Báo Miền Tây Nghệ An

Đầu năm 1962, sau khi Tỉnh ủy Nghệ An thành lập Ban Chỉ đạo Miền Tây – cơ quan của Tỉnh ủy đóng tại Nghĩa Đàn chuyên trách việc chỉ đạo, lãnh đạo 9 huyện miền núi gồm (Kỳ Sơn, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Con Cuông, Anh Sơn, Tương Dương).

Báo Miền Tây Nghệ An là cơ quan ngôn luận của Ban Chỉ đạo Miền Tây do đồng chí Lữ Hùng – Phó Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên huấn Miền Tây phụ trách, đồng chí Đặng Loan làm Tổng Biên tập. Báo Miền Tây Nghệ An in khổ 30cm x 42 cm, 4 trang, 2 màu, ra hàng tuần, phát hành bao cấp đến tận tổ đảng, trưởng bản.

Báo Miền Tây Nghệ An có nhiệm vụ chủ yếu là phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước liên quan đến miền núi và dân tộc ít người; phát hiện nhân tố mới, nêu gương người tốt việc tốt, giới thiệu kinh nghiệm của các đơn vị tiên tiến; dự báo xu thế phát triển, kiến giải các vấn đề có tầm chiến lược về bước phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh ở miền núi Nghệ An; động viên đồng bào các dân tộc đoàn kết, thi đua đẩy mạnh mọi mặt sản xuất, tổ chức đời sống văn hóa mới, đấu tranh chống tiêu cực và mọi âm mưu phá hoại của địch.

Đặc điểm, tình hình nêu trên đòi hỏi phóng viên của báo phải thấu suốt đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật và cơ chế, chính sách của Nhà nước, có ý chí, nghị lực cao, luôn đi đến các bản làng, lắng nghe ý kiến nhân dân, tự thống kê, ghi chép, phân tích tình hình để phát hiện nhân tố mới, dự báo xu thế diễn biến của tình hình. Có những phóng viên sau 3 năm công tác đã đi đến tất cả các xã trong 9 huyện miền núi, đi suốt các bản dọc biên giới Việt – Lào từ Quế Phong qua Tương Dương, Con Cuông, nói thạo tiếng Thái, và biết một số tiếng các dân tộc khác, vừa viết báo, vừa làm công tác tuyên truyền, dân vận, sưu tầm được nhiều huyện cổ tích, tục ngữ, dân ca của các dân tộc miền núi.

Toà soạn báo Miền Tây Nghệ An tổ chức lực lượng cộng tác viên gần 60 người và lực lượng thông tin viên gần 200 người. Hầu hết cộng tác viên là cán bộ các phòng trong cơ quan Ban Chỉ đạo Miền Tây, cán bộ lãnh đạo các huyện, các nhà khoa học công tác tại Trung tâm thí nghiệm cây nhiệt đới Phủ Quỳ, các nông trường, lâm trường, xí nghiệp, trường đào tạo công nhân kỹ thuật, trường phổ thông trung học, các đơn vị quân đội, đồn biên phòng và những người làm công tác văn hóa trong tỉnh. Mỗi năm 2 kỳ tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cộng tác viên, thông tin viên tại các cụm, lấy nông trường, lâm trường, xí nghiệp làm chỗ dựa về vật chất.

Hàng tháng, Tòa soạn báo Miền Tây Nghệ An lập đề cương tuyên truyền, gửi tới các cộng tác viên chủ chốt và đặt bài, nêu rõ chủ đề, bố cục, số chữ, hẹn ngày nhận cụ thể. Hầu hết các Chánh Văn phòng Huyện ủy, Ủy ban nhân dân các huyện tự nguyện cung cấp đều đặn tin tức về tình hình kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, các chỉ thị, nghị quyết, báo cáo tổng kết của huyện về tòa soạn. Biên tập viên tổng hợp các tin này đăng trong mục “Từ Nậm Mộ đến sông Hiếu”.

Báo Miền Tây Nghệ An có đủ chuyên mục về tin tức, thời sự trong tỉnh, trong nước, thế giới; Thời sự chính sách, Khoa học kỹ thuật; Người tốt, việc tốt, mẩu chuyện vui; Tranh vui. Bài và tin thường kèm theo ảnh. số nào cũng có phóng sự ảnh. Các bài ngắn giới thiệu kinh nghiệm hoạt động của các hợp tác xã, các lâm trường, xí nghiệp, cơ quan. Nhiều bài phóng sự điều tra giới thiệu kinh nghiệm của các điển hình tiên tiến trong nông nghiệp, nông thôn như: Hợp tác xã Hạnh Minh Khai (Quỳ Châu) thâm canh lúa trên ruộng bậc thang; Hợp tác xã Diềm Bày (Quỳ Hợp) cải tạo mặt bằng đồng ruộng; Hợp tác xã Nghĩa Long (Nghĩa Đàn) triển khai quy hoạch thủy nông kết hợp với bố trí mùa vụ thâm canh. Hợp tác xã Hua Nà (Con Cuông) đấu tranh tư tưởng để bắc mạ thưa; xã Tam Quang (Tương Dương) kiến thiết ruộng bậc thang.

Thời kỳ này, hình thức tổ chức, quản lý của các nông trường, lâm trường quốc doanh được coi là mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa. Báo Miền Tây Nghệ An đăng những bài giới thiệu cách xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, thực hiện giao khoán, nghiệm thu kết quả lao động, trả lương theo sản phẩm của nông trường Tây Hiếu, Đông Hiếu, 19/5, 1/5 lâm trường Quỳ Châu, lâm trường Nghĩa Đàn… Báo đăng nhiều bài nói về vai trò trung tâm, điểm tựa của các nông, lâm trường trong sự phát triển kinh tế văn hóa miền núi.

Các điển hình tiên tiến trên báo được cán bộ tuyên huấn, các báo cáo viên nắm vững và phổ biến kinh nghiệm, để nhiều người, nhiều xóm, bản làm theo. Các bài viết về Hợp tác xã Hua Nà, Hạnh Minh Khai, Nghĩa Long được Ban Tuyên giáo Trung ương chọn là những bài tốt trong chương trình tuyên truyền về miền núi và các dân tộc. Ảnh máy xát cà phê khô do xưởng 250 Phủ Quỳ sản xuất do Quốc Bảo chụp được giải Tư ảnh báo chí toàn quốc năm 1964 và chọn trưng bày ảnh nghệ thuật toàn quốc năm 1964.

Mồng 2/8/1964, máy bay Mỹ ném bom, bắn phá bản Noọng Dẻ, xã Nậm cắn (Kỳ Sơn), báo Miền Tây Nghệ An kịp thời đưa tin tố cáo tội ác giặc Mỹ, nêu gương tinh thần dũng cảm chiến đấu của bộ đội biên phòng và dân quân địa phương. Bài: “Chị Phôm Ma dũng cảm chữa cháy trong bom đạn” đăng trên báo Miền Tây Nghệ An được Bác Hồ đọc và gửi tặng huy hiệu của Người cho chị Phôm Ma. Đây là chiếc Huy hiệu đầu tiên của Người gửi tặng “Người tốt, việc tốt” trong cuộc kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc. Trong trận bom Mỹ đánh vào vùng kho Cát Mộng (Nghĩa Đàn) ngày 25/3/1965, báo Miền Tây có phóng viên trực tiếp theo dõi chiến sự, viết bài tường thuật, nêu gương các chiến sĩ quân đội, dân quân làng Đong phối hợp chiến đấu bảo vệ vũ khí, kho tàng. Những ngày sau đó Bác Hồ gửi thư khen dân quân làng Đong. Gương nhân viên bưu điện Phạm Khắc Thuận dũng cảm vượt qua bom từ trường ở Khe Kiền đưa thư báo lên vùng cao đăng trên báo Miền Tây Nghệ An được Bác Hồ đọc và gửi tặng huy hiệu của Người. Báo giới thiệu cụ Hà Văn Quận 102 tuổi vẫn vận động con cháu tích cực sản xuất, được Bác Hồ gửi tặng áo lụa.

Trong chiến tranh phá hoại, phóng viên báo Miền Tây Nghệ An chia nhau bám sát các địa bàn trọng điểm, chụp ảnh, viết tin, bài kịp thời. Những trận thắng lớn không kịp ra báo thì in tờ rơi phát hành khắp nơi.

Nhà in Nghệ An sơ tán lên Nam Đàn, Tân Kỳ… phóng viên báo Miền Tây Nghệ An đi xe đạp đưa ma-két đến, in xong, tự chở báo giao cho Bưu điện phát hành.

Đầu năm 1966, máy bay Mỹ đánh phá ngày càng ác liệt, báo cùng với ban Chỉ đạo Miền Tây sơ tán về làng Trù xã Nghĩa Khánh – một làng quê hẻo lánh gần đường chiến lược 15A, bên bờ sông Hiếu. Sáng 23/5/1966, để theo dõi và đưa tin tình hình chiến sự, Tổng Biên tập Đặng Loan và cán bộ phát hành Nguyễn Văn Thông từ nơi sơ tán về cơ quan ở làng Trù (cách xa 12 km).

Trong khi các đồng chí đang dùng điện thoại liên lạc với các cơ quan trong vùng trọng điểm triển khai kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hợp đồng chiến đấu bảo vệ vùng trời và hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do bom đạn giặc gây ra thì máy bay Mỹ từ nhiều hướng, nhiều tốp ập tới, trút bom dữ dội xuống toàn vùng Tây Hiếu gồm trụ sở cơ quan ban Chỉ đạo Miền Tây, xưởng 250 B, trường Trung cấp nông trường, Nông trường bộ Tây Hiếu, Bệnh viện Hữu Nghị, Trung tâm khảo nghiệm cây nhiệt đới Phủ Quỳ, xưởng chế biến cà phê, cao su… Các lực lượng phòng không trực chiến của toàn vùng Tây Hiếu có pháo cao xạ, phối hợp với súng bộ binh tầm thấp, chiến đấu rất dũng cảm, bắn rơi 3 máy bay Mỹ. về phía ta, nhiều nhà xưởng, trụ sở, cửa hàng, cơ quan, nhà dân bị bom đạn giặc Mỹ phá hủy gần như tan tành, hàng chục người chết và bị thương. Tổng Biên tập Đặng Loan và cán bộ phát hành Nguyễn Văn Thông hy sinh trong trận bom này. Nghe tin, Hội Nhà báo Việt Nam ngay sau đó đã điện thăm hỏi và cử cán bộ vào tận nơi chia buồn. Cán bộ, phóng viên còn lại nén đau thương, dũng cảm hoạt động nghề nghiệp, bảo đảm cho tờ báo phát hành đều đặn với chất lượng ngày càng cao.

Cuối năm 1967, máy bay Mỹ đánh phá ngày càng ác liệt, tỉnh chia ban Chỉ đạo Miền Tây Nghệ An thành hai bộ phận: ban Miền Tây – Tây Bắc và ban Miền Tây – Tây Nam, bám sát tuyến đường 7 và đường 48 chỉ đạo các hoạt động kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh ở các huyện miền núi.

Cuối năm 1967, báo Miền Tây Nghệ An sáp nhập vào Báo Nghệ An. Cán bộ phóng viên báo Miền Tây làm chuyên trang với nội dung, hình thức như cũ, nhưng đổi tên là “Nghệ An miền núi”.

Gần một năm sau, do khó khăn về ngân sách, thiếu người, tình hình chiến tranh ngày càng ác liệt, nội dung của tờ chuyên trang Nghệ An miền núi gộp tất cả vào Báo Nghệ An. Báo Nghệ An ra thêm mỗi tuần một kỳ, phần phát hành lên các huyện miền núi vẫn theo chế độ bao cấp như cũ.


Nguồn: Lịch sử Báo Nghệ An (1961 – 2011) – NXB Nghệ An, tháng 11/2011
Ảnh: Tư liệu