Thu, chi trong nhà trường: Hiểu đúng để làm đúng! – Kỳ II: Băn khoăn “xã hội hóa”

Những ngày cuối tháng 10/2023, Trường Tiểu học Hưng Bình (thành phố Vinh), rốt ráo vận động phụ huynh đóng các khoản tài trợ giáo dục cho năm học 2023-2024. Tổng số tiền mà nhà trường vận động là 530 triệu đồng; trong đó, có 370 triệu đồng dành để mua 37 máy tính cho giáo viên sử dụng đã khiến một số phụ huynh đặt câu hỏi: Máy tính cho giáo viên thì nhà trường hoặc giáo viên phải bỏ tiền để mua, không thể vận động từ phụ huynh?.

Giờ học tin học của Trường Tiểu học Hưng Bình - TP Vinh.
Giờ học tin học của Trường Tiểu học Hưng Bình - TP Vinh.

Chia sẻ về điều này, anh Trần L, có con đang học lớp 1 cho biết: “Khi tôi nghe cô giáo đọc về các hạng mục thu xã hội hóa tôi khá bất ngờ, khi cô nói rằng, năm nay sẽ mua máy tính để bàn cho các cô dạy với đơn giá 1 chiếc là 10 triệu đồng. Tôi nghĩ điều này là không sai, nhưng liệu có cần thiết không. Chẳng lẽ các giáo viên đi dạy, không thể tự sắm cho mình 1 chiếc máy tính xách tay để sử dụng mà cái gì cũng kêu gọi phụ huynh đóng góp. Nếu phụ huynh khá giả thì còn đỡ, phụ huynh khó khăn thì đây là khoản tiền không nhỏ. Nói thật, phụ huynh không nói ra nhưng nhiều người bức xúc lắm!”.
Trao đổi về vấn đề này, cô giáo Trần Thị Việt Hà – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Bình cho biết, nhà trường làm theo đúng quy trình đã được phê duyệt. Ngoài việc mua 37 máy tính, thì nhà trường còn bổ sung 32 bộ bàn ghế ở phòng Tin học và sửa chữa, thay thế hệ thống wifi, hệ thống điện và mạng intenet cho phòng Tin học. “Việc mua sắm 37 máy tính là để đặt cố định trong lớp học, cho các giáo viên chủ nhiệm. Đó cũng xuất phát từ nhu cầu của nhiều phụ huynh. Chúng tôi làm theo đúng quy trình. Ban đầu là đại diện phường và phụ huynh đến khảo sát nhu cầu. Sau đó làm tờ trình gửi lên phường, sau khi phường duyệt xong thì mới gửi lên Phòng Giáo dục và Đào tạo và kế hoạch đã được phê duyệt”, cô Hà nói.

Việc trang bị máy tính cho các lớp 1,2,3 ở Trường Tiểu học Hưng Bình được nhiều phụ huynh cho rằng chưa phù hợp.
Việc trang bị máy tính cho các lớp 1,2,3 ở Trường Tiểu học Hưng Bình được nhiều phụ huynh cho rằng chưa phù hợp.

Trước đó, mới bước vào năm học, dù chưa triển khai thu xã hội hóa, nhưng Trường Tiểu học Trường Thi (TP.Vinh) cũng đã có chủ trương kêu gọi các lớp mua sắm điều hòa cho học sinh từ khối 1 đến khối 3 toàn trường. Chủ trương không sai, nhưng do trong cách triển khai còn áp đặt, chưa thấu tình, đạt lý nên đã khiến không ít phụ huynh không đồng tình. Sự việc sau đó đã được Phòng Giáo dục và Đào tạo TP.Vinh chấn chỉnh, yêu cầu rút kinh nghiệm.
Thành phố Vinh là một trong những địa phương đi đầu trong việc thực hiện xã hội hóa giáo dục. Những năm qua, với sự đóng góp của phụ huynh đã góp phần quan trọng trong việc tu sửa cơ sở vật chất trường lớp, mua sắm trang bị thêm đồ dùng học tập và nhiều hạng mục khác. Tuy vậy, để việc triển khai xã hội hóa đúng, trúng mục đích và nhất là để tránh lạm thu là điều không dễ dàng.
Về vấn đề này, bà Hoàng Phương Thảo – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP.Vinh cho biết: “Theo quan điểm của tôi, đã gọi là xã hội hóa thì phải làm kịp thời. Để cho các cháu sử dụng không tròn 9 tháng học thì cũng phải được ít nhất 8 tháng. Còn xã hội hóa mà nửa năm học mới vận động, cuối năm mới mua thì các cháu nghỉ Hè rồi”.
Tuy nhiên, do vấn đề tài trợ giáo dục rất nhạy cảm, nên thời gian qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP.Vinh buộc phải siết chặt trong việc phê duyệt. “Kế hoạch thông qua nhiều khâu, trước tiên là chính quyền địa phương, đại diện phụ huynh khảo sát nhu cầu. Sau đó, nhà trường làm hồ sơ gửi lên Phòng Giáo dục và Đào tạo, qua kế toán phòng duyệt, đến cán bộ chuyên môn phụ trách cấp học rồi mới đến trưởng phòng xem xét phê duyệt. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi trả về rất nhiều hồ sơ, có trường trình lên đến 7 lần nhưng vẫn không được phê duyệt. Phần lớn những kế hoạch không được phê duyệt là do nhu cầu mua sắm không thiết thực, không hợp lý”, bà Hoàng Phương Thảo nói thêm.

Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Lê Mao (TP. Vinh).
Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Lê Mao (TP. Vinh).

Bà Thảo cũng nêu ví dụ, có trường lập kế hoạch trình lên để xin vận động mua tủ đựng dụng cụ bán trú cho học sinh. Trong khi, khoản này đã có trong tiền phục vụ bán trú rồi, nhưng vẫn vận động 2 lần. Có trường thì xin được vận động phụ huynh mua tivi rất to, để đặt ở phòng hội đồng. “Xin như thế chúng tôi nhất quyết không phê duyệt, vì tivi đó chỉ phục vụ cho giáo viên. Nếu mua tivi đặt ở lớp học hay nhà đa năng cho học sinh sử dụng thì được. Rồi cách đây không lâu, có trường xin mua mới toàn bộ hơn 100 cái quạt điện với lý do bị hỏng. Chúng tôi kiểm tra thì thực tế chỉ hỏng một số cái, nhà trường muốn thay luôn toàn bộ cho đẹp. Như thế tuyệt đối không được”, bà Thảo kể và cho rằng, trong công tác tài trợ giáo dục, có nhiều hiệu trưởng chia sẻ với phụ huynh nhưng cũng có nhiều nhà trường “rất ẩu”, vận động tài trợ những thứ không thiết thực, không hiệu quả.

Cuối tháng 10 vừa qua, sau khi triển khai họp phụ huynh 2 ngày, Trường Tiểu học Lê Mao (TP.Vinh) đã có thông báo tới toàn thể phụ huynh về chủ trương của nhà trường khi năm nay không tiến hành thu xã hội hóa. Theo đó, từ năm học trước, nguồn quỹ xã hội hóa của nhà trường vẫn còn dư 200 triệu đồng. Số tiền này, nhà trường sẽ sử dụng vào các hoạt động của nhà trường và sửa chữa hư hỏng bên ngoài lớp học và khuôn viên trường.

Một giờ học của học sinh Trường Tiểu học Hưng Bình (TP. Vinh).
Một giờ học của học sinh Trường Tiểu học Hưng Bình (TP. Vinh).

Để khuôn viên trường, lớp được đẹp đẽ, đảm bảo nguyên vẹn, đầu năm học, Trường Tiểu học Lê Mao đã bàn giao cho các lớp chăm sóc, ban giám hiệu nhà trường cũng mong muốn trong quá trình phục vụ dạy học, nếu có hư hỏng, thì các lớp chủ động sửa chữa, khắc phục để phục vụ công tác giảng dạy và học tập của cô và trò. Thông báo này cũng nhận được sự đồng tình của phụ huynh, bởi điều này cho thấy, ban giám hiệu nhà trường đã rất cân nhắc trong quá trình triển khai các khoản thu đầu năm.
Cô giáo Lê Thị Trường Giang – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Mao chia sẻ: “Từ trong Hè, nhà trường đã tiến hành rà soát cơ sở vật chất toàn trường và thấy rằng, hiện tại cơ sở vật chất của nhà trường đã đáp ứng được dạy học 2 buổi/ngày. Một số hạng mục còn lại như chúng tôi dự định lắp thêm một phòng Tin học để tăng cường thêm cho các lớp tiên tiến, nhưng chúng tôi có thể vận dụng từ máy cũ trước đó của nhà trường hoặc huy động thêm các nguồn tài trợ khác. Hơn nữa, hiện nay, trường đang còn một dãy phòng học cũ, dự kiến cuối năm này hoặc sang năm sẽ tháo dỡ và xây mới. Nếu thời điểm này, trường mua sắm thêm trang thiết bị sẽ lãng phí và không phù hợp”.
Năm học này, việc triển khai xã hội hóa ở các nhà trường đang được thực hiện một cách khá cân nhắc. Qua tìm hiểu tại Phòng Tài chính và Kế hoạch (Sở Giáo dục và Đào tạo), đến giữa tháng 10, Sở vẫn chưa phê duyệt bất cứ một hồ sơ kế hoạch xã hội hóa nào của các nhà trường. Tại huyện Quỳnh Lưu, qua trao đổi, ông Trần Xuân Nhương – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Chúng tôi dự kiến phải đến cuối học kỳ I mới tiến hành duyệt kế hoạch xã hội hóa. Thứ nhất, việc chưa triển khai xã hội hóa là nhằm giảm áp lực cho phụ huynh. Thứ hai, là để các trường cân nhắc, xây dựng kế hoạch xã hội hóa phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của người dân địa phương.

Một buổi trải nghiệm của học sinh Trường Tiểu học Lê Mao (TP. Vinh).
Một buổi trải nghiệm của học sinh Trường Tiểu học Lê Mao (TP. Vinh).

Trước đó, ngoài hướng dẫn thu – chi của Sở Giáo dục và Đào tạo, huyện Quỳnh Lưu cũng đã ra văn bản nhằm quản lý công tác thu, chi trên địa bàn. Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho hay: “Quan điểm của huyện là việc triển khai thu – chi phải công khai, minh bạch, sử dụng đúng mục đích. Về các khoản tài trợ, chúng tôi yêu cầu không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu. Tuyệt đối không lợi dụng việc tài trợ cho cơ sở giáo dục để ép buộc đóng góp. Bên cạnh đó, kịp thời hỗ trợ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo tất cả học sinh được đi học đầy đủ… Hiện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳnh Lưu đã công bố số điện thoại đường dây nóng để nhân dân phản ánh các hiện tượng thu – chi không đúng quy định. Trong đó có cả số điện thoại của lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo.
Về vấn đề xã hội hóa giáo dục (hay còn gọi là thu tài trợ cho các cơ sở giáo dục), theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, là khoản thu theo hình thức tự nguyện và Sở yêu cầu nhà trường không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu. Ngành cũng nghiêm cấm không được lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp và không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo.

Năm nay Trường Tiểu học Lê Mao không tiến hành thu xã hội hóa do cơ sở vật chất của nhà trường đã cơ bản đảm bảo việc dạy và học.
Năm nay Trường Tiểu học Lê Mao không tiến hành thu xã hội hóa do cơ sở vật chất của nhà trường đã cơ bản đảm bảo việc dạy và học.

Theo quy trình hiện nay, việc triển khai xã hội hóa giáo dục được thực hiện khá chặt chẽ với nhiều quy trình và được phê duyệt của các ban, ngành liên quan. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai cũng cho thấy, việc thu xã hội hóa ở các nhà trường vẫn còn nhiều vấn đề băn khoăn như nhà trường chưa hoặc đang e ngại trong việc công khai các thông tin, các khoản thu – chi xã hội hóa. Bên cạnh đó, nhiều nhà trường đang xem xã hội hóa là một khoản thu “hợp pháp” nên đã đề ra nhiều khoản thu chưa thiết thực, chưa cần thiết, gây lãng phí và khiến phụ huynh mất niềm tin vào chủ trương này. Thực trạng, đến hẹn lại sắm điều hòa, lại sắm ti vi, lại sửa chữa bàn, ghế… tái diễn vào các năm học mà phụ huynh phản ánh, một phần từ việc triển khai xã hội hóa chưa thấu đáo của các nhà trường.
Trở lại với việc Trường Tiểu học Hưng Bình (thành phố Vinh) triển khai thu xã hội hóa 370 triệu đồng để mua sắm máy tính cho các giáo viên dạy học ở các lớp cũng thấy rằng, dù khoản thu này đã được hợp thức hóa với nhiều văn bản theo đúng quy định. Nhưng vì sao phụ huynh vẫn thắc mắc, vẫn chưa thỏa đáng, bởi xét trên mặt bằng chung hiện nay, trong gần 1.500 trường học ở Nghệ An, số trường đứng ra vận động thu tiền phụ huynh để mua máy tính phục vụ trong từng lớp học cho các giáo viên là điều hết sức hi hữu và gần như không có. Do đó, khi điều kiện kinh tế phụ huynh còn nhiều khó khăn, khi việc sắm máy tính là chưa cấp thiết thì liệu việc triển khai xã hội hóa của nhà trường đã “đúng – trúng” là điều cần phải đặt câu hỏi?.