Yên vui xứ đạo – Bài 2: Lan tỏa mô hình giáo họ bình yên

Nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng ở Nghệ An đã phối hợp với các giáo xứ, giáo họ xây dựng và nhân rộng mô hình giáo họ bình yên nhằm đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ). Từ những mô hình này, phong trào người dân chung sức xây dựng nông thôn mới, tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội ở các xứ, họ đạo được lan tỏa, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, ổn định tình hình an ninh trật tự ở cơ sở.

Đến xã Thanh Khê (Thanh Chương), cảm nhận được không gian yên ả của làng quê trong ngân nga tiếng chuông nhà thờ. Không gian thôn mạc thanh bình ấy, như lời cán bộ MTTQ huyện Thanh Chương là nhờ Thanh Khê đã xây dựng được phong trào đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội hiệu quả trên địa bàn dân cư.

Là xã miền núi khu vực 3 của huyện Thanh Chương, có 9/10 xóm thuộc diện đặc biệt khó khăn, địa bàn giáp ranh với nhiều xã như Võ Liệt, Thanh Thủy, nhiều năm về trước, Thanh Khê từng được xếp vào diện xã trọng điểm bất ổn về tình hình an ninh trật tự. Trước thực tế này, cấp ủy, chính quyền luôn trăn trở tìm giải pháp phòng chống tội phạm, đẩy lùi tệ nạn xã hội thông qua việc xây dựng các mô hình “nòng cốt’ trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Nổi bật là hai mô hình “Giáo xứ sạch về ma túy” tại giáo xứ Bàn Thạch và “Giáo xứ bình yên đảm bảo ANTT, đoàn kết chung tay xây dựng nông thôn mới” ở giáo xứ Mô Vĩnh.

Cán bộ xã Thanh Khê (Thanh Chương) giới thiệu các mô hình giáo xứ bình yên trên địa bàn.
Cán bộ xã Thanh Khê (Thanh Chương) giới thiệu các mô hình giáo xứ bình yên trên địa bàn.

Ông Nguyễn Khắc Tân – Chủ tịch UBND xã Thanh Khê cho hay: Trên địa bàn xã có 2 giáo xứ là Mô Vĩnh và Bàn Thạch với 367 hộ, 2.263 khẩu giáo dân (chiếm 26,2% dân số toàn xã). Để triển khai các mô hình, cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo ban công an xã xây dựng các tiêu chí cụ thể của từng mô hình. Bên cạnh đó tổ chức cho người dân ký cam kết xây dựng khu dân cư đạt tiêu chuẩn “an toàn làm chủ”; ký kết biên bản ghi nhớ và tích cực phối hợp với các linh mục, hội đồng mục vụ (HĐMV) giáo xứ, giáo họ tuyên truyền vận động người dân chấp hành nghiêm chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, hương ước thôn xóm, thực hiện sống “tốt đời đẹp đạo, phúc âm trong lòng dân tộc”. Đồng thời phát huy vai trò “nêu gương” của những người đứng đầu các tổ chức trong thực hiện việc chấp hành pháp luật, đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội và phòng chống tội phạm. Nhờ vậy, chỉ qua 2 năm (2017-2018), tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã Thanh Khê đã có nhiều khởi sắc, bà con lương – giáo sống vui vẻ, đoàn kết, chung sức xây dựng nông thôn mới.

Trưởng Công an xã Thanh Khê – ông Trần Quốc Hùng, cho biết: “Ban công an xã thường xuyên phối hợp với các vị linh mục, hội đồng mục vụ giáo xứ, giáo họ trao đổi về tình hình an ninh trật tự, nhất là những trường hợp con em có dấu hiệu vi phạm pháp luật, sa vào tệ nạn xã hội”. Theo đó, trong 2 năm đã phối hợp lập hồ sơ đi cai nghiện 3 trường hợp; bắt 3 vụ, 12 đối tượng có hành vi đánh bạc, giải quyết dứt điểm 2 vụ tranh chấp đất đai, 5 vụ đánh nhau gây thương tích. Những trường hợp học sinh bỏ học, chơi game cũng được các linh mục, hội đồng mục vụ giáo xứ, giáo họ phối hợp, uốn nắn kịp thời (trong hai năm 2017-2018 đã giáo dục được 10 học sinh không còn nghiện game, hỗ trợ 3 học sinh quay lại trường học; thành lập được 62 tổ tự quản, các tổ đã tự nguyện đóng góp kinh phí xây dựng mô hình ánh sáng an ninh thắp sáng trên các trục đường góp phần bảo vệ an ninh thôn xóm).

Nghệ An hiện có 38 mô hình giáo xứ, giáo họ bình yên đi vào hoạt động có hiệu quả; có 398 ban tự quản, 3.164 tổ tự quản ở vùng giáo với hàng chục ngàn giáo dân tham gia thực hiện nhiệm vụ đảm bảo ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở cơ sở. Với phương châm “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải”, các ban tự quản, tổ tự quản, mô hình tiên tiến đã góp phần giải quyết, hòa giải phần lớn các vụ việc mâu thuẫn, vi phạm nhỏ ngay tại cộng đồng dân cư.

Nhà thờ giáo họ Mô Vĩnh, xã Thanh Khê (Thanh Chương).
Nhà thờ giáo họ Mô Vĩnh, xã Thanh Khê (Thanh Chương).

Cùng với công tác phòng chống tệ nạn xã hội tại cộng đồng, việc xây dựng mô hình “Giáo họ không có người vi phạm pháp luật” cũng được nhiều địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả.

Nghi Văn là xã nằm cuối của huyện Nghi Lộc, dân cư được bố trí thành 23 xóm trong đó có 11 xóm giáo (4 xóm giáo toàn tòng), tỷ lệ đồng bào giáo dân chiếm hơn 50,5% dân số, trên địa bàn có 9 giáo họ thuộc giáo xứ Hội Yên. Trước đây, do đặc thù về địa hình (giáp ranh với nhiều địa phương) nên tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp; do vậy chính quyền xã đã triển khai xây dựng nhiều mô hình đảm bảo an ninh trật tự trong cộng đồng dân cư, trong đó có mô hình “Giáo họ bình yên không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội” tại giáo họ Cổ Lãm (giáo xứ Hội Yên) với 350 hộ, 1.353 nhân khẩu giáo dân sinh sống tập trung ở địa bàn xóm 10, xóm 1. Mô hình hướng đến những tiêu chí cụ thể, sát thực với đời sống của người dân nên được bà con đồng tình, hưởng ứng. Hàng năm cấp ủy, chi bộ có nghị quyết, khu dân cư có bản đăng ký phấn đấu đạt tiêu chuẩn “an toàn về ANTT”, 100% hộ gia đình đăng ký cam kết giao ước thi đua xây dựng khu dân cư “an toàn về ANTT”. Trên cơ sở đó, bà con giáo dân trong giáo họ Cổ Lãm đều chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương. Các hoạt động tôn giáo được tổ chức trên cơ sở quy đinh của pháp luật.

Ông Đoàn Văn Sang – Trưởng công an xã Nghi Văn cho hay: “Quan trọng nhất là duy trì được hoạt động giao ban định kỳ giữa Ban công an, MTTQ xã với hội đồng mục vụ giáo xứ, giáo họ và cấp ủy, ban cán sự xóm. Qua đó kịp thời trao đổi, nắm bắt tình hình và có những giải pháp tuyên truyền phổ biến pháp luật, phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các vụ việc xảy ra. Ví dụ con em gia đình nào có hiện tượng vi phạm qua giao ban sẽ trao đổi với HĐMV và các chi hội, chi đoàn để phối hợp tuyên truyền, giáo dục. Nhờ vậy tỷ lệ vi phạm pháp luật như trộm cắp, đánh nhau giảm hẳn”. Nói về hiệu quả mô hình, ông Trương Văn Tuyền – một giáo dân sống ở xóm 10 – xóm giáo toàn tòng thuộc giáo họ Cổ Lãm phấn khởi cho biết: “Từ khi xây dựng mô hình giáo họ bình yên, không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, ý thức của người dân không ngừng được nâng lên. Xóm không chỉ trở thành đơn vị mạnh trong xây dựng nông thôn mới mà còn là địa bàn sạch về tệ nạn xã hội”.

Người dân xóm 10, xã Nghi Văn (Nghi Lộc) làm đường giao thông nông thôn.
Người dân xóm 10, xã Nghi Văn (Nghi Lộc) làm đường giao thông nông thôn.

Tương tự, tại xã Nghi Quang (Nghi Lộc), mô hình “Giáo họ bình yên không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội” cũng được triển khai hiệu quả và đem lại chuyển biến tích cực. Nghi Quang có 7 xóm trong đó có 2 xóm giáo toàn tòng, 1 xóm giáo xen lương, tỷ lệ giáo dân chiếm gần 60%. Trên địa bàn có 2 giáo họ thuộc giáo xứ Lộc Mỹ là giáo họ Lộc Mỹ và giáo họ Đức Vọng. Trước đây, tình hình ANTT tại hai địa bàn này có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là nạn bài bạc và gây gổ đánh nhau, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự chung. Trước tình hình trên, cấp ủy, chính quyền xã Nghi Quang đã ban hành nghị quyết, kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng mô hình “Giáo họ bình yên không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”. Ban chỉ đạo xã được thành lập do Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, Trưởng Công an xã làm phó ban.

Ông Nguyễn Đình Tiến – Bí thư Đảng ủy xã Nghi Quang cho biết: Ban chỉ đạo mô hình đã phối hợp chặt chẽ với hội đồng mục vụ giáo xứ, giáo họ, các đoàn thể trong xã, ban mặt trận xóm đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con giáo dân chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, sống “tốt đời, đẹp đạo”… Bên cạnh đó phát huy vai trò của 16 tổ tự quản dân cư kết hợp ban trật tự của giáo xứ, giáo họ tuần tra đảm bảo ANTT trên địa bàn, nhất là tuần tra các đợt tấn công trấn áp tội phạm dịp lễ, tết.

Các tổ tự quản duy trì sinh hoạt đều đặn 3 tháng một lần, có sự tham gia đầy đủ của bà con giáo dân. Tại các buổi sinh hoạt, công an viên báo cáo tình hình ANTT trên địa bàn, diễn biến hoạt động của các tội phạm, cảnh báo bà con cảnh giác với luận điệu xuyên tạc, kích động của một số phần tử cực đoan; tuyên truyền các chủ trương mới của xã, xóm; đảm bảo ổn định ANTT trên địa bàn, TNXH được đẩy lùi, bà con giáo dân không có ai bị lôi kéo tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương”.

Hình ảnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại giáo xứ Lộc Mỹ (Ảnh nguồn Giáo xứ Lộc Mỹ)
Hình ảnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại giáo xứ Lộc Mỹ (Ảnh nguồn Giáo xứ Lộc Mỹ)

Từ 2015 trở về trước, trên địa bàn xã Quỳnh Tam (Quỳnh Lưu) thường xảy ra tệ nạn trộm cắp, đánh bạc, thanh niên tụ tập gây gổ, đánh nhau… Từ khi triển khai mô hình “giáo xứ bình yên, đoàn kết chung tay xây dựng nông thôn mới”, an ninh trật tự trên địa bàn xã Quỳnh Tam nói chung, tại giáo xứ Phú Xuân nói riêng dần ổn định. Ban chỉ đạo mô hình đã thành lập 28 tổ liên gia tự quản, mỗi tổ từ 12-15 hộ liền kề tự bầu ra tổ trưởng, tổ phó. Hội đồng mục vụ giáo xứ Phú Xuân cùng với Ban công an xã phối hợp ban hành quy chế hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của các tổ. Hiện nay các tổ liên gia tự quản hoạt động có hiệu quả. Khi các gia đình trong tổ có người ốm đau hay xảy ra xích mích, bất hòa, các thành viên của tổ đều đến động viên, chia sẻ, tình cảm chân thành đó như chất keo gắn kết tình làng nghĩa xóm.

Bên cạnh đó, như ông Hồ Công Khoán – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Tam cho biết, cùng với linh mục quản xứ, hội đồng mục vụ giáo xứ, giáo họ cùng chung tay giải quyết nhiều vụ việc, mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư, xây dựng mối quan hệ đoàn kết yêu thương nhau nên người dân lương – giáo luôn đoàn kết, ủng hộ chính quyền xây dựng nông thôn mới. Đến nay Quỳnh Tam đã về đích nông thôn mới. Bà con giáo dân ở đây đã tích cực hiến đất, tường bao, xây dựng, mở rộng đường giao thông nông thôn. Ở xóm 3B – xóm giáo toàn tòng thuộc giáo họ Đồng Xuân (giáo xứ Phú Xuân), người dân đã hiến hơn 300m tường bao, cây cối, hoa màu để làm đường giao thông nông thôn rộng 5m. “Nhân lực làm đường, làm mương thủy lợi đều do 8 tổ tự quản điều động, chấm công, bà con ai cũng tham gia nhiệt tình”, ông Vũ Thanh Hương – Xóm trưởng xóm 3B đồng thời là Thư ký Hội đồng mục vụ giáo họ Đồng Xuân cho biết.

Bà con giáo dân Quỳnh Lưu hiến đất và đóng góp ngày công xây dựng đường giao thông nông thôn. (Ảnh tư liệu: Thanh Toàn)
Bà con giáo dân Quỳnh Lưu hiến đất và đóng góp ngày công xây dựng đường giao thông nông thôn. (Ảnh tư liệu: Thanh Toàn)

Theo ông Phan Hải Thanh – Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Đoàn kết công giáo tỉnh Nghệ An: Những năm qua, Ủy ban Đoàn kết công giáo tỉnh đã phối hợp với MTTQ và ngành chức năng phát động xây dựng các mô hình “Giáo họ bình yên, không có người vi phạm pháp luật và TNXH”, “Giáo họ bình yên đoàn kết chung tay xây dựng nông thôn mới”… Nhiều xứ, họ đạo đã trở thành điển hình tiên tiến trong lao động, sản xuất và đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc…

5 năm qua, Cộng đoàn giáo dân tỉnh Nghệ An đã hiến 89.000 m2 đất, chặt bỏ 4.380 cây các loại, tháo dỡ 12.990m tường bao, đóng góp 38 tỷ 512 triệu đồng và 71.895 ngày công để xây dựng nông thôn mới.