Xứng đáng là đội hậu bị tin cậy của Đảng – Bài 2: Những thách thức

Chi bộ xóm Hồng Thái, xã Hưng Thông (Hưng Nguyên) được sáp nhập từ các chi bộ xóm 7,8,9 của xã Hưng Thông. Hiện Chi bộ có 99 đảng viên chủ yếu là đảng viên hưu trí và tuổi đời của đảng viên trong chi bộ cao, bình quân 67 tuổi. Vì vậy, cùng với việc tập trung lãnh đạo nhiệm vụ chung của xóm thì công tác phát triển đảng viên là điều chi bộ trăn trở.

Được sáp nhập từ tháng 9/2019 đến nay, Chi bộ xóm Hồng Thái tạo nguồn và đang hoàn thiện thủ tục hồ sơ kết nạp đảng viên mới là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm năm nay đã 48 tuổi. Bí thư chi bộ xóm Hồng Thái xã Hưng Thông (Hưng Nguyên) – đồng chí Trần Văn Bính cho biết: “Hơn 5 năm tính từ cả 3 chi bộ cũ (nay là Chi bộ xóm Hồng Thái), đến giờ mới kết nạp thêm được 1 đảng viên mới. Mặc dù hàng năm Nghị quyết của Chi bộ đều đặt ra chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới nhưng rất khó thực hiện bởi không tạo được nguồn. Thanh niên trong độ tuổi ở lao động đi làm ăn xa, đi xuất khẩu lao động. Nguồn kết nạp đảng viên mới thì tập trung vào những người làm công tác chi đoàn, chi hội ở xóm nhưng số lượng quần chúng không nhiều và tuổi đời đã cao. Hiện ĐVTN của xóm chủ yếu là đang học ở các trường học và bí thư chi đoàn đang là sinh viên của Trường Đại học Vinh cư trú trên địa bàn xóm. Mặc dù Chi bộ đã phối hợp chặt chẽ với Chi hội Phụ nữ, Chi đoàn thanh niên trong vận động, định hướng, giới thiệu tạo nguồn phát triển đảng viên mới, nhưng việc làm này cũng không đạt hiệu quả”.

Cán bộ xã, cán bộ đoàn xã Hưng Thông (Hưng Nguyên) trao đổi với Chi ủy xóm Hồng Thái về công tác phát triển đảng trong đoàn viên thanh niên.
Cán bộ xã, cán bộ đoàn xã Hưng Thông (Hưng Nguyên) trao đổi với Chi ủy xóm Hồng Thái về công tác phát triển đảng trong đoàn viên thanh niên.

Xã Hưng Thông (huyện Hưng Nguyên) có diện tích 552,9ha với 5.490 nhân khẩu sinh sống, chủ yếu là làm nông nghiệp. Là vùng phụ cận thành phố Vinh, ngoài việc làm nông nghiệp, người dân nơi đây thường kiếm việc làm thêm ở thành phố Vinh. Những năm gần đây thì lao động trẻ có xu hướng đi xuất khẩu, đi làm thuê ở các địa phương khắp cả nước. Ở nhiều thời điểm, các xóm vắng bóng người trẻ, nhiều phong trào hoạt động bề nổi rất khó triển khai. Đồng chí Nguyễn Hữu Phúc – Bí thư Đảng ủy xã Hưng Thông (Hưng Nguyên) bày tỏ, hiện nay, Đảng bộ xã có tới 7 chi bộ trong đó 4 chi bộ nông thôn và 3 chi bộ trường học; tình trạng chung của các chi bộ nông thôn là rất khó kết nạp đảng viên mới, nhiều chi bộ nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên mới. Theo đồng chí Nguyễn Hữu Phúc, nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu đi làm ăn xa, phát triển kinh tế để ổn định cuộc sống của nhiều đoàn viên, hội viên, nhất là thanh niên. Do đó thiếu nguồn để kết nạp. Nếu tính cả nhiệm kỳ 2015 – 2020 thì Đảng bộ xã Hưng Thông kết nạp 17 đảng viên mới so với mục tiêu đề ra đầu nhiệm kỳ là 21 đảng viên.

Theo báo cáo của Ban Tổ chức Huyện ủy Hưng Nguyên, số lượng đảng viên kết nạp mới của huyện những năm gần đây đạt thấp (năm 2020 kết nạp 72/110 đồng chí). Số lượng đảng viên mới kết nạp vẫn tập trung nhiều ở những chi bộ có điều kiện để kết nạp. Nhận thấy những khó khăn và hạn chế này nên hiện nay, Ban Tổ chức Huyện ủy Hưng Nguyên đang xây dựng Đề án phát triển đảng viên giai đoạn 2021 – 2025 trình Thường trực Huyện ủy cho ý kiến để triển khai ngay từ đầu nhiệm kỳ. Trong đó, đề án đã đưa ra các giải pháp cụ thể, chi tiết trong nhiệm kỳ này.

Nằm xa trung tâm của huyện Nghĩa Đàn, xã Nghĩa Lộc có 36,6% dân số theo đạo Công giáo. Đảng bộ xã có 26 chi bộ, trong đó có 21 chi bộ nông thôn. Trong số các chi bộ nông thôn này có nhiều chi bộ từ 3 năm trở lên chưa kết nạp được đảng viên.

Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Lộc – đồng chí Lê Văn Thành cho biết: Đây cũng là thực trạng chung mà nhiều chi bộ ở địa phương đang phải đối mặt. Để khắc phục tình trạng này, Đảng ủy xã đã rà soát các đối tượng có thể bồi dưỡng để kết nạp. Qua rà soát ĐVTN có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để bồi dưỡng nhưng chủ yếu trong trường học, không có đoàn viên, thanh niên ở các thôn.

Đoàn viên thanh niên huyện Nghĩa Đàn thu hoạch quýt giúp người dân và tham gia làm đường giao thông.
Đoàn viên thanh niên huyện Nghĩa Đàn thu hoạch quýt giúp người dân và tham gia làm đường giao thông.

“Thanh niên rời quê đi làm ăn xa, đi học đại học, đi học nghề, đi xuất khẩu lao động, số ở nhà thì lập gia đình rồi cũng không còn mặn mà với hoạt động phong trào địa phương. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ người trẻ sinh hoạt ở địa phương chưa có chí hướng phấn đấu vào Đảng một cách rõ ràng. Bởi vậy, việc phát hiện nhân tố tốt, đủ điều kiện để bồi dưỡng vào Đảng từ lực lượng trẻ rất khó khăn” – đồng chí Lê Văn Thành chia sẻ thêm.

Đề cập đến vấn đề tạo nguồn, theo Ban Tổ chức Huyện ủy Nghĩa Đàn, mặc dù đã quyết liệt lãnh, chỉ đạo công tác phát triển đảng viên mới, song trong bối cảnh hiện nay, kết nạp đảng viên mới trên địa bàn còn nhiều khó khăn. Theo Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện uỷ Nghĩa Đàn – đồng chí Nguyễn Thị Hoài Vân,  thì Nghĩa Đàn có 23 xã, thị trấn với 189 khối, xóm sau sáp nhập. Công tác phát triển đảng đang là nhiệm vụ được Đảng bộ huyện đặc biệt chú trọng dù còn gặp rất nhiều khó khăn, do ngoài số lao động ở độ tuổi đoàn có trình độ thì đi làm ăn xa, sau tốt nghiệp cấp 3 đi xuất khẩu lao động, đi làm việc tại các khu công nghiệp, còn một số thanh niên ở địa phương rất ít, nhưng cơ bản không đáp ứng các tiêu chí. Nhiệm kỳ 2015 – 2020 huyện Nghĩa Đàn kết nạp được 999 đảng viên/chỉ tiêu 800 – 900 đảng viên mới, trong đó 612 đảng viên trong độ tuổi đoàn chủ yếu là cán bộ, công chức, viên chức.

Trao đổi về vấn đề phát triển đảng viên mới, Bí thư Huyện ủy Nghĩa Đàn – đồng chí Hoàng Thị Thu Trang cho biết: Phát triển đảng viên mới là nhiệm vụ được huyện Nghĩa Đàn quan tâm chỉ đạo. Ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 -2025, Ban Thường vụ Huyện ủy giao cho Ban Tổ chức Huyện ủy tham mưu xây dựng đề án “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên giai đoạn 2021 -2026” giao chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới cho từng tổ chức cơ sở đảng. Để tạo nguồn phát triển đảng viên trẻ, huyện có những cách làm mới như đã mở các lớp đối tượng đảng cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự đủ điều kiện tiêu chuẩn với 53 đối tượng. Đồng thời có giải pháp chỉ đạo các địa phương rà soát lập danh sách các xóm trưởng, xóm phó, chi hội trưởng, chi hội bồi dưỡng tạo nguồn phát triển đảng ở cơ sở.

Quang cảnh thị trấn Nghĩa Đàn.
Quang cảnh thị trấn Nghĩa Đàn.

Làm thế nào để tập hợp được đông đảo thế hệ trẻ, tạo sức mạnh cho đội dự bị của Đảng là vấn đề được nhiều địa phương quan tâm. Bí thư Đoàn xã Hưng Thông (Hưng Nguyên) Lê Dương Đảm cho biết: Đoàn xã hiện có 99 đoàn viên thanh niên nông thôn, sinh hoạt tại  4 chi đoàn. Những năm gần đây, số đoàn viên thường xuyên đi làm ăn xa là gần 50%. Thiếu đoàn viên, nên hoạt động phong trào gặp nhiều khó khăn, thậm chí việc tổ chức sinh hoạt định kỳ phải thực hiện theo quý, có chi đoàn không tổ chức được vì trống đoàn viên. Số đoàn viên, thanh niên có mặt ở địa phương ngoài trường học, thì phần đông là đã lập gia đình, nên cũng không còn mặn mà với hoạt động Đoàn.

Đoàn xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn) cũng không ngoại lệ hầu hết các chi đoàn sinh hoạt không đều, có nhiều chi đoàn 3 – 4 tháng mới sinh hoạt một lần. Mỗi khi có việc cần bàn bí thư chi đoàn phải đi từ mấy hôm trước để thông báo tập hợp đoàn viên nhưng số lượng đoàn viên tham gia cũng chẳng được bao nhiêu. Anh Nguyễn Xuân Bắc – Bí thư Đoàn xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn) chia sẻ: Đoàn xã Hữu Kiệm có 143 đoàn viên khối nông thôn sinh hoạt ở 9 chi đoàn, nhưng có khoảng 70% số đoàn viên đi làm ăn xa. Hưởng ứng các chương trình tình nguyện của các cấp bộ Đoàn, Đoàn xã thường xuyên phát động các đợt tình nguyện vì an sinh xã hội, nhưng hiệu quả không cao vì rất nhiều đoàn viên đi làm ăn xa. Mỗi bản chỉ có 5-7 ĐVTN ở nhà, tình trạng thiếu vắng đoàn viên, thanh niên đang diễn ra ở hầu hết ở các bản, có những bản chỉ còn lại người già và trẻ nhỏ. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng đến các phong trào đoàn, mà còn ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, gây khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Đoàn Thanh niên xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn) kết nạp đoàn viên mới.
Đoàn Thanh niên xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn) kết nạp đoàn viên mới.

Tình trạng thiếu nguồn do thanh niên thoát ly, đi làm ăn xa gặp hầu hết ở các chi bộ nông thôn hiện nay. Phó Bí thư Huyện đoàn Kỳ Sơn – anh Lỳ Bá Chò bộc bạch: “Địa bàn biên giới khó khăn nên không có các công ty doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn để giải quyết việc làm cho lao động, trong khi đó chưa có nhiều mô hình kinh tế phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương để “giữ chân” thanh niên, việc hỗ trợ vốn vay cho thanh niên phát triển kinh tế cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của họ. Làm thế nào để tập hợp được đông đảo thế hệ trẻ, tạo sức mạnh cho đội dự bị của Đảng là vấn đề được Huyện đoàn quan tâm trăn trở”.

Trao đổi về vấn đề này, Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An Lê Văn Lương cho biết: Hiện nay, hoạt động Đoàn ở khu vực nông thôn đang đối mặt với nhiều khó khăn do ĐVTN không mặn mà tham gia sinh hoạt Đoàn, đội ngũ cán bộ Đoàn thiếu ổn định, kinh phí hoạt động eo hẹp, nhất là số lượng ĐVTN thường xuyên biến động rất khó quản lý. Bên cạnh đó, việc tìm “thủ lĩnh” Đoàn cho các chi đoàn thôn, xóm, bản cũng đang gặp nhiều khó khăn chủ yếu là đoàn viên là học sinh, sinh viên đang học tập tại các trường. Nguyên nhân sâu xa nhất dẫn đến tình trạng trên vẫn là áp lực về việc làm, thu nhập, đời sống kinh tế, nên nhiều ĐVTN rời bỏ quê hương đi tìm cơ hội lập nghiệp nơi đất khách.

Phát triển các mô hình kinh tế giữ chân thanh niên lập nghiệp tại địa phương.
Phát triển các mô hình kinh tế giữ chân thanh niên lập nghiệp tại địa phương.

Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy – đồng chí Nguyễn Viết Hưng cho rằng: Tình trạng khó khăn trong phát triển đảng trong ĐVTN có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Có nhiều chi bộ nỗ lực trong công tác phát triển đảng viên mới nhưng không có nguồn. Nơi có nguồn nhưng quần chúng không thiết tha, không có khát vọng vào Đảng. Bên cạnh đó, một số tổ chức đoàn thể, nhất là đoàn thanh niên ở các địa phương cũng chưa tạo nhiều phong trào nhằm thu hút, tập hợp đoàn viên vào hoạt động để rèn luyện, phấn đấu vào Đảng. Ở nhiều địa phương hiện nay phải phân công cựu chiến binh tham gia sinh hoạt Đoàn để định hướng giáo dục cho tuổi trẻ. Điều đáng lo ngại là tâm lý không muốn vào Đảng không chỉ diễn ra ở đối tượng ĐVTN khối nông thôn mà có cả đối tượng công chức trẻ, nhất là công chức cấp xã không có chí hướng phấn đấu, e ngại vào Đảng, chỉ có tư tưởng làm công ăn lương.