Chương trình hành động của ứng cử viên ĐBQH Trần Đức Thuận

Họ và tên: TRẦN ĐỨC THUẬN

Ngày, tháng, năm sinh: 20/9/1968

Nghề nghiệp, chức vụ: Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy cơ quan Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương; Thiếu tướng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương.

Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân ở xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Sau khi tốt nghiệp PTTH tôi thi vào Trường Sỹ quan pháo binh, năm 1989 tốt nghiệp ra trường, làm Trung đội trưởng, Trợ lý tuyên huấn Trung đoàn 4, Sư đoàn 968, Quân khu 4.

Năm 1993, tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội, tôi về Viện Kiểm sát Quân sự Quân khu 4 công tác. Tại đây, tôi đã trải qua nhiều chức vụ như: Cán bộ Kiểm sát, Viện Kiểm sát Quân sự tỉnh Nghệ An; Trợ lý tổng hợp, Kiểm sát viên,  Trưởng ban Kế hoạch, tổng hợp, hành chính, Viện Kiểm sát Quân sự Quân khu 4; hơn 8 năm là Bí thư chi bộ, Viện trưởng Viện Kiểm sát Quân sự khu vực 41 Quân khu 4; gần 5 năm là Đảng ủy viên Đảng ủy Cục Chính trị, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng Viện Kiểm sát Quân sự Quân khu 4. Tháng 4 năm 2020 đến nay giữ chức vụ: Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương. Tháng 4/2021 được Chủ tịch nước thăng quân hàm Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Sau 35 công tác trong quân đội, tôi được Bộ Quốc phòng và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tin tưởng giới thiệu tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, theo cơ cấu đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương. Đây là vinh dự lớn cho cá nhân nhưng cũng đặt ra cho tôi trách nhiệm nặng nề hơn. Tôi nhận thức rằng, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân Việt Nam và là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền: Lập hiến, lập pháp; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao hoạt động của Nhà nước. Đại biểu Quốc hội Việt Nam là thành viên của Quốc hội Việt Nam, được cử tri bầu ra theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Đại biểu Quốc hội là người đại diện và chịu trách nhiệm trước cử tri bầu ra mình, cũng như chịu trách nhiệm trước cử tri cả nước. Thông qua các đại biểu và thông qua Quốc hội, nhân dân Việt Nam sử dụng quyền lực của mình để định đoạt các vấn đề của đất nước.

Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ 2016- 2021 là nhiệm kỳ thành công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với những thành tựu và dấu ấn nổi bật, tiếp tục gần dân, sát dân, có nhiều đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước cũng như hoạt động ngoại giao nghị viện. Đại đa số đại biểu Quốc hội đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình, tham gia tích cực vào các hoạt động của Quốc hội; nhiều đại biểu tạo dấu ấn rất tốt trước cử tri cả nước, nhất là thẳng thắn tham gia tranh luận có trách nhiệm vào nhiều vấn đề quan trọng mà xã hội đang quan tâm. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít đại biểu, chưa phát huy hết trách nhiệm của mình, ít tham gia ý kiến hoặc ý kiến chất lượng chưa cao; tiếp xúc cử tri hời hợt, lấy lệ; chưa nắm bắt kịp thời đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhất là những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội để phản ánh với Quốc hội và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn kỳ vọng của nhân dân, thiết nghĩ phải không ngừng nâng cao chất lượng của đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026 sắp tới. Chúng ta không thể yêu cầu hoặc chọn cho được những người có khả năng toàn diện “việc gì cũng biết, việc gì cũng có thể làm được” để bầu vào Quốc hội, nhưng chúng ta nên lựa chọn những người ngoài tiêu chuẩn chính trị, đạo đức, lối sống và các tiêu chuẩn khác theo quy định thì đại biểu Quốc hội phải là người gần dân, có trách nhiệm cao trước Tổ quốc và dân nhân, trước cử tri đã bầu cho mình; phải coi việc thực hiện chương trình hành động, lời hứa với cử tri là nghĩa vụ thiêng liêng, là trách nhiệm lớn lao cần phải thực hiện.

Tôi rất vui mừng được Hội đồng Bầu cử Quốc gia giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội tại tỉnh Nghệ An, vì nó phù hợp với nguyện vọng của tôi. Nghệ An là quê hương của tôi, nơi tôi sinh ra, nơi gia đình tôi đang sinh sống và tôi cũng có gần 30 năm công tác trên địa bàn Nghệ An.

Nghệ An sở hữu nhiều danh lam, thắng cảnh xinh đẹp cùng nền văn hóa vô cùng phong phú, đặc sắc và mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam; quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Người dân Nghệ An có truyền thống yêu nước, cần cù lao động, hiếu học, là cái nôi sản sinh cho đất nước nhiều danh tướng, lưỡng thần, nhiều nhà khoa học, văn hóa tầm cỡ quốc gia.

Trong những năm qua, thực hiện sự nghiệp đổi mới, cùng với cả nước Nghệ An đã có bước phát triển nhanh toàn diện về mọi mặt, an ninh chính trị được giữ vững, quốc phòng, an ninh được tăng cường, kinh tế – xã hội liên tục phát triển, đời sống nhân dân không ngường được cải thiện. Năm 2020, mặc dù trong tình hình dịch Covitd -19 ảnh hưởng rất nặng nề nhưng tổng sản phẩm trên địa bàn của tỉnh Nghệ An vẫn tăng 4,45%, xếp 19/63 so với cả nước.

Tuy vậy, tỉnh Nghệ An vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đó là, tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ và kế hoạch đề ra; hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Một số khoản thu ngân sách Nhà nước chưa đạt tiến độ dự toán được giao; nợ thuế còn cao. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là các dự án hạ tầng trọng điểm. Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tại một số đơn vị còn chậm so với tiến độ đã đề ra. Vấn đề bố trí cán bộ, công chức cấp xã dôi dư còn gặp khó khăn. Công tác cải cách hành chính ở một số cơ quan, đơn vị thực hiện chưa đạt yêu cầu. Đời sống của nhân dân nhiều nơi còn gặp khó khăn, nhất là đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa…Tình hình tội phạm, các tệ nạn, tiêu cực xã hội còn diễn biến phức tạp…

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế đó, phấn đấu thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh… mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An, nhiệm kỳ 2020- 2025 đề ra, cấp ủy, chính quyền các cấp cùng nhân dân tỉnh nhà đã chủ động khắc phục khó khăn, triển khai, tổ chức, thực hiện toàn diện trên các lĩnh vực, bước đầu đạt kết quả tốt. Thời gian tới tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy đầu tư, đảm bảo an sinh xã hội; đẩy mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả; đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; đổi mới giáo dục và đào tạo; ứng dụng có hiệu quả khoa học công nghệ, trong sản xuất, kinh doanh cũng như trong chỉ đạo, điều hành. Đấu tranh có hiệu quả các loại tội phạm, vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, đặc biệt là tham nhũng, lãng phí, thiếu trách nhiệm và vô cảm trước khó khăn của người dân.

Là một sỹ quan cấp tướng, được đào tạo cơ bản qua nhiều trường trong và ngoài quân đội; 35 năm công tác trong quân đội, trong đó, có hơn 28 năm làm công tác pháp luật, nếu được cử tri tin tưởng bầu là đại biểu Quốc hội khóa XV tôi nghĩ mình có khả năng để thực hiện tốt nhiệm vụ của một đại biểu Quốc hội, nhất là nhiệm vụ tham gia ý kiến xây dựng luật, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Nếu được trở thành đại biểu Quốc hội khóa XV, tôi dự kiến chương trình hành động của mình như sau:

Một là, tiếp tục rèn luyện lập trường chính trị, tư tưởng kiên định vững vàng; trung thành tuyệt đối với Tổ quốc và nhân dân; chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Có lối sống lành mạnh, giản dị, khiêm tốn, không tham nhũng, lãng phí. Có tinh thần trách nhiệm cao trong thực hiện các nhiệm vụ, dám đấu tranh chống tiêu cực, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ sự thật .

Hai là, thường xuyên đi sâu, đi sát nắm bắt tình hình, thu thập thông tin, điều kiện sản xuất và đời sống của nhân dân tỉnh Nghệ An. Cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An phản ánh kịp thời với Quốc hội những vấn đề thời sự quan trọng, bức xúc, vướng mắc, khó khăn trên địa bàn Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung để Quốc hội có chủ trương, quyết sách kịp thời đạt hiệu quả; đồng thời, làm cầu nối trực tiếp, ngắn nhất và nhanh nhất giữa cử tri với Quốc hội; giữa Trung ương và địa phương để thúc đẩy giải quyết những vấn đề được cử tri và chính quyền địa phương quan tâm.

Ba là, tham gia đầy đủ các kỳ họp của Quốc hội, các cuộc giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Tích cực nghiên cứu tài liệu đóng góp ý kiến dự thảo các dự án Luật để trình Quốc hội thông qua, góp phần vào thực hiện các chức năng của Quốc hội với chất lượng tốt hơn, để chính sách, pháp luật phù hợp và sát với thực tế, phản ánh đúng, đầy đủ nguyện vọng, ý chí của cử tri và nhân dân cả nước.

Bốn là, giữ mối liên hệ chặt chẽ, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri; duy trì định kỳ tiếp công dân; tích cực nghiên cứu đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân để chuyển, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân. Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sẽ yêu cầu cơ quan tổ chức hữu quan thi hành biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật.

Năm là, nếu được giao là đại biểu Quốc hội chuyên trách trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, bản thân phải nghiên cứu nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, đặc biệt là  Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về quốc phòng, an ninh để tham mưu cho Quốc hội tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với quốc phòng, an ninh; làm căn cứ để triển khai thực hiện mục tiêu xây dựng quân đội, công an cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại; đến năm 2025,  quân đội, công an là lực tượng tinh, gọn, mạnh và đến năm 2030 thành quân đội, công an cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội./.