Thu, chi trong nhà trường: Hiểu đúng để làm đúng! – Kỳ I: Thu mang danh “tự nguyện”

Vừa qua, Trường THPT Quỳnh Lưu 2 (Quỳnh Lưu) có cuộc họp Ban đại diện cha mẹ học sinh toàn trường để rà soát lại các khoản chi của hội trong năm học 2022 – 2023. Theo đó, trong năm vừa qua, Hội phụ huynh của nhà trường dự thu mỗi học sinh 110.000 đồng. Với số lượng học sinh toàn trường là 1.801 học sinh, tổng thu quỹ hội trong năm là hơn 198 triệu đồng. Số tiền này theo kế hoạch sẽ được chi cho 23 khoản trong năm học, trong đó khoản chi lớn nhất là trên 20 triệu đồng, gồm chi đại hội Hội phụ huynh đầu năm và chi hỗ trợ thi tốt nghiệp.

Trên thực tế, theo báo cáo giải trình thu, chi quỹ năm học 2022 – 2023, các khoản chi của Ban đại diện cha mẹ học sinh Trường THPT Quỳnh Lưu 2 thực hiện sát với dự chi. Tuy nhiên, nhiều khoản chi đọc lên khiến nhiều người giật mình: Chi chia quà, giao lưu cho ngày 20/11 là hơn 10 triệu đồng, các ngày lễ khác trong năm như 8/3, 26/3, 20/10 cũng xấp xỉ 10 triệu đồng; chi quà Tết âm lịch là 12 triệu đồng; chi hỗ trợ tốt nghiệp lớp 12 là 14 triệu đồng, hỗ trợ chi hội lớp hoạt động xăng xe là 16 triệu đồng…

Năm học vừa qua, Hội cha mẹ học sinh Trường THPT Quỳnh Lưu 2 đã đưa ra nhiều khoản chi trái với quy định.
Năm học vừa qua, Hội cha mẹ học sinh Trường THPT Quỳnh Lưu 2 đã đưa ra nhiều khoản chi trái với quy định.

Về việc thu – chi của Ban đại diện cha mẹ học sinh, theo Thông tư số 55/2011/TT-Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của gia đình người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện. Bên cạnh đó, có 8 khoản không phục vụ trực tiếp, Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng không được thu như: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường, trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh, vệ sinh lớp học, vệ sinh trường, khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường, mua sắm máy móc trang thiết bị dạy học cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục, sửa chữa, nâng cấp xây dựng mới các công trình nhà trường…

Căn cứ theo các văn bản hướng dẫn, việc thực hiện các khoản thu – chi của Trường THPT Quỳnh Lưu 2 có nhiều nội dung chưa phù hợp. Một phụ huynh có con đang học tại trường, cho biết: Tôi thấy các khoản thu một năm của hội phụ huynh khá nhiều nhưng việc chi cho học sinh không nhiều mà chủ yếu chi cho các ngày lễ của nhà trường, phải chăng “ban liên lạc biến thành hội tặng quà”. Hơn nữa có những khoản chi không hợp lý như chi xăng xe, chi phục vụ thi tốt nghiệp. Các khoản chi chính thì ít mà chi phụ thì nhiều.

Làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Quỳnh Lưu 2, thầy giáo Nguyễn Bá Tình – Hiệu trưởng nhà trường thừa nhận có sự việc trên và ngay sau đó đã yêu cầu Ban đại diện cha mẹ học sinh chấn chỉnh lại tình trạng này: Qua kiểm tra chúng tôi thấy hội cha mẹ học sinh có hồ sơ đầy đủ, có quy chế, có nghị quyết, có lập kế hoạch dự toán thu chi và đã công khai các khoản thu tại hội nghị phụ huynh toàn trường. Tuy nhiên, trong dự toán và báo cáo thu chỉ có những khoản chi không phù hợp đối tượng và đại diện hội phụ huynh cho rằng đó là do ghi ngôn từ không chính xác. Ví dụ, gọi là chi phục vụ thi tốt nghiệp nhưng là chi hỗ trợ đội tình nguyện phục vụ thi tốt nghiệp.

Giờ học của học sinh Trường THPT Quỳnh Lưu 2.
Giờ học của học sinh Trường THPT Quỳnh Lưu 2.

Hiện tại, vị Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh và thầy Hiệu trưởng của năm học trước đã nghỉ hưu. Rút kinh nghiệm, năm nay nhà trường yêu cầu Ban đại diện cha mẹ học sinh phải xây dựng dự toán sát với thực tế, có sự đồng ý của hiệu trưởng nhà trường. Một số nội dung chi cũng sẽ không được thực hiện như chi ngày 20/11, chi quà Tết âm lịch, chi chúc Tết địa phương các vùng tuyển sinh, chi hỗ trợ giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, chi chè nước, hội họp công tác giao ban, chi hỗ trợ thi tốt nghiệp… Các khoản chi của Ban đại diện chủ yếu chỉ phục vụ khen thưởng các tập thể lớp, học sinh đạt thành tích cao trong học tập, thể dục thể thao… Với các khoản chi này, năm nay dự kiến Ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ chi gần 200 triệu đồng.

Cuối tháng 9 vừa qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Thành vừa có văn bản về việc thực hiện nghiêm túc các khoản thu. Trong đó, nghiêm cấm các đơn vị tự đặt ra khoản thu, hoặc thu vượt mức các khoản thu trái với quy định hiện hành. Phòng cũng chỉ rõ, cá nhân, đơn vị nào cố ý thực hiện trái với quy định hiện hành thì thủ trưởng đơn vị đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Động thái này được đưa ra ngay sau khi Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Thành nhận được thông tin trên địa bàn, có lớp học ở Trường Tiểu học số 2 Đô Thành đã đưa ra mức sàn mỗi một phụ huynh phải nạp 700.000 đồng để lớp mua sắm ti vi cho học sinh đầu cấp. Qua trao đổi, ông Trần Xuân Tĩnh – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Thành, nói thêm: “Chúng tôi chấn chỉnh nghiêm túc tình trạng lạm thu ở các nhà trường và trường hợp triển khai sai với chủ trương như ở Trường Tiểu học số 2 Đô Thành buộc phải trả lại các khoản thu nếu đã thực hiện. Việc thu – chi theo tinh thần tự nguyện phải có sự bàn bạc, thống nhất trên cơ sở nhu cầu thực tế và không được cào bằng”.

Học sinh Trường THCS Hà Huy Tập - thành phố Vinh.
Học sinh Trường THCS Hà Huy Tập - thành phố Vinh.

Hiện nay, ngoài các khoản thu bắt buộc theo quy định như học phí, tiền bảo hiểm y tế, tiền giữ xe thì các khoản thu còn lại ở các nhà trường đều theo tinh thần tự nguyện và thỏa thuận. Trong đó, khoản thu phổ biến nhất đó là thu xã hội hóa căn cứ theo kế hoạch đã được phê duyệt của các nhà trường. Khoản thu còn lại, chủ yếu do hội phụ huynh đứng ra kêu gọi, chủ yếu là để phục vụ cho các hoạt động trong lớp học. Tại Trường THPT Quỳnh Lưu 4, đầu năm học này, một phụ huynh lớp 10 đã công khai lên mạng xã hội một bảng chi tiết các khoản thu trong năm học với số tiền lên đến hơn 8 triệu đồng. Với số tiền này phụ huynh này cho rằng, “với một gia đình nông dân bán hết số lúa cả năm làm được thì chưa chắc đã đủ nạp cho một đứa con đi học”. Trong số này, khoản thu nhiều nhất là học thêm 3.700.000 đồng/năm, thu tiền bảo hiểm thân thể 200.000 đồng/học sinh, tiền quỹ lớp, quỹ trường, quỹ hội, tiền xã hội hóa (dự kiến) và còn tiền lắp bảng…

Trao đổi với thầy giáo Hồ Văn Thanh – Hiệu trưởng Trường THPT Quỳnh Lưu 4, thầy cho biết: “Bản kê khai này là của một phụ huynh trong trường nhưng không phải có con đang học lớp 10 mà đang học lớp 11, nên có những thông tin chưa chính xác. Thực tế hiện nay, nhà trường chỉ triển khai một số khoản thu theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo. Các khoản thu thỏa thuận và tự nguyện chỉ thu trên cơ sở thống nhất giữa trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh. Chúng tôi cũng đã đưa ra quan điểm là giáo viên chủ nhiệm không tạo áp lực nộp tiền cho phụ huynh, mà tư vấn cho phụ huynh có kế hoạch nộp tiền phù hợp với điều kiện gia đình. Riêng trường hợp phụ huynh phản ánh, chúng tôi sẽ rà soát lại trong toàn bộ lớp 10 và yêu cầu dừng các khoản thu nếu không đúng quy định. Trong trường hợp giáo viên phổ biến không đúng chủ trương của nhà trường đưa ra, sẽ bị nhắc nhở”.

Một số khoản chi Quỹ cha mẹ học sinh chưa phù hợp ở Trường THPT Quỳnh Lưu 2.
Một số khoản chi Quỹ cha mẹ học sinh chưa phù hợp ở Trường THPT Quỳnh Lưu 2.

Việc thực hiện các khoản thu tự nguyện “dưới danh nghĩa Hội phụ huynh” thực tế hiện nay cũng đang để lại nhiều dư luận không tốt, nhất là khi Hội phụ huynh triển khai thu khi chưa có sự bàn bạc, thống nhất. Gần đây nhất, phụ huynh của lớp 8H – Trường THCS Hà Huy Tập (thành phố Vinh) đã chia sẻ một thông báo trong nhóm kín khi Hội phụ huynh lớp này yêu cầu phụ huynh trong lớp đóng mỗi người 700.000 đồng để mua đồng phục và dàn dựng 1 tiết mục văn nghệ cho lớp chuẩn bị ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Đáng nói, trong quá trình triển khai, có một số phụ huynh trong lớp đã phản đối chủ trương này bởi “số tiền chi quá cao”. Có những gia đình nhiều con đi học, đầu năm đã thu bao nhiêu khoản khác, chi 700.000 đồng cho việc này là hơi nhiều. Tuy nhiên, dù đã đưa ra lý do nhưng đại diện Hội vẫn nhắc lại chủ trương và mong các phụ huynh “cố gắng một chút”.

Như vậy, với danh nghĩa của Hội phụ huynh, dưới danh nghĩa “tự nguyện” một khi triển khai không đúng tinh thần, không nhân văn, không phù hợp với mặt bằng chung, thì một chủ trương không sai sẽ biến tướng và trở nên lệch lạc. Và, việc phụ huynh “kêu ca” cũng là điều dễ hiểu, dễ thông cảm.

Liên quan đến việc nhiều khoản thu tự phát dưới danh nghĩa Hội phụ huynh, ông Nguyễn Trọng Hoàn – Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng: Thông tư 55 đã hướng dẫn rất rõ tổ chức, nhiệm vụ, quyền, trách nhiệm, hoạt động và kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh, Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh. Bên cạnh đó, quy định Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh phải thống nhất với hiệu trưởng để quyết định kế hoạch sử dụng kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi được toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất ý kiến.

Việc triển khai các khoản thu cần phải được sử dụng đúng mục đích cho việc tổ chức dạy và học ở các trường.
Việc triển khai các khoản thu cần phải được sử dụng đúng mục đích cho việc tổ chức dạy và học ở các trường.

Vì vậy, với tất cả các khoản thu chi của ban đại diện ở lớp, ở trường, Ban giám hiệu nhà trường cần phải có sự kiểm tra, giám sát tránh thu sai, chi sai quy định. Ngoài ra, việc thu chi phải có kế hoạch cụ thể trên cơ sở có sự thống nhất, đồng tình của phụ huynh trong lớp, trong trường, tránh tạo dư luận không tốt trong xã hội.

Để chấn chỉnh tình trạng này, từ đầu năm học 2023 – 2024, Sở Giáo dục – Đào tạo Nghệ An đã tổ chức đi kiểm tra công tác thu – chi kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh tại một số đơn vị trường học trên địa bàn các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Thanh Chương và yêu cầu các Ban đại diện cha mẹ học sinh các đơn vị phải thực hiện theo đúng kế hoạch hoạt động đầu năm của Ban đã được phê duyệt.