Công tâm

“Nước sạch sinh hoạt liệu có… sạch?” là nỗi băn khoăn, lo lắng của nhiều người ở địa bàn TP. Vinh và vùng phụ cận.

Trên Facebook cá nhân, bên cạnh đăng lại các bài báo viết về nghi vấn Công ty CP Cấp nước Nghệ An sử dụng nguồn nước sông Đào ô nhiễm để sản xuất nước sạch sinh hoạt, rất nhiều người có những lời bình luận hết sức gay gắt. Và tại đây, họ yêu cầu cơ quan chức năng phải có trách nhiệm kiểm tra, xử lý và thông tin rõ ràng, minh bạch.

Nước sạch sinh hoạt là vật chất thiết yếu, quan trọng hàng đầu cho mỗi con người. Nếu sử dụng nước sạch sinh hoạt không đảm bảo chất lượng, tức thời, sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng. Thế nên, những băn khoăn, lo lắng của người sử dụng nước do Công ty CP Cấp nước Nghệ An sản xuất là lẽ đương nhiên.

Và bởi theo quy định, chính quyền các cấp phải có trách nhiệm quản lý bảo vệ tài nguyên nước; kiểm soát chất lượng nước thô và nước sạch sinh hoạt; kiểm soát giá cả để đảm bảo chi phí sử dụng của người dân khi sử dụng nước sạch sinh hoạt phù hợp, ngang bằng với các địa phương trên toàn quốc. Vì vậy, những đòi hỏi, yêu cầu khẩn trương làm rõ, xử lý và thông tin rõ ràng, minh bạch cũng là yêu cầu hoàn toàn chính đáng.

Thực tế cho thấy, đang có những điều “bất ổn” trong sản xuất, kinh doanh nước sạch sinh hoạt của các doanh nghiệp có liên quan cho khu vực thành phố Vinh và vùng phụ cận. Bên cạnh đó, có cả những dấu hiệu “bất hợp lý” của cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện kiểm soát doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nước sinh hoạt.

Chỉ đơn cử việc tại không ít văn bản, một số cơ quan chức năng đưa ra thông tin nước sạch sinh hoạt (sản xuất từ nguồn nước thô từ sông Đào) mà người dân đã sử dụng từ đầu năm 2019 đến nay đều đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế. Vậy nhưng, Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường – thuộc Sở TN&MT  là cơ quan khoa học, có trách nhiệm phân tích, kiểm nghiệm chất lượng nguồn nước thô cấp cho các nhà máy sản xuất nước sạch sinh hoạt đã chỉ ra nguồn nước sông Đào có một số thông số vượt ngưỡng, thể hiện có dấu hiệu ô nhiễm.

Rõ ràng, nước thô đầu vào đã có những thông số vượt ngưỡng, có dấu hiệu ô nhiễm thì tốt nhất là không nên sử dụng để sản xuất nước sạch sinh hoạt. Trường hợp doanh nghiệp vẫn sử dụng để sản xuất thì phải chứng minh được năng lực; phải báo cáo các cơ quan có thẩm quyền, cơ quan có chuyên môn để kiểm soát chặt chẽ nước sạch sinh hoạt trước khi kinh doanh.

Quá trình thực hiện kiểm soát, các cơ quan Nhà nước phải thực hiện kiểm nghiệm các thông số theo quy định của Bộ Y tế, đồng thời phải kiểm nghiệm những thông số mà Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường đã công bố vượt ngưỡng. Nếu tất cả các thông số này qua kiểm nghiệm, phân tích đạt chỉ số an toàn thì nước sạch sinh hoạt mới đảm bảo chất lượng, mới cho phép doanh nghiệp kinh doanh. Nhưng những điều đó chưa được thực hiện, dẫn đến những nghi hoặc, băn khoăn, lo lắng.

Bởi vậy, cần phải có sự thay đổi trong giám sát chất lượng nước sạch sinh hoạt. Và rất cần sự công tâm của các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện công tác giám sát. Vì có thực sự công tâm, mới có khách quan và minh bạch!

Ý kiến bạn đọc(1)

  1. Nguyễn thị Vinh

    Cần làm sáng tỏ: chất lượng nước đầu vào, đầu ra, giá cả thu trực tiếp của người dân