Lính Nghệ ở lực lượng “mũ nồi xanh”: Sứ giả của hòa bình và tình hữu nghị

Tháng 4/2022, cùng với 62 y, bác sĩ, nhân viên y tế được tuyển chọn từ lực lượng quân y toàn quân, Trung úy Nguyễn Sỹ Công lên chuyến bay rời Việt Nam, đến với đất nước Nam Sudan xa xôi.

Đất nước Nam Sudan (đánh dấu). Ảnh: Googlemap
Đất nước Nam Sudan (đánh dấu). Ảnh: Googlemap

Trước khi lên đường thực hiện nhiệm vụ, những người lính mũ nồi xanh Việt Nam đã trải qua các khóa huấn luyện đặc biệt, trong đó được cập nhật những thông tin về đất nước nơi mà họ sẽ đến đóng quân. Cộng hòa Nam Sudan (tách ra từ Cộng hòa Sudan vào năm 2011) là quốc gia non trẻ nhất tại châu Phi; cuộc sống người dân rất khó khăn do chịu ảnh hưởng tiêu cực từ các cuộc nội chiến; điều kiện thời tiết, khí hậu vô cùng khắc nghiệt. Đã có hình dung từ trước nên ngay từ những giây phút đầu tiên đặt chân đến Nam Sudan, Trung úy Nguyễn Sỹ Công và các đồng đội rất vững vàng tâm lý, sẵn sàng vượt khó hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Bệnh viện dã chiến của Việt Nam nằm trong vùng lõi của căn cứ Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Bentiu, Nam Sudan. Căn cứ này là nơi sống và làm việc của hàng nghìn người thuộc nhiều lực lượng của các quốc gia, chưa kể nhân viên của các tổ chức dân sự khác và Khu Bảo vệ thường dân (POC) của Liên hợp quốc với hơn 100.000 người tị nạn Nam Sudan.

Trung úy Nguyễn Sỹ Công cùng các đồng nghiệp bắt đầu thực hiện nhiệm vụ tại Nam Sudan.
Trung úy Nguyễn Sỹ Công cùng các đồng nghiệp bắt đầu thực hiện nhiệm vụ tại Nam Sudan.

Bệnh viện bắt đầu thực hiện nhiệm vụ trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song với tinh thần đoàn kết, đồng lòng, ý chí kiên cường của người lính Cụ Hồ, các y, bác sĩ, nhân viên quân y Việt Nam đã tích cực vượt khó, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều ca phẫu thuật phức tạp như mổ sản phụ, mổ ruột thừa, mổ gắp dị vật… trong điều kiện trang thiết bị chuyên ngành hạn chế đã được các y, bác sĩ bệnh viện phối hợp thực hiện thành công. Bên cạnh đó, bệnh viện còn tổ chức nhiều buổi tập huấn cập nhật kiến thức chuyên môn cho các bệnh viện dã chiến cấp 1 của Tiểu đoàn Bộ binh Ghana, lực lượng Công binh Parkistan, Tiểu đoàn Bộ binh Mông Cổ, đơn vị Cảnh sát Ghana, bệnh viện cấp 1 của Liên hợp quốc; tuyên truyền về chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh đậu mùa khỉ, Ebola…

Trung úy Nguyễn Sỹ Công cho biết, gần 15 tháng cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ y tế tại Phái bộ Liên hợp quốc tại Nam Sudan, anh cảm nhận rõ sự tôn trọng, tin tưởng và quý mến mà lực lượng các nước dành cho quân y Việt Nam. Sự chuyên nghiệp trong chuyên môn, tính cách cởi mở, thân thiện trong lối sống, tinh thần sẻ chia, hữu hảo trong từng hành động nhỏ đời thường… đã khắc ghi hình ảnh đẹp về người lính Việt Nam.

“Nhiều người nói với chúng tôi rằng, lâu nay chỉ biết đến Việt Nam với câu chuyện chiến tranh, nhưng qua thời gian tiếp xúc, họ thêm hiểu về một đất nước yêu chuộng hòa bình, đời sống kinh tế – xã hội ngày càng phát triển. Họ cũng bày tỏ sự khâm phục trước ý chí kiên cường của người lính Việt Nam, dù vóc dáng thấp hơn quân nhân các nước nhưng luôn tự tin, tự cường, không khuất phục trước bất cứ nhiệm vụ nào” – Trung úy Nguyễn Sỹ Công chia sẻ.

Lần đầu tiên thực hiện nhiệm vụ ở một đất nước xa quê hương đến thế, nên cũng như nhiều đồng chí, đồng đội khác, Trung úy Nguyễn Sỹ Công rất nhớ nhà. Ngặt nỗi, điều kiện hạ tầng viễn thông ở Nam Sudan rất kém, mạng Internet chập chờn, khó có thể gọi video thông suốt, thường xuyên. Do vậy, chàng sĩ quan trẻ đã sử dụng TikTok để đăng tải một số video quay cảnh đời sống, sinh hoạt thường nhật để gia đình ở quê nhà Đô Lương xem, qua đó hiểu hơn hoàn cảnh công tác của mình. Chính anh cũng không ngờ được rằng chỉ sau vài clip, kênh TikTok đã thu hút được lượng người theo dõi đáng kinh ngạc, và con số follow kênh cũng như thả tim, comment tăng từng ngày. Đến thời điểm cuối tháng 8/2023, kênh TikTok Chú Bộ đội Vlog đã có hơn 102,3 nghìn follower, hơn 2,1 triệu người thích, có clip lên đến hơn 6 triệu lượt xem…

Những clip trên kênh TikTok của Trung uý Nguyễn Sỹ Công thu hút công chúng bởi sự giản dị, chất phác, lạc quan và tấm lòng ấm áp, thiện lương của một người lính bộ đội Cụ Hồ dành cho trẻ em nghèo Nam Sudan. Trung úy Nguyễn Sỹ Công cho biết, điều kiện sống ở Nam Sudan rất lạc hậu, nghèo khó; đặc biệt, trẻ em nơi đây luôn ở trong tình trạng đói ăn, thiếu mặc. Chàng sĩ quan trẻ vô cùng cảm thương, xúc động trước hình ảnh những đứa trẻ gầy gò, đôi mắt ngơ ngác, không biết chữ, luôn đứng hoặc ngồi co ro bên hàng rào khu tị nạn.

Trung úy Nguyễn Sỹ Công cùng các đồng nghiệp và bạn bè quốc tế với các hoạt động gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan.
Trung úy Nguyễn Sỹ Công cùng các đồng nghiệp và bạn bè quốc tế với các hoạt động gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan.

“Tôi là người yêu trẻ con. Khi còn ở Việt Nam, tôi thường xuyên đến một số ngôi chùa hoặc trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật để phụ giúp chăm sóc, chơi với các em nên khi đến Nam Sudan, chứng kiến cuộc sống khó khăn như vậy thì thấy thương lắm. Vì vậy, tôi tranh thủ những lúc hết giờ làm việc thì đến với các em, dần dà, các em quen mặt biết tên, ngày nào cũng đứng bám hàng rào chờ anh Công đến!” – Trung úy Nguyễn Sỹ Công tâm sự. Có những hôm kết thúc công việc muộn, trời đã xẩm tối hoặc có mưa, chàng sĩ quan trẻ vẫn cố gắng đi bộ quãng đường dài để gặp các em nhỏ một chút, bởi anh biết, “dù tối muộn đến mấy, tụi nó cũng chờ!”.

Xem những clip trên kênh TikTok của Trung úy Nguyễn Sỹ Công, không khỏi rưng rưng xúc động trước những “món quà” mà anh mang cho các em. Một túi lạc, vài ba gói bánh ngọt, mẩu bánh mì, mứt dừa “made in Nghệ An” do chính tay mẹ anh làm gửi sang, chai sữa pha loãng, thậm chí là vài cục đá lạnh… Với hầu hết các em nhỏ Nam Sudan, một bữa ăn no là điều quá hiếm hoi, bất kỳ thực phẩm nào cũng đều quý giá. Trung uý Nguyễn Sỹ Công tiết kiệm khẩu phần ăn của mình và trở thành “người đi xin” nổi tiếng ở căn cứ, bởi luôn ngỏ ý xin phần thức ăn thừa khi mọi người không ăn hết, gói ghém sạch sẽ rồi mang cho các em nhỏ.

Chàng sĩ quan trẻ nghẹn lời khi kể về những kỷ niệm khó quên. Một lần mang túi lạc ra cho các em, không may túi bị nghiêng, đổ lạc xuống đất, anh chưa kịp cúi xuống nhặt lên thì mấy đứa trẻ đã ùa lại bốc lạc vội vã bỏ vào miệng. Hoặc cách đây mấy tháng, anh thấy đám trẻ đứa đi chân đất, đứa thì đi đôi dép đã thủng gót, anh bèn trở về căn cứ xin lại những đôi giày, đôi dép đã qua sử dụng nhưng còn tương đối tốt, đánh chùi sạch sẽ rồi mang ra cho các em. Nhìn nụ cười rạng ngời trên gương mặt những đứa trẻ nghèo, Trung úy Nguyễn Sỹ Công thấy lòng mình nhẹ nhõm.

“Nhiều người bảo làm sao mà giúp cho xuể được, có đến hàng triệu đứa trẻ như thế ở Nam Sudan. Nhưng tôi nghĩ khác, trong khả năng của mình, giúp được ai điều gì thì giúp. Nếu sự giúp đỡ nhỏ bé ấy mà góp phần thay đổi dù chỉ một chút xíu cuộc sống khó khăn của các em, thì với tôi đó là hạnh phúc lớn lao” – Trung úy Nguyễn Sỹ Công tâm sự. “Món quà” mà chàng sĩ quan trẻ gửi đến các em, ngoài thực phẩm, còn là những buổi dạy tiếng Anh, bởi Công hy vọng rằng một khi biết ngoại ngữ, thì lớn lên, các em sẽ có cơ hội đổi đời với những công việc tốt hơn. Người xem kênh còn mỉm cười với những buổi dạy hát tiếng Việt, tiếng Nghệ cho người dân Nam Sudan, thêm yêu mến chàng sĩ quan trẻ bởi lòng tự hào và tinh thần lan tỏa văn hóa, bản sắc Việt Nam trên đất nước xa xôi. Cùng với đồng chí của mình, Trung úy Nguyễn Sỹ Công đã trọn vẹn sống và làm việc như là một sứ giả của hòa bình và hữu nghị tại Nam Sudan.