Thu, chi trong nhà trường: Hiểu đúng để làm đúng! – Kỳ cuối: Thực hiện theo quy định, tránh lạm thu

Thời gian này, Trường THCS Tường Sơn (Anh Sơn) đang hoàn thiện các khâu cuối cùng để hoàn thành dãy nhà hiệu bộ và các phòng học bộ môn. Công trình có tổng giá trị 12,5 tỷ đồng là niềm mong mỏi bấy lâu nay của tập thể giáo viên, phụ huynh, học sinh nhà trường và được huy động từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có nguồn kêu gọi hỗ trợ. Đây cũng sẽ là cơ sở để trường công nhận lại trường chuẩn quốc gia vốn đã chậm so với kế hoạch 3 năm.

Giờ học của học sinh Trường THCS Tường Sơn - Anh Sơn.
Giờ học của học sinh Trường THCS Tường Sơn - Anh Sơn.

Trường THCS Tường Sơn là một trong những trường có nhiều sáng tạo trong công tác kêu gọi xã hội hóa giáo dục, dù trường nằm ở vùng đặc thù, có 50% học sinh là con em giáo dân. Hơn nữa, điều kiện của người dân trên địa bàn cũng còn nhiều khó khăn, chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp, có một số học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Thầy giáo Nguyễn Tuấn Anh – Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Trường có hơn 500 học sinh nhưng mỗi một năm trường chỉ huy động xã hội hóa được khoảng 150 triệu đồng và để dành ưu tiên cho những hạng mục hết sức cần thiết như nhà xe cho học sinh, mua sắm một số đồ dùng thiết yếu. Còn lại, các khoản chi cho mua sắm trang thiết bị khác, trường kêu gọi từ các nguồn khác”.

Nói về kêu gọi xã hội hóa, 5 năm trước Trường THCS Tường Sơn là ngôi trường đầu tiên ở huyện Anh Sơn trang bị đủ ti vi cho toàn bộ lớp học. Sau này, từ kinh nghiệm của nhà trường đã lan tỏa đến nhiều địa phương khác trong toàn huyện. Chia sẻ về việc này, cô giáo Trương Thị Quỳnh – Phó Hiệu trưởng nhà trường, người “khởi xướng” việc kêu gọi xã hội hóa, nhớ lại: “Khi đó, chương trình giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu triển khai và trong quá trình thực hiện, tôi nghiên cứu rất kỹ chương trình và thấy có nhiều nét mới, trong đó lấy đối tượng học sinh làm trung tâm. Với chương trình mới này, nếu không có phương tiện dạy học thì việc dạy học sẽ không hiệu quả. Để tổ chức dạy học, giao nhiệm vụ cho học sinh thì trước tiên chính các lớp phải có ti vi, giáo viên phải có máy tính để kết nối. Ban đầu, chúng tôi vận động giáo viên, dù khó khăn cũng phải cố gắng trang bị cho mình một máy tính xách tay để dạy học. Còn với ti vi, chúng tôi xác định không thể đóng góp theo hình thức xã hội hóa toàn trường mà cần phải kêu gọi”.

Cô giáo Trương Thị Quỳnh cũng cho biết, cá nhân cô đã viết một bức thư gửi học trò cũ chia sẻ những khó khăn, sự cấp thiết của phương tiện dạy học và mong các cựu học sinh giúp đỡ. Lá thư kêu gọi của cô giáo Quỳnh sau này không chỉ lan tỏa trong lớp do cô chủ nhiệm mà đến các khóa học khác, và chỉ sau 3 tháng trường có đủ ti vi cho các lớp. Sau này, trường còn kêu gọi nhiều sự hỗ trợ khác và đã thành công. Như hiện tại, trong khi chờ công trình phòng học mới hoàn thành, một cựu học sinh của trường học khóa 1994 – 1998 đã đầu tư gần 50 triệu đồng để nhà trường mua ti vi màn hình lớn phục vụ các hoạt động tập thể.

Học sinh Trường Tiểu học Nghĩa Lâm - Nghĩa Đàn.
Học sinh Trường Tiểu học Nghĩa Lâm - Nghĩa Đàn.

“Theo tôi, để xã hội hóa hiệu quả, trước tiên là mình nên vận động tài trợ bằng vật chất hơn bằng tiền vì độ tin cậy cao hơn. Thứ hai, bên cạnh kết hợp vận động tài trợ thì nên tổ chức các ngày trở về của học sinh để các em có động lực. Đối với tập thể giáo viên cũng cần có trách nhiệm, tăng cường sự chia sẻ, kết nối với các học trò cũ…”, cô giáo Quỳnh chia sẻ thêm.

Trường Tiểu học Nghĩa Lâm cũng là một ngôi trường khó của huyện Nghĩa Đàn khi có đến 64% học sinh là người dân tộc thiểu số, số học sinh nghèo và cận nghèo chiếm hơn 20%. Tuy nhiên, bằng kêu gọi xã hội hóa hiệu quả, từ hai năm trở lại đây, nhà trường đã triển khai được nhiều phần việc ý nghĩa như huy động được hơn 200 triệu đồng để xây dựng nhà vệ sinh mới cho học sinh, mua sắm đồng loạt 100% ti vi cho các lớp, làm nhà ăn, nhà nghỉ cho học sinh bán trú, sắm hơn 20 máy tính cho phòng Tin học.

Qua trao đổi, cô giáo Nguyễn Thị Mai Hiền – Hiệu trưởng nhà trường, nói rằng: “Trước khi xây dựng kế hoạch xã hội hóa, chúng tôi xác định những hạng mục gì cần thiết quan trọng nhất để tham mưu với địa phương và xin chủ trương từ cấp trên. Bên cạnh đó, cần phải tuyên truyền để tạo sự đồng thuận của phụ huynh. Chúng tôi cũng xác định trong quá trình triển khai, sẽ có những lớp đầu tư 5 năm, để giảm sự đóng góp”.

Các phòng học được đầu tư khang trang của Trường Tiểu học Nghĩa Lâm - Nghĩa Đàn.
Các phòng học được đầu tư khang trang của Trường Tiểu học Nghĩa Lâm - Nghĩa Đàn.

Cô giáo Nguyễn Thị Phúc – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò cũng chia sẻ kinh nghiệm để vận động được mạnh thường quân hỗ trợ gần 200 triệu đồng mua sắm toàn bộ bàn ăn cho nhà ăn bán trú, vận động xây dựng sân bóng đá trong trường trong năm học 2023 – 2024 này: “Chúng tôi vận động xã hội hóa trên mọi phương diện. Tuy nhiên, với phụ huynh, muốn vận động được thì điều đầu tiên phải khảo sát cơ sở vật chất thật cụ thể, dự toán kinh phí và đưa ra bàn bạc một cách công khai, không thực hiện cào bằng để tạo tâm lý thoải mái, tránh áp lực cho các gia đình.

Huy động sự đóng góp của phụ huynh và triển khai xã hội hóa giáo dục là việc làm cần thiết trong bối cảnh toàn ngành đang nỗ lực thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhưng nguồn lực dành cho giáo dục còn hạn chế. Những năm qua, để tạo điều kiện thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT quy định về vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Ngoài ra, Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng quy định khá rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tổ chức này trong việc huy động đóng góp từ người học.

Phòng máy vi tính của Trường Tiểu học Nghĩa Lâm - Nghĩa Đàn được triển khai từ nguồn xã hội hóa.
Phòng máy vi tính của Trường Tiểu học Nghĩa Lâm - Nghĩa Đàn được triển khai từ nguồn xã hội hóa.

Tại Nghệ An, vấn đề thu chi trong năm học luôn nhận được sự quan tâm của dư luận và là một trong những vấn đề “nóng” của ngành giáo dục. Trên thực tế, để việc triển khai hiệu quả, minh bạch, đầu năm học mới hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo có các văn bản hướng dẫn chi tiết về việc thực hiện các khoản thu đầu năm. Song song với đó, ngành đã yêu cầu các địa phương, các nhà trường cần tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, đảm bảo thu đúng, chi đúng, công khai minh bạch, tránh lạm thu trong nhà trường. Mặc dù vậy, tình trạng số trường, lớp thu tiền từ phụ huynh với mức quá cao, cào bằng, hoặc chưa đúng với quy định vẫn còn xảy ra. Cách đây 2 năm, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã từng yêu cầu một trường THPT ở huyện Quỳnh Lưu phải trả lại hơn 700 triệu đồng tiền vận động xã hội hóa khi triển khai thu chưa đúng theo các văn bản hướng dẫn.

Tại huyện Nghĩa Đàn, qua trao đổi, ông Nguyễn Văn Hùng – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, cho biết: Năm nay các cơ sở giáo dục phải niêm yết công khai các khoản thu, đóng góp ít nhất 7 ngày trước khi thực hiện và thông báo để cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh, nhân dân biết, thực hiện, giám sát. Bản niêm yết phải ghi rõ các khoản thu, mức thu (nếu có), khoản đóng góp, đối tượng và mục đích sử dụng, nội dung chi, mức chi và các thông báo khác nếu có. Đặc biệt, để tránh tình trạng một số cơ sở giáo dục đang dự định đề ra các mức thu xã hội hóa đầu năm học mới khi chưa có chủ trương của cấp có thẩm quyền, Công an huyện Nghĩa Đàn cũng đã có văn bản tăng cường quản lý thu, chi. Trong đó đề nghị nhiều ban, ngành liên quan, đặc biệt là ngành Giáo dục cần tiến hành rà soát, chấn chỉnh các cơ sở giáo dục thu chi, kêu gọi xã hội hóa khi chưa được phê duyệt. Tuyệt đối không để các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện các khoản thu chi sai quy định, gây áp lực và dư luận không tốt trong nhân dân, làm phát sinh phức tạp về an ninh trật tự.

Học sinh Trường Tiểu học Nghĩa Lâm - Nghĩa Đàn.
Học sinh Trường Tiểu học Nghĩa Lâm - Nghĩa Đàn.

Về vấn đề này, ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nói: “Sở sẽ tăng cường chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thu chi đầu năm, kịp thời chấn chỉnh tình trạng lạm thu, thu sai, xử lý hoặc đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm quy định. Quan điểm của ngành đối với các khoản thu tự nguyện là đảm bảo nguyên tắc: minh bạch, công khai, tự nguyện, không quy định mức thu bình quân, tối thiểu…; giãn các khoản thu, tránh tập trung vào dịp đầu năm gây áp lực cho phụ huynh.

Năm 2023 – 2024 này, việc triển khai thu cũng được các địa phương và các nhà trường cân nhắc, thậm chí một số trường đang dự kiến không thu để giảm áp lực cho phụ huynh. Tại Trường THPT Nguyễn Duy Trinh (Nghi Lộc), cô giáo Hoàng Kim Liên – Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Thực tế, hiện nay, có khá nhiều công trình của nhà trường đã xuống cấp nhưng chúng tôi xác định chia nhỏ nhiều năm để giảm áp lực cho phụ huynh. Thay vào đó, chúng tôi đã vận động được các nguồn tài trợ gần 1 tỷ đồng để cải tạo đường điện, làm trạm biến thế cho nhà trường và một số hạng mục nhỏ. Còn lại, trường đang lên kế hoạch lắp điều hòa cho các lớp để giúp các em đỡ vất vả trong mùa nắng nóng. Tuy nhiên, việc triển khai có thể là do các lớp tự bàn bạc, tùy thuộc vào điều kiện của từng lớp và hoàn toàn không ép buộc”.

Giờ học của học sinh Trường THPT Nguyễn Duy Trinh.
Giờ học của học sinh Trường THPT Nguyễn Duy Trinh.

Về vấn đề xã hội hóa, vận động phụ huynh học sinh, mỗi nhà trường có một quan điểm khác nhau. Thầy giáo Đặng Vương Linh – Hiệu trưởng Trường THCS Đặng Chánh Kỷ (Nam Đàn), cho rằng: “Để xây dựng một ngôi trường khang trang – hiện đại thì nguồn ngân sách trường sẽ không đủ. Tuy nhiên, chúng tôi xác định không nên ỉ lại quá nhiều vào phụ huynh. Ngay cả kế hoạch xã hội hóa, chúng tôi quan niệm, phụ huynh có chừng nào đóng chừng ấy. Phần còn lại, nhà trường sẽ tiết kiệm chi hoặc huy động, kêu gọi từ các nguồn hỗ trợ khác. Không để tình trạng phụ huynh sợ mà đóng và đóng không thoải mái rồi ý kiến làm tổn thương nhà trường”.

Với một địa bàn khá đặc thù, bà Hoàng Phương Thảo – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP.Vinh cho rằng: “Xã hội hóa nếu làm kịp thời, làm đúng thì học sinh sẽ sớm được hưởng thụ. Vì vậy, nếu nhà trường nào không dám làm, không chịu trách nhiệm sẽ không hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, với trách nhiệm của phòng, cũng phải xem xét trong khi triển khai phê duyệt kế hoạch. Hiện, thành phố đã có phần mềm và yêu cầu các trường đánh mã tài sản để có thể cập nhật các dữ liệu của các nhà trường khi tiến hành phê duyệt. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kịp thời chấn chỉnh nếu có thông tin sai phạm, tránh tình trạng một số hiệu trưởng làm ẩu, lợi dụng hoặc trục lợi việc thu chi. Đầu năm học này, hiệu trưởng một trường tiểu học đã bị nhắc nhở vì vận động lắp điều hòa cho các lớp trái quy định”.

Nhờ làm tốt công tác xã hội hóa, cơ sở vật chất Trường THPT Tường Sơn - Anh Sơn được đầu tư khang trang.
Nhờ làm tốt công tác xã hội hóa, cơ sở vật chất Trường THPT Tường Sơn - Anh Sơn được đầu tư khang trang.

Trao đổi của ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết thêm: “Từ đầu năm học đến nay, có một số đơn vị có cách thức triển khai chưa hợp lý, chưa đúng trình tự, quy định theo hướng dẫn. Các trường hợp này, Sở đã trực tiếp nhắc nhở và chấn chỉnh. Đồng thời lưu ý các trường khi triển khai trong thời gian tới cần có kế hoạch thu chi phù hợp, đúng quy trình, đảm bảo đúng mục đích. Trong quá trình phê duyệt kế hoạch xã hội hóa của các nhà trường, Sở và các phòng cũng tính toán, rà soát, xem xét trên cơ sở thực tế của nhà trường và điều kiện của phụ huynh học sinh, tránh lạm thu trong ngành Giáo dục”.