Đừng để “hoa cười, người khóc”

Thành phố Vinh những ngày này ngập trong sắc Xuân khi nơi nơi thắm sắc hoa. Trên các tuyến phố, những chuyến xe tải chở đầy ắp hoa đến các điểm bán. Nào mai, nào quất, nào bưởi, nào cúc, nào lan, nào trà my, nào hồng… khoe sắc rực rỡ. Không khí cũng trở nên tấp nập hơn khi rất đông người đến xem, ngắm hoa và mua hoa. Người đến đây bán hoa, cây cảnh là dân tứ xứ. Họ là những người trồng mai tận Bình Định xa xôi, trồng quất tận Quảng Nam hay đào từ Hà Nội. Đó là những người nông dân ở các vùng nông thôn trồng hoa mang ra phố bán, hoặc những người tranh thủ ngày giáp Tết đi buôn, kiếm thêm đồng ra, đồng vào tiêu Tết.

Nhưng ngặt nỗi, buôn “hàng hoa” rủi ro quá lớn mà nhiều người ví như “canh bạc”. Thuê mặt bằng với giá cao, ăn chực, nằm chờ trong những lều bạt dựng tạm. Những ngày nắng thì lo hoa nở, hoa héo, chóng tàn. Lỡ gặp rét đậm, rét hại thì lo hoa thối nụ. Ngày chăm bẵm, coi sóc và giới thiệu hoa với khách; bữa ăn là những suất cơm hộp lạnh ngắt hay bát mỳ gói nấu vội, hoặc là chiếc bánh mỳ qua quýt. Đêm đêm, nằm co ro trong lều bạt bốn bề gió thốc. Trải qua những vất vả, cơ cực, họ chỉ mong sớm bán hết hàng, kiếm được đồng lãi về quê lo Tết, vui Tết, sum vầy cùng gia đình. Thế nhưng, niềm ước ao đó dễ nào thành hiện thực…

Dịp Tết, ai cũng mua sắm. Có những người sắm Tết từ sớm, từ sau Rằm tháng Chạp đã mua nào quất, nào mai về chưng còn những loại mau tàn thì chờ sau Tết ông Công, ông Táo mới mua. Mua sớm một phần là để trang hoàng nhà cửa cho có không khí Tết, phần nữa, cũng như một cách giúp những người bán hoa sớm hết hàng về quê đón Tết trên tinh thần “ai nấy đều vui”. Nhưng cũng có rất nhiều người chờ đến tận 29, 30 Tết, thậm chí là trước thềm giao thừa mới ra mua với tâm lý “tan chợ” thì người bán phải bán đổ, bán tháo với giá rẻ như cho…

Còn nhớ, Tết năm 2017, ở một chợ hoa tại miền Nam bắt đầu từ Rằm tháng Chạp đã nhộn nhịp soạn hàng, nhưng chỉ có người ngắm, người xem, hỏi giá chứ hầu như không có ai mua. Mãi đến trưa 30 Tết, người dân đổ ra rất đông và ép giá người bán. Nhiều người đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” chấp nhận bán với giá rẻ mạt, vớt vát được đồng nào hay đồng đó để còn kịp quay xe về quê ăn Tết. Nhưng cũng có những người kiên quyết chở hàng về, một số nữa phẫn uất đập nát các chậu hoa, hủy hoa thành rác chứ không bán đổ, bán tháo.

Và những Tết qua, đã không ít lần, những người bán hoa ngậm ngùi chịu ế, chịu lỗ, chịu trắng tay chứ nhất định không để người mua ép giá. Và cứ độ gần Tết, trên mạng xã hội lại rần rần xuất hiện những thông điệp kêu gọi “Đừng đến 30 mới mua hoa chơi Tết”. Một Facebooker chia sẻ: “Đừng đi mua hoa, cây cảnh hôm 30 Tết nếu bạn có điều kiện mua trước đó. Đừng đợi trưa 30, đừng đợi chiều 30, tối 30 thậm chí giao thừa xong… đi mua cho rẻ. Người trồng hoa quanh năm vất vả, chăm sóc tỉ mỉ, chu đáo, nhiều công đoạn lắm, đến khi cuối năm họ mang cả chăn màn ra chỗ bán ngủ canh suốt cả tuần, đứng giữa đường để bán dù thời tiết mưa, giá rét, đêm ngủ co ro trong bạt, trong khi bạn ngủ chăn ấm. Vậy thì đừng tiếc trao nhau niềm vui, nụ cười cuối năm”.

Tết đang đến gần, để ai cũng trọn niềm vui, người bán đừng hét giá “trên trời”, còn người có nhu cầu hãy đi mua sớm. Để ai cũng được “vui như Tết”, chứ không phải “hoa cười, người khóc”.


Bài: Tuệ Anh
Ảnh minh họa: Tư liệu