Giữ mãi ngọn lửa nhiệt huyết trong lực lượng Thanh niên xung phong

Trong chiến tranh lửa đạn, lớp lớp thanh niên xung phong của đất nước nói chung, Nghệ An nói riêng đã tình nguyện cống hiến tuổi xuân của mình để góp nên trang sử hào hùng dân tộc. Khi đất nước thống nhất, đó lại là lực lượng tiên phong trên trận tuyến khai hoang phục hóa, phát triển kinh tế. Ngọn lửa nhiệt huyết ấy đã được tiếp nối cho đến ngày hôm nay, khi lực lượng TNXP Nghệ An tiếp tục vượt mọi khó khăn, đoàn kết góp sức xây dựng quê hương ngay tại những địa bàn khó khăn nhất.

Nhân kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống lực lượng Thanh niên xung phong (15/7/1950 – 15/7/2023), Báo Nghệ An đã có cuộc trò chuyện với anh Nguyễn Đình Thắng – Chỉ huy trưởng lực lượng Thanh niên xung phong tỉnh Nghệ An.

P.V: Anh có thể cho biết về tình hình, đặc điểm và những đóng góp quan trọng của lực lượng Thanh niên xung phong Nghệ An trong sự phát triển toàn diện của tỉnh nhà. Tại Nghệ An, lực lượng này có những nét đặc thù riêng biệt gì so với những tỉnh, thành khác?

Anh Nguyễn Đình Thắng: Cách đây 73 năm, vào ngày 15/7/1950 trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đội TNXP công tác Trung ương đầu tiên vinh dự được Bác Hồ đích thân chỉ đạo thành lập với 225 cán bộ, đội viên tại núi Hồng, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.

Hòa trong dòng chảy lịch sử đó, Lực lượng TNXP Nghệ An cũng ra đời, cùng với hơn 65 vạn cán bộ, chiến sĩ TNXP cả nước, hơn 4,8 vạn cán bộ, chiến sĩ TNXP tỉnh Nghệ An đã tình nguyện lên đường phục vụ kháng chiến và xây dựng đất nước. Kể từ giây phút lịch sử đó, lực lượng TNXP nói chung và lực lượng TNXP Nghệ An nói riêng đã không ngừng phát triển và phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đóng góp công sức, trí tuệ, máu xương, cống hiến tuổi thanh xuân, góp phần cùng toàn quân, toàn dân làm nên những chiến công oanh liệt.

Anh Nguyễn Đình Thắng - Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP tỉnh Nghệ An (giữa ảnh) đón nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thanh Quỳnh
Anh Nguyễn Đình Thắng - Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP tỉnh Nghệ An (giữa ảnh) đón nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thanh Quỳnh

Hiện tại, Lực lượng TNXP tỉnh Nghệ An đang có 07 đơn vị TNXP gồm Ban Chỉ huy lực lượng TNXP, 05 Tổng đội TNXP và Cơ sở Cai nghiện ma túy tự nguyện Phúc Sơn. Trong thời gian qua, lực lượng TNXP Nghệ An đã thực hiện tốt vai trò của mình, dám nghĩ, dám làm, thể hiện năng lực thực tiễn sáng tạo của tổ chức Đoàn trong thực hiện mục tiêu của tỉnh nhằm giải quyết các vấn đề khó khăn tại các vùng núi khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Tại đây, lực lượng TNXP đã thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, tổng diện tích rừng các tổng đội TNXP Nghệ An quản lý bảo vệ và sản xuất là trên 22.638 ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Đồng thời, từ những vùng đất hoang vu, lực lượng này đã tiên phong khai hoang xây dựng thành các vùng cây công nghiệp tập trung như: chè 1.438 ha, mía đường 480 ha, dứa 123 ha; tham gia tốt chương trình phát triển rừng, bảo vệ và trồng rừng trên đạt 40.939 ha.

Nối tiếp truyền thống của các thế hệ TNXP đi trước, lực lượng TNXP – xây dựng kinh tế của tỉnh đã và đang trở thành những mô hình kinh tế – xã hội tại các vùng xung yếu miền Tây Nghệ An. Những đội viên khoác lên mình tấm áo xanh đã và đang miệt mài góp sức mình xây dựng kinh tế, xã hội tại những nơi đơn vị đứng chân, đồng thời trở thành những chốt chặn vùng biên giới; là hình mẫu và làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đồng bào dân tộc vùng cao, góp phần tích cực trong sự phát triển kinh tế – xã hội và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tỉnh nhà. Việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng kinh tế luôn song hành với phát triển văn hoá, giáo dục khi góp phần xây dựng đời sống văn hóa, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu ở các thôn, bản trên địa bàn trú đóng. Đồng thời, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, giáo dục dạy nghề cho học viên cai nghiện và sau cai nghiện ma túy.

Lực lượng TNXP đã tiên phong xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả tại những vùng đất khó khăn của tỉnh. Ảnh: Thanh Quỳnh
Lực lượng TNXP đã tiên phong xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả tại những vùng đất khó khăn của tỉnh. Ảnh: Thanh Quỳnh

P.V: Thời gian qua, có một số Tổng đội Thanh niên xung phong trên địa bàn tỉnh đã phải giải thể. Anh có thể chia sẻ thêm về vấn đề này không?

Anh Nguyễn Đình Thắng: Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong tổ chức và hoạt động của lực lượng TNXP, trên cơ sở Nghị định số 12/2011/NĐ-CP của Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tham mưu trình UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 3051/QĐ-UBND ngày 1/7/2014 phê duyệt Đề án “Kiện toàn tổ chức và hoạt động của lực lượng TNXP – XDKT tỉnh Nghệ An”. Đề án này đã góp phần khắc phục những tồn tại thực tiễn trong tổ chức, hoạt động của mô hình Tổng đội TNXP – XDKT, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục xây dựng và phát triển lực lượng TNXP cũng như giải thể một số Tổng đội TNXP – XDKT đã hoàn thành vai trò.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang thực hiện giải thể 3 Tổng đội TNXP gồm: Tổng đội TNXP 1 giải thể bàn giao về địa phương; Tổng đội TNXP 2 giải thể sáp nhập vào Công ty CP Đầu tư phát triển Cao su Nghệ An; Tổng đội TNXP 3, giải thể chuyển giao cho Công ty CP Đầu tư phát triển nguyên liệu TH vùng Phủ Quỳ.

Đây là những đơn vị TNXP đã hoàn thành vai trò, nhiệm vụ nếu không chuyển sang hoạt động được theo loại hình khác đúng quy định của pháp luật thì việc giải thể đơn vị là điều tất yếu.

Mô hình trồng nghệ của Tổng đội TNXP 9. Ảnh: Tư liệu
Mô hình trồng nghệ của Tổng đội TNXP 9. Ảnh: Tư liệu

P.V: Trong nhịp sống hiện đại với nhiều biến đổi của xã hội, có những thách thức nào mà lực lượng Thanh niên xung phong tỉnh đang phải đối mặt và những giải pháp đặt ra để vượt qua chúng?

Anh Nguyễn Đình Thắng: Trong giai đoạn hiện nay, Thanh niên xung phong Nghệ An đối mặt với những thách thức đáng kể. Một trong những thách thức lớn nhất là tổ chức của TNXP chưa được xác lập một cách rõ ràng, mặc dù đã có Nghị định số 12/2011/NĐ-CP về tổ chức và chính sách đối với TNXP. Việc hoạt động của TNXP Nghệ An tập trung ở vùng đặc biệt khó khăn trong tỉnh, điều này gây ra khó khăn trong công tác quy hoạch và đào tạo cán bộ, dẫn đến việc không thu hút được nguồn nhân sự chất lượng cao vào làm việc trong TNXP. Hơn nữa, thu nhập của viên chức và người lao động trong TNXP vẫn còn thấp, gây khó khăn trong việc giữ chân và thu hút nhân tài.

Để giải quyết những thách thức này, một số giải pháp có thể được đưa ra. Trước tiên, cần tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra và giám sát đối với viên chức và người lao động đang làm việc tại các đơn vị TNXP. Điều này giúp đảm bảo tuân thủ quy định và nâng cao chất lượng công tác của họ. Thứ hai, cần tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để làm việc trong TNXP. Quan trọng cần xem xét các biện pháp để nâng cao thu nhập cho viên chức và người lao động trong TNXP, đảm bảo rằng công việc của họ được công nhận và xứng đáng.

Cuối cùng, cần tiến hành nghiên cứu và đề xuất các biện pháp cụ thể cho Ban Thường vụ Tỉnh đoàn xây dựng và trình phê duyệt Đề án tổ chức lại lực lượng TNXP Nghệ An. Đồng thời, cần phối hợp với Sở Nội vụ để đề xuất việc quy hoạch, đào tạo và luân chuyển cán bộ cho viên chức và người lao động làm việc trong TNXP. Điều này giúp nâng cao năng lực và chất lượng của lực lượng TNXP, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu và nhiệm vụ được giao.

Bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số bắt nhịp với mô hình chế biến tinh bột nghệ tại Tổng đội TNXP 9 (xã Tam Hợp, huyện Tương Dương). Ảnh: Thanh Quỳnh
Bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số bắt nhịp với mô hình chế biến tinh bột nghệ tại Tổng đội TNXP 9 (xã Tam Hợp, huyện Tương Dương). Ảnh: Thanh Quỳnh

P.V: Trong tương lai, lực lượng Thanh niên xung phong tỉnh đặt ra những mục tiêu dài hạn nào?

Anh Nguyễn Đình Thắng: Bước vào giai đoạn mới, từ yêu cầu của thực tiễn, đại diện lực lượng TNXP tỉnh đặt ra mục tiêu trước tiên là phối hợp, tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh đoàn trình phê duyệt Đề án sắp xếp lại tổ chức, bộ máy của lực lượng TNXP Nghệ An theo quy định mới. Đồng thời, tiếp tục xây dựng bộ máy quản lý TNXP có nhiệt huyết, trình độ, năng động, sáng tạo. Từng bước đào tạo về mặt kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, đội viên TNXP và thu hút tri thức trẻ vào làm việc tại các đơn vị của lực lượng TNXP.

Quan trọng hơn, không ngừng nâng cao vai trò xung kích của các Tổng đội TNXP tham gia phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn trú đóng. Hỗ trợ, nhân rộng các mô hình kinh tế, học tập nâng cao kiến thức, tay nghề, định hướng nghề nghiệp, phối hợp chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật, lồng ghép các chương trình phát triển nông – lâm nghiệp, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới.

Đoàn công tác Trung ương Đoàn và Tỉnh đoàn Nghệ An thăm các khu chăn nuôi, trồng trọt của Tổng đội TNXP 9 và các mô hình sản xuất của các đội viên. Ảnh: Quang Huy
Đoàn công tác Trung ương Đoàn và Tỉnh đoàn Nghệ An thăm các khu chăn nuôi, trồng trọt của Tổng đội TNXP 9 và các mô hình sản xuất của các đội viên. Ảnh: Quang Huy

Cuối cùng, đối với những đối tượng yếu thế, cần được hỗ trợ sau cai nghiện, lực lượng Thanh niên xung phong cũng đề ra mục tiêu sẽ hỗ trợ họ tổ chức thực hiện cai nghiện, giáo dục dạy nghề và tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện ma túy.

P.V: Anh có những lời khuyên hoặc thông điệp gì muốn chia sẻ với những người trẻ đang có mong muốn tham gia lực lượng Thanh niên xung phong để cống hiến và trưởng thành?

Anh Nguyễn Đình Thắng: Ngày nay, trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, tuổi trẻ cả nước nói chung, Nghệ An nói riêng đã và đang tiếp tục phát huy truyền thống quý báu của các thế hệ cha anh, bắt nhịp nhanh với điều kiện mới, có ý chí vươn lên lập thân, lập nghiệp, xung kích, sáng tạo. Nhiều tấm gương thanh niên tiêu biểu trong học tập, lao động sản xuất, làm kinh tế, trong hoạt động văn hoá – xã hội, khoa học kỹ thuật, trong bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội… đã góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang và niềm tự hào về thế hệ trẻ Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới.

Đồng chí Ngô Văn Cương - Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đoàn thăm và tặng quà gia đình 2 đội viên làm kinh tế giỏi của Tổng đội TNXP 9. Ảnh: Quang Huy
Đồng chí Ngô Văn Cương - Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đoàn thăm và tặng quà gia đình 2 đội viên làm kinh tế giỏi của Tổng đội TNXP 9. Ảnh: Quang Huy

Từ thực tiễn sinh động đó, tôi tin tưởng rằng sẽ có nhiều thanh niên sẵn sàng vượt khó để có mặt ở mọi nơi gian khổ. Bởi nói đến Thanh niên xung phong là xác định sẽ làm việc ở những địa bàn còn nhiều thiếu thốn. Dẫu vậy, sau những khó khăn là niềm vui, niềm hạnh phúc khi chứng kiến những vườn cây xanh tốt phủ trống đồi trọc, là sự tin yêu của bà con dân bản, là nụ cười hạnh phúc sau những vụ mùa bội thu nơi sơn cùng thủy tận. Vì thế, đối với các bạn trẻ lựa chọn môi trường thanh niên xung phong thì chắc chắn đó sẽ là nơi tuyệt vời để cống hiến, rèn luyện và trưởng thành. Giống như lời Bác Hồ đã dạy: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”.

P.V: Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!