Kinh tế dưới tán rừng – Bài cuối: Chiến lược, giải pháp hiệu quả cho giai đoạn tới

Những năm gần đây, tốc độ phát triển rừng trên địa bàn Nghệ An tăng trưởng khá nhanh. Bình quân mỗi năm, toàn tỉnh trồng được khoảng từ 18.000 – 19.000 ha rừng tập trung, trồng trên 4 triệu cây phân tán, đưa tổng diện tích rừng trồng hiện có đạt gần 180.000 ha.

Tại nhiều địa phương, nghề rừng đã có bước chuyển biến về tổ chức, cơ cấu sản xuất và nhận thức; nhiệm vụ xã hội hóa nghề rừng có nhiều chuyển biến tích cực, hoạt động trồng rừng có chiều sâu, khắc phục được tình trạng sản xuất quảng canh, năng suất, hiệu quả rừng trồng thấp. Diện tích rừng trồng gỗ lớn đến nay ước đạt hơn 32.000 ha, chiếm 20% rừng trồng của cả tỉnh. Hiệu quả trồng rừng gỗ lớn gấp từ 2 – 2,5 lần nếu so sánh với trồng rừng keo nguyên liệu chu kỳ chỉ 4 – 5 năm.

Rừng keo ở xã Bồng Khê, huyện Con Cuông. Ảnh: Văn Trường
Rừng keo ở xã Bồng Khê, huyện Con Cuông. Ảnh: Văn Trường

Để trồng rừng nguyên liệu đạt hiệu quả, ngoài công tác quản lý cây giống, nâng cao thu nhập cho người làm nghề rừng, tỉnh Nghệ An chỉ đạo các địa phương tập trung đầu tư thâm canh rừng là giải pháp tối ưu; khuyến khích người dân trồng theo tiêu chuẩn FSC nhằm nâng cao giá trị rừng. Theo kế hoạch, thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm sẽ hỗ trợ kinh phí 6-7 tỷ đồng cho các đơn vị lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh để xây dựng các mô hình vườn ươm cải tiến sản xuất cây giống keo lai nuôi cấy mô.

Việc xây dựng các vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân về phát triển rừng bền vững gắn với chứng chỉ rừng; chuyển giao quy trình sản xuất cây giống lâm nghiệp chất lượng cao; đáp ứng nhu cầu trồng rừng gỗ lớn. Thông qua mô hình, sẽ giúp nông dân có nguồn giống cây lâm nghiệp chất lượng cao.

Một cánh rừng ở miền Tây xứ Nghệ. Ảnh: Đình Tuân
Một cánh rừng ở miền Tây xứ Nghệ. Ảnh: Đình Tuân

Giai đoạn 2021-2023, rừng trồng tập trung của tỉnh Nghệ An là 62.725 ha/55.000 ha KH, đạt 114%; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp luôn đạt trên 5,5%… Từ nguồn nguyên liệu gỗ khá dồi dào, Nghệ An có 45 doanh nghiệp chế biến gỗ, 98 doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ. Ngoài ra, còn có 10.410 cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể các mặt hàng đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ, lâm sản ngoài gỗ. 3 nhà máy viên nén sinh khối; 80 làng nghề mây, tre đan, mộc dân dụng và mỹ nghệ; 2 doanh nghiệp trồng rừng, chế biến và xuất khẩu gỗ dăm là Công ty TNHH Thanh Thành Đạt, Công ty Liên doanh trồng và sản xuất nguyên liệu giấy. Cùng đó là Nhà máy Giấy Sông Lam, Nhà máy Giấy Thiên Phú chế biến gỗ dăm. Tổng các sản phẩm chế biến của đồ mộc, gỗ ván MDF, dăm NLG, gỗ xẻ, ván ghép thanh tăng liên tục qua từng năm; giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm từ gỗ của tỉnh năm 2023 đạt 270,25 triệu USD.

Vận hành dây chuyền sản xuất ván nhân tạo MDF. Ảnh: Hồng Sơn
Vận hành dây chuyền sản xuất ván nhân tạo MDF. Ảnh: Hồng Sơn

Việc giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp đã giúp người dân được tiếp cận và thụ hưởng nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng đã tăng thêm nguồn thu nhập cho người dân và cộng đồng sống gần rừng. Từ đó, tác động tích cực đến ý thức bảo vệ rừng nên tình trạng vi phạm lâm luật trong những năm qua đã giảm từ 642 vụ năm 2021 xuống 476 vụ năm 2023, giảm 166 vụ. Công tác giao đất, giao rừng, quản lý rừng theo quy hoạch cùng với khai thác, bảo vệ rừng đang được Nghệ An thực hiện tốt.

Ông Nguyễn Danh Hùng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An chia sẻ: “Với tiềm năng và lợi thế của rừng, thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo công tác tuyên truyền bảo vệ vốn rừng, xã hội hóa nghề rừng, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, kiểm soát chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên; tích cực trồng rừng, quản lý tốt nguồn giống cây lâm nghiệp; khai thác rừng trồng hợp lý, gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm rừng trồng.

Nhờ phát triển kinh tế rừng nên nhiều hộ dân người đồng bào ở Con Cuông đã thoát nghèo. Ảnh tư liệu: Bá Hậu
Nhờ phát triển kinh tế rừng nên nhiều hộ dân người đồng bào ở Con Cuông đã thoát nghèo. Ảnh tư liệu: Bá Hậu

Ông Trần Quốc Thành – nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An đề xuất, trên cơ sở Quy hoạch phát triển dược liệu đã được phê duyệt, đề nghị ngành Nông nghiệp xây dựng đề án, chương trình phát triển dược liệu Nghệ An đến năm 2030. Trên cơ sở đó, các huyện triển khai xây dựng kế hoạch trên địa bàn. Song song với đó, là tập trung thu hút đầu tư có trọng điểm các doanh nghiệp chế biến dược liệu và dược phẩm về đầu tư ở Nghệ An để thúc đẩy ngành dược liệu phát triển.

TS. Nguyễn Thị Minh Tú – Giám đốc Trung tâm Khoa học – Xã hội và Nhân văn Nghệ An cho rằng, vùng Tây Nam của tỉnh có Khu Dự trữ sinh quyển lớn nhất khu vực Đông Nam Á, để phát huy giá trị kinh tế từ nguồn tài nguyên rừng, cần đầu tư đồng bộ hạ tầng kinh tế – xã hội gắn tập trung phát triển kinh tế rừng ở Tây Nam Nghệ An, góp phần tạo đa giá trị dưới tán rừng. Ví như lợi thế phát triển kinh tế rừng (cây lâm nghiệp phục vụ chế biến gỗ, đồ gỗ,…), cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày (mía, chè, cao su,…), cây ăn quả (cam, quýt, bưởi,…), cây dược liệu (chú trọng phát triển các loại dược liệu có giá trị cao ở một số vùng sinh thái đặc thù, dược liệu dưới tán rừng…), chăn nuôi gia súc (bò thịt, bò sữa, lợn,..), các sản phẩm đặc sản, đặc hữu khác,… trên cơ sở áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ.

Cây giống dược liệu được ươm dưới tán cây rừng. Ảnh tư liệu: Phạm Bằng
Cây giống dược liệu được ươm dưới tán cây rừng. Ảnh tư liệu: Phạm Bằng

Các cấp chính quyền cần rà soát quy hoạch đất lâm nghiệp để phát huy hiệu quả kinh tế rừng gắn với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học. Quy hoạch vùng nguyên liệu. Đẩy nhanh lộ trình giao đất, giao rừng cho dân. Quy hoạch phát triển rừng lồng ghép với chủ trương quy hoạch phát triển cây dược liệu; chủ trương trồng rừng hỗn giao dần thay cho trồng rừng thuần cây nguyên liệu hiện nay. Rà soát lại toàn bộ cơ chế, chính sách, như chính sách ruộng đất, chính sách hỗ trợ khuyến khích, chính sách khoa học công nghệ, chính sách đầu tư và chính sách thu hút đầu tư, chính sách đào tạo nguồn nhân lực… liên quan đến kinh tế rừng.

Liên quan vấn đề này, TS Hoàng Liên Sơn – Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam đề xuất xây dựng chuỗi cung gỗ nguyên liệu rừng trồng cho miền Tây Nghệ An đáp ứng yêu cầu gỗ hợp pháp. Cụ thể là xây dựng chuỗi cung ứng gỗ nguyên liệu đáp ứng yêu cầu GHP có sự tham gia của bên thứ 3 với vai trò kết nối cung – cầu để tổ chức và phát triển thị trường gỗ nguyên liệu đảm bảo yêu cầu gỗ hợp pháp và truy xuất nguồn gốc. Bên thứ 3 chính là “hệ thống quản lý chuỗi cung và truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp sẽ cung cấp giải pháp kỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin để vận hành chuỗi cung đồng bộ từ khâu trồng rừng – khai thác – chế biến – thương mại gỗ và sản phẩm gỗ rừng trồng. Thành phần tham gia hệ thống bao gồm 2 nhóm cơ quan nòng cốt: Cơ quan cung ứng dịch vụ giải pháp kỹ thuật. Cơ quan quản lý Nhà nước về lâm nghiệp và giám sát thị trường”.

Sản xuất cây giống lâm nghiệp ở xã Tân Hương (Tân Kỳ). Ảnh: Xuân Hoàng
Sản xuất cây giống lâm nghiệp ở xã Tân Hương (Tân Kỳ). Ảnh: Xuân Hoàng

Một giải pháp quan trọng mà các nhà khoa học đồng tình cao trong “hiến kế”, đó là phát triển, xây dựng chuỗi liên kết trong phát triển kinh tế của vùng Tây Nam nói riêng và của tỉnh Nghệ An nói chung, kể cả trong đào tạo nhân lực, thu hút đầu tư cũng như phát triển du lịch. TS. Nguyễn Ngọc Chu – nguyên Chủ tịch HĐQT Đại học Công nghệ Đông Á cho rằng, phát triển kinh tế Nghệ An giai đoạn đầu rất cần đến cú huých trợ giúp của nguồn lực từ ngoài vào, nhưng là để phục vụ cho mục tiêu lớn dần của nội lực, tiến đến thời điểm nội lực trở thành nhân tố có vai trò quyết định. Cần chú trọng vào đào tạo, nuôi dưỡng nguồn nhân lực tài năng. Từ đó, phải tạo ra một cơ chế làm việc lý tưởng để họ tự do tỏa sáng tài năng phải là mục tiêu chỉ đạo xuyên suốt…

TS. Nguyễn Ngọc Chu cũng nhấn mạnh về sự cần thiết đầu tư hạ tầng giao thông, liên lạc. Nhất là phát triển hệ thống đường giao thông đến từng gia đình, bản, làng, xã, huyện là điều phải làm trong nhóm phải làm đầu tiên. Cũng như vậy, là hệ thống viễn thông phải đến được từng cá nhân, từng gia đình. Đường sá và viễn thông là 2 lĩnh vực thuộc nhóm ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế.

Con đường nối thị trấn Kim Sơn vào các xã Tây Nam huyện Quế Phong. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn
Con đường nối thị trấn Kim Sơn vào các xã Tây Nam huyện Quế Phong. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn

TS. Lê Xuân Sang – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thì gợi mở, để phát triển kinh tế từ rừng, cần có định hướng cụ thể gắn với các giải pháp thu hút doanh nghiệp FDI trong bối cảnh mới. Trong đó, ngoài nhìn nhận rõ những tiềm năng, nguồn lực của vùng để kêu gọi đầu tư các lĩnh vực điểm nhấn như phát triển cơ sở ươm tạo công nghệ cao các giống cây nông, lâm nghiệp, nhất là dược liệu và phải xây dựng được chuỗi liên kết từ tạo, sản xuất đến cung ứng sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hình thành thị trường tín chỉ carbon.

Cũng liên quan đề xuất giải pháp về sự cần thiết trong xây dựng chuỗi liên kết, trong lĩnh vực phát triển du lịch vùng Tây Nam, các doanh nghiệp ngành Du lịch cũng đang nhận ra thế mạnh du lịch từ rừng nguyên sinh và nỗ lực mở các tour, tuyến nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp giữa cảnh quan với nhân lực, văn hóa bản địa, nguồn tài nguyên, ẩm thực… tạo sự khác biệt, đặc sắc của mỗi vùng, miền. Về vấn đề này, PGS, TS. Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Việt Nam nhấn mạnh thêm: “Làm du lịch phải có doanh nghiệp đầu tư bài bản mới có thể phát huy được tiềm năng kinh tế”.

Rừng săng lẻ Tam Đình nằm bên quốc lộ 7A, được chọn làm điểm dừng chân trên hành trình xuôi, ngược của khách du lịch. Ảnh: Đình Tuyên
Rừng săng lẻ Tam Đình nằm bên quốc lộ 7A, được chọn làm điểm dừng chân trên hành trình xuôi, ngược của khách du lịch. Ảnh: Đình Tuyên