Voi rừng kêu cứu: Kỳ 3 – Cõng muối vào rừng chăm voi

Một ngày đầu Xuân, chúng tôi có dịp theo chân anh Đặng Đình Việt (43 tuổi), ở xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn và các thành viên trong tổ của anh để vào rừng chăm voi. Anh Việt là Tổ trưởng Tổ phản ứng nhanh hỗ trợ người dân phòng tránh xảy ra xung đột giữa người và voi trên địa bàn xã Phúc Sơn (hay còn gọi là Tổ bảo tồn voi).

Tổ này gồm 8 thành viên, chủ yếu là cán bộ các bản Cao Vều, Bãi Lim, Bãi Đá và đều rất thông thuộc núi rừng. Tổ được xã Phúc Sơn thành lập từ tháng 12/2018, trong đó, mỗi thành viên được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng. Công việc của họ là tuần tra, nắm bắt tin tức vị trí của đàn voi để kịp thời báo cho người dân phòng tránh khi vào rừng. Mỗi lần voi về gần bản, họ lại có nhiệm vụ xua đuổi. Đặc biệt, kể từ năm 2020, đều đặn mỗi tháng họ đều phải cõng muối vào rừng, nhằm hạn chế voi về bản. Mỗi chuyến cõng muối vào rừng, thường kéo dài từ 3 – 5 ngày. Có thể hiểu, tổ này có nhiệm vụ bảo vệ bản, làng khỏi voi rừng và bảo vệ voi rừng khỏi con người và những nguy cơ khác.

Tổ bảo tồn voi bỏ muối trong rừng.
Tổ bảo tồn voi bỏ muối trong rừng.

Đàn voi mà tổ của anh Việt có nhiệm vụ bảo vệ hiện có 8 con, trong đó có 2 con voi đực vừa trưởng thành. Đây là đàn voi duy nhất ở Nghệ An còn có khả năng phát triển. Trong đó, có 2 chú voi con được cho là mới sinh trong giai đoạn 2013-2016. Do địa bàn sinh sống của chúng chủ yếu ở những cánh rừng gần với các bản Cao Vều nên đàn voi này vẫn được gọi với cái tên đàn voi Cao Vều.

Anh Đặng Đình Lâm – Trưởng bản Cao Vều 2 cho biết, cũng như những đàn voi khác ở Nghệ An, trước đây đàn voi này rất đông đúc. Địa bàn sinh sống của nó khá rộng lớn, là những cánh rừng nứa thuộc địa phận xã Phúc Sơn cho tới xã Thanh Đức (Thanh Chương), rồi ngược lên tận xã Môn Sơn (Con Cuông). Thi thoảng, chúng còn di chuyển sang địa phận của Lào. “Trước đây, đàn voi rất đông đúc, voi và người chung sống hòa bình. Chỉ có những người đi rừng, thường dựng lán ngủ lại trong rừng thì đến tối voi thường vào lán để lục tìm muối, thức ăn. Chứ không hề có xung đột nghiêm trọng. Thi thoảng nó cũng về bản, nhưng chỉ cần đốt lửa, khua chiêng là nó bỏ chạy vào rừng”, anh Lâm kể. Anh Lâm sinh ra ở bản Cao Vều 2, gắn bó với núi rừng từ nhỏ, hiện nay anh cũng là thành viên trong Tổ bảo tồn voi rừng.

Năm 2009, hàng trăm héc-ta rừng nứa ở xung quanh các bản Cao Vều bị chặt hạ để lấy đất cho Công ty Lâm nghiệp trồng cao su. Rừng nứa không còn, nguồn thức ăn ngày càng ít, môi trường sống bị đe dọa khiến đàn voi trở nên hung dữ hơn. Nó thường xuyên về bản quấy phá và tìm kiếm thức ăn.

Hình ảnh con voi cái đầu đàn của đàn voi Cao Vều. Đây là con voi hung dữ nhất trong đàn.
Hình ảnh con voi cái đầu đàn của đàn voi Cao Vều. Đây là con voi hung dữ nhất trong đàn.

Tháng 3/2011, người dân Cao Vều trong lúc đi rừng đã phát hiện xác con voi đực bị sát hại nằm dưới con suối giáp ranh giữa xã Phúc Sơn và Thanh Đức. “Đây là con voi đực đầu đàn, nó rất to lớn. Cặp ngà trắng, cong vút nhìn rất đẹp. Sau khi sát hại voi, chúng cưa cặp ngà đến tận gốc”, anh Lâm nhớ lại. Lúc này, sự giận dữ của đàn voi lên tới đỉnh điểm. Voi đực chết, con voi cái già nhất trở thành đầu đàn. Chúng bắt đầu trả thù con người. Mỗi lần kéo về bản, chúng lại kêu rống lên vang vọng cả núi rừng.

Người dân khi thấy voi về, như thường lệ lại đốt lửa, khua chiêng để xua đuổi. Tuy nhiên, thay vì bỏ chạy vào rừng như trước đây, đàn voi quay sang tấn công người. Tháng 5/2011, chỉ chưa đầy 2 tháng sau khi xác con voi đực đầu đàn được phát hiện, anh Vi Văn Sinh (trú xã Lục Dạ, Con Cuông), cùng một nhóm người đến khu vực rừng gần bản Cao Vều 1 để dựng lán, phát rẫy trồng cao su thuê cho công ty. Đến nửa đêm, khi đang ngủ say thì đàn voi hung dữ xông vào dẫm nát lán trại. Anh Sinh bị quật chết tại chỗ, một người khác bị thương nặng. Nhóm người còn lại bỏ chạy tán loạn.

Sau đó không lâu, đàn voi trong lúc về bản quấy phá đã giẫm đạp 1 người khác nhưng người này may mắn thoát chết, chỉ bị gãy mấy xương sườn. Đến tháng 4/2013, anh Lương Văn May (31 tuổi), trú xã Tam Thái (Tương Dương), đang làm thuê tại khu vực Khe Ráy, xã Phúc Sơn, cũng bất ngờ bị đàn voi tấn công. Bỏ chạy nhưng không kịp, anh May sau đó bị đàn voi giày xéo, tử vong khi đang trên đường đến bệnh viện.

Hình ảnh voi rừng về gần nhà dân ở thác Khe Kèm (Con Cuông), tháng 8/2022. Ảnh: CSCC
Hình ảnh voi rừng về gần nhà dân ở thác Khe Kèm (Con Cuông), tháng 8/2022. Ảnh: CSCC

Để chuẩn bị cho chuyến vào rừng chăm voi, nhiều ngày trước, anh Đặng Đình Việt và các thành viên đã phải nắm bắt thông tin từ những người thường xuyên vào rừng để nhận biết được đàn voi đang kiếm ăn ở khu vực nào. Từ sáng sớm, họ phải tất bật chuẩn bị các vật dụng mang theo. Do chuyến đi rừng dài ngày, nên sau vai những người này khá lỉnh kỉnh, từ gạo, dầu ăn, gà, vịt cho đến nồi niêu, xẻng, dao quắm… Đó là chưa kể, trong ba lô mỗi người phải cõng thêm 20 kg muối để mang vào rừng cho voi.

“Số muối này là do Vườn Quốc gia Pù Mát cấp, còn thực phẩm mang đi là do chúng tôi tự bỏ tiền ra góp để phục vụ cho việc tuần tra, bảo vệ voi rừng”, anh Việt nói. Đi cùng đoàn luôn có một cán bộ của Vườn Quốc gia Pù Mát. Ngoài ra, khi vào trong rừng, họ thường phải gửi định vị về để Vườn giám sát việc tuần tra. Những chuyến tuần tra và mang muối vào rừng cho voi thường kéo dài từ 3 – 5 ngày. Những khi thời tiết xấu, họ phải ra khỏi rừng sớm hơn. Thông thường, việc tuần tra được thực hiện vào đầu tháng, tùy vào thời tiết.

Vị trí bỏ muối nằm sâu giữa vùng lõi Pù Mát, để đàn voi càng tránh xa bản làng.
Vị trí bỏ muối nằm sâu giữa vùng lõi Pù Mát, để đàn voi càng tránh xa bản làng.

Bắt đầu từ Cao Vều, đoàn di chuyển bằng xe máy ngược lên cột mốc biên giới số 443. Sau đó tiếp tục đi theo tuyến đường đất, đá lởm chởm, tiến sâu vào vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát. Chừng 1 tiếng sau, khi đã đi được khoảng 20 km, con đường này đã không thể di chuyển bằng xe máy. Như thường lệ, các thành viên đành phải mang xe giấu trong lùm cây, tiếp tục hành trình bằng việc cuốc bộ. Cứ như vậy, chúng tôi cũng không nhớ nổi đã vượt qua bao nhiêu khe, suối. Đến tầm giữa trưa, khi đã cuốc bộ được chừng 3 tiếng, tổ trưởng mới thông báo đã sắp tới nơi, dừng lại để nấu cơm, nghỉ ngơi.

“Dù hành trình vất vả nhưng phải vào tận sâu trong rừng thì mới hiệu quả. Mang muối càng vào sâu thì đàn voi càng ít ra khỏi rừng để về bản làng yên bình hơn. Lúc đó, cả voi lẫn người đều được an toàn”, Tổ trưởng Đặng Đình Việt nói.

Anh Đặng Đình Lâm – Trưởng bản Cao Vều 2, xã Phúc Sơn (Anh Sơn) kiểm tra muối trước khi bỏ xuống hố cho voi rừng.
Anh Đặng Đình Lâm – Trưởng bản Cao Vều 2, xã Phúc Sơn (Anh Sơn) kiểm tra muối trước khi bỏ xuống hố cho voi rừng.

Sau khi ăn uống, đoàn cũng chia thành từng nhóm nhỏ. Họ bắt đầu công việc đào hố, bỏ muối cho voi. Những chiếc hố được đào cách xa nhau, nhưng đều đảm bảo nằm trên tuyến đường đàn voi thường di chuyển qua. Mỗi hố được đào sâu chừng 50cm, rộng 50cm. Muối được đựng trong bao nilon. Trước khi lấp lại bằng lớp đất mỏng, những bao muối đều được họ dùng que chọc thủng vài lỗ. “Làm như vậy là để voi có thể ngửi thấy mùi muối. Mũi của nó nhạy lắm”, anh Việt cười nói.

Phải mất gần một buổi, việc đào hố bỏ muối cho voi mới hoàn thành. Các thành viên lại tiếp tục công việc tuần tra, lần theo dấu chân voi rừng. Dò đường, họ thường ghé kiểm tra những hố muối đã bỏ trong những chuyến đi trước. Các thành viên tỏ vẻ phấn khởi sau khi nhìn thấy những hố muối đã bị voi xới tung. “Thông thường ngửi thấy mùi muối là nó xới tung lên. Kể cả khi muối bỏ lâu ngày, thấm vào đất nó cũng liếm láp, ăn luôn cả đất”, một thành viên trong tổ nói.

Kể từ khi được cấp muối, đàn voi Cao Vều thường ở sâu trong rừng, ít khi ra bản làng tàn phá hoa màu và xung đột với con người hơn.
Kể từ khi được cấp muối, đàn voi Cao Vều thường ở sâu trong rừng, ít khi ra bản làng tàn phá hoa màu và xung đột với con người hơn.