Mười lăm năm Báo Nghệ Tĩnh (1976- 1991)

Sau thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mùa Xuân 1975, Tổ quốc ta hoàn toàn độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội. Đảng bộ và nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cùng với cả nước đang tập trung sức người, sức của hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục phát triển kinh tế. Cuối năm 1975, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng về hợp nhất các tỉnh nhỏ, có hoàn cảnh chính trị, kinh tế – xã hội giống nhau thành một tỉnh lớn, để tạo nên sức mạnh mới xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật đưa đất nước tiến lên.

Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã tổ chức nhiều cuộc họp hiệp thương để chuẩn bị hợp nhất hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh thành Nghệ Tĩnh. Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ hai tỉnh đề ra Nghị quyết: Ngày 1/1/1976, tất cả mọi hoạt động chính trị, kinh tế – xã hội, quốc phòng an ninh trên lãnh thổ Nghệ An và Hà Tĩnh đều chịu sự lãnh đạo của Tỉnh ủy lâm thời, sự điều hành của UBND và các cơ quan đoàn thể tỉnh Nghệ Tĩnh.

Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời, do đồng chí Nguyễn Sỹ Quế làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Tiến Chương làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Trương Kiện làm Chủ tịch UBND tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể khẩn trương tiến hành hợp nhất. Trong những ngày cuối năm 1975 đầu năm 1976, các cơ quan tỉnh Hà Tĩnh đều chuyển ra thành phố Vinh.

Khu chung cư Quang Trung (TP Vinh) trong quá trình xây dựng.
Khu chung cư Quang Trung (TP Vinh) trong quá trình xây dựng.

Theo Quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy lâm thời, hai cơ quan Báo Nghệ An và Báo Hà Tĩnh hợp nhất thành Báo Nghệ Tĩnh. Ban Thường vụ Lâm thời bổ nhiệm đồng chí Trần Văn Trạc – Tổng Biên tập Báo Hà Tĩnh làm Tổng Biên tập Báo Nghệ Tĩnh; đồng chí Nguyễn Hường – Tổng Biên tập Báo Nghệ An làm Phó Tổng Biên tập phụ trách xuất bản Báo Nghệ Tĩnh, đồng chí Đinh Nho Liêm, Phó Tổng Biên tập Báo Hà Tĩnh làm Phó Tổng Biên tập phụ trách về tổ chức. Đồng chí Thái Ngô Dương được Ban Biên tập chỉ định làm Trưởng phòng Thư ký.

Tờ Báo Nghệ Tĩnh xuất bản khổ 42cm x 58cm, phát hành tuần hai kỳ vào thứ ba và thứ sáu.

Ngày đầu mới hợp nhất, biết bao nhiêu khó khăn gian khổ đến với cán bộ, phóng viên, công nhân viên chức. Nơi ăn, chốn ở, cơ sở vật chất kỹ thuật hết sức nghèo nàn lạc hậu. Trụ sở làm việc của Tòa soạn là khu nhà ở, làm việc của Báo Nghệ An từ nơi sơ tán chuyển về, đóng tạm tại thôn Phong Toàn, xã Hưng Dũng (Nay là phường Hưng Dũng – thành phố Vinh). Cơ ngơi chỉ có 3 gian nhà lợp ngói (chưa đủ tiêu chuẩn nhà cấp 4) là chỗ làm việc của Ban Biên tập; 16 gian nhà tranh, vách nứa, vách đất là chỗ làm việc và nơi ở của cán bộ, viên chức. Đời sống của những người làm báo lúc bấy giờ hết sức khó khăn, tất cả cuộc sống của con người làm báo đều hưởng chế độ tem phiếu.

Mặc dầu trong hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề, đời sống hết sức khó khăn, nhưng cơ quan Báo vẫn phải tiến hành hợp nhất nhanh, vẫn phải hoàn chỉnh các số báo cuối cùng của tỉnh cũ và chuẩn bị ra số báo Nghệ Tĩnh đầu tiên vào ngày 1/1/1976 và tiếp tục xuất bản đều kỳ các số báo ra sau đó.

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX vào cuối năm 1976, cả tỉnh đã dấy lên cao trào thi đua, tập trung sức người, sức của để xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật cho CNXH. Được sự chi viện của các bộ, ngành Trung ương, cả tỉnh đã đưa hàng chục vạn người lên các công trường đại thủy nông xây hồ Kẻ Gỗ, đào sông tiêu úng Vách Bắc, xây hồ Vực Mấu, đào và nắn lại dòng sông Nghèn, nạo vét, sửa chữa hệ thống thủy nông Ba-ra Đô Lương, dời dân lên đồi để dành đất bằng cho sản xuất, chuyển dân đi xây dựng các vùng kinh tế mới ở miền núi, trung du và các tỉnh Tây Nguyên. Trong các hợp tác xã nông nghiệp dấy lên phong trào thi đua thâm canh tăng năng suất cây trồng, vật nuôi.

Về xã hội, tiếp tục phong trào thi đua hai tốt trong giáo dục, phong trào phòng bệnh trong y tế và phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cơ sở. Các lực lượng vũ trang, công an nhân dân rèn luyện kỹ thuật, chiến thuật, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Về xây dựng Đảng, toàn Đảng bộ dấy lên phong trào phấn đấu đạt danh hiệu Đảng bộ, chi bộ 4 tốt, đảng viên phấn đấu tốt.

Tất cả các phong trào đó đều được Báo Nghệ Tĩnh phản ánh kịp thời, đầy đủ. Nhiều điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền, các đoàn thể nhân dân được phóng viên phát hiện, đưa tin, viết bài, chụp ảnh.

Báo cũng đã dành nhiều tin, bài, chuyên trang, chuyên đề, số đặc biệt để giới thiệu các điển hình tiên tiến, đạt năng suất cao, biểu dương người tốt, việc tốt trên các công trường thủy lợi.

Báo cũng đề cập có hệ thống các bài viết về xây dựng Đảng, phát triển kinh tế theo hướng đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao năng lực điều hành xã hội của chính quyền các cấp.

Cuối năm 1980, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, được Sở Nông nghiệp ủng hộ, Ban Biên tập đã chọn hợp tác xã Yên Sơn (Đô Lương) làm điểm chỉ đạo. Báo có nhiều bài về công tác quản lý, về thâm canh lúa, về chăn nuôi lợn, vai trò lãnh đạo của Đảng bộ xã trong phát triển kinh tế. Từ điển hình do báo phát hiện, tỉnh đã tổ chức cho các hợp tác xã nông nghiệp trong toàn tỉnh về tham quan, học tập.

Trong công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại, hàng tháng, hàng quý, Ban Biên tập lên kế hoạch để tuyên truyền cho chủ đề này. Phóng viên Báo Nghệ An đã đi sâu, đi sát cơ sở để phát hiện các điển hình tiên tiến giới thiệu lên báo. Nhiều điển tình tiên tiến như: Nhà máy Xi măng Cầu Đước, Công ty Xây dựng số 2, Cơ khí thuỷ lợi, Cơ khí Vinh, các hợp tác xã thủ công nghiệp 12/9 (Hưng Nguyên), 5/8 (Vinh), Rèn Trung Lương (Đức Thọ), Tàu thuyền Cửa Hội… đều có bài giới thiệu lên báo để phổ biến cho các nơi khác học tập. Các cửa hàng dược Quỳnh Lưu, hợp tác xã mua bán Kỳ Sơn (Tân Kỳ), đều có bài điều tra kinh nghiệm, thu mua, nắm nguồn hàng và kinh doanh đạt hiệu quả cao.

Ngày hội giao lương của huyện Quỳnh Lưu, tháng 6/1978.
Ngày hội giao lương của huyện Quỳnh Lưu, tháng 6/1978.

Trên các lĩnh vực văn hóa – xã hội, nhiều điển hình về phong trào thi đua hai tốt. Nghĩa Đồng (Tân Kỳ), Kim Liên (Nam Đàn), Cẩm Bình (Cẩm Xuyên); công tác phòng bệnh, chữa bệnh: Trạm xá Quỳnh Giang (Quỳnh Lưu), Bệnh viện Lao của tỉnh; Phong trào văn hóa quần chúng ở Diễn Bình, Diễn Minh (Diễn Châu)… đều được phóng viên phát hiện viết bài giới thiệu trên báo.

Về quốc phòng – an ninh, Báo có nhiều trang chuyên đề giới thiệu về phong trào thi đua huấn luyện của các đơn vị bộ đội, lực lượng dân quân tự vệ, tinh thần sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang tỉnh nhà. Báo cũng đã dành nhiều trang chuyên đề giới thiệu nhiều chiến công của các chiến sĩ công an săn bắt cướp, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nêu gương sẵn sàng chiến đấu bảo vệ an ninh biên giới, hải đảo của các chiến sĩ Biên phòng.

Quán triệt phương châm: Phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, trong kế hoạch tuyên truyền, Ban Biên tập dành nhiều trang chuyên đề, nhiều số báo phản ánh về công tác xây dựng Đảng. Tòa soạn cử phóng viên có kinh nghiệm viết về chuyên đề này. Các Đảng bộ Quỳnh Yên, Quỳnh Hồng (Quỳnh Lưu), Đồng Thành, Hợp Thành (Yên Thành), Thượng Sơn, Tân Sơn (Đô Lương), Cẩm Thăng, Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) đều là những Đảng bộ lãnh đạo quần chúng thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, trở thành Đảng bộ 4 tốt.

Nghệ Tĩnh vốn là một tỉnh nghèo, mỗi gia đình, mỗi làng, xã quanh năm đều phải lo chạy vạy cái ăn, cái mặc, lo chống hạn, chống bão lụt, chống sâu bệnh để bảo vệ mùa màng. Những năm đầu mới hợp nhất, Nghệ Tĩnh liên tục bị thiên tai. Suốt cả thập niên tám mươi, Nghệ Tĩnh liên tục bị nhiều trận bão, lụt lớn tàn phá nặng nề. Tình hình kinh tế, xã hội những năm tháng ấy hết sức thiếu thốn, khó khăn.

Trong hoạn nạn, khó khăn, ngay khi đang mưa bão lớn, cán bộ, phóng viên của báo đều có mặt ở những nơi xung yếu. Nhiều người đã phải nhịn đói, nhịn khát, đi đến các vùng bị ngập lụt để nắm tình hình và cứu dân. Một số phóng viên đi theo xe lội nước, máy bay trực thăng phản ánh cuộc chiến đấu dũng cảm, tinh thần đoàn kết chiến thắng thiên tai của quân và dân ta trên báo. Báo đã có nhiều bài viết về các đơn vị, cá nhân giúp đỡ nhau tiền, gạo, ngô, khoai, tre nứa, lá làm lại nhà cửa, nước rút đến đâu trồng ngô, khoai đến đó để chống đói. Nhiều bài báo viết đã có tác dụng động viên, cổ vũ kịp thời nhân dân cả tỉnh vượt qua thiên tai xây dựng cuộc sống mới.

Quá trình hợp nhất hai báo để thành Báo Nghệ Tĩnh thời gian đầu không tránh khỏi những va vấp, khuyết điểm, kể cả những biểu hiện cục bộ, bản vị, mất đoàn kết.

Hiểu được tình hình vừa nêu, phần lớn cán bộ, đảng viên, quần chúng đã đặt quyền lợi của cơ quan lên trên hết, khéo léo đấu tranh với những vi phạm nguyên tắc của Đảng, xích lại gần nhau, sống chan hòa, chung lưng, đấu cật xây dựng cơ quan vững mạnh toàn diện. Nhờ vậy, Báo Nghệ Tĩnh đã phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo đảm nội dung báo phong phú, lành mạnh, hình thức được đổi mới từng bước, nâng số lượng phát hành từ 2.000 – 3.500 tờ/kỳ, lúc cao nhất là 4.000 tờ/kỳ.

Đầu năm 1980, các đồng chí Trần Văn Trạc – Tổng Biên tập, Nguyễn Hường – Phó Tổng Biên tập nghỉ hưu. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã ra quyết định đề bạt đồng chí Đinh Nho Liêm – Phó Tổng Biên tập làm Tổng Biên tập; đồng chí Thái Ngô Dương – Ủy viên Ban Biên tập làm Phó Tổng Biên tập, đồng chí Lê Xuân Thụ – Ủy viên Ban Biên tập làm Phó Tổng Biên tập. Ban Biên tập lúc này đều ở lứa tuổi 43 – 45, đủ độ chín về nghiệp vụ và công tác quản lý. Nhờ vậy, việc lãnh đạo quản lý điều hành cơ quan ngày một chặt chẽ hơn, nội dung tờ báo ngày một phong phú, báo trình bày ngày một hấp dẫn hơn.

Đầu năm 1985, Ban Biên tập làm tờ trình, xin Tỉnh ủy và UBND tỉnh đầu tư vốn để xây dựng nhà máy in báo riêng. Ban Biên tập cử đồng chí Lê Xuân Thụ – Phó Tổng Biên tập và một số anh em vào thành phố Hồ Chí Minh mua máy cũ của doanh nghiệp tư nhân.

Ngày 1/5/1985, Xí nghiệp in của Báo ra đời. Đồng chí Hồ Kim Tuấn – Trưởng phòng bạn đọc được Ban Biên tập bổ nhiệm làm Giám đốc. Ban Biên tập còn mời đồng chí Đỗ Minh Tý – nguyên Giám đốc Nhà máy in Sở Văn hóa, hiện công tác ở Nhà máy đường Sông Con (Tân Kỳ) về làm Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật và quản lý sản xuất, xin một số công nhân kỹ thuật ở Nhà máy in Sở Văn hóa, Nhà in Quân đội, nhà in tỉnh bạn về làm nòng cốt.

Buổi đầu nhà máy in có hơn 30 cán bộ, công nhân, bảo đảm in được báo, in tài liệu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh và nhiều cơ quan trong tỉnh. Từ đó, Báo Nghệ Tĩnh bảo đảm xuất bản đúng kỳ, việc làm ăn của nhà máy dần dần ổn định, đi vào nền nếp và ngày một phát triển, có lãi để đầu tư vốn cho dây chuyền làm bản kẽm và dây chuyền sản xuất giấy bìa, bao bì.

Cuối năm 1986, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đề ra đường lối đổi mới: Đổi mới về tư duy kinh tế, đổi mới cơ chế quản lý, đổi mới về tổ chức cán bộ và phong cách lãnh đạo. Đây là điểm khởi đầu, là bước ngoặt đưa nước ta ra khỏi thời kỳ trì trệ, khó khăn, đổi mới để đi lên.

Quán triệt Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng, mỗi đảng viên, cán bộ, phóng viên Báo Nghệ Tĩnh từng bước đổi mới tư duy phong cách của mình.

Ngoài việc cử cán bộ, phóng viên đi dự các lớp học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội VI, Ban Biên tập đề ra chương trình hành động cụ thể, tuyên truyền việc thực hiện công cuộc Đổi mới do Đảng ta đề xướng và lãnh đạo.

Trong thông tin – tuyên truyền không còn nói một chiều, áp đặt như trước mà chú ý đến sự tiếp nhận, phản ánh từ công chúng, không chỉ biểu dương, cổ vũ mà còn nêu cả mặt yếu kém, nhược điểm. Báo tăng dần các bài điều tra, phê bình đối với các đơn vị làm ăn thua lỗ, lãng phí, tham nhũng, được dư luận người đọc hoan nghênh.

Quán triệt nội dung đường lối Nghị quyết Đại hội lần thứ VI, thứ VII của Đảng và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, thứ XI, Báo tuyên truyền tập trung nhiều hơn cho việc cải tiến quản lý trong nông nghiệp, thực hiện Chỉ thị 100 của Ban Bí thư “về khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động”, Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (khóa VII) về đổi mới mạnh mẽ nông nghiệp. Đó là quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý, xác lập vai trò kinh tế hộ xã viên, xoá bỏ cơ chế quản lý hành chính tập trung quan liêu bao cấp, chuyển nội dung hoạt động của các cơ quan quản lý hợp tác xã.

Trong công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, dịch vụ thương mại, Báo đã tuyên truyền việc thực hiện Quyết định 25 của Chính phủ về “bung ra” trong sản xuất kinh doanh và vai trò của Giám đốc trong cơ chế mới. Nhiều nhà máy, xí nghiệp, công trường, hợp tác xã thủ công nghiệp chuyển đổi nhanh công tác quản lý, vươn lên làm ăn có lãi. Kinh tế hộ tư nhân có điều kiện để phát triển hơn, bỏ vốn đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, chế biến, làm ra nhiều sản phẩm cho xã hội.

Công tác tuyên truyền của Báo mỗi ngày một đa dạng, phong phú, có khen, có chê, khắc phục được tình trạng tô hồng quá mức theo lối mòn một chiều như trước đây. Chất lượng văn hóa, tính hấp dẫn của báo được chú trọng hơn. Ngôn ngữ báo chí, các thể loại báo chí được sử dụng tốt hơn, chất lượng in ấn cũng nâng cao hơn. Báo Nghệ Tĩnh đã nâng kỳ phát hành lên 3 kỳ/tuần, lượng phát hành hơn 3.500 – 4.000 tờ/kỳ, phục vụ nhu cầu thông tin của một tỉnh có trên 3 triệu dân.

Trong sự nghiệp đổi mới, một trong những lĩnh vực đi đầu và có đóng góp lớn cho xã hội đó là công tác tư tưởng, báo chí. Được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước khích lệ, báo chí nước ta trong đó có Báo Nghệ Tĩnh có một loạt bài điều tra về vụ tham nhũng của giám đốc Công ty cung ứng, vận tải tàu biển Trương Xuân Điều, làm chấn động dư luận cả tỉnh, cả nước. Qua bài điều tra này, đã tạo điều kiện để các cơ quan điều tra, điều tra tiếp lập hồ sơ truy tố đương sự trước pháp luật.

Để tăng thêm lượng thông tin, tăng thêm các đề tài, thể tài như văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, từ năm 1986, ngoài việc xuất bản 1 tuần 2 kỳ, Báo Nghệ Tĩnh còn ra số đặc biệt Nghệ Tĩnh cuối tháng 16 trang, nhiều màu. số cuối tháng phát hành trong tỉnh và có mặt ở hai thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, đây là tiền đề cho việc ra báo Nghệ An cuối tuần ngày nay, thu hút được nhiều cộng tác viên trong và ngoài tỉnh cho Báo.

Đầu năm 1980, tại cuộc họp tổng kết báo chí địa phương ở Hà Nội, theo sáng kiến Tổng Biên tập Báo Thanh Hóa, Báo Phú Khánh, lãnh đạo các báo Đảng miền Trung và Tây Nguyên đã bàn bạc về trao đổi nghiệp vụ và đi đến nhất trí: Mỗi năm các báo trong khu vực này (trước đây 10 báo, nay 18 báo) tổ chức hội thảo một lần sau này tăng lên 2 lần/năm, do một tỉnh đứng ra đăng cai tổ chức và bàn về một chủ đề mà các báo thấy cần phải tổ chức tuyên truyền.

Tháng 6 năm 1980, hội thảo các báo Đảng miền Trung và Tây Nguyên lần đầu tiên được tổ chức tại thành phố Nha Trang (tỉnh Phú Khánh, nay là tỉnh Khánh Hòa) đông đủ 10 báo lúc bấy giờ đã đến dự. Chủ đề cuộc hội thảo là tuyên truyền “Chống tiêu cực trên báo”. Bài phát biểu của đoàn Báo Nghệ Tĩnh đề cập đúng chủ đề, nội dung phong phú, được các đoàn hoan nghênh.

Từ cuộc hội thảo ban đầu đó, cho đến nay đã hơn 32 năm, các báo Đảng miền Trung và Tây Nguyên có hơn 36 lần tổ chức hội thảo với nhiều chủ đề tuyên truyền phong phú sinh động. Báo Nghệ Tĩnh trước đây và Báo Nghệ An sau này đã có 3 lần đăng cai tổ chức hội thảo (1987, 1994, 2010). Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự giúp đỡ của các ngành, các cuộc hội thảo do báo tỉnh nhà đăng cai tổ chức đã thành công tốt đẹp đạt được các yêu cầu đề ra.

Chính nhờ những cuộc hội thảo này mà anh chị em cán bộ, phóng viên Báo Nghệ Tĩnh nâng thêm kiến thức, kinh nghiệm nghề nghiệp, mở mang giao lưu, hiểu biết.

Nghệ Tĩnh là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, yêu nước cách mạng, quê hương của Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Phan Bội Châu, Bác Hồ, đồng chí Trần Phú và nhiều danh nhân nổi tiếng khác, nơi có nhiều di tích, danh thắng. Qua hội thảo, tiếp xúc các nhà báo trong khu vực và cả nước hiểu về Nghệ Tĩnh hơn, có điều kiện tuyên truyền cho Nghệ Tĩnh nhiều hơn.


Nguồn: Lịch sử Báo Nghệ An (1961 – 2011) – NXB Nghệ An, tháng 11/2011
Ảnh: Tư liệu