Phòng, chống tham nhũng: “Chặn từ gốc, phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu”

Quán triệt phương châm “phòng ngừa chặt chẽ, ngăn chặn từ gốc, phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; đảng viên ở bất cứ cương vị công tác nào vi phạm đều phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới…” theo yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, ngày 24/01/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An ban hành Kế hoạch số 77-KH/TU về thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Tiếp đó, ngày 18/3/2022, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Công văn số 1776/KH-UBND về triển khai thực hiện Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ. Tỉnh ủy, UBND tỉnh yêu cầu tập trung rà soát hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thể chế hóa đầy đủ chủ trương của cấp ủy bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; không để xảy ra tình trạng lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong văn bản quy phạm pháp luật, các chủ trương đầu tư. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan khối nội chính.

Trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, chính quyền Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ “phải tăng cường công tác kiểm tra”; “Không kiểm tra là không lãnh đạo”. Bởi vậy, một trong những giải pháp để đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, phòng ngừa suy thoái là phải kiểm tra, giám sát thường xuyên, kết hợp “xây” và “chống”, nhất là trong hoạt động công vụ. Tại huyện Tân Kỳ, ông Bùi Thanh Bảo – Bí thư Huyện ủy cho hay: Gắn với từng nhiệm kỳ, BTV Huyện ủy lựa chọn ban hành đề án, nghị quyết cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ giám sát thường xuyên, nhất là đối với đảng viên là cán bộ thuộc diện BTV quản lý. Trong đó, coi trọng công tác giáo dục, phòng ngừa sai phạm. Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo thực hiện quản lý cán bộ theo quy chế giao việc 3 bước của cấp trên cho cấp dưới trong thực thi nhiệm vụ (giao việc lần 1 nếu không hoàn thành thì nhắc nhở, phê bình; giao việc lần 2 không hoàn thành thì tiến hành kiểm điểm làm rõ trách nhiệm; giao việc lần 3 nếu không hoàn thành thì đình chỉ công tác, kiểm điểm, xem xét xử lý kỷ luật hoặc bố trí công việc khác phù hợp).

Lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra và Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tân Kỳ trao đổi về công tác xây dựng NTM, trao đổi về giao việc 3 bước ở xã Phú Sơn. Ảnh: Khánh Ly
Lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra và Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tân Kỳ trao đổi về công tác xây dựng NTM, trao đổi về giao việc 3 bước ở xã Phú Sơn. Ảnh: Khánh Ly

“Đối với những nơi có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ, năng lực cán bộ hạn chế, uy tín giảm sút làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung thì chỉ đạo kiên quyết thay thế kịp thời. Ví như năm 2020, nhân dân xã Giai Xuân phản ánh cán bộ xã vi phạm trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn gây ảnh hưởng đến lợi ích của dân. Huyện đã thành lập đoàn kiểm tra dấu hiệu vi phạm, qua đó, kỷ luật các đồng chí liên quan bằng hình thức cảnh cáo, đưa đồng chí Ủy viên BCH Đảng bộ huyện, Bí thư Đảng ủy xã xuống làm Phó Bí thư Thường trực. Từ đó đến nay, tình hình địa phương ổn định, niềm tin của nhân dân được củng cố”, ông Đặng Bá Hùng – Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Tân Kỳ cho hay.

Mục đích kiểm tra tổ chức Đảng và đảng viên có dấu hiệu vi phạm là để ngăn ngừa và xử lý kịp thời vi phạm (nếu có), tránh vi phạm nhỏ thành sai phạm lớn, tạo sự răn đe, giáo dục và giữ nghiêm kỷ luật Đảng.

Việc Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy định kỳ ra thông cáo về việc thi hành kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên cũng là một bước đột phá mới nhằm công khai, minh bạch thông tin để người dân giám sát, góp phần răn đe, chấn chỉnh, phòng ngừa sai phạm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.

Về phía Thanh tra tỉnh cũng đã tham mưu UBND tỉnh Văn bản số 1890/UBND-NC ngày 23/3/2022 về việc tăng cường thực hiện Chỉ thị 04-CT/TW của Ban Bí thư và Kế hoạch số 60-KH/TU của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Trong đó, nhấn mạnh người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế có liên quan đến cơ quan, đơn vị mình. Trong 6 tháng đầu năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành 3 kế hoạch và 9 văn bản để chỉ đạo thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Các cơ quan, đơn vị đã tăng cường việc giám sát, kiểm tra và tự kiểm tra nội bộ tại đơn vị mình. Qua đó, đã phát hiện 1 vụ với 2 cán bộ tại xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương có hành vi vi phạm. Cơ quan có thẩm quyền đã xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với công chức địa chính – nông nghiệp; khiển trách đối với Phó Chủ tịch UBND xã Đại Đồng. Công an huyện Thanh Chương ban hành Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 2 đối tượng là công chức địa chính – nông nghiệp UBND xã Đại Đồng và Thôn trưởng thôn Phật Sơn, xã Đại Đồng.

Phiên họp Quý 2 năm 2022 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy xem xét thi hành kỷ luật cán bộ, đảng viên sai phạm. Ảnh tư liệu: Thanh Lê
Phiên họp Quý 2 năm 2022 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy xem xét thi hành kỷ luật cán bộ, đảng viên sai phạm. Ảnh tư liệu: Thanh Lê

Tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN cuối năm 2021, đồng chí Lê Hồng Vinh – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Cần lựa chọn những nội dung có trọng tâm, trọng điểm để thực hiện công tác thanh tra, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm. Trên cơ sở đó, phối hợp nhuần nhuyễn giữa các ngành trong Khối Nội chính phát hiện, kiến nghị với các cấp xử lý kịp thời, nhằm chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước trong một số lĩnh vực.

Đơn cử như dự báo tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai và trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi thủ tục hành chính về đất đai tiếp tục diễn biến phức tạp, tập trung ở những địa bàn thu hồi đất của dân để thực hiện các dự án phát triển KT-XH. Tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Bên cạnh đó, kiên quyết thu hồi đất đã giao, đã cho thuê, nhưng không đúng đối tượng, không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, sai mục đích. Ban hành các quy định mới mang tính đột phá nhằm giải quyết những vướng mắc trong công tác quản lý đất đai.

Chẳng hạn, trước thực tế còn gần 12.000 trường hợp được giao đất không đúng thẩm quyền chưa thể cấp GCNQSD đất do thiếu thủ tục, hồ sơ liên quan. Ngày 17/9/2021, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 28/2021/QĐ-UBND về cấp GCNQSD đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trên địa bàn tỉnh. Theo đó, thay vì thẩm quyền của lãnh đạo Sở TN&MT, nay cho phép ủy quyền cho Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp thuộc sở và các chi nhánh cấp huyện trong việc duyệt và ký cấp GCNQSD đất nhằm cải cách quy trình, rút ngắn thời gian và đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSD đất cho hộ gia đình, cá nhân.

Bên cạnh đó, ban hành Quyết định số 28/2021/QĐ-UBND nhằm giải quyết những vướng mắc về tách thửa đất. Theo đó, việc tách thửa đất, hợp thửa đất phải đảm bảo quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề theo quy định tại Điều 171, Luật Đất đai năm 2013 và Điều 254, Bộ luật Dân sự năm 2015.

Cơ quan chức năng kiẻm tra hồ sơ sai phạm liên quan đến quản lý đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng. Ảnh tư liệu: Hồng Ngọc
Cơ quan chức năng kiẻm tra hồ sơ sai phạm liên quan đến quản lý đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng. Ảnh tư liệu: Hồng Ngọc

Trong công cuộc đấu tranh PCTN, tỉnh Nghệ An luôn chú trọng đến việc phát huy vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội, kênh thông tin báo chí và nhân dân. Minh chứng là Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 19/11/2021 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo”; Đề án số 07-ĐA/TU ngày 24/11/2021 về “Đổi mới, nâng cao hiệu quả tiếp xúc, đối thoại và xử lý, giải quyết các kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp sau tiếp xúc, đối thoại với nhân dân trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025”, trong đó nêu cao vai trò giám sát của Mặt trận.

Lãnh đạo MTTQ huyện Quỳnh Lưu và xã Quỳnh Lương trao đổi về vai trò của giám sát cộng đồng trong xây dựng kênh mương nội đồng; Vai trò của Ban Thanh tra nhân dân và GSĐT cộng đồng trong xây dựng giao thông nông thôn ở xã Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu) được phát huy hiệu quả. Ảnh: Khánh Ly
Lãnh đạo MTTQ huyện Quỳnh Lưu và xã Quỳnh Lương trao đổi về vai trò của giám sát cộng đồng trong xây dựng kênh mương nội đồng; Vai trò của Ban Thanh tra nhân dân và GSĐT cộng đồng trong xây dựng giao thông nông thôn ở xã Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu) được phát huy hiệu quả. Ảnh: Khánh Ly

Ông Nguyễn Đức Thành – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Các hoạt động giám sát, phản biện của hệ thống Mặt trận các cấp được triển khai với nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt, đã phát huy dân chủ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Ví dụ như tại xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc, mới đây, Ban Giám sát cộng đồng của xã đã kịp thời phát hiện Dự án xây dựng nhà học 2 tầng và khuôn viên trường mầm non trên địa bàn có tình trạng thi công ẩu, từ đó có báo cáo chi tiết yêu cầu chủ đầu tư là UBND xã chỉ đạo nhà thầu khắc phục lỗi phạm… Kết quả giám sát không chỉ khiến đơn vị thi công phải nhận lỗi, sửa sai mà còn được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương ghi nhận.

Hay tại xã Quỳnh Lương, Quỳnh Lưu, xảy ra vụ việc một cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn xã bán thuốc kém chất lượng cho nông dân, hậu quả làm cho ruộng rau của hơn 100 hộ dân bị cháy lá. Sau khi xác minh, Ban TTND, GSĐT đã tham mưu lãnh đạo xã tổ chức đối thoại giữa doanh nghiệp và các hộ dân bị ảnh hưởng, giúp hai bên tháo gỡ những bức xúc, cùng tìm biện pháp giải quyết. Qua đó,doanh nghiệp hỗ trợ cho người dân hơn 300 triệu đồng khắc phục hậu quả.

Ông Tô Văn Thu – Phó Chủ tịch MTTQ huyện Quỳnh Lưu cho hay: Ngoài hoạt động của Ban TTND, GSĐT cộng đồng, MTTQ huyện còn chỉ đạo cơ sở triển khai mô hình “Nhật ký lắng nghe và thấu hiểu”; hay việc lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với cán bộ, công chức, lãnh đạo chủ chốt cấp xã, qua đó, góp phần chấn chỉnh trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng là kênh để cán bộ, công chức “tự soi, tự sửa’ dưới sự giám sát của cấp ủy chính quyền và nhân dân”.

Trong năm 2021, toàn huyện có 410 cán bộ, công chức, lãnh đạo chủ chốt ở 26/33 xã, thị được thăm dò sự hài lòng của người dân thông qua phiếu lấy ý kiến. Kết quả những trường hợp bị người dân đánh phiếu không hài lòng đều rơi vào cán bộ địa chính – xây dựng – môi trường (14/23 người, trong đó, có người tỷ lệ không hài lòng chiếm tới 48,3%). Điều này phản ánh khá sát thực tế khi mà thời gian qua, nhiều cán bộ địa chính của huyện này bị khởi tố liên quan đến sai phạm trong giải quyết thủ tục hành chính về đất đai.

Trưởng ban Giám sát đầu tư cộng đồng Nguyễn Xuân Văn tại công trình xây dựng nhà học 2 tầng và khuôn viên Trường Mầm non xã Nghi Thái (Nghi Lộc). Ảnh: Nhật Lân
Trưởng ban Giám sát đầu tư cộng đồng Nguyễn Xuân Văn tại công trình xây dựng nhà học 2 tầng và khuôn viên Trường Mầm non xã Nghi Thái (Nghi Lộc). Ảnh: Nhật Lân

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác PCTN tại Nghệ An thể hiện tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc đến. Tuy nhiên, như sinh thời Bác Hồ đã chỉ rõ: “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ giặc ở trong lòng”; vì vậy, để công cuộc PCTN thật sự có hiệu quả, bản thân mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải tự giác nêu gương, tự rèn luyện, tu dưỡng, nâng cao đạo đức công vụ, quét sạch “chủ nghĩa cá nhân” – một trong những nguyên nhân dẫn đến tham ô, tham nhũng.