Theo đánh giá qua thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng tỉnh Nghệ An: Một số nhóm giải pháp phòng ngừa tham nhũng chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Một số cán bộ, công chức thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ chưa tốt; năng lực chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; thiếu tu dưỡng rèn luyện, lợi dụng sơ hở trong quản lý, cơ chế, chính sách, lợi dụng nhiệm vụ được giao để nhũng nhiễu, vụ lợi gây khó dễ cho người dân và doanh nghiệp.
Điển hình như mới đây, từ phản ánh của người dân, cơ quan chức năng đã điều tra, xác minh và phát hiện hai cán bộ là công chức tư pháp – hộ tịch và địa chính của UBND xã Minh Châu, huyện Diễn Châu là Tạ Xuân Ngọc, Cao Thị Thanh Thuận “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Hai công chức này đã lợi dụng kẽ hở của các quy định pháp luật và sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân để trục lợi, vòi chi tiền “bôi trơn” nhằm giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhanh hơn. Điều này cũng cho thấy hạn chế trong hoạt động tự giám sát, tự kiểm tra nội bộ của các cơ quan, đơn vị. Trong báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng hàng năm đều thể hiện công tác tự giám sát, tự kiểm tra nội bộ chưa phát hiện có dấu hiệu tham nhũng chuyển cơ quan điều tra. Nhưng thực tế tại một số cơ quan, đơn vị đó khi có đơn thư khiếu nại, tố cáo, cơ quan chức năng vào cuộc đã phát hiện ra sai phạm dẫn tới nhiều cán bộ, công chức bị khởi tố, bắt giam.
Ở một số địa phương, đội ngũ cán bộ làm công tác PCTN chưa được hướng dẫn, bồi dưỡng, tập huấn nên có lúc còn lúng túng trong việc hướng dẫn, tổng hợp công tác PCTN. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên về công tác PCTN chưa đúng, chưa đầy đủ, thiếu gương mẫu. Mặt khác, Hệ thống cơ chế, chính sách về PCTN còn chưa thật đồng bộ, trên một số lĩnh vực còn sơ hở, thủ tục hành chính còn rườm rà, dễ phát sinh tham nhũng. Tính hiệu quả trong việc thực hiện pháp luật PCTN chưa cao. Thêm vào đó là sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường và những tiêu cực xã hội đã ít nhiều ảnh hưởng đến tư tưởng, lối sống của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.
Tại một số cơ quan, đơn vị người đứng đầu chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PCTN, khi phát hiện nhiều vụ việc xử lý cán bộ chưa nghiêm, còn “giơ cao đánh khẽ”, thậm chí lãnh đạo địa phương lại là người có hành vi sai phạm. Như vụ việc xảy ra ở xã Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu) mà Báo Nghệ An đã phản ánh qua bài viết “Cán bộ địa chính có dấu hiệu tội phạm, xã chỉ kiến nghị xử lý hành chính”. Theo đó, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, bà Lê Thị Hương Giang – cán bộ địa chính xã Quỳnh Châu đã “ép” người dân cắt 1.050 m2 đất, hưởng lợi trên 350 m2 đất, chiếm đoạt tiền của người dân. Thế nhưng, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Châu chỉ kết luận hành vi của bà Giang là “Lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn, sử dụng thông tin liên quan đến công vụ để vụ lợi”, không chuyển hồ sơ đến Cơ quan điều tra hoặc Viện KSND huyện để xử lý mà chỉ kiến nghị UBND huyện xử lý kỷ luật hành chính. Bên cạnh đó, trách nhiệm của những cá nhân liên quan tại UBND xã Quỳnh Châu chưa được làm rõ.
Đến ngày 18/8/2021, Công an huyện Quỳnh Lưu đã bắt giữ Lê Thị Hương Giang về hành vi “Giả mạo trong công tác”. Mở rộng điều tra, Công an huyện khởi tố thêm 4 bị can gồm: Nguyễn Bỉnh Khảng – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Quỳnh Châu (nguyên Chủ tịch UBND xã Quỳnh Châu) và Hoàng Văn Chắt – nguyên viên chức Văn phòng Đăng ký và sử dụng đất huyện Quỳnh Lưu) về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; Thái Thị Lý và Thái Doãn Hường, đều trú tại xã Quỳnh Châu về tội “Đưa hối lộ” (cụ thể đưa cho Giang 200 triệu đồng để nhờ làm giả hồ sơ đất).
Đánh giá những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn, huyện Anh Sơn thẳng thắn nhìn nhận “công tác phòng chống tham nhũng mới chỉ dừng lại ở các văn bản chỉ đạo, quy chế, quy định, nội quy của cơ quan đơn vị, chưa có biện pháp cụ thể để thực hiện có hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát, thẩm tra, xác minh trong việc kê khai tài sản thu nhập cá nhân chưa được thực hiện có hiệu quả. Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng chưa quy định cụ thể các chế tài áp dụng giúp cho việc phát hiện hành vi tham nhũng còn thiếu tính đồng bộ”.
Tương tự, huyện Quỳnh Lưu nêu “công tác phòng ngừa tham nhũng trên một lĩnh vực thực hiện chưa tốt như: kê khai tài sản và thu nhập; xây dựng và thực hiện chế độ định mức, tiêu chuẩn; việc công khai minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị đang ở phạm vi hẹp, chưa rộng rãi để mọi người biết, tham gia góp ý và giám sát việc thực hiện. Cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng của huyện hoạt động kiêm nhiệm, ở cấp xã không có cán bộ chuyên trách, khối lượng công việc nhiều nên hiệu quả hoạt động chưa cao”.
Mới đây, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đã triển khai giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn tỉnh, qua đó có Báo cáo số 109 ngày 26/4/2022 chỉ rõ tồn tại, hạn chế: “Hệ thống văn bản pháp luật về quản lý đất đai, đầu tư công, quản lý ngân sách, quy hoạch, xây dựng, quy định về cơ chế tự chủ… chưa được ban hành đầy đủ, đồng bộ dẫn đến lúng túng trong quá trình triển khai, thực hiện. Công tác công khai, minh bạch về giám sát nhằm hạn chế thất thoát và lãng phí trong các lĩnh vực chưa được quan tâm đúng mức”.
Theo lãnh đạo Thanh tra tỉnh, Luật PCNT năm 2008 quy định về phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước, trong đó bao gồm Công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và đối với tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện.
Tuy nhiên, do các tổ chức doanh nghiệp ngoài nhà nước không chịu sự quản lý trực tiếp của UBND tỉnh và các sở, ngành (đặc biệt là các công ty đại chúng), nên không có đầu mối để liên lạc, đồng thời các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng trên địa bàn có sự thay đổi hàng năm, do đó việc quản lý, thực hiện chỉ đạo công tác PCTN đến các đơn vị này còn nhiều lúng túng, chưa xác định được đơn vị nào chịu trách nhiệm chính trong việc chỉ đạo và phòng ngừa tham nhũng tại các khu vực ngoài nhà nước.
Đồng thời, nếu các cơ quan, đơn vị này vi phạm các biện pháp phòng ngừa cũng không có chế tài để xử lý do Luật PCTN chưa quy định cụ thể. Vấn đề thực hiện minh bạch tài sản thu nhập theo Nghị định 130/NĐ-CP hiện nay còn nhiều khó khăn, do còn có cách hiểu khác nhau giữa các cơ quan, đơn vị khi thực hiện các điều khoản, nhất là trong việc xác định đối tượng kê khai, hình thức kê khai (lần đầu, hằng năm, bổ sung) giữa các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh còn lúng túng, không thống nhất. Việc kê khai tài sản, thu nhập của các cán bộ, công chức còn mang tính hình thức, sai cả về thể thức lẫn nội dung do có cách hiểu khác nhau khi thực hiện Luật, hoặc do một số cá nhân, đơn vị không chú trọng vào công tác này. Thanh tra tỉnh là cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập của toàn bộ các cơ quan, đơn vị trong khối chính quyền trên địa bàn tỉnh, dù đã có hướng dẫn cụ thể, tuy nhiên do số lượng bản kê khai nộp về cơ quan Thanh tra tỉnh quá lớn nên việc kiểm soát, quản lý bản kê khai tài sản, thu nhập của các cá nhân còn có những hạn chế.
“Theo quy định của luật là phải xác minh lại kê khai, trong đó thuộc thẩm quyền của Thanh tra tỉnh là từ Phó Giám đốc, phó ngành trở xuống, còn giám đốc và tương đương trở lên thuộc thẩm quyền Thanh tra Chính phủ. Quy định thế nhưng chưa làm được vì chưa có hướng dẫn cụ thể. Hầu như mới dừng ở việc thực hiện tự kê khai, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có một trường hợp duy nhất có đơn thư nên phải xác minh lại”, ông Phạm Trường Sơn – Phó Chánh Thanh tra tỉnh cho biết thêm.
Một trong khó khăn được đề cập nhiều trong công tác PCTN là những hạn chế trong công tác thu hồi tài sản do hành vi tham nhũng, nhất là trong lĩnh vực đất đai. Do các vụ tham nhũng liên quan đến đất đai khi bị phát hiện đều xảy ra từ thời kỳ trước, qua thời gian dài sai phạm đã được hợp thức hoá. Điển hình là việc đất sau khi được bán, đổi hoặc giao trái thẩm quyền cho các hộ dân hầu hết đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc xây dựng các công trình có giá trị lớn để ở và định cư ổn định, canh tác lâu dài trên đất được giao. Nếu phải thu hồi sẽ gây thiệt hại rất lớn cho người dân nên việc thu hồi diện tích đất bị giao, bán trái quy định không thể thực hiện được. Theo lãnh đạo Thanh tra tỉnh cái khó trong thu hồi tài sản liên quan đến đất đai cái khó là làm sao vừa phù hợp với quy định của luật nhưng phải đảm bảo cả tính thực tiễn, tính khả thi.
Về phía Công an tỉnh cũng phản ánh “một số vụ án tham nhũng liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản gặp nhiều vướng mắc trong việc xác định thiệt hại do các công trình thi công trong nhiều năm, công trình đã hoàn thành nhưng chưa quyết toán, dẫn đến không thực hiện giám định được. Đây chính là nguyên nhân mà có rất ít các vụ án tham nhũng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản được khởi tố để điều tra, truy tố, xét xử trong thời gian qua. Bên cạnh đó, liên quan đến công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, mặc dù Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định các biện pháp cưỡng chế như: kê biên tài sản, phong toả tài sản. Tuy nhiên, trước khi áp dụng quyết định kê biên tài sản hoặc phong toả tài khoản, cơ quan điều tra phải xác minh, thu thập chứng cứ chứng minh chủ sở hữu tài sản hoặc tài khoản là của người sẽ bị buộc tội hoặc liên quan đến đồng sở hữu. Đây là nhiệm vụ khó khăn và phải mất nhiều thời gian xác minh…”.
Dự báo “tình hình tham nhũng trong thời gian tới vẫn còn diễn biến phức tạp… Đặc biệt là vấn đề tham nhũng vặt đang diễn biến len lỏi tại các cơ quan, đơn vị, tập trung trên một số lĩnh vực nhạy cảm như: Đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, thương mại, tài chính”… Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh Nghệ An nhận diện: “Nhóm hành vi tham nhũng dễ xảy ra, cần tập trung các giải pháp phòng ngừa và đấu tranh là: lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi, nhũng nhiễu vì vụ lợi”.
Tại phiên họp nghe và thông qua dự thảo báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đánh giá: Công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, song biện pháp phòng ngừa chưa mang lại hiệu quả cao. Vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Chủ tịch UBND tỉnh đồng thời nhấn mạnh: “Trách nhiệm phát hiện hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp là của những người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương…”.
(Còn nữa)