Kinh tế dưới tán rừng – Bài 2: Kinh tế dưới tán rừng nguyên sinh

Rừng được bảo vệ tốt, là điều kiện để người dân vùng có rừng vận dụng trồng xen các loại cây khác, đặc biệt là phương pháp trồng rừng hỗn giao, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Anh Lô May ở bản Tam Bông, xã Tam Quang (huyện Tương Dương) cho biết, mỗi năm anh bán 1 ha xoan, đạt 50 m3 gỗ, giá 2 triệu đồng/m3, cho tổng doanh thu khoảng 100 triệu đồng/ha. Gỗ xoan hiện nay bán rất “chạy”, tư thương vào tận vườn chặt và vận chuyển lên xe. Theo anh May, trồng rừng theo phương thức “hỗn giao đa tầng, đa mục đích”, có nghĩa là quỹ đất trên 3,5 ha anh vừa trồng 0,5 ha keo và xen lẫn cả 1,5 ha xoan, còn lại là cây mét. Cây keo lai được trồng xen với mét để khi thu hoạch keo lai xong thì vẫn tận dụng tiếp tục chăm sóc và khai thác cây mét có hiệu quả.

Người dân xã Tam Quang Tương Dương trồng xen canh cây mét dưới tán rừng. Ảnh: Hoài Thu
Người dân xã Tam Quang Tương Dương trồng xen canh cây mét dưới tán rừng. Ảnh: Hoài Thu

Tại xã Tam Quang, phương pháp truyền thống này đang được sử dụng rất hiệu quả. Trước đây, bà con chủ yếu trồng cây mét dọc các con sông. Khi thị trường keo lai không ổn định, bà con xã Tam Quang đã sử dụng phương pháp trồng rừng hỗn giao truyền thống, đưa hàng trăm ha mét lên vùng đồi để trồng hỗn giao xen dắm với các loại cây khác. Nhiều gia đình thu nhập mỗi năm đạt trên 200 triệu đồng từ bán cây mét. Không ít hộ dùng phương pháp trồng hỗn giao giữa cây mét và cây săng lẻ. Cây săng lẻ được tái sinh tự nhiên, gỗ săng lẻ chịu mặn tốt, chuyên dùng đóng tàu thuyền nên có giá trị cao. Tại xã Tam Quang, diện tích rừng trồng trên 1.000 ha, trong đó keo chỉ khoảng trên 70 ha, còn lại diện tích trồng “hỗn giao đa tầng” cho hiệu quả thu nhập cao như cây mét 450 ha, xoan trên 300 ha…

Dưới tán rừng nguyên sinh ở các huyện Quế Phong, Quỳ Châu… còn có cây chè hoa vàng, được ví là “nữ hoàng của các loại chè” và cây bon bo. Cây chè hoa vàng và bon bo ưa sống dưới tán rừng, nơi không có ánh mặt trời rọi vào. Ông Hà Minh Tuấn – Bí thư Đảng ủy xã Châu Kim (Quế Phong), người gắn bó với cây chè hoa vàng nhiều năm nay cho rằng, chỉ cần có ánh nắng vào, lá của cây chè hoa vàng sẽ bị khô cháy và cây bon bo cũng vậy. Bởi thế, muốn cây chè hoa vàng và bon bo phát triển tốt, trước hết phải bảo vệ rừng tự nhiên thật tốt.

Anh Hà Minh Tuấn ở xã Châu Kim, huyện Quế Phong chăm sóc cây chè hoa vàng dưới tán rừng.  Ảnh: Xuân Hoàng
Anh Hà Minh Tuấn ở xã Châu Kim, huyện Quế Phong chăm sóc cây chè hoa vàng dưới tán rừng. Ảnh: Xuân Hoàng

Số liệu của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quế Phong cho biết, cây chè hoa vàng tập trung nhiều ở các xã: Châu Kim, Đồng Văn, Tiền Phong… với tổng diện tích ước khoảng 2.000 ha; sản lượng hoa hàng năm bà con thu hái ước đạt trên 10 tấn hoa tươi. Những năm qua, vào mùa chè hoa vàng chớm nụ, ra hoa, đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện vào rừng thu hái về bán cho thương lái với giá cao, hoa tươi có giá 300.000 đồng/kg, sau khi phơi khô có giá trên 5 triệu đồng/kg. Do vậy, định hướng của huyện sẽ tạo ra sản phẩm có tính liên kết để sản phẩm được tiêu thụ tốt hơn. Với cây bon bo, toàn huyện có khoảng 1.000 ha, hàng năm bà con thu hái hàng trăm tấn quả, thu về gần 10 tỷ đồng. Ngoài ra chưa kể các loại cây dược liệu quý và một số lâm sản phụ như: lá dong, lá chuối, măng, giang, lùng… đem lại nguồn thu đáng kể cho đồng bào các dân tộc.

Ông Bùi Văn Hiền – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong thông tin thêm, toàn huyện hiện có hơn 153 nghìn ha rừng, trong đó rừng tự nhiên 143,5 nghìn ha, tỷ lệ che phủ của rừng hiện đạt 77,65%. Trong rừng tự nhiên, có nhiều loại cây dược liệu quý, trong đó giá trị cao nhất là cây chè hoa vàng và cây bon bo. Để sản phẩm chè hoa vàng và cây bon bo trở thành hàng hóa lớn, tới đây, huyện sẽ sử dụng nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia để đầu tư mở rộng diện tích cây chè hoa vàng theo chuỗi liên kết; cùng đó tiếp tục trồng và bảo vệ tốt cây bon bo.

Cây bon bo ở huyện Quế Phong. Ảnh: Quang An
Cây bon bo ở huyện Quế Phong. Ảnh: Quang An

Ngoài trồng cây dưới tán rừng, các địa phương vùng cao Nghệ An còn bảo vệ rừng để khai thác tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, mà du khách đang hướng đến ngày càng nhiều hơn. Điểm nhấn là khu rừng săng lẻ ở xã Tam Đình, huyện Tương Dương rộng hơn 70 ha, được các nhà môi trường đánh giá khu rừng “mang nguyên vẹn một khu hệ sinh thái đặc trưng mưa ẩm nhiệt đới của miền Tây Nghệ An còn sót lại, với một nguồn gen quý trước nguy cơ cạn kiệt”.

Ông Nguyễn Hữu Hiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, cho rằng: Nhận thức được vai trò, ý nghĩa của những cánh rừng nguyên sinh phục vụ cho du lịch, trên địa bàn huyện Tương Dương những năm qua đã khoanh nuôi, bảo vệ được nhiều cánh rừng săng lẻ khác ở các xã: Tam Quang, Tam Thái, Yên Na, Yên Tĩnh…

Một góc rừng săng lẻ, huyện Tương Dương. Ảnh: Hồ Phương
Một góc rừng săng lẻ, huyện Tương Dương. Ảnh: Hồ Phương

Trong hơn 1 triệu ha rừng của Nghệ An thì có gần 50% diện tích nằm ở vùng Tây Nam, gồm các huyện: Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương và Kỳ Sơn. Trong đó, diện tích đất lâm nghiệp của vùng chiếm hơn 61% diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh. Đặc biệt, cả 5 huyện đều nằm trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An với vùng lõi là Vườn Quốc gia Pù Mát.

Đây là vùng có đặc điểm địa hình, khí hậu rất thuận lợi để phát triển đa dạng sinh học, nhất là sự phát triển của các loài dược liệu quý, hiếm. Theo nghiên cứu, tổng hợp của các ngành chức năng, chỉ riêng tại Vườn Quốc gia Pù Mát đã xác định được 2.494 loài thực vật, 931 chi thuộc 202 họ, có 70 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam có nguy cơ bị tuyệt diệt; chiếm 2,81% tổng số loài của khu hệ. Trong đó có gần 1.000 loài dược liệu với loài quý như: sâm Puxailaileng (tam thất hoang lá tròn), hà thủ ô đỏ, sâm “7 lá 1 hoa”, trà hoa vàng, lan kim tuyến, sâm Thổ Hào, đẳng sâm, linh chi đỏ,…

Đồ họa: H.Q
Đồ họa: H.Q

Tập đoàn TH hiện có dự án lớn về dược liệu ở xã Na Ngoi và xã Mường Lống (Kỳ Sơn) Nghệ An. Mùa nào thức ấy, các loại sâm, cúc, dược liệu, gừng, lan… được sản xuất hoàn toàn tự nhiên và đưa vào nhà máy chế biến, tạo thêm việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với mức lương 7-10 triệu đồng/người/tháng. Dự án trồng các cây dược liệu chủ lực như: sâm Puxailaileng, sâm “7 lá 1 hoa”, tam thất bắc, đẳng sâm, đan sâm, hà thủ ô đỏ…

Chúng tôi đến thăm quy mô vườn sâm xen dưới tán rừng phòng hộ ở xã Na Ngoi (Kỳ Sơn). Bạt ngàn những luống đất được bao bọc bởi tấm lưới, tấm nilon ẩn dưới tán cây rừng tự nhiên xanh tốt. Ông Lê Hoàng – Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn cho biết, tháng 10/2023, trên cơ sở Quyết định số 512/QĐ-SNN-QLKTKHCN ngày 10/8/2023 về việc phê duyệt phương án hợp tác liên kết trồng cây dược liệu dưới tán rừng tại Ban quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn, Ban và Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược Sâm Ngọc Linh đã ký hợp đồng liên kết trồng dược liệu dưới tán rừng tại xã Na Ngoi, với tổng diện tích thực hiện là 19,83 ha, dự kiến trồng các loại sâm Puxailaileng, sâm Ngọc Linh, tam thất hoang. Mô hình liên kết trồng cây dược liệu dưới tán rừng không chỉ giúp xây dựng cơ sở dữ liệu về cây dược liệu quý có giá trị kinh tế cao phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn, phát triển dược liệu. Tháng 2/2024, Tập đoàn Y dược Sâm Ngọc Linh đã tiến hành trồng được 60.000 cây sâm ngọc linh trên diện tích 3ha ở xã Na Ngoi.

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra mô hình trồng sâm và tam thất của Tập đoàn TH tại bản Buộc Mú, xã Na Ngoi (Kỳ Sơn). Ảnh: Hoài Thu
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra mô hình trồng sâm và tam thất của Tập đoàn TH tại bản Buộc Mú, xã Na Ngoi (Kỳ Sơn). Ảnh: Hoài Thu

Bên cạnh lợi thế về tự nhiên, các huyện vùng Tây Nam có tuyến đường Quốc lộ 7 xuyên sang Lào, có thể kết nối với tỉnh Xiêng Khoảng cũng là nơi có tiềm năng và lợi thế phát triển dược liệu, có đường Hồ Chí Minh đi qua 2/5 huyện trong vùng, có sông Lam chảy qua cả 5 huyện. Trong quy hoạch, sắp tới đường cao tốc Hà Nội – Viêng Chăn cũng đi qua vùng kết nối với Lào qua cửa khẩu Thanh Thủy. Đây cũng là vùng có đa dạng văn hóa dân tộc với tri thức bản địa rất phong phú, đặc biệt là cách nhận biết, khai thác, trồng và sử dụng dược liệu…

Từ nhà văn hóa bản Phá Lõm, xã Tam Hợp (Tương Dương) đi đến nhà của anh Xồng Bá Ca chỉ vài trăm mét. Vườn của anh Xồng Bá Ca là khoảng đất rộng chừng 200m2 được quây kín, có tấm lưới phủ che nắng, mưa trồng sâm “7 lá 1 hoa”. Xồng Bá Ca là hộ đầu tiên của xã Tam Hợp tiên phong thực hiện trồng giống dược liệu được xem là khó tính bậc nhất, nguồn cây giống được khai thác từ rừng tự nhiên ở địa phương này.

Ban quản lý bản Phá Lõm, xã Tam Hợp (Tương Dương) thăm vườn sâm bảy lá một hoa của anh Xồng Bá Ca. Ảnh: Hoài Thu
Ban quản lý bản Phá Lõm, xã Tam Hợp (Tương Dương) thăm vườn sâm bảy lá một hoa của anh Xồng Bá Ca. Ảnh: Hoài Thu

Anh Xồng Bá Ca cho hay, Nhà nước hỗ trợ tiền công, còn về giống sâm thì hộ dân tự vào rừng để tìm cây hoặc hạt giống. Bước sang năm thứ 5, những cây sâm tự nhiên được mang về vườn trồng nay đã bắt đầu cho thành quả, tăng thêm động lực đối với các hộ khác. Hiện, với củ sâm nặng tầm 4-5g, người dân bán với giá khoảng 70 ngàn đồng/gam, tương đương 7 triệu đồng/kg đối với loại sâm trên 5 năm tuổi; còn sâm 1 – 2 năm tuổi cũng có thể bán với giá 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/kg. Tuy chỉ thu hoạch thí điểm, song kết quả cũng cho thấy tiềm năng kinh tế cao, khuyến khích người dân mạnh dạn thực hiện, nhân rộng vườn sâm quý ở bản Phá Lõm. Ngoài hộ Xồng Bá Ca, có thêm 4 hộ khác thực hiện trồng sâm “7 lá 1 hoa” ở bản Phá Lõm, gồm các hộ Lầu Nhờ Thái, Xồng Tông Giờ, Lầu Giống Chùa và Xồng Nềnh Lầu.

Thực tế, từ tiềm năng phát triển kinh tế dược liệu, nhiều năm qua, các sở, ngành ở Nghệ An đã triển khai hỗ trợ nhiều dự án trồng, chế biến dược liệu trên địa bàn nhằm khai thác giá trị kinh tế gắn với bảo tồn nhiều loài dược liệu như: sâm Puxailaileng, sâm “7 lá 1 hoa”, tam thất bắc, đương quy, đẳng sâm, Jacoon, gừng, giảo cổ lam, hoài sơn, mướp đắng rừng, bon bo… (Kỳ Sơn); ba kích, khôi tía, trà hoa vàng, tràm 5 gân, nghệ đỏ… (Tương Dương); cà gai leo, dây thìa canh, đinh lăng, sa nhân tím, sâm cát… (Con Cuông); xạ đen, sâm thổ hào… (Thanh Chương)… Đã có nhiều doanh nghiệp đã quan tâm về tìm hiểu khảo sát và đầu tư ở trong vùng như Công ty Dược liệu Pù Mát, Tập đoàn TH và nhiều doanh nghiệp khác cũng cam kết đầu tư,… Hiện Công ty Dược và Vật tư y tế Nghệ An đang xây dựng nhà máy dược tại Khu công nghiệp Nam Cấm.

Mô hình trồng cây dổi ở xã Tân An, huyện Tân Kỳ. Ảnh: Xuân Hoàng
Mô hình trồng cây dổi ở xã Tân An, huyện Tân Kỳ. Ảnh: Xuân Hoàng