc đã tiếp cận được với cơ hội việc làm ổn định như hiện nay”.

Theo đó, ngay sau khi trở về địa phương, tất cả chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ quân sự đều được các đơn vị phối hợp với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức gặp gỡ, hướng nghiệp, tư vấn việc làm, kết nối tuyển dụng, bao gồm cả các đơn vị xuất khẩu lao động. Hoạt động không chỉ là tư vấn nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho quân nhân mà còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giúp các chiến sĩ xác định điểm mạnh, sở trường, ngành nghề yêu thích, phù hợp.

Là một trong những đơn vị trực tiếp tham gia tư vấn, giới thiệu việc làm cho quân nhân, đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An cho biết, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp đối với đối tượng quân nhân là rất lớn. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga – Phó Trưởng phòng Phòng Tư vấn giới thiệu việc làm cho biết: “Bộ đội xuất ngũ được xem là nguồn nhân lực chất lượng có ý thức tổ chức kỷ luật, có sức khỏe và trình độ để đáp ứng được nhiều ngành nghề chất lượng cao. Theo số liệu tại trung tâm ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng 3.100 lao động là quân nhân xuất ngũ. Trong khi đó, số quân nhân tham gia các phiên chợ giới thiệu việc làm vẫn còn rất khiêm tốn. Do đó, hướng nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho quân nhân xuất ngũ là việc làm cấp thiết, góp phần đáp ứng nhu cầu thị trường lao động năng động trong tình hình mới”.

Từ năm 2021, để nâng cao chất lượng, hiệu quả từ chính sách hỗ trợ dạy nghề và giải quyết việc làm, Bộ CHQS tỉnh còn tổ chức các buổi hướng nghiệp, tạo điều kiện giúp đỡ các quân nhân xác định được nghề nghiệp và hướng đi sau khi ra quân. Với số lượng khoảng 3.000 quân nhân xuất ngũ từ các đơn vị của Bộ và Quân khu 4 mỗi năm, hiệu quả của hoạt động này sẽ tác động tích cực đến các vấn đề kinh tế, xã hội nói chung.