Có một câu chuyện hằn sâu trong miền tiềm thức mà thú thực là tôi chả nhớ mình đã từng đọc nó ở đâu. Cũng có thể là chuyện cổ lưu truyền trong dân gian. Chuyện kể rằng, vào một ngày đầu xuân năm nọ, có 2 người đàn ông tình cờ gặp nhau. Sau những hàn huyên cùng túi thơ bầu rượu, cảm nhận thấy tâm đầu ý hợp, 2 người kết bạn tâm giao. Chỉ tiếc là nơi ở của hai người cách nhau những 3 ngàn dặm. Trước cuộc chia tay đầy lưu luyến, không giấu nổi lòng mình vị chủ nhà bèn ướm hỏi khách rằng khi nào thì lại đến chơi. Người bạn kia hẹn vào Tết Trung thu 3 năm nữa chắc chắn sẽ trở lại để 2 người cùng uống rượu, ngắm trăng Rằm mà đàm đạo thi ca, thế sự.
Tin vào lời hẹn, đến Tết Trung thu năm thứ 3, người chủ nhà mang rượu và thức ăn ra hoa viên kiên trì ngồi chờ bạn đến. Chờ mãi chờ mãi, chờ gần tới canh 3 thì người bạn kia quả nhiên xuất hiện, đứng ngoài cửa hoa viên hỏi vọng vào: “Hiện tại chưa qua canh 3 nên vẫn tính đang là ngày Rằm chứ?”.
Chủ nhà vui mừng trả lời bạn: “Chưa qua, chưa qua, đương nhiên vẫn là Rằm tháng Tám. Tôi biết rõ ngài nhất định sẽ đến, bởi vì trong ý niệm của tôi thì ngài không thất tín bao giờ. Nào, mời ngài vào cùng tôi uống rượu ngắm trăng”. Chủ nhà nói xong liền chạy lại cổng của hoa viên mời bạn.
Dưới ánh trăng mờ ảo, người bạn năm xưa thư thả buông lời: “Xin ngài đừng qua đây! Hãy để cho ta một lời giải thích. Vì lý do quá đặc biệt mà ta không thể gặp ngài đúng hẹn. Ta từng nghe nói, con người đã giã từ trần gian thì chỉ trong tích tắc, linh hồn có thể đi ngàn dặm đường. Biết không thể kịp, lúc nãy vào canh 2, ta đã trút bỏ thân thể của mình để có thể đi 3 nghìn dặm đến đây trước canh 3. Giờ ta đã ở đây, dù có âm dương cách biệt, nhưng ta vui vì đã giữ được lời hứa với ngài”.
Không ai có thể phủ nhận câu chuyện xúc động nhuốm màu liêu trai trên là sản phẩm của hư cấu văn học. Nhưng cũng không thể phủ nhận nó chứa đựng giá trị răn dạy người đời, nó như gửi về hậu thế thông điệp rằng người xưa trọng chữ tín còn hơn cả tính mạng. Ngẫm câu chuyện người xưa, nghĩ về thế giới hiện đại lại nhớ đến một câu chuyện khác, một câu chuyện hoàn toàn có thật. Đó là câu chuyện về Công ty Fujita (Nhật Bản) là một doanh nghiệp chuyên về sản xuất dao, dĩa. Trong một thương vụ làm ăn, công ty này đã ký hợp đồng giao 3 triệu chiếc dao dĩa cho một đơn vị chuyên kinh doanh thực phẩm ở Chicago (Mỹ). Rất tiếc, do sự cố về máy móc thiết bị nên lô hàng dao dĩa chỉ được hoàn thiện và đóng kiện trước thời hạn bàn giao đã ký kết có đúng 1 ngày. Nếu ship bằng phương tiện tàu biển thì thời gian di chuyển lên tới gần 1 tháng. Để giữ chữ tín với đối tác, hãng Fujita đã quyết định thuê trọn gói 1 chiếc máy bay Boeing để chở toàn bộ lô hàng đến Chicago theo đúng thời hạn mà 2 bên đã ký kết, dù số tiền bỏ ra để thuê máy bay vận chuyển cao gấp nhiều lần so với lợi nhuận.
Nếu qua cái nhìn thiển cận thì rõ ràng Fujita đã chúi vào một vụ làm ăn thua lỗ. Nhưng không! Có thể nói đây là một ứng xử đẹp đến kinh điển trong giao dịch thương mại quốc tế. Chữ tín được gọi tên, được nâng niu, được cắt nghĩa bằng hành động và cũng chính chữ tín đã được đền đáp một cách xứng đáng nhất có thể. Cả thế giới biết đến Fujita, và sự bù đắp cho chữ tín của họ chính là hàng ngàn đơn đặt hàng khắp nơi nhộn nhịp sau đó.
Xin lỗi bạn đọc, người viết bài này đã dành hơi nhiều thời gian cho những câu chuyện rông dài kim cổ. Chuyện về chữ tín thì có kể bao ngày cũng không hết, bàn về chữ tín thì có viết cả ngàn trang vẫn chưa đủ. Và để giữ được chữ tín tất nhiên chúng ta phải dâng hiến suốt cả cuộc đời!
Khổng Tử nói: “Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã”, người không chữ tín thì không thể làm được việc gì. Quả thực trong cuộc sống chữ tín không chỉ quét qua mà ở mức độ và cách thức khác nhau nó hiện diện trong mọi mối quan hệ giữa con người với con người. Chữ tín là danh dự nhưng không chỉ là danh dự. Chữ tín được xác lập thông qua thực hiện lời hứa nhưng chữ tín không chỉ là lời hứa. Chữ tín đến từ lòng tin nhưng không chỉ là lòng tin. Vượt lên trên hết tín là sự hội tụ của cả danh dự, sự tin cậy, lòng trung thành, tính chung thủy, là khí chất và cả phẩm giá của con người. Đã là cam kết của người trọng chữ tín thì bất di bất dịch. Trong nho giáo thì “tín” hiển diện trong ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín). Danh ngôn có câu “Mất tiền bạc là mất ít, mất danh dự là mất nhiều, mất lòng tin là mất tất cả”. Khi đã bị thất tín mà vẫn “lấy đó làm động lực phấn đấu” là sự lạc quan đến mức hiếm hoi.
Ngày nay, chữ tín vẫn được coi trọng và càng nên được coi trọng. Nhưng chữ tín trong thế giới hiện đại không nên đứng đơn độc. Chúng ta không chỉ tự mình xác lập chữ tín cho bản thân mà còn phải đủ năng lực để nhận diện nó. Khối kẻ xung quanh chúng đang trục lợi chữ tín một cách ngang nhiên và thô bạo đấy thôi. Hình như tỉnh nào cũng có một vài huyện, hình như huyện nào cũng có một vài xã, hình như xã nào cũng có một vài người từng trực tiếp hoặc gián tiếp là nạn nhân của trò phường hụi. Đến tận bây giờ khi hàng trăm vụ tín dụng đen bị đổ bể mà nhiều người vẫn ngơ ngác hỏi nhau tại sao bọn chủ hụi lại có thể huy động được một lượng tiền lớn như vậy? Dạ thưa, rất đơn giản, thao tác kỹ thuật đầu tiên của chúng là tạo chữ tín, nói cho chính xác là giả tín. Nên nhớ rằng trong cuộc sống không thiếu những cửa hàng dát hòe câu khẩu hiệu “Uy tín quý hơn vàng” nhưng bên trong thì vẫn cứ treo đầu dê bán nội tạng nhập lậu!
Chữ tín là vốn liếng của người tốt nhưng có thể bị làm giả thành công cụ của kẻ gian xảo. Chả thế mà trong Bộ luật hình sự năm 2015 dành hẳn 1 điều (điều 175) cho tội “Lạm dụng tín nhiệm” đấy thôi. Trong tất cả những hợp đồng giả, dự án giả, nhà báo giả, công an giả, công văn giả, chữ ký giả, bằng cấp giả, tuổi giả, thậm chí thương binh giả thì tất tần tật đều có “giả tín” đấy chứ. Đôi khi ngay cả trong lời hứa sự giả dối cũng đã lặn vào để thao túng. Thật khó mô tả cảm xúc khi trong lần tiếp xúc nọ, một vị cử tri đã mỉa mai chế câu răn dạy người xưa thành “Lời hứa không mất tiền mua/Lựa lời mà hứa cho vừa lòng nhau”. Quan ngại quá, hứa cho vừa lòng thì dễ lắm, nhưng chỉ hứa cho vừa lòng nhau thì nguy hiểm vô cùng.
Mấy ngày qua dư luận bàn nhiều về kết quả lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Một hoạt động đổi mới dân chủ và trách nhiệm đáng tôn vinh. Vui thì vui đấy, nhưng ưu tư thì vẫn còn ưu tư lắm. Có những đại biểu “đội sổ” mà vẫn lạc quan đến lạ lùng. Nói tin ông thì không dám, nói nghi ngờ ông thì không nỡ, nói hy vọng ông thì cũng đành lòng. Đâu đó lại lao xao bàn về văn hóa từ chức. Vâng, từ chức là một văn hóa và nó vẫn là một… văn hóa! Một văn hóa phi vật thể đang được… bảo tồn!
Ngẫm lại câu chuyện chữ tín của người xưa lại cứ xúc động. Người ta dám bỏ cả tính mạng chỉ vì chữ tín. Thôi thì đó cũng là một câu chuyện nhuốm màu thần thoại, người đàn ông hiện về trong đêm ấy suy cho cùng cũng chỉ là một bóng ma.