Nghệ sĩ Nhân dân một đời tận hiến với dân ca

Trịnh Hồng Lựu kể rằng, chị sinh ra trong gia đình có 7 anh chị em ở xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương, nhưng chỉ mỗi mình chị sớm bộc lộ năng khiếu ca hát. Lúc mới 3-4 tuổi, cô bé Lựu đã đứng ở sân hợp tác xã cất lên những điệu ví, bài giặm ngọt ngào, khiến ai cũng nức lòng và trầm trồ mãi. Lớn lên, bố chị đã sáng tác lời ví từ những bài thơ về phong trào kế hoạch nhỏ để chị có chất liệu hát. Dù không sinh ra trong gia đình có truyền thống âm nhạc, nhưng “chất” nghệ sĩ thì vẫn ngầm chảy đâu đó trong huyết quản của những bậc thân sinh, để rồi kết tinh nên một Hồng Lựu trọn đời với dân ca.

Ở quê nhà Thanh Hà, Trịnh Hồng Lựu có tiếng là “cây văn nghệ” của thôn, xóm và trường học. Nơi đâu có chị là phong trào ca hát sôi nổi. Mỗi khi Hồng Lựu xuất hiện trên sân khấu là những tràng pháo tay rộn ràng không ngớt. Ở tuổi 14-15, nhiều đoàn chuyên nghiệp của tỉnh đi tuyển diễn viên, chị khấp khởi đăng ký và trúng tuyển tất cả các đoàn, từ Đoàn cải lương Bông sen trắng đến Đoàn ca múa, kịch; Đoàn dân ca Nghệ An, Đoàn văn công Quân khu 4… Thế nhưng mẹ chị, người phụ nữ có tầm nhìn thức thời đã không cho chị theo đoàn vội, bà mong muốn con gái phải học xong phổ thông, có nền tảng kiến thức vững vàng rồi mới “ra nghề”.

Trịnh Hồng Lựu chính thức nhập Đoàn dân ca Nghệ An vào năm 1985. Ở đoàn, chị được sinh hoạt nghệ thuật với thế hệ những cô chú là diễn viên nổi tiếng thời bấy giờ, và nhanh chóng được chú ý bởi khả năng diễn xuất và giọng hát như “có lửa”. Chị được cử đi học ở Trường Văn hóa nghệ thuật Nghệ An, song song với đó là đảm nhận những vai diễn để thử sức luyện tài.

Có một điều lạ là bất cứ vở diễn nào chị cũng thuộc hết lời thoại từ kép phụ đến kép chính. Hồng Lựu bảo, việc nhớ thoại không chỉ vì lòng ham học hỏi mà còn bởi đam mê. Cứ đam mê ắt mọi thứ sẽ đến. Chị nghĩ thế và vào một ngày, khi nữ diễn viên Linh Quảng đảm nhận vai Vương phi Bích Châu trong vở “Bão táp cửa Kỳ Hoa” nghỉ hưu, nghệ sĩ Hoa Ban là lãnh đạo chuyên môn của đoàn lúc bấy giờ đã giao vai diễn này cho chị. Như cá gặp nước, chị vào vai này chỉ sau 1 lần tập duy nhất. Mọi người ngạc nhiên bởi sự diễn xuất của cô bé mới chân ướt chân ráo vào đoàn, càng thán phục hơn khi những trường đoạn tâm lý giằng xé đều được Hồng Lựu thể hiện rất sắc sảo. Có những khi đoàn thiếu nhiều vai, chị vừa diễn xong vai này lại vội hóa trang để diễn vai khác. Chính sự biến hóa nhanh nhạy và khả năng thiên phú về giọng hát, lối diễn xuất lôi cuốn mà từ đó đoàn đã tin tưởng giao nhiều vai chính cho Hồng Lựu.

Những tưởng với Hồng Lựu, chặng đường sân khấu dân ca kịch chuyên nghiệp chỉ rải hoa hồng nhờ tài năng và sự nỗ lực, thế nhưng ít ai biết rằng, người nghệ sĩ đã phải gặp bao nhiêu trắc trở, dẫm lên muôn ngàn mũi gai. Hồng Lựu từng phải chịu nhiều thử thách bởi lòng người nông sâu, bởi những đố kị, ganh ghét, tị hiềm. Có lúc không trụ vững, chị đã từng lựa chọn những ngã rẽ khác, nhưng rồi vì quá yêu nghề và cũng vì tiếng gọi của tình yêu với người bạn diễn, bạn đời sau này là NSƯT An Ninh, chị đã quay lại Nhà hát Dân ca Nghệ An trong sự hân hoan của những người yêu quý, ủng hộ. Ngay từ giây phút ấy, chị đã tự nhủ với lòng không để những điều muộn phiền làm ảnh hưởng hành trình đến với dân ca của mình, bởi chị thuộc về dân ca, về ánh đèn sân khấu.

Chương trình nghệ thuật đặc sắc Quê hương trong trái tim Người do Trung tâm nghệ thuật truyền thống tỉnh dàn dựng và biểu diễn.
Chương trình nghệ thuật đặc sắc Quê hương trong trái tim Người do Trung tâm nghệ thuật truyền thống tỉnh dàn dựng và biểu diễn.

Từ đó, Hồng Lựu chỉ có tiến về phía trước với con đường đi mà chị tự mày mò, tự bươn chải để có được chỗ đứng cho mình. Có những giai đoạn vinh quang mà cũng có những cay đắng, vất vả biết nhường nào. Chị nhớ như y lần khi chị vừa sinh cháu bé đầu mới được 2 tháng. Lãnh đạo nhà hát đã cho xe về chở cả mẹ cả con đi diễn, dù vở diễn chỉ khuyết một vai phụ thôi. Hay khi chị mới sinh cháu thứ 2 được hơn 1 tháng cũng phải đi diễn vai bà mẹ Hoàng Thị Loan vì chỉ có Hồng Lựu vào vai mới toát lên được phong thái của một bà mẹ Việt Nam sinh ra bậc vĩ nhân. Với chị, đó là hạnh phúc mà nghề ban tặng. Nhưng trong cái hạnh phúc trời ban đó, chị đã phải nếm trải bao nhiêu cực nhọc, đắng cay. Chị nhớ có lần cả 2 bố, mẹ đi diễn ở vùng sâu, vùng xa ở Anh Sơn, trong khi con đầu mới 10 tháng tuổi bị ốm. Kế hoạch đã lên, chị cũng không thể ở nhà với con, đành theo đoàn. Đêm đó, con chị lên cơn sốt cao, vì đang diễn nên lãnh đạo đoàn không thể báo được với anh, chị được mà đành tức tốc đưa cháu đi viện cấp cứu.

NSND Hồng Lựu trong vở diễn Cánh cò trong bão của Trung tâm nghệ thuật truyền thống tỉnh.
NSND Hồng Lựu trong vở diễn Cánh cò trong bão của Trung tâm nghệ thuật truyền thống tỉnh.

Nghĩ đến quãng thời gian khó khăn ấy, Hồng Lựu vẫn nghẹn ngào như thể nó vừa diễn ra hôm qua. Chị kể, ngày xưa đi diễn ngoài tư trang, vợ, chồng còn phải mang theo nồi niêu, xoong chảo, đi đến đâu thì nhờ nhà dân để làm hồ quấy bột cho con đến đó; đi đến đâu thì diễn viên phải xắn quần, xắn áo làm đủ thứ việc cực nhọc mới có được đêm diễn như ý. Bây giờ nghĩ lại thấy cực lắm, nhưng thời gian đó cứ nghĩ được cùng chồng, con đi diễn khắp nơi thì đã là hạnh phúc.

Hàng chục năm miệt mài nghiệp diễn, đến năm 2012, Trịnh Hồng Lựu vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. “Gia tài” của chị là vô số giải thưởng, huy chương, nhưng chị nói rằng, hãnh diện và hạnh phúc nhất là “giải thưởng” trong lòng công chúng. Hồng Lựu có những vai diễn “đóng đinh” trong lòng khán giả như vai diễn bà Hoàng Thị Loan trong vở “Danh nhân lớn lên từ câu hò ví, giặm”; vai đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai trong vở “Sáng mãi niềm tin”; vai Nghệ trong vở “Cô gái Sông Lam”; vai Nụ trong “Giá đời phải trả”…

NSND Hồng Lựu và những vai diễn Dân ca Ví, Giặm để đời từ trẻ đến nay

Để có được hồ sơ Di sản Dân ca xứ Nghệ trình UNESSCO, Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca Nghệ Tĩnh đã dày công trong việc sưu tầm điền dã để làm nên kịch bản phim “Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh tiếng nói từ cộng đồng”. Khỏi phải nói hết những sự nhọc công tận tụy của Hồng Lựu trong chặng hành trình này, nơi đâu có dấu tích của những trò diễn xướng dân ca cổ, nơi đó có dấu chân của Hồng Lựu.

Đêm đêm, chị cùng anh, chị, em trung tâm miệt mài biểu diễn trên sân khấu; ban ngày, chị tranh thủ về những miền quê, hỏi thăm địa chỉ những nghệ nhân cao tuổi để trò chuyện, tích lũy tư liệu. Chị cùng chồng cần mẫn đi về các làng quê: Phù Lưu, Nghi Xuân (Hà Tĩnh), Đồng Văn (Thanh Chương)… để phục hồi diễn xướng phường nón; đi về Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), Bồi Sơn (Đô Lương), Ngọc Sơn (Thanh Chương)… men theo miền sông Lam phục hồi diễn xướng phường chài; đi các huyện Yên Thành, Diễn Châu để phục hồi diễn xướng phường cấy…

Rồi từ đó, chị cùng chồng – Nghệ sĩ Ưu tú An Ninh phục hồi lại những trò diễn xướng Dân ca xứ Nghệ. Trò diễn xướng ví, giặm đầu tiên được chị nghiên cứu, viết kịch bản phục hồi lại là “Duyên phường vải”. Để ra được kịch bản, chị đã cùng PGS. Ninh Viết Giao đi về làng quê, tìm gặp các nghệ nhân lớn tuổi để tìm hiểu, ghi chép, lấy tư liệu. Trong hành trình không biết mệt mỏi, với niềm tin sắt đá rằng dân ca xứ Nghệ sẽ có được chỗ đứng vững chắc trong cộng đồng và trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, NSND Hồng Lựu và các đồng nghiệp của mình đã thật sự góp phần làm nên một bộ hồ sơ dày dặn, thuyết phục.

Năm 2020, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An được thành lập dựa trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ, Đoàn ca múa dân tộc tỉnh. NSND Hồng Lựu được bổ nhiệm là quyền Giám đốc, sau đó là Giám đốc Trung tâm. Ở cương vị quản lý, với tình yêu và đam mê mãnh liệt dành cho dân ca, chị đã cùng anh, chị, em Trung tâm “thắp lửa” ví, giặm; kiên nhẫn, say mê góp sức trong hành trình đưa ví, giặm thành di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.

NSND Hồng Lựu và các học trò.
NSND Hồng Lựu và các học trò.

Yêu dân ca đến cháy bỏng, do vậy, NSND Hồng Lựu luôn muốn học hỏi, vươn lên, thử sức mình ở các vai trò khác nhau, đóng góp sức mình cho sự phát triển của dân ca trên nhiều khía cạnh. Bên cạnh vai trò biểu diễn, Hồng Lựu còn là đạo diễn, tham gia sáng tác, biên tập, chuyển thể kịch bản dân ca… Hồng Lựu còn nổi tiếng là nghệ sĩ dám nói, dám làm, dám tiếp nhận và vượt qua những thách thức sáng tạo nghệ thuật. Chị là người phá cách các trò diễn xướng cũ như không gian diễn xướng làng nồi trên nền múa hiện đại; “đặt hàng” hợp xướng “Huyền thoại đất Hồng Lam” bằng giai điệu dân ca cổ trên nền Acapella – nền thanh âm không nhạc đệm… để lại nhiều ấn tượng trong lòng công chúng. Hồng Lựu nói rằng: Dân ca vốn là cuộc sống, mà cuộc sống đang vận động thì chúng ta cũng cần làm cho dân ca vận động như thế. Chúng ta cần bảo tồn để phát huy, phát huy để bảo tồn, cách chuyển tải dân ca mới mẻ hơn cũng là vì lẽ đó.

Trong suốt những năm chị làm Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh, Trung tâm đã đoạt 6 Huy chương Vàng, gồm 3 Huy chương Vàng kịch hát dân ca tại các Liên hoan chuyên nghiệp toàn quốc và 2 Huy chương Vàng ca múa nhạc, 1 Huy chương Vàng âm nhạc ASEAN.

Song ca NSND Hồng Lựu ft Hà Quỳnh Như: Hành hương về quê Bác | Nghệ An TV

Năm 2023, NSND Hồng Lựu nghỉ hưu theo chế độ, nghỉ vai trò quản lý ở Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh, nhưng tình yêu, niềm đam mê dân ca vẫn sống mãnh liệt, thôi thúc chị tiếp tục cống hiến bằng nhiều hình thức khác nhau. Suốt chặng đường nghệ thuật, điều tâm đắc nhất mà nữ nghệ sĩ đúc rút là: Dân ca xuất phát từ hiện thực cuộc sống, mà cuộc sống đang vận động thì cũng cần làm cho dân ca vận động như thế. Chúng ta cần bảo tồn để phát huy, phát huy để bảo tồn và yêu cầu đặt ra là cách chuyển tải dân ca phải mới mẻ hơn./.