Kinh tế dưới tán rừng – Bài 4: Nuôi giữ rừng, tạo nguồn sinh thủy

Nghệ An có 27 xã biên giới với nước bạn Lào và các xã này đều có diện tích rừng lớn. Với sự vào cuộc của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và mỗi người dân, công tác bảo vệ rừng ở dọc biên giới được triển khai thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao, những cánh rừng nguyên sinh đang ngày càng được xanh hơn.

Để thực hiện chuyên đề này, chúng tôi lên với huyện rẻo cao Quế Phong. Gặp anh Lương Văn Tùng, Trưởng bản Mờ của xã biên giới Nậm Giải, cũng là thành viên của tổ bảo vệ rừng của bản đang chuẩn bị cho chuyến tuần tra rừng. Anh Tùng cho biết, đều đặn hàng tuần, tổ bảo vệ rừng của bản lại đi tuần tra ở những cánh rừng nguyên sinh giáp biên giới với nước bạn Lào…

Bữa ăn của lực lượng bảo vệ rừng. Ảnh: PV
Bữa ăn của lực lượng bảo vệ rừng. Ảnh: PV

Tổ bảo vệ rừng nguyên sinh của bản Mờ được thành lập từ năm 2014, với 90 thành viên, được chia thành 4 nhóm. Mỗi tuần các nhóm phân công nhau đi tuần tra rừng một lần. Được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ 2.483 ha rừng nguyên sinh ở vùng biên giới, chủ yếu là núi cao, rừng rậm, đường đi chỉ là lối mòn, nên mỗi chuyến tuần tra, các nhóm phải đi bộ xuyên rừng suốt 2 ngày liền. Nhiệm vụ tuần tra là kiểm soát việc chặt phá cây rừng, săn bắt động vật và theo dõi quá trình khai thác lâm sản phụ của người dân bản địa. Vất vả, khó nhọc và có phần nguy hiểm, nhưng mức thù lao của cả nhóm chỉ nhận được 219.000 đồng/ha/năm do Nhà nước chi trả.

“Các nhóm đều có sổ ghi chép đầy đủ thông tin số người đi tuần tra. Trong quá trình tuần tra rừng, nếu phát hiện có dấu hiệu chặt phá, hoặc có tình trạng đánh bẫy thú rừng là ghi hình, ghi chép cẩn thận để báo cáo với chính quyền địa phương. Là bản biên giới giáp với nước bạn Lào, trước đây có tình trạng người Lào sang xâm lấn rừng, nhưng nhiều năm lại nay do làm tốt công tác tuần tra nên những cánh rừng vùng biên không còn “rỉ máu” nữa. Trong những cánh rừng nguyên sinh ở vùng biên giới này hiện còn có những cây gỗ hàng trăm năm tuổi, cao hàng chục mét, đường kính thân cây trên dưới 2m. Đó là hàng loạt cây sa mu, táu, sến… và dưới những tán rừng xanh mát ấy có nhiều loại cây dược liệu quý như: bon bo, sâm, chuối rừng, lá dong… là nguồn sinh kế của bà con”, anh Lương Văn Tùng cho hay.

Các lâm sản phụ tạo sinh kế cho người dân vùng cao. Ảnh: Quang An
Các lâm sản phụ tạo sinh kế cho người dân vùng cao. Ảnh: Quang An

Quả thực, trên quãng đường vào các bản ở xã biên giới Nậm Giải, những dưới tán rừng là bạt ngàn cây bon bo. Ông Lô Văn Xuyến, ở bản Mờ, phấn khởi nói: Cây bon bo trong rừng nhiều vô kể, quả của nó là nguồn thu nhập của bà con dân bản. Năm vừa rồi nhà tôi thu hái được hơn 200kg quả bon bo, bán với giá 50.000 đồng/kg, thu về trên 10 triệu đồng, cùng với chăn nuôi, làm lúa nước… nên ổn định cuộc sống. Nhà ở gần rừng, nên các thành viên đều có trách nhiệm bảo vệ từng cây rừng, phát hiện có người lạ mặt vào rừng là báo với cán bộ bản ngay. Vì thế năm nào dân bản cũng có nguồn thu nhập dưới tán rừng và cái lợi lớn hơn là rừng tự nhiên sinh ra nguồn nước dồi dào cho bà con sản xuất.

Cây bon bo dưới tán rừng của xã biên giới Nậm Giải, huyện Quế Phong. Ảnh: Quang An
Cây bon bo dưới tán rừng của xã biên giới Nậm Giải, huyện Quế Phong. Ảnh: Quang An

Ông Vi Văn Kỳ, cũng là người dân bản Mờ, nói thêm, trong rừng tự nhiên có nhiều loại lâm sản phụ dùng để làm chổi như bông đót, trện, muồng…; các loại cây dây leo để buộc nhà; mây, song, giang… để đan lát; các loại rễ cây dùng để làm thuốc chữa bệnh như quả bon bo, chè hoa vàng và vô số ung chạc chìu, rễ cỏ gianh, cây u bò, thạch xương bồ, hoài sơn… tất cả đều có trong những cánh rừng được bảo vệ tốt mới có. “Mỗi ngày người dân bản địa tìm được nhiều dược liệu, thu về tiền triệu. Không một lưỡi cưa, nhát rừu; “giang sơn” vô số táu, sến, dổi… nhưng không ai dám đụng vào”, ông Kỳ cho hay.

Theo trao đổi của ông Lô Minh Tường – Chủ tịch UBND xã Nậm Giải, cho biết: Là xã biên giới giáp với nước bạn Lào, có tới gần 12.000 ha rừng. Trong đó, rừng tự nhiên gần 8.000 ha, còn lại là rừng giao khoán cho các hộ dân và tổ cộng đồng, theo Nghị định 163/CP. Mặc dù địa hình rừng núi chia cắt, hiểm trở, nhưng các bản đã làm tốt công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng, vì thế tỷ lệ độ che phủ rừng của xã tăng lên từng năm, hiện đã đạt 83,73%. Một trong những yếu tố quan trọng góp phần bảo vệ rừng tốt là xã đã thành lập 6 tổ bảo vệ rừng cộng đồng tại 6/6 bản. Nhờ đó, ý thức bảo vệ rừng của người dân được nâng lên, từ năm 2020 đến nay, người dân đã không chặt phá rừng, không săn bắt thú rừng, không khai thác gỗ trái phép về làm nhà ở.

Cây cổ thụ trong rừng biên giới Quế Phong; Cây săng lẻ cổ thụ trong khu rừng săng lẻ trên địa bàn xã Tam Đình (Tương Dương). Ảnh: Q.A - Tư liệu
Cây cổ thụ trong rừng biên giới Quế Phong; Cây săng lẻ cổ thụ trong khu rừng săng lẻ trên địa bàn xã Tam Đình (Tương Dương). Ảnh: Q.A - Tư liệu

“Bây giờ người dân trong xã làm nhà bằng bê tông ngày càng nhiều. Sử dụng bê tông để làm nhà có nhiều lợi ích: không chặt phá rừng, không bị mối mọt và thời gian sử dụng được lâu bền, ngôi nhà vững chắc hơn… Tình trạng khai thác gỗ trái phép được chấm dứt, rừng tự nhiên ngày càng rậm hơn, nên Nậm Giải không bao giờ thiếu nước sinh hoạt. Cả xã có hơn 200 ha đất sản xuất lúa nước, mỗi năm gieo cấy 2 vụ cho năng suất cao, vì nước tưới đầy đủ. Chưa kể, trong xã hầu hết nhà nào cũng đào ao thả cá, quanh năm đầy nước…”, Chủ tịch UBND xã Nậm Giải cho biết.

Người dân xã Nậm Giải còn phát triển kinh tế dưới tán rừng bằng cách trồng quế, sở và cây bon bo, kết hợp chăn nuôi lợn, thả gà bản địa. Quế Quỳ là cây trồng mang lại nhiều lợi ích, nên người dân trong xã tích cực trồng xen giữa những khoảnh đất trống trong rừng và vườn nhà. Nậm Giải hiện có 278 hộ, nhà nào cũng trồng hàng trăm cây quế Quỳ, ước tổng diện tích cả xã khoảng 80ha. Những năm gần đây sản phẩm cây quế Quỳ bán được giá, không những vỏ quế, mà rễ và lá cũng được thương lái thu mua.

Cây quế Quỳ được huyện Quế Phong chọn là cây trồng có tiềm năng để hỗ trợ người dân trồng trong giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: Xuân Hoàng
Cây quế Quỳ được huyện Quế Phong chọn là cây trồng có tiềm năng để hỗ trợ người dân trồng trong giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: Xuân Hoàng

Đối với bon bo, thực hiện dự án phi Chính phủ, từ năm 2013, người dân Nậm Giải đã trồng được trên 200 ha dưới tán rừng, hiện đang bảo vệ tốt, mang lại nguồn thu nhập cho người dân từ hái quả. Theo Chủ tịch UBND xã Nậm Giải, thì nay hằng năm người dân có nguồn thu nhập đều đặn dưới tán rừng, bằng trồng các loại cây dược liệu quý và các loại lâm sản phụ, chưa kể cả xã mỗi năm được nhận trên 2 tỷ đồng từ nguồn chi trả nguồn dịch vụ môi trường rừng của Nhà nước.

Vùng cao huyện Quế Phong đang ngày càng đổi mới. Ảnh: Xuân Hoàng
Vùng cao huyện Quế Phong đang ngày càng đổi mới. Ảnh: Xuân Hoàng

Dịp này, chúng tôi cũng đã tìm đến mô hình bảo vệ rừng cộng đồng tại xóm 1, xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, nơi mà đồng chí Lê Minh Hoan – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từng đến thăm. Phóng tầm mắt ra phía cánh rừng xanh ngút ngàn, anh Phan Hoàng Linh, Xóm trưởng xóm 1 xã Lĩnh Sơn, chia sẻ: Trước đây toàn bộ khu vực rừng này hầu hết là rừng nghèo kiệt, đất trống, đồi núi trọc. Nhưng từ năm 2019, khu rừng này được giao cho 27 hộ dân quản lý, khoanh nuôi, nhờ vậy mà hơn 50 ha rừng đã được hồi sinh. Nhiều loại cây tự nhiên như dẻ, dẻ gai, vạng… hiện đã xum xuê cành lá, có những thân cây phải ôm gần hết một vòng tay người lớn.

Men theo những lối mòn nhỏ đi sâu vào khu rừng Dốc Cao, được nghe Xóm trưởng Phan Hoàng Linh kể thêm câu chuyện giữ rừng. Xóm 1 xã Lĩnh Sơn với 27 hộ dân, thành lập 2 tổ bảo vệ rừng, mỗi tổ phân chia lực lượng thành các nhóm nhỏ, giao kế hoạch quản lý cho từng thành viên cụ thể, có nhiệm vụ ngày đêm tuần tra, bảo vệ rừng. Trong đó hàng tuần định kỳ tuần tra bảo vệ, phòng chống cháy rừng. Hiện tại, toàn xóm bảo vệ và chăm sóc 40 ha rừng tự nhiên và rừng sản xuất gồm keo, xoan, tre, nứa, mét…

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác thăm các hộ dân tham gia mô hình bảo vệ rừng tại cộng đồng thuộc thôn 1, xã Lĩnh Sơn (Anh Sơn). Ảnh: Thanh Lê
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác thăm các hộ dân tham gia mô hình bảo vệ rừng tại cộng đồng thuộc thôn 1, xã Lĩnh Sơn (Anh Sơn). Ảnh: Thanh Lê

Từ năm 2019, thời điểm nhận quản lý, khoanh nuôi bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm Lâm Nghệ An đã hỗ trợ cho bà con xóm 1 xã Lĩnh Sơn mỗi năm 48 triệu đồng để thực hiện các nội dung như tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng trong khu vực mô hình. Tổ chức các hội nghị tuyên truyền, tập huấn, phòng cháy, chữa cháy, hướng dẫn kỹ thuật bảo vệ rừng; đóng 50 cột mốc khép kín ranh giới khu vực mô hình; xây dựng 2 bảng chỉ dẫn tuyên truyền. Mặc dù từ năm 2021 đến nay, nguồn kinh phí bảo vệ rừng này không còn, nhưng người dân xóm 1 xã Lĩnh Sơn vẫn luôn ý thức phải bảo vệ rừng tái sinh thật tốt để bảo vệ môi trường sống cho chính người dân. Từ đó, có nước để sinh hoạt và phát triển sản xuất nông nghiệp như làm trang trại tổng hợp, đào ao nuôi cá; chăn nuôi phát triển đàn trâu, bò, lợn, dê… cũng thuận lợi hơn. Đặc biệt, khi rừng phát triển tốt, việc nuôi ong lấy mật mang lại lợi nhuận rất khả thi.

Gia đình Xóm trưởng Phan Hoàng Linh là 1 trong 27 hộ của xóm tham gia bảo vệ rừng. Hiện nhà Xóm trưởng Linh đang chăn nuôi dê dưới tán rừng và có thu nhập cao. Anh chia sẻ: Gia đình nhận khoanh nuôi bảo vệ 4 ha rừng tái sinh. Khi những cánh rừng xanh tốt, nguồn nước dồi dào, chúng tôi tận dụng chăn nuôi dê dưới tán rừng. Ban đầu chỉ nuôi khoảng 20-30 con dê, nhưng nhận thấy quỹ đất vùng ven rừng lớn, có điều kiện chăn thả tự nhiên, nên từ năm 2020 tôi đầu tư thêm hàng trăm triệu đồng xây dựng chuồng trại, nhân đàn dê lên 250 – 300 con; hằng năm bán 5-6 tấn dê, doanh thu trên 600 triệu đồng.

Mô hình nuôi dê của anh Phan Hoàng Linh và mô hình nuôi ong của ông Hứa Mạnh Thắng (xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn). Ảnh: Văn Trường
Mô hình nuôi dê của anh Phan Hoàng Linh và mô hình nuôi ong của ông Hứa Mạnh Thắng (xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn). Ảnh: Văn Trường

Xuyên qua cánh rừng dẻ của Lĩnh Sơn, chúng tôi tìm đến gia đình ông Hứa Mạnh Thắng với mô hình nuôi ong hiệu quả dưới tán rừng. Ông Thắng chia sẻ: Từ năm 2017, bắt đầu nuôi ong, nhưng đến năm 2019 thì tăng quy mô lên 50 tổ. Nuôi ong ở đây rất thuận lợi, bạt ngàn là cánh rừng tự nhiên với đa dạng các loại hoa dẻ, hoa xoan, hoa vạng… cho chất lượng mật thơm ngon, đem lại giá trị kinh tế cao gấp 2 đến 4 lần các loại mật ong khác. Ngoài nuôi ong lấy mật, ông Thắng còn nhân giống ong để bán cho các hộ dân. Hằng năm ông Thắng bán được 300 lít mật ong thu về 60 triệu đồng; nhân giống bán 30 tổ ong thu thêm 30 triệu đồng. Cùng với chăn nuôi gà, lợn, sản xuất chăn nuôi dưới tán rừng, gia đình ông Thắng có thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Văn Thu – Chủ tịch UBND xã Lĩnh Sơn, cho biết thêm: Từ khi rừng trên địa bàn xã được bảo vệ xanh tốt, 27 hộ dân nhận khoanh nuôi bảo vệ rừng đều phát huy làm kinh tế hiệu quả dưới tán rừng, chủ yếu là chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ngoài ra một số hộ dân đã có nguồn thu từ lâm sản phụ như thu lượm hạt dẻ để bán. Xã đang khuyến khích người dân mở rộng nghề nuôi ong dưới tán rừng, mở rộng 2-3 ha nuôi cá nước ngọt. Trong chuyến thăm của Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã đánh giá, ghi nhận, ý thức tích cực trong công tác bảo vệ rừng của người dân Lĩnh Sơn, đã vừa bảo vệ môi trường sinh thái, vừa kết hợp phát triển kinh tế hiệu quả dưới tán rừng….

Một vùng rừng ở huyện Anh Sơn. Ảnh: Tư liệu
Một vùng rừng ở huyện Anh Sơn. Ảnh: Tư liệu