Các tờ báo của tỉnh Nghệ An, Liên khu IV từ 1945 đến trước ngày Báo Nghệ An ngày nay ra đời

Mặt trận Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh được thành lập ngày 19/5/1945 tại Vinh trong khi tỉnh nhà có mặt 1 vạn tên phát xít Nhật.

Phong trào quần chúng sau những năm 30 mặc dù có giai đoạn thoái trào do địch khủng bố, đàn áp nhưng vẫn chất chứa những con sóng ngầm. Khi có ngọn cờ Việt Minh vẫy gọi, trong hoàn cảnh thực dân Pháp bị phát xít Nhật đánh gục, bộ máy tay sai mới của Nhật còn non yếu, nhất là ở cấp cơ sở, quần chúng đứng dậy ở nhiều nơi chống thu thuế, chống bắt phu, chống âm mưu của Nhật mua thóc, trồng đay,…

Nắm bắt thời cơ mới, cùng một số nhiệm vụ cách mạng khẩn trương khác, Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh xuất bản tờ báo Kháng Địch – một tờ báo cách mạng trong tình thế mới. Lúc này dòng báo chí phản động, tay sai của thực dân Pháp tại Nghệ An đã tiêu vong.

Báo Kháng Địch ra số 1 ngày 15/6/1945 ở Vinh. Bài xã luận đầu tiên có đoạn: “Không quá lạc quan đến chỗ ỷ lại vào Đồng minh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, phải nhớ rằng tự do không phải xin là được, nền độc lập của Tổ quốc phải do xương máu của dân tộc đắp xây trước hết. Toàn thể quốc dân, không phân biệt đẳng cấp, tôn giáo, hãy mạnh bạo gia nhập hàng ngũ Việt Minh để trừ phát xít Nhật, kẻ thù số 1 của nước ta và phá tan mưu mô khôi phục chính quyền của đế quốc Pháp ở xứ này. Không lúc nào bằng lúc này, chúng ta phải sát cánh dưới lá cờ của Việt Minh, chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa để cướp lấy chính quyền, giải phóng Tổ quốc, dựng nên một nền độc lập chuyên chính, hoàn toàn cho nước Việt Nam”.

Ngày 21/8/1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân Nghệ An thắng lợi. Báo “Kháng Địch” ca ngợi thắng lợi huy hoàng của Cách mạng tháng Tám trong cả nước và ở Nghệ An. Tiếp đó, báo đăng những bài viết động viên các tầng lớp nhân dân tỉnh nhà ra sức xây dựng chính thể mới, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đẩy mạnh sản xuất chống đói, chống giặc dốt và sẵn sàng chống giặc ngoại xâm.

Do sự tráo trở của thực dân Pháp đối với nước ta, tình hình cả nước trở nên hết sức nghiêm trọng. Ngày 19/12/1946, Hồ Chủ tịch kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống Pháp, giữ vững nền độc lập tự do vừa giành được, cả nước trong hoàn cảnh từ hòa bình chuyển sang chiến tranh. Ngay trong đêm 19/12/1946, lực lượng vũ trang của ta ở Vinh nhanh chóng tập kích bắt gọn một trung đội lính Pháp ở trại Ba Bò (Vinh) và chiếc máy bay của chúng đậu ở sân bay Yên Đại (Nghi Lộc). Đòn phủ đầu của ta rất giá trị. Báo “Kháng Địch” kịp thời cổ vũ chiến công đặc biệt đó của quân dân ta.

Trong cục diện chung của cả nước, quân dân Nghệ An hăng hái bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, ráo riết công tác bố phòng, khẩn trương di chuyển các cơ quan, xí nghiệp. Nhà in báo “Kháng Địch” phải di chuyển về vùng ATK cách Vinh hàng trăm cây số. Đây cũng là tình thế báo “Kháng Địch” không còn cơ sở in ấn. “Kháng Địch” kết thúc nhiệm vụ vẻ vang của mình.

Sau tờ báo “Kháng Địch” một thời gian khá dài, khi cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc bước vào giai đoạn phản công, lãnh đạo tỉnh cho xuất bản tờ báo “Truyền Thanh” thuộc Ty Thông tin Nghệ An, xuất bản từ 1953 – 1954.

Báo in typo (máy in Mynec) khổ rộng bằng tờ “Kháng Địch” phát hành rộng rãi tới tận các xã, xóm trong tỉnh, không định giá báo.

Tờ báo “Truyền Thanh” là vũ khí giáo dục chính trị, tư tưởng cùng cả tỉnh đi vào cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc chống quân xâm lược Pháp.

Bảo đảm điều kiện xuất bản báo nhanh, kịp thời với nội dung thông tin phong phú, Ty Thông tin lập bộ phận “Tăng-đem” (Tandem) dùng xe đạp 2 chỗ ngồi quay phát điện cho máy thu thanh cung cấp tin tức hàng ngày cho báo. Tờ “Truyền Thanh” phải bảo đảm cung cấp tin thời sự trong và ngoài nước, hàng ngày, hàng tuần, do hoàn cảnh chiến tranh, báo chí Trung ương không vào đến Nghệ An trong lúc độc giả trong tỉnh cần và yêu cầu đáp ứng những thông tin về cuộc kháng chiến chống Pháp, về tin tức trong tỉnh, “Truyền Thanh” vẫn giữ được sự cân đối giữa mục sản xuất và chiến đấu, bảo vệ hậu phương và phục vụ tiền phương, hoạt động kinh tế với văn hóa xã hội. Giai đoạn này Đảng chưa ra công khai nên không có mục xây dựng Đảng. Trước các sự kiện nổi bật, tờ “Truyền Thanh” vẫn phản ánh kịp thời các vụ việc xảy ra, như vụ giặc Pháp đổ bộ ở Quỳnh Lưu (1949) các vụ địch ném bom giết hại đồng bào ta ở Nam Đàn, Đô Lương (1950), Báo “Truyền Thanh” kịp thời có các tin, bài vạch rõ tội ác dã man của giặc Pháp, giáo dục nâng cao tinh thần cảnh giác và chí căm thù giặc trong nhân dân.

Về nhân dân tham gia kháng chiến, tờ “Truyền thanh” liên tục có tin bài phản ánh và cổ vũ phong trào mua công phiếu kháng chiến, hũ gạo nuôi quân, thuế công thương, bám sát phong trào quần chúng tham gia các đợt dân công phục vụ hỏa tuyến từ Bình Trị Thiên, hạ Lào đến Hà Nam Ninh… phát huy các điển hình tiên tiến trong dân công: Anh Sơn, Thanh Chương, xã Hợp Châu, đội thồ, xe đạp chuyển lương thực lên Tây Bắc… Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tờ “Truyền Thanh” đã nêu rõ thắng lợi của ta tại Hội nghị Giơ-ne-vơ (tháng 7/1954), cổ động niềm vui miền Bắc giải phóng, nửa nước hòa bình, tự do, đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trong vòng một năm (tháng 8/1954 đến tháng 8/1955), tờ “Truyền Thanh” đã góp tiếng nói vào nhiệm vụ tuyên truyền chống địch dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào công giáo di cư vào Nam. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vạch rõ âm mưu, thủ đoạn xảo trá của địch, từng bước nêu gương tốt những đồng bào tự nguyện ở lại xây dựng quê hương… Giữa năm 1955, tình hình chung ổn định dần trên các mặt đời sống, phát triển sản xuất, đảm bảo an ninh trật tự nông thôn.

Vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Từ tháng 3/1955 đến tháng 6/1956 ở tỉnh nhà đã kinh qua hai đợt cải cách ruộng đất (đợt 3 và đợt 4) tại 336 xã (trong đó có 33 xã miền núi), “Truyền Thanh” đã kịp thời phát huy mặt thắng lợi của cải cách ruộng đất, trên 10 vạn mẫu ruộng, 1 vạn con trâu, 8 nghìn rưỡi tấn thóc… đánh dấu thắng lợi quyết định xóa bỏ giai cấp địa chủ bóc lột, đem lại sự đổi đời quan trọng cho giai cấp nông dân. Từ phận tôi đòi, họ đã trở thành người chủ có ruộng cày. Về sai lầm trong cải cách ruộng đất, “Truyền Thanh” có nêu những bài học kinh nghiệm, biểu dương những địa phương hoàn thành tốt cải cách ruộng đất qua sửa sai.

Tờ “Truyền Thanh” phát hành về tận các xã, có nơi đến thôn và được Ban Thông tin xã, thôn dùng làm tài liệu chính trong buổi phát thanh và trên các bản tin ở xóm, làng. Đêm đêm, trên một cụm, xóm, làng vào thời điểm nhất định, các chòi phát thanh đua nhau phát đi các dòng tin thời sự, chủ yếu là của tờ “Truyền Thanh”, nhờ vậy đông đảo quần chúng nông thôn trở thành thính giả của “Truyền Thanh”. Chủ bút tờ “Truyền Thanh” là ông Trần Văn Sơn, một trí thức làm việc đầy trách nhiệm và nhiệt tình. Cạnh đó có một số cán bộ biên tập tận tụy.

Vào thời điểm chuyển trọng tâm nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, Tỉnh ủy Nghệ An chỉ đạo các ngành tăng cường nâng cao đời sống văn hóa, thông tin. Bộ đội địa phương và dân quân tự vệ Nghệ An xuất bản tờ “Giữ Làng”. Báo “Giữ Làng” ra số đầu vào cuối tháng 4/1950. Nhà văn Hoàng Minh Châu làm Thư ký tòa soạn.

Ngành bình dân học vụ của Ty Giáo dục Nghệ An cũng xuất bản nội san “Dân học”, hướng dẫn nghiệp vụ tổ chức hộ thống giáo dục bổ túc văn hoa, kinh nghiệm giảng dạy và điển hình học tập của các tầng lớp nhân dân trong phong trào xóa nạn mù chữ.

Cùng với những tờ báo  địa phương do Tỉnh ủy Nghệ An quản lý, chỉ đạo nội dung xuất bản và phát hành, cơ quan Liên khu ủy, các ngành trực thuộc Liên khu ủy, Ủy ban Hành chính Liên khu IV cũng quan tâm xuất bản báo, tạp chí, nội san. Đáng chú ý là tờ “Cứu quốc” xuất bản hàng ngày của Mặt trận Liên Việt Liên khu IV. Báo “Cứu quốc” Liên khu IV phát hành từ năm 1945 – 1954. Nhà máy in Nghệ An đã in được trên 2 vạn số báo “Cứu quốc”, Cơ quan tuyên truyền kháng chiến của Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin (Liên khu IV) mà thực tế là tổ chức bí mật của Đảng tại miền Trung đã xuất bản tờ “Sự Thật”, do đồng chí Hoàng Tùng làm chủ nhiệm. Báo “Sự Thật” phát hành từ năm 1947 – 1950 với tổng số bản in tại Nhà máy in Nghệ An là 32.961 bản. Tờ “Học Tập” – cơ quan tuyên truyền của Hội Cứu Quốc Liên khu IV, sau gọi là Đảng bộ Liên khu IV xuất bản từ tháng 3/1948 đến năm 1954. Tờ “Học Tập” là nội san mang chức năng giáo dục lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin và định hướng xây dựng Đảng trong các tổ chức đảng thuộc Liên khu IV những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Tờ nội san “Học Tập” có vai trò đấu tranh chống những khuynh hướng tư tưởng cơ hội và xét lại, bảo vệ trong sáng chủ nghĩa Mác – Lênin.

Đặc biệt, ngoài hệ thống báo chí của Nghệ An và Liên khu IV xuất bản đều kỳ còn có Tạp chí văn hóa, văn nghệ phát hành hàng tháng từ năm 1948. Tờ tạp chí “Sáng Tạo” số 1 ra tháng 5/1948, dày 38 trang, phản ánh hoạt động sáng tạo của nền văn hóa, văn nghệ kháng chiến với những tác phẩm văn học, nghệ thuật giàu giá trị hiện thực cách mạng và sức sống, sức truyền cảm nghệ thuật cao. Ban Biên tập tạp chí “Sáng Tạo” đã hội tụ được những gương mặt sáng giá như học giả Đào Duy Anh; nhà văn, nhà báo Lưu Quý Kỳ; nhà văn, nhà văn hóa nổi tiếng Đặng Thai Mai; nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh,…

Bộ chỉ huy lực lượng vũ trang Liên khu IV cũng cho xuất bản tập san “Tiền Tuyến”. Tập san “Tiền Tuyến” là cơ quan quân sự, chính trị, văn hóa của Bộ chỉ huy do Tướng Nguyễn Sơn sáng lập và làm chủ nhiệm. Nội dung thông tin của tập san “Tiền Tuyến” đề cập toàn diện các mặt hoạt động xây dựng lực lượng vũ trang chính quy, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ nhằm bảo đảm điều kiện chính trị, quân sự, binh vận trong thế trận chiến tranh nhân dân, quyết chiến, quyết thắng thực dân Pháp. Tập san còn dành một số chuyên trang, chuyên đề phản ánh đời sống văn hóa tinh thần của bộ đội, dân quân tự vệ trong kháng chiến chống Pháp. Mặt trận Bình Trị Thiên và hoạt động chống càn ở Nghệ An, Thanh Hóa được phản ánh khá phong phú trong những bài viết dưới dạng ký sự, bút ký, diễn ca.

Tổ chức công đoàn của Sở Quân giới, công đoàn vũ khí Liên khu (III và IV) cũng xuất bản tập san “Người Thợ Mới”. Số 1 của tập san ra ngày 6/1/1951. Tập san là tiếng nói của giai cấp công nhân chuyên ngành sản xuất, sửa chữa vũ khí của Liên khu IV khắc phục thiếu thốn mọi mặt, đảm bảo vũ khí, phương tiện chiến tranh cho lực lượng vũ trang đánh thắng thực dân Pháp.

Nét nổi bật của báo chí kháng chiến xuất bản tại Nghệ An từ năm 1948 đến năm 1955 là đa dạng, phong phú về đề tài, về thể loại, về hình thức xuất bản, về kỹ thuật in ấn khá hơn. Xét từ góc độ tổ chức xuất bản báo, các cơ quan báo chí, tạp chí, nội san đã được cấp quản lý, chỉ đạo có hệ thống, có kế hoạch, có chủ trương trước mắt cũng như lâu dài về nội dung, hình thức, tổ chức bộ máy, đội ngũ làm báo, phương tiện in ấn, công tác phát hành báo chí thông qua mạng lưới bưu điện. Hình thức tổ chức Tòa soạn báo chí đã đi vào nền nếp, phân rõ chức trách từ Chủ nhiệm đến Thư ký Tòa soạn. Hoạt động báo chí từng bước có tính khoa học trong quy trình và công nghệ thông tin.


Nguồn: Lịch sử Báo Nghệ An (1961 – 2011) – NXB Nghệ An, tháng 11/2011
Ảnh: Tư liệu