Gian nan cuộc chiến phòng chống tội phạm ở khu vực biên giới

Nghệ An có đường biên giới bộ dài 468,281km, tiếp giáp 3 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bôlykhămxay (Lào). Tỉnh có Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, Cửa khẩu Quốc gia Thanh Thủy, 3 cửa khẩu phụ (Thông Thụ, Tam Hợp, Cao Vều) và nhiều đường mòn, lối mở.

Khu vực biên giới Tây Nghệ An. Ảnh: Google Maps
Khu vực biên giới Tây Nghệ An. Ảnh: Google Maps

Lợi dụng địa hình biên giới rừng núi hiểm trở, các đối tượng tội phạm ở nội, ngoại biên cấu kết với nhau, hình thành nhiều đường dây vận chuyển ma túy từ Lào về tập kết tại các bản sát biên giới, chờ thời cơ để thẩm lậu qua Việt Nam. Sau đó đưa đi các tỉnh, thành trong nước tiêu thụ. Quá trình hoạt động, các đối tượng triệt để lợi dụng các mối quan hệ thân tộc, dân tộc, dòng họ, trình độ nhận thức hiểu biết pháp luật còn hạn chế và sự hám lợi về vật chất để thuê người trên địa bàn thông thuộc địa hình vận chuyển ma túy qua biên giới. Trước nguy cơ hiện hữu, Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã phối hợp với lực lượng chức năng triển khai nhiều giải pháp đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm ma tuý. Nhiều đường dây, ổ nhóm tội phạm bị triệt xóa.

Các đối tượng Xồng Tồng Xò và Xồng Tếnh cùng tang vật. Ảnh tư liệu: Anh Bách
Các đối tượng Xồng Tồng Xò và Xồng Tếnh cùng tang vật. Ảnh tư liệu: Anh Bách

Điển hình vào hồi 09 giờ 30 phút, ngày 25/01/2023, tại khu vực bản Piềng Cọoc, xã Mai Sơn (Tương Dương), Lực lượng đánh án bắt 02 đối tượng Xồng Tồng Xò và Xồng Tếnh cùng trú tại bản Phà Đánh, huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn (Lào); thu 12 kg nhựa cây thuốc phiện và 12.000 viên MTTH dạng hồng phiến. Tiếp đó, vào lúc 19 giờ 45 phút, ngày 21/02/2023, tại khu vực bản Tiền Tiêu, xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn), lực lượng đánh án bắt quả tang 02 đối tượng Chơ Già và Chu Già đều trú tại bản Xắn Nhôm, cụm bản Thăm Thao, huyện Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) đang có hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy. Tang vật thu giữ 54.000 viên MTTH dạng hồng phiến.

Lực lượng biên phòng lấy lời khai của 2 đối tượng mua bán ma túy Xồng Tồng Xò và và Xồng Tếnh. Ảnh tư liệu: Anh Bách
Lực lượng biên phòng lấy lời khai của 2 đối tượng mua bán ma túy Xồng Tồng Xò và và Xồng Tếnh. Ảnh tư liệu: Anh Bách

Vào khoảng 5 giờ 15 phút ngày 26/6/2023, tại bản Phà Khốm, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, lực lượng đánh án tiếp tục phát hiện, bắt quả tang đối tượng Thò Công Minh, trú tại bản Phà Khốm, xã Tri Lễ (Quế Phong) có hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Tang vật thu giữ 4.000 viên MTTH dạng hồng phiến.

Đối tượng Thò Công Minh mua bán, vận chuyển 4.000 viên ma túy tổng hợp qua biên giới. Ảnh tư liệu: Anh Bách
Đối tượng Thò Công Minh mua bán, vận chuyển 4.000 viên ma túy tổng hợp qua biên giới. Ảnh tư liệu: Anh Bách

Mặc dù thủ đoạn hoạt động của các đối tượng  hết sức tinh vi, xảo quyệt và liều lĩnh, sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng chống trả quyết liệt các lực lượng chức năng khi bị phát hiện, thế nhưng quá trình tổ chức triển khai phá án đảm bảo tuyệt đối an toàn về người, vũ khí trang bị.

Bên cạnh tội phạm ma tuý, lợi dụng điều kiện khó khăn về kinh tế và sự thiếu hiểu biết của người dân khu vực biên giới, tội phạm mua bán người thường lừa gạt, dụ dỗ những phụ nữ nhẹ dạ để bán sang nước ngoài với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Bởi vậy, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng cả tiếng phổ thông và tiếng đồng bào, các Đồn Biên phòng tuyến biên giới bộ đã phối hợp với lực lượng chức năng xác lập nhiều chuyên án đấu tranh với tội phạm mua bán người. Điển hình vào tháng 12/2023, Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP), Bộ đội Biên phòng Nghệ An phối hợp với Đoàn Đặc nhiệm PCMT&TP miền Bắc (Cục PCMT&TP) và Đồn Biên phòng Mỹ Lý bắt giữ 03 đối tượng: Vi Thị Viên trú xã Lưu Kiền (Tương Dương), tạm trú tại phường Văn Đẩu, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng; Kha Văn Ngọc trú xã Lạng Khê (Con Cuông) và Lô Thị Thuyên trú tại xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn) có hành vi mua bán người. Nạn nhân là chị Hung Thị U. trú tại bản Xốp Tụ, xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn.

Ba đối tượng mua bán người bị Bộ đội Biên phòng Nghệ An bắt giữ. Ảnh tư liệu: Hải Thượng
Ba đối tượng mua bán người bị Bộ đội Biên phòng Nghệ An bắt giữ. Ảnh tư liệu: Hải Thượng

Địa bàn khu vực biên giới là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, đời sống kinh tế khó khăn… tiềm ẩn nguy cơ tội phạm mua bán người nảy sinh và diễn biến phức tạp. Qua công tác nắm tình hình hiện vẫn còn nhiều phụ nữ, trẻ em gái vắng mặt không rõ lý do nghi bị mua bán. Mặt khác, một số nạn nhân sau khi được giải cứu hoặc tự trở về có tâm lý tự ti, mặc cảm nên không dám tố giác tội phạm. Các đối tượng tội phạm mua bán người chủ yếu sinh sống ở nước ngoài và hoạt động hết sức tinh vi, có sự cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng trong nước tại nhiều địa bàn khác nhau nên công tác điều tra, xác minh, đấu tranh, xử lý gặp nhiều khó khăn.

BĐBP Nghệ An lấy lời khai các đối tượng phạm tội mua bán người. Ảnh tư liệu: Hải Thượng
BĐBP Nghệ An lấy lời khai các đối tượng phạm tội mua bán người. Ảnh tư liệu: Hải Thượng

Bên cạnh đó hiện tại đã xuất hiện thủ đoạn lừa sang Lào, Campuchia làm việc với mức lương cao, công việc không nặng nhọc, chỉ yêu cầu biết sử dụng và ngồi máy tính. Sau đó thảo hợp đồng rồi ép buộc lao động trong các đặc khu do người Trung Quốc làm chủ, bắt nạn nhân làm việc nhiều giờ hoặc bắt nạn nhân liên lạc với gia đình để đòi tiền chuộc với số lượng tiền lớn khoảng từ 200 triệu đến 300 triệu VNĐ.

Do vậy công tác tuyên truyền cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, bên cạnh đó, cấp uỷ, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng cần nhân rộng mô hình sinh kế, đẩy mạnh công tác dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng… góp phần ổn định cuộc sống, ổn định thu nhập, giảm nguy cơ, rủi ro mua bán người.

Đồn Biên phòng Thông Thụ (Quế Phong) khắc phục địa hình hiểm trở tuần tra biên giới; Trang thiết bị được lực lượng tuần tra của BĐBP Nghệ An sử dụng để định hướng đường tuần tra; Đồn Biên phòng Cửa khẩu Thanh Thủy (Thanh Chương) dùng dây thừng để leo núi trên đường tuần tra. Ảnh: Hải Thượng
Đồn Biên phòng Thông Thụ (Quế Phong) khắc phục địa hình hiểm trở tuần tra biên giới; Trang thiết bị được lực lượng tuần tra của BĐBP Nghệ An sử dụng để định hướng đường tuần tra; Đồn Biên phòng Cửa khẩu Thanh Thủy (Thanh Chương) dùng dây thừng để leo núi trên đường tuần tra. Ảnh: Hải Thượng

Để phòng ngừa tội phạm và các hoạt động vi phạm pháp luật, trong đó có hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa trên khu vực biên giới, các đơn vị biên phòng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát đường mòn, lối mở, hoạt động xuất, nhập cảnh ở cửa khẩu. Qua đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động vận chuyển pháo nổ, vận chuyển tiền tệ, lâm sản, khoáng sản, mua bán gia súc (trâu, bò) trái phép qua biên giới.

Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn (Bộ đội Biên phòng Nghệ An) làm việc với đối tượng có hành vi vận chuyển gia súc qua biên giới trái phép. Ảnh tư liệu: Lê Thạch
Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn (Bộ đội Biên phòng Nghệ An) làm việc với đối tượng có hành vi vận chuyển gia súc qua biên giới trái phép. Ảnh tư liệu: Lê Thạch

Điển hình vào hồi 22 giờ 15 phút, ngày 15/3, tại khu vực cổng trời thuộc bản Tiền Tiêu, xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn), tổ công tác của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn phối hợp Công an huyện Kỳ Sơn, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn phát hiện ông Nguyễn Hùng Sơn trú tại xã Nghĩa Hợp, huyện Tân Kỳ vận chuyển 17 con bò cái còn sống, không có giấy tờ nhập khẩu, kiểm dịch theo quy định. Qua điều tra, xác minh: Khoảng đầu tháng 3/2024, Nguyễn Hùng Sơn xuất cảnh sang Lào mua 17 con bò sữa (đã thải loại) và liên lạc, thoả thuận với một đối tượng vận chuyển bằng đường tiểu ngạch qua biên giới với chi phí 1.000.000 kíp (Lào)/1 con. Ngày 15/3, ông Sơn thuê xe tải của người Lào chở 17 con bò đã mua về đến bản Đỉn Đăm, cụm bản Noọng Hét Tạy, huyện Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng và thuê người dân Lào dắt đi theo đường mòn qua biên giới về Việt Nam, khi đến địa điểm nói trên thì bị lực lượng chức năng bắt giữ.

Số bò vận chuyển trái phép qua biên giới thuộc địa bàn xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn) bị lực lượng chức năng bắt giữ. Ảnh tư liệu: Lê Thạch
Số bò vận chuyển trái phép qua biên giới thuộc địa bàn xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn) bị lực lượng chức năng bắt giữ. Ảnh tư liệu: Lê Thạch

Một số vụ việc liên quan đến hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép ở khu vực biên giới cũng được phát hiện, xử lý kịp thời. Điển hình vào ngày 23/3/2024, tại khu vực đường Quốc lộ 16 thuộc bản Na Niếng, xã Tri Lễ (Quế Phong), Đồn Biên phòng Tri Lễ, Phòng Phòng chống ma tuý và tội phạm (BĐBP Nghệ An) chủ trì phối hợp Công an huyện Quế Phong, Công an xã Tri Lễ phát hiện 10 người mang theo nhiều đồ dùng sinh hoạt có ý định đi các tỉnh phía Nam làm ăn, có biểu hiện nghi vấn. Trong đó 08 người có Quốc tịch Lào (4 người lớn và 4 trẻ em), không có các loại giấy tờ tùy thân, giấy tờ xuất nhập cảnh. Qua điều tra, xác minh đối tượng Xồng Bá Tồng trú tại bản Mường Lống, xã Tri Lễ là người tổ chức cho các công dân Lào ở lại Việt Nam trái phép để thu lợi bất chính với giá 1 người lớn là 1,5 triệu đồng.

Các đối tượng trong đường dây tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép để thu lợi bất chính bị bắt tại Đồn Biên phòng Tri Lễ ( Quế Phong). Ảnh tư liệu: Hải Thượng
Các đối tượng trong đường dây tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép để thu lợi bất chính bị bắt tại Đồn Biên phòng Tri Lễ ( Quế Phong). Ảnh tư liệu: Hải Thượng

Hiện, Đồn Biên phòng Tri Lễ đã khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật và tiếp tục mở rộng điều tra, đấu tranh với các đối tượng có liên quan.

Theo đánh giá chung, do nằm gần với khu vực “Tam giác vàng” có lượng ma túy được sản xuất, điều chế lớn và do siêu lợi nhuận từ ma túy mang lại nên hoạt động của tội phạm ma tuý ở khu vực biên giới phía Tây của tỉnh vẫn diễn biến phức tạp. Hoạt động mua bán ma tuý thường diễn ra ở khu vực có địa hình rừng núi hiểm trở, đường độc đạo gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong tổ chức triển khai các chuyên án, vụ án. Bên cạnh đó, tình hình khai thác lâm sản trái pháp luật, xuất nhập cảnh trái phép, vi phạm quy chế biên giới, vi phạm về pháo, sử dụng chất nổ, kích điện đánh bắt cá trên sông, suối biên giới… vẫn còn xảy ra.

Bộ đội Biên phòng Nghệ An bàn phương án phòng chống tội phạm. Ảnh tư liệu: Hải Thượng
Bộ đội Biên phòng Nghệ An bàn phương án phòng chống tội phạm. Ảnh tư liệu: Hải Thượng

Tại Hội nghị rút kinh nghiệm công tác đấu tranh phòng, chống ma túy và tội phạm trên khu vực biên giới đất liền tổ chức vào ngày 23/3/2024, Đại tá Dương Hồng Hải – Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Nghệ An yêu cầu các đơn vị trực thuộc chủ động làm tốt các mặt công tác; sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nắm chắc tình hình hoạt động của các loại tội phạm; tập trung kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ địa bàn khu vực biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở; đấu tranh ngăn chặn, triệt phá các đường dây, ổ nhóm tội phạm. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ở khu vực biên giới không tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật hoặc bao che, tiếp tay cho tội phạm; tích cực tố giác các đối tượng phạm tội. Đồng thời, đẩy mạnh công tác phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương, lực lượng bảo vệ biên giới của nước bạn Lào nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng, chống các loại tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự khu vực biên giới.

Đồn Biên phòng Môn Sơn (Con Cuông) tuần tra trên Sông Giăng. Ảnh tư liệu: Lê Quang Dũng
Đồn Biên phòng Môn Sơn (Con Cuông) tuần tra trên Sông Giăng. Ảnh tư liệu: Lê Quang Dũng