Công tác Dân vận ở cơ sở – Bài 1: Vào cuộc tháo gỡ việc khó

Gia đình ông Lê Thạc Xoan, ở xóm 7, xã Quỳnh Vinh (thị xã Hoàng Mai) là một trong những hộ thuộc diện di dời để nhường đất thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam. Sau khi được giải thích về lợi ích của dự án đối với sự phát triển chung, gia đình ông Xoan đã tiên phong nhận tiền đền bù, tái định cư và là hộ dân đầu tiên ở xã Quỳnh Vinh dỡ nhà, chuyển tài sản để nhường mặt bằng cho dự án. Ông Xoan chia sẻ: “Nhận thấy đây là công trình trọng điểm của quốc gia, có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh, của đất nước, gia đình có chịu thiệt một chút cũng không sao nên nhà tôi mạnh dạn thực hiện trước”.

Ông Lê Thạc Xoan ở xóm 7, xã Quỳnh Vinh (TX. Hoàng Mai) là hộ đầu tiên phá dỡ nhà để giải phóng mặt bằng, nhường đất thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Ảnh tư liệu:  Đ.T
Ông Lê Thạc Xoan ở xóm 7, xã Quỳnh Vinh (TX. Hoàng Mai) là hộ đầu tiên phá dỡ nhà để giải phóng mặt bằng, nhường đất thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Ảnh tư liệu: Đ.T
Lãnh đạo thị xã Hoàng Mai trực tiếp khảo sát kiểm tra tại hiện trường từ phản ánh kiến nghị của người dân. Ảnh: Thanh Lê
Lãnh đạo thị xã Hoàng Mai trực tiếp khảo sát kiểm tra tại hiện trường từ phản ánh kiến nghị của người dân. Ảnh: Thanh Lê

Quá trình giải phóng mặt bằng cho dự án, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở xã đã phối hợp tốt với các đơn vị, chủ đầu tư tích cực tuyên truyền, vận động người dân và vận dụng linh hoạt các chính sách có lợi nhất cho các hộ bị ảnh hưởng.

“Với chiều dài 4,9km, dự án cao tốc trực tiếp ảnh hưởng đến hơn 900 hộ dân xã Quỳnh Vinh, trong đó có 132 hộ dân bị ảnh hưởng đến nhà ở và đất vườn, buộc phải di dời. Thời gian đầu việc giải phóng mặt bằng gặp vô vàn khó khăn, nhất là người dân chưa đồng tình với khung giá đền bù của Nhà nước so với giá đất thị trường. Thậm chí một số người dân còn phản ứng thái quá… Tuy nhiên, bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tăng cường giải thích, vận động nên các hộ dân trong vùng ảnh hưởng đã đồng tình”, ông Vũ Lê Hùng – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Vinh chia sẻ.

Nhân dân nhiều địa phương ở Nghệ An đã đồng thuận giải phóng mặt bằng thi công cao tốc Bắc- Nam. Ảnh: Thành Cường
Nhân dân nhiều địa phương ở Nghệ An đã đồng thuận giải phóng mặt bằng thi công cao tốc Bắc- Nam. Ảnh: Thành Cường

Từ việc thực hiện tốt công tác dân vận, trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025, thị xã Hoàng Mai đã triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư phục vụ xây dựng 43 công trình, dự án. Hiện nhiều công trình hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, như: Dự án Khu công nghiệp Hoàng Mai 1 với diện tích 130ha; dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam; dự án đường ven biển (đạt 92%); dự án chống biến đổi khí hậu vay vốn của Pháp (đạt 89%)…

Để giải quyết những việc mới, việc khó, công tác dân vận được xác định là khâu đột phá. Tại xã Hưng Yên Nam (Hưng Nguyên), nơi có hơn 80% dân số là đồng bào Công giáo; nhiều năm qua, bà con ở đây chưa có sự đồng thuận cao nên chưa xây dựng được nhà văn hóa xóm nào; việc huy động xã hội hóa xây dựng các công trình hạ tầng gặp nhiều khó khăn. Đến đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025, huyện Hưng Nguyên tăng cường 2 cán bộ huyện có kinh nghiệm về xã Hưng Yên Nam đảm nhiệm cương vị Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã. Cùng đó, huyện hỗ trợ xi măng làm đường, hỗ trợ kinh phí làm nhà văn hóa xóm; giao các phòng, ban chuyên môn, đoàn thể cấp huyện vào cuộc với xã thực hiện từng tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Cán bộ xã Hưng Yên Nam (Hưng Nguyên) vận động người dân hiến đất mở đường. Ảnh: Mai Hoa
Cán bộ xã Hưng Yên Nam (Hưng Nguyên) vận động người dân hiến đất mở đường. Ảnh: Mai Hoa

Trao đổi về việc làm thế nào để người dân ở Hưng Yên Nam đồng hành xây dựng nông thôn mới, đồng chí Hoàng Đức Ân – Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: “Chìa khóa” quan trọng nhất là quan tâm đặc biệt đến công tác tôn giáo; chính quyền và các đoàn thể của xã trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ với các linh mục và chức sắc, chức việc, hội đồng mục vụ vùng đồng bào Công giáo. Từ đó, thống nhất tổ chức nhiều cuộc họp dân, tuyên truyền, làm cho dân hiểu rõ về mục đích xây dựng nông thôn mới là toàn dân làm và chính người dân được hưởng thụ, Nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Khi tư tưởng người dân vùng giáo được khai thông đã tạo sức mạnh đoàn kết lương – giáo chung sức xây dựng nông thôn mới. Toàn bộ hệ thống giao thông ở xã được mở rộng, đổ bê tông với đường điện, đường cờ, trồng cây xanh. 7/8 nhà văn hóa xây mới (1 nhà văn hóa được nâng cấp). Nhiều công trình hạ tầng cũng được các cấp và người dân chung sức nâng cấp.

Trong công cuộc này, ông Đinh Hữu Diệm – một người xa quê đã hỗ trợ địa phương hơn 10 tỷ đồng làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa, nghĩa trang, hệ thống nước sạch dẫn về các xóm. Ông Đậu Văn Thực, ở xóm 7 ủng hộ 1,5 tỷ đồng làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa… Sau hơn 530 ngày cao điểm (từ ngày 22/6/2021, Đảng ủy xã Hưng Yên Nam ban hành nghị quyết chuyên đề đến ngày thẩm định hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới vào 15/12/2022), Hưng Yên Nam đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và đón nhận Bằng công nhận vào đầu năm 2023.

Xã Hưng Yên Nam xây dựng trụ sở xã, nhà văn hóa và đường bê tông ở các xóm. Ảnh tư liệu: M.H
Xã Hưng Yên Nam xây dựng trụ sở xã, nhà văn hóa và đường bê tông ở các xóm. Ảnh tư liệu: M.H

Quá trình phát triển, Nghệ An thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư, giải quyết việc làm cho đông đảo người lao động. Tuy nhiên, một số nơi diễn ra việc công nhân đình công không theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Liên đoàn Lao động tỉnh đã tích cực làm cầu nối, “đàm phán” với các bên liên quan, nhanh chóng ổn định tình hình và hòa giải đôi bên. Đồng chí Kha Văn Tám – Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: Những vụ việc người lao động đình công, ngừng việc tập thể gây ra lo ngại về quan hệ lao động trong doanh nghiệp. Liên đoàn Lao động tỉnh cùng cấp huyện phối hợp với các ban, ngành có mặt kịp thời hỗ trợ ổn định tình hình và tham gia giải quyết; nắm bắt, tổng hợp kiến nghị, nguyện vọng của người lao động; cùng với cơ quan chức năng rà soát, đánh giá mức độ và tính pháp lý của các đề xuất để phối hợp giải quyết theo đúng thẩm quyền…

Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh trò chuyện với công nhân Công ty TNHH Frescol Tuna Việt Nam (Khu Công nghiệp Nam Cấm). Ảnh tư liệu: Diệp Thanh
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh trò chuyện với công nhân Công ty TNHH Frescol Tuna Việt Nam (Khu Công nghiệp Nam Cấm). Ảnh tư liệu: Diệp Thanh

Công tác dân vận là nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Qua đó, vận động nhân dân, đoàn kết, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu tham quan mô hình dân vận khéo ở huyện Quỳ Châu. Ảnh tư liệu: Thành Cường
Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu tham quan mô hình dân vận khéo ở huyện Quỳ Châu. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Ở huyện biên giới Kỳ Sơn, có 203,409km đường biên giới tiếp giáp với 4 huyện, 3 tỉnh của nước CHDCND Lào; có Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn và nhiều đường mòn lối mở qua biên giới. 11/21 xã, thị trấn thuộc xã biên giới (59 bản biên giới). Các cấp, ngành ở Kỳ Sơn đã tăng cường công tác dân vận, góp phần giữ vững “3 yên”(yên dân, yên địa bàn, yên biên giới). Tại bản Tiền Tiêu, xã Nậm Cắn, có 16km đường biên giới Việt Nam – Lào, tiếp giáp với bản Loong Quảng, cụm bản Noọng Hét Tây, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào), Chi hội Phụ nữ bản Tiền Tiêu đã xây dựng mô hình “Phụ nữ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới”.

Đồng chí Hờ Y Nhìa - Bí thư Đảng ủy xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn) trao đổi với PV. Clip: NN

Nhiệm vụ trọng tâm được 30 chị em tham gia mô hình thường xuyên thực hiện là vận động dân bản nâng cao nhận thức về trách nhiệm phối hợp với các lực lượng chức năng, bảo vệ bình yên bản làng, an ninh biên giới. Cùng đó, các chị phối hợp với cán bộ Đồn Biên phòng Nậm Cắn, tổ chức tuần tra đường biên, bảo vệ 6 cột mốc chủ quyền trên tuyến. Chị Vừ Y Khù – Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Tiền Tiêu cho biết thêm: “Chị em còn tích cực tham gia nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ; giúp nhau phát triển kinh tế, hỗ trợ hộ nghèo vượt qua khó khăn; phối hợp tăng cường kết nghĩa với các bản của nước bạn Lào. Thông qua đó, tuyên truyền dân bản đoàn kết, cùng nhau bảo vệ vững chắc an ninh bản làng, chủ quyền biên giới”.

Chi hội phụ nữ bản Tiền Tiêu, xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn) phối hợp tuyên truyền, vận động người dân đảm bảo an ninh bản làng.  Ảnh: Nguyên Nguyên
Chi hội phụ nữ bản Tiền Tiêu, xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn) phối hợp tuyên truyền, vận động người dân đảm bảo an ninh bản làng. Ảnh: Nguyên Nguyên

Mỗi cấp, ngành được giao nhiệm vụ cụ thể trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, kế hoạch, đề án kinh tế – xã hội. Tại huyện Thanh Chương, giao Mặt trận Tổ quốc chủ trì chỉ đạo xây dựng tổ tự quản kiểu mẫu; Hội Cựu chiến binh vận động hội viên xây dựng khuôn viên các nhà văn hóa thôn, xóm “xanh – sạch – đẹp”; Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên và nhân dân phát triển sản xuất chăn nuôi hàng hóa, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới; Liên đoàn Lao động huyện với phong trào thi đua cải cách hành chính trong cán bộ, công chức…

Đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025, Huyện ủy Yên Thành ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của hệ thống chính trị trên địa bàn huyện”. Theo đó, công tác dân vận của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể có những đổi mới tích cực. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện phương châm “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Qua đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, tạo sức thuyết phục nhân dân, thúc đẩy các phong trào thi đua trên địa bàn.

Lãnh đạo huyện Yên Thành tìm hiểu hiệu quả mô hình nông nghiệp công nghệ cao của người dân. Ảnh: Mai Hoa
Lãnh đạo huyện Yên Thành tìm hiểu hiệu quả mô hình nông nghiệp công nghệ cao của người dân. Ảnh: Mai Hoa

Công tác dân vận được tiến hành trên phạm vi toàn tỉnh, của cả hệ thống chính trị thông qua chỉ đạo, vận động nhân dân thực hiện các chương trình phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an ninh – trật tự. Đặc biệt, nhiều chương trình vận động đóng góp cho an sinh xã hội được phát động sâu rộng và tạo sự đồng thuận đông đảo nhân dân, doanh nghiệp cùng thực hiện. Theo đồng chí Lê Văn Ngọc – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh: “Đó chính là kết quả của lòng dân, là niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, thể hiện sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sự vào cuộc kịp thời, đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Kết quả đó có sự đóng góp rất lớn của công tác dân vận trong mọi giai đoạn thực hiện của từng lĩnh vực cụ thể…”.