Kinh tế dưới tán rừng – Bài 3: Trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC

Chứng chỉ FSC là chứng chỉ được dùng cho các nhà quản lý rừng hay những nhà sản xuất các sản phẩm từ rừng đảm bảo được tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng được các giá trị bảo vệ môi trường (rừng) với lợi ích xã hội của các bên liên quan (nhà sản xuất, xã hội và người dân địa phương). Trong thực tế, việc cấp chứng chỉ FSC cho rừng mang lại nhiều lợi ích cho người dân, giá trị gỗ được tăng thêm, nâng cao được thu nhập trên đơn vị diện tích. Hiện nay, huyện Thanh Chương là địa phương được cấp chứng chỉ FSC nhiều nhất tỉnh Nghệ An.

Ông Nguyễn Thế Hà ở xóm 6, xã Thanh Hương (Thanh Chương), cho hay, trước đây, trồng rừng theo phương pháp cũ không chú ý đến chất lượng cây giống, kỹ thuật chăm sóc, nên năng suất thấp, giá thành cũng không ổn định, thường xuyên bị thương lái ép giá. Sau khi ông trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, giá gỗ bán cao hơn rừng thường từ 7-10%. Đầu năm 2023, ông Hà khai thác toàn bộ 10 ha rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC, doanh thu 1,1 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với trồng rừng theo kiểu truyền thống trước kia. Hiện gia đình ông Hà đang tiếp tục trồng mới rừng theo tiêu chuẩn FSC.

Cánh rừng keo của ông Nguyễn Thế Hà ở xã Thanh Hương (Thanh Chương).	Ảnh: Văn Trường
Cánh rừng keo của ông Nguyễn Thế Hà ở xã Thanh Hương (Thanh Chương). Ảnh: Văn Trường

Gia đình ông Nguyễn Công Phương, ở xóm 3, xã Thanh Hương, có hơn 30 ha rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC. Ông Phương cho biết: “Trước đây, cây nguyên liệu trồng khoảng 3-4 năm là thu hoạch bán cho thương lái để đưa đến các nhà máy làm dăm gỗ. Cây nhỏ nên chỉ đạt 50-60 triệu đồng/ha. Nay rừng nguyên liệu được chăm sóc với quy trình theo tiêu chuẩn FSC nên giá trị cao hơn hẳn. Mới đây thu hoạch gần 2 ha rừng 6 năm tuổi, đạt năng suất 120 tấn/ha, bán với giá 1,1 triệu đồng/tấn, đạt 132 triệu đồng/ha. Cái được lớn nhất của trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC là bảo vệ môi trường, sức khỏe cho chính người trồng rừng, vì chúng tôi được tập huấn là phải đảm bảo nguyên tắc bảo hộ lao động; không được sử dụng các loại thuốc ngoài danh mục FSC cho phép; khi trồng rừng không đốt xử lý thực bì tràn lan”.

Toàn xã Thanh Hương hiện có 1.900 ha rừng trồng, trong đó, từ năm 2021 đến nay toàn xã đã được cấp chứng chỉ FSC trên 1.600 ha. Theo ông Nguyễn Văn Tiến – Chủ tịch UBND xã Thanh Hương, thì rừng được cấp chứng chỉ được Công ty CP Sản xuất và Thương mại gỗ Thanh Chương bao tiêu sản phẩm với giá cả ổn định, đã và đang giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững với thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha.

Công ty CP Sản xuất và thương mại gỗ Thanh Chương thu mua gỗ keo cho bà con cả thân, cành, ngọn. Ảnh: Văn Trường
Công ty CP Sản xuất và thương mại gỗ Thanh Chương thu mua gỗ keo cho bà con cả thân, cành, ngọn. Ảnh: Văn Trường

Ông Trần Đình Thanh – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: Từ năm 2021, huyện đã phối hợp với các đơn vị triển khai thực hiện việc cấp chứng chỉ FSC. Đến thời điểm này toàn huyện đã cấp chứng chỉ FSC được trên 6.200 ha rừng ở các xã Thanh Hương, Thanh Thủy và Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương. Tất cả diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC trên địa bàn huyện đều được Công ty CP Sản xuất và Thương mại gỗ Thanh Chương bao tiêu sản phẩm, nên người trồng rừng không phải lo bị tư thương ép giá. Công ty CP Sản xuất và Thương mại gỗ Thanh Chương còn thu mua cả cây, bao gồm thân cây và ngọn không cần bóc vỏ nên có lợi cho người trồng keo, giá trị kinh tế sẽ tăng hơn so với bán tự do ở ngoài.

Trên địa bàn Nghệ An hiện có một số công ty lâm nghiệp phát triển rừng gỗ lớn khá tốt. Điển hình là Công ty TNHH MTV Lâm Nông nghiệp Sông Hiếu đã thực hiện trồng rừng gỗ lớn khá hiệu quả. Đơn vị này có trên 8.000 ha rừng nguyên liệu, trong đó có 2.000 ha rừng gỗ lớn mang lại giá trị vượt trội về kinh tế. Tính từ năm 2005 đến nay đơn vị đã quy hoạch, tạo quỹ đất tiến hành trồng rừng gỗ lớn tập trung ở các vùng Bãi Kè, xã Đồng Hợp (Quỳ Hợp) và một số xã trên địa bàn các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Châu… Để nâng cao năng suất, chất lượng keo, Công ty TNHH MTV Lâm, Nông nghiệp Sông Hiếu đã chú trọng đầu tư đúng quy trình kỹ thuật ngay từ khi mới trồng, như đầu tư đạt trên 15 triệu đồng/ha rừng gỗ lớn. Khi trở thành rừng trồng gỗ lớn, tức là sau hơn 8-10 năm trồng mới tiến hành khai thác, sản lượng đạt từ 200 – 240 m3/ha. Rừng bán theo giá gỗ xẻ, gỗ chế biến ghép thanh với giá trị từ 1,8 – 2 triệu đồng/m3, tức là khoảng 250 – 300 triệu đồng/ha. Rừng gỗ lớn bước đầu đã cho lợi nhuận gấp 3 lần trồng rừng bình thường. Hiện nay, Công ty TNHH MTV Lâm Nông nghiệp Sông Hiếu đang phối hợp với các ngành liên quan thực hiện các thủ tục để cấp chứng chỉ FSC cho hàng ngàn ha rừng gỗ lớn.

Vườn ươm nuôi keo cấy mô tại Công ty TNHH MTV Lâm Nông nghiệp Sông Hiếu. Ảnh: Văn Trường
Vườn ươm nuôi keo cấy mô tại Công ty TNHH MTV Lâm Nông nghiệp Sông Hiếu. Ảnh: Văn Trường

Cây lùng được gọi là “nữ hoàng” của các loại cây tre trúc ở Việt Nam, có giá trị kinh tế lớn, phân bố chủ yếu ở vùng miền Tây Nghệ An và một số tỉnh như: Thanh Hóa, Sơn La, Hòa Bình. Huyện Quế Phong là thủ phủ cây lùng ở Nghệ An. Cây lùng có đặc tính lóng dài; sợi trắng, mịn, phù hợp cho việc sản xuất các sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ cao cấp để xuất khẩu, đặc biệt là hàng mây tre đan. Ở huyện Quế Phong, tháng 7/2022, Tổ chức Phi Chính phủ đã cấp chứng chỉ FSC cho 830 ha lùng; trong đó, xã Đồng Văn gần 530 ha, xã Thông Thụ 300 ha. Theo quy định, sau khi được cấp chứng chỉ FSC, sản phẩm lùng FSC của Quế Phong được xuất khẩu sang các nước châu Âu.

Sau khi rừng lùng được cấp chứng chỉ FSC, hàng trăm hộ dân 2 xã Đồng Văn và Thông Thụ, huyện Quế Phong rất phấn khởi, vì có cơ hội nâng cao thu nhập từ xuất khẩu lùng. Gia đình ông Vi Văn Tâm ở bản Pù Duộc, xã Đồng Văn có 7,3 ha rừng lùng đã được cấp chứng chỉ FSC, do được quản lý tốt, nên rừng lùng ngày càng phát triển, cây to, thẳng đẹp hơn… Hàng năm gia đình ông Tâm chọn những cây lùng 2 – 3 năm tuổi trở lên mới thu hoạch, trong quá trình khai thác, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến cây non và thường xuyên phát dọn cây dại, thu dọn vệ sinh môi trường…

Rừng lùng của xã Đồng Văn, huyện Quế Phong đã được cấp chứng chỉ FSC. Ảnh: Quang An
Rừng lùng của xã Đồng Văn, huyện Quế Phong đã được cấp chứng chỉ FSC. Ảnh: Quang An

Ông Bùi Văn Hiền – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết, trước đây khi chưa được cấp chứng chỉ FSC và chưa được giao đất, người dân khai thác chưa đúng quy trình, làm ảnh hưởng đến chất lượng cây lùng, thậm chí xuất hiện cả tình trạng khai thác chặt cả bụi, dẫn đến làm suy thoái cây lùng. Tuy nhiên, sau khi được giao đất và dự án ra đời, cấp chứng chỉ FSC, rừng lùng được người dân bảo vệ và thực hiện các quy trình về phục hồi rừng và khai thác rừng bền vững. Trước đây cây lùng nhỏ và bị suy thoái, sau khi có dự án, người dân được hướng dẫn chăm sóc đúng quy trình nên cây lùng đem lại giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều so với trước.

Tính đến nay, phía dự án đã phối hợp hợp với chính quyền và các ban, ngành, bà con nông dân trên địa bàn huyện Quế Phong thành lập được 7 tổ, nhóm nông dân sản xuất, với 212 hộ thành viên, trên 898 nhân khẩu. Chứng chỉ FSC sẽ là giấy thông hành cho các sản phẩm tre của địa phương để xâm nhập vào các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, mang lại thu nhập cao và bền vững hơn cho người dân, doanh nghiệp trong ngành tre. Việc đạt được chứng chỉ FSC là nỗ lực của chính quyền địa phương, các doanh nghiệp và đặc biệt người trồng rừng.

Người dân huyện Quế Phong thu hoạch lùng. Ảnh Xuân Hoàng
Người dân huyện Quế Phong thu hoạch lùng. Ảnh Xuân Hoàng

Chứng chỉ FSC được cấp bởi Hội đồng Quản lý rừng thế giới (Forest Stewardship Council), nhằm khuyến khích các hoạt động khai thác đi đôi với phát triển bền vững tài nguyên rừng. Về mặt kinh tế, FSC giúp giảm thiểu lãng phí từ các nguồn tài nguyên rừng. Các sản phẩm từ rừng được gắn nhãn FSC có giá trị kinh tế cao từ 20 – 30% so với các sản phẩm cùng loại.

Thực tế cho thấy, các sản phẩm chế biến từ nguyên liệu gỗ keo được cấp chứng chỉ FSC trên địa bàn Nghệ An rất thuận lợi xuất khẩu ra thế giới. Ông Trần Võ Lực – Phó Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Thương mại gỗ Thanh Chương khẳng định: FSC là chứng chỉ bắt buộc nếu muốn đưa sản phẩm chế biến từ keo ra thị trường nước ngoài tiêu thụ. Vì thế, đơn vị đã đầu tư vùng nguyên liệu gỗ FSC để đón đầu cơ hội, bước đầu đã mang lại hiệu quả, sản phẩm viên nén xuất bán được các thị trường khó tính như các nước châu Âu và Nhật Bản…

Viên nén của Công ty CP Sản xuất và thương mại gỗ Thanh Chương - Ảnh: Văn Trường
Viên nén của Công ty CP Sản xuất và thương mại gỗ Thanh Chương - Ảnh: Văn Trường

Những năm qua, phát triển rừng sản xuất ở Nghệ An được sự quan tâm của chính quyền các cấp, ngành. Từ những cơ chế, chính sách, các giải pháp đã được thực hiện đồng bộ như quy hoạch, tạo quỹ đất phục vụ trồng rừng; chuyển giao khoa học, kỹ thuật, đưa những giống cây lâm nghiệp chất lượng cao vào trồng rừng, khuyến khích người dân thuê khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ, chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn; thực hiện trồng rừng theo tiêu chuẩn bền vững… Thông qua các chương trình, dự án, các hộ dân tham gia trồng rừng được hỗ trợ cây giống chất lượng, hướng dẫn kỹ thuật, kiểm tra giám sát quá trình thực hiện trồng rừng của các cơ quan chuyên môn. Đây là lợi thế hết sức quan trọng để triển khai thực hiện quản lý, bảo vệ rừng theo chứng chỉ rừng FSC.

Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp và nhiều chủ trương, chính sách mới về phát triển lâm nghiệp đã được UBND tỉnh Nghệ An thông qua, đã tạo điều kiện thuận lợi, hành lang pháp lý để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào sản xuất lâm nghiệp. Thành phần tham gia đầu tư vào sản xuất lâm nghiệp ngày càng đa dạng, chất lượng đầu tư của các doanh nghiệp sản xuất và chế biến lâm sản ngày càng cao với công nghệ sản xuất tiên tiến, xuất khẩu đòi hỏi phải có chứng chỉ FSC.

Sản xuất tại Nhà máy chế biến gỗ thuộc Công ty Lâm nghiệp Tháng Năm. Ảnh: Thành Duy
Sản xuất tại Nhà máy chế biến gỗ thuộc Công ty Lâm nghiệp Tháng Năm. Ảnh: Thành Duy

Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An thuộc Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm có tổng mức đầu tư 300 triệu USD. Đây là dự án chế biến gỗ ván thanh và gỗ MDF lớn nhất, hiện đại nhất Đông Nam Á, được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư hơn 100 triệu USD, gồm dây chuyền chế biến gỗ thanh với công suất 12.000m3/năm và dây chuyền chế biến ván sợi MDF với công suất 130.000m3/năm. Với ưu thế sử dụng công nghệ hiện đại hàng đầu châu Âu, nên các công đoạn chế biến gỗ hoàn toàn được tự động hóa từ khâu đầu vào nguyên liệu đến khâu hoàn thiện sản phẩm. Bằng việc áp dụng công nghệ cao nên có thể tận dụng toàn bộ các phần thân, cành và rễ để chế biến gỗ, các phần thừa như mùn cưa, vỏ gỗ sẽ được tận dụng làm chất đốt để tạo năng lượng. Nhờ vùng nguyên liệu được cấp chứng chỉ FSC trên 1.000 ha, nên sản phẩm của nhà máy sản xuất ra đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, có đủ sức cạnh tranh tại các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật, EU.

Để đảm bảo nguồn nguyên liệu bền vững cho nhà máy khi đi vào hoạt động, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt quy hoạch vùng nguyên liệu diện tích hơn 60.000 ha trên 6 huyện miền Tây. Theo đó, Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm đã chủ động tiếp nhận trên 5.000 ha để tổ chức sản xuất bài bản, số diện tích còn lại tiến hành ký hợp đồng liên doanh – liên kết với các đơn vị lâm nghiệp, các hộ dân để đầu tư giống, phân bón, các chế phẩm bảo vệ thực vật để tổ chức sản xuất.

Thu mua gỗ rừng trồng ở Thanh Chương. Ảnh tư liệu: Thu Huyền
Thu mua gỗ rừng trồng ở Thanh Chương. Ảnh tư liệu: Thu Huyền

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Nghệ An, toàn tỉnh hiện có trên 152.547 ha rừng sản xuất, theo đó, từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã có 26.184 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. Trong đó, huyện Quỳ Châu được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững 2.886 ha rừng keo, huyện Thanh Chương 6.200 ha rừng keo, doanh nghiệp trồng rừng Lê Duy Nguyên (thị xã Hoàng Mai) 820 ha, huyện Yên Thành 1.980 ha, huyện Anh Sơn 2.823… Diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC đều được các doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm.

Đồ họa: H.Q
Đồ họa: H.Q

Từ đó, năng suất chất lượng rừng trồng đến nay đã đạt trung bình từ 18 – 20m3/ha/năm (chỉ tiêu của kế hoạch đến năm 2025 đạt 20 – 30m3/ha/năm). Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng năm 2023 đạt hơn 1,7 triệu m3 (chỉ tiêu của kế hoạch đến năm 2025 đạt 2,0 – 2,2 triệu m3/năm). Diện tích rừng trồng gỗ lớn đến nay đạt hơn 32.000 ha, chiếm 20% rừng trồng của cả tỉnh (chỉ tiêu của kế hoạch đến năm 2025 rừng trồng thâm canh chiếm 30% diện rừng trồng cả tỉnh). UBND tỉnh đã phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2022-2030 cho 22/22 chủ rừng là tổ chức, với tổng diện tích rừng đã được xây dựng phương án là 592.000/592.000 ha rừng do các chủ rừng đang quản lý bảo vệ (trong đó, đặt mục tiêu đến năm 2025 diện tích được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững của tỉnh là 50.000 ha).

Rừng nguyên liệu của Công ty TNHH MTV Lâm, Nông nghiệp Sông Hiếu. Ảnh tư liệu: Hồng Sơn
Rừng nguyên liệu của Công ty TNHH MTV Lâm, Nông nghiệp Sông Hiếu. Ảnh tư liệu: Hồng Sơn