Lời tự sự của một cái ghế

“Chả khác gì nếu mạnh dạn xách cổ chúng tớ ra so sánh với con người, chúng tớ – những cái ghế cũng mang theo bên mỗi mảnh đời là cả một số phận! Hẩm hiu, có hẩm hiu! An nhàn, có an nhàn! Vinh quang, có vinh quang! Và đắng cay… rất nhiều đắng cay…”. Thưa bạn đọc, đó là đoạn trích trong phần mở đầu bài văn điểm 4 cùng lời phê “lạc đề” của cu Tý vừa nhận được hai ngày trước.

Xin gửi tới bạn đọc một bài “tập làm văn” của cu Tý nhà tôi sau khi nhận được đề bài: “Hãy viết về một vật dụng thân quen trong nhà bạn”. Bài văn có lời phê “lạc đề”, đọc đi, đọc lại công nhận nó lạc đề thật, nhưng nó lạc đến đâu thì xin dành lại lời nhận xét cho bạn đọc. Hôm nay, tôi chỉ đóng vai trò của một người dẫn chuyện và sao chép nguyên bản.

Sau phần đặt vấn đề đã trích dẫn, cu Tý tiếp tục:

“… Chắc các bạn muốn hỏi tớ là ai và sinh ra ở đâu? Thưa tớ là ghế, tớ có thể là Nguyễn Văn Ghế, cũng có thể là Đinh Công Ghế, tớ có thể là Hà Hữu Ghế, tớ cũng có thể là Chế Đình Ghế! Ý tớ muốn nói là cái tên không quan trọng, mà quan trọng là cái tuổi cơ! Chưa “đủ tuổi” đừng mơ màng đến ghế! Còn tớ đến từ đâu ư? Tớ đến từ cây gỗ. Cây gỗ đến từ đâu ư? Cây gỗ đến từ rừng. Còn rừng đến từ đâu ư? Cái này thì tớ chịu à nha. À, mà tớ khuyên các bạn cũng nên hỏi ít thôi, ở đời càng hay cho càng hay được gọi, càng hay hỏi càng dễ bị… quên!

Xin thưa các bạn, để tiện hình dung tớ xin mô tả một chút về bản thân như thế này. Chiều cao cơ sở của tớ tính từ chân tới vai là 1 mét, nhưng cái mặt tớ lại chỉ nằm tầm 60 phân. Tớ có tất thảy 4 cái chân và đó cũng là lý do muôn thủa tớ không thể thành người. Tớ là chiếc ghế phổ thông trong hàng trăm ngàn kiểu ghế. Tớ đã từng nói về số phận vì mỗi thằng ghế chúng tớ lại ứng với một vị chủ nhân khác nhau. Đứa giản dị trong hội trường thôn xóm, chỉ mỗi tháng một lần… ấm mặt. Đứa thì lại ngự giữa gian chờ cửa quan hết người này ra về lại lập tức có kẻ khác thăm viếng. Đứa suốt ngày được văn phòng lau chùi, ngắm nghía; kẻ thì gãy cẳng cũng chả thấy ai một tấc đoái hoài.

Tuy nhiên là tớ đang nói về cái ghế theo nghĩa đen. Còn cái ghế theo nghĩa bóng kiểu như “Xã ta kiếm được 3 “ghế” trong HĐND huyện” thì lại là chuyện khác. Bàn về cái ghế theo nghĩa đó chắc không thể gói gọn trong một bài viết. Tớ rời rừng Tánh Linh cách đây mấy chục năm, qua bao nhiêu thác ghềnh đục đẽo rồi trôi dạt về cái phòng họp khỉ gió này. Công suất làm việc của tớ thật kinh khủng. Ngày hai lượt, tớ đều đặn gánh trên mặt mình những cái mông mà cái nào cũng không nhiều lịch sự. Trước khi luân chuyển về phòng họp thì tớ công tác ở phòng  tiếp dân, rảnh rang lắm vì chả ai chịu ngồi, hoặc ngồi ít phút chưa nóng đít thì họ lại kiếm cớ “đi cơ sở”, thành thử công việc của tớ suốt ngày chỉ tơ hơ cái mặt ra đó chứ chả phải làm gì cả. Được mấy năm thì người ta lại xách tớ về phòng tiếp nhận hồ sơ. Tẻ nhạt và nhàm chán. Suốt ngày chỉ mỗi một cái mông cô ấy và cũng suốt ngày nhìn cô nhân viên ấy lướt phây búc. Có hôm cô ấy đánh điện tử qua trưa không về, thành thử tớ phải làm việc thông tầm!

Thế rồi cô ấy đi xem bói, cô ấy phàn nàn rằng ngồi ghế này hãm tài, bất ngờ tớ được điều về phòng họp. Nhận nhiệm vụ ở phòng họp thấm thoắt cũng được hai năm. Trời ơi, đây mới là giai đoạn cùng cực của những thằng ghế như chúng tớ. Họp, họp và họp, họp suốt ngày, họp suốt tháng, họp quanh năm. Văn bản trên về, họp! Văn bản trên không về cũng họp. Từ họp triển khai đến họp kiểm điểm, từ họp thi đua đến họp khen thưởng, từ họp kiểm tra đến họp khắc phục. Ngày nào cũng như ngày nào, tớ thuộc lòng các cụm từ đầu năm thì “Sáng suốt, tập trung, đẩy mạnh, nâng cao…”; giữa năm thì “Quyết liệt, phấn đấu, phát huy, đôn đốc, dồn sức, quyết tâm…”; cuối năm thì “Kiểm tra, nghiêm túc, rút kinh nghiệm, bài học sâu sắc” và bát ngát những lời ca tụng xen giữa vô vàn những tràng pháo tay nhạt nhẽo… Tớ vẫn ao ước có một cuộc họp để bàn về vấn đề giảm hội họp! Cuộc họp ấy chắc còn chờ lâu lắm.

Mươi năm lại nay, số phận của chúng tớ thực sự bị ra rìa khi cái bọn ghế xoay ra đời. Nó quá nguy hiểm bởi nó quá ưu việt. Nó nhanh nhẹn luồn lách bằng những cái bánh. Nó liên tục tráo trở bởi nhờ cái trục xoay và nó có thể nằm ngửa ra khi cần thiết. Bây giờ tớ mới muộn mằn nhận ra rằng ở đời mà cứng nhắc thì chả làm nên cái trò trống gì! Chỉ để cho thiên hạ họ trĩn mông thôi! Thời đại 4.0 mà, ghế cũng phải có trí tuệ. Ghế mà không biết giữ mông, làm mông hài lòng thì ghế ấy cũng sớm về nơi an nghỉ cuối cùng. Ở đời người ta đua nhau đi tìm ghế, cái ghế càng cao càng hấp dẫn. Tuy nhiên, trèo lên cái ghế cao bằng đường tiểu ngạch không dễ xuống đâu, phải có ô dù thì mới “hạ cánh an toàn”. Có kẻ viết sách dạy đời rồi mà cuối cùng vẫn làm gãy ghế đấy nhé. Ghế không phụ bạc ai, cũng đừng ai phụ bạc ghế. Ghế và mông phải là cặp bài trùng.Thế thôi.

Mà tớ với bạn mông cũng nhiều tâm sự lắm nhé. Chúng tớ còn làm thơ tặng nhau cơ, đây này:

Có một bận thì thầm mông hỏi ghế

“Nỏ đi mô mà chân lắm rứa mi?”

Ghế thỏ thẻ “Một bầy toàn cẳng gỗ

Đứng thì tài bước nỏ được chút chi”

Mông an ủi “Tau với mi là một

Sống bên nhau những mấy chục năm rồi

Nếu có phải chia xa thì mi nhớ

Cái mông nào cũng phải toát mồ hôi”.

Đọc xong bài văn điểm 4 của cu Tý, tôi hỏi vặn:

– Sao đề ra viết vật dụng trong nhà mà cháu lại viết về vật dụng ở một cơ quan?

– Cháu có viết mô, đó là cháu chép trộm trong hồi ký công tác của chú Quyền.

– Chú Quyền là ai?

– Chú Quyền vốn là… một người tử tế!

 

Kỹ thuật: Chôm Chôm