Voi rừng kêu cứu: Kỳ cuối – Di chuyển hay chờ xóa sổ?

Suốt nhiều năm qua, trong những cuộc làm việc về công tác bảo tồn voi ở Nghệ An, các báo cáo đều cho rằng, toàn tỉnh Nghệ An hiện có 13 – 16 con voi rừng, hoặc 12 – 14 con. Mới đây nhất, tại Hội thảo đánh giá công tác bảo tồn voi diễn ra ở huyện Quỳ Châu vào cuối tháng 4/2022, các báo cáo cũng nêu “Nghệ An có từ 13-16 con voi rừng”, trong đó Vườn Quốc gia Pù Mát có 12-13 con…

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, trên thực tế, sau khi con voi cái ở xã Châu Phong (Quỳ Châu), bị phát hiện đã chết cách đây không lâu, toàn tỉnh Nghệ An chỉ còn 11 con voi rừng. Trong đó, chỉ đàn voi Cao Vều còn khả năng phát triển với số lượng 8 con, bao gồm 2 con đực đã có ngà. Đàn này có 2 con nhỏ, được cho là sinh trong giai đoạn 2013-2016.

Bản Cao Vều 1 (xã Phúc Sơn, Anh Sơn) trước đây vốn là rừng nứa nơi voi sinh sống. Ảnh tư liệu
Bản Cao Vều 1 (xã Phúc Sơn, Anh Sơn) trước đây vốn là rừng nứa nơi voi sinh sống. Ảnh tư liệu

3 đàn còn lại đều là những đàn voi đơn lẻ, không còn khả năng sinh sản. Cụ thể, sau khi con mẹ mất, con voi cái ở xã Châu Phong (Quỳ Châu), sẽ phải sống đơn độc một mình. Tại huyện Quỳ Hợp, cũng có 1 con voi cái sống “độc thân” suốt hơn 20 năm qua trong những cánh rừng thuộc địa phận 2 xã Nam Sơn và Bắc Sơn. Ngoài ra, tại khu vực Khe Kèm (Con Cuông), sau khi con voi đực đã bị sát hại vào năm 1996, cũng chỉ còn 1 con voi cái sống đơn độc từ đó đến nay. Con voi này cô đơn đến mức, vào những mùa động dục thường về những cánh đồng ở bìa rừng để tìm trâu kết bạn.

Sở dĩ, các báo cáo có sự chênh nhau về số lượng là do cơ quan chức năng khó khăn trong việc ghi hình các đàn voi cũng như sự không chắc chắn về đàn voi thường sinh sống ở thượng nguồn Khe Thơi (thuộc địa phận các xã Tam Quang, Tam Hợp, huyện Tương Dương). Vì thế, trong nhiều báo cáo, đã tính luôn cả đàn voi này. Tuy nhiên, trên thực tế đàn voi này đã di chuyển sang Lào sinh sống từ lâu.

Hình ảnh cuối cùng ghi lại được một trong những con voi ở Khe Thơi 22 năm trước. 15 năm nay, đàn voi này đã không còn dấu vết, được cho là đã di chuyển sang Lào.
Hình ảnh cuối cùng ghi lại được một trong những con voi ở Khe Thơi 22 năm trước. 15 năm nay, đàn voi này đã không còn dấu vết, được cho là đã di chuyển sang Lào.

Trước đây, đàn voi này thường sinh sống ở thượng nguồn Khe Thơi, Khe Mặt, nằm sâu trong vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát. Đây là khu vực hiểm trở, giáp ranh với Lào, cách khu vực người dân sinh sống đến 1 ngày đi bộ. Vì thế, không có sự xung đột với con người. Đàn voi này có ít nhất 4 con, trong đó có cả voi đực có ngà. Tuy nhiên, lần cuối cùng và cũng là lần duy nhất hình ảnh đàn voi được ghi lại đã là 22 năm trước. Theo đó, năm 1998, Vườn Quốc gia Pù Mát đã đặt nhiều bẫy ảnh tại khu vực đàn voi hay di chuyển, tuy nhiên, phải hơn 3 năm sau, mới có thể chụp được hình ảnh có sự xuất hiện của voi. Những năm sau đó, cán bộ kiểm lâm và người đi rừng thi thoảng thấy dấu vết của đàn voi để lại như phân, dấu chân…. Tuy nhiên, kể từ năm 2008 đến nay, không còn một dấu vết nào cho thấy đàn voi vẫn còn sinh sống ở đó.

“Suốt 15 năm qua, chúng tôi cũng thường xuyên tuần tra nhưng không hề phát hiện dấu vết nào của đàn voi này nữa. Trong khi đó, khi thăm hỏi cơ quan chức năng bên phía Lào, họ cho biết thi thoảng phát hiện đàn voi. Vì thế, có thể nói đàn voi này đã di chuyển sang nước bạn từ lâu. Như vậy, toàn tỉnh Nghệ An hiện chỉ còn 11 con voi rừng”, ông Trần Xuân Cường – Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát nói.

Một con voi lầm lũi giữa đại ngàn Pù Mát.
Một con voi lầm lũi giữa đại ngàn Pù Mát.

Theo báo cáo hiện trạng voi hoang dã ở Việt Nam thì voi châu Á là loài thú lớn đang bị đe dọa tuyệt chủng cao. Năm 1990, Việt Nam ước tính có 2.000 cá thể voi, nhưng đến năm 2013 chỉ còn khoảng 130 cá thể. Phân bố ở 8 tỉnh: Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước. Trước tình trạng suy giảm số lượng voi như vậy, năm 2013, Chính phủ đã phê duyệt thực hiện “Đề án tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2013 – 2020” và Nghệ An là 1 trong 3 tỉnh được chọn ưu tiên bảo tồn và phát triển bền vững quần thể voi hoang dã của Việt Nam (Nghệ An, Đắk Lắk, Đồng Nai).

Năm 2013, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt và triển khai thực hiện “Dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Nghệ An đến năm 2020” đồng thời giao Vườn Quốc gia Pù Mát làm chủ đầu tư. Theo Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát, dự án này được phê duyệt với nguồn kinh phí là 86 tỷ đồng, tuy nhiên, do nguồn lực có hạn nên trên thực tế đến nay chỉ mới được cấp hơn 20 tỷ đồng.

Với khoản kinh phí đó, Vườn Quốc gia Pù Mát đã tập trung thực hiện các hoạt động tuyên truyền bảo vệ các đàn voi, tập huấn cách phòng tránh xung đột voi và người. Mua sắm một số trang thiết bị như loa, đèn, quần áo bảo hộ… trang bị cho tổ phản ứng nhanh. Xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng hỗ trợ bảo tồn voi như hào ngăn voi dài gần 5 km ở các bản Cao Vều; Xây dựng 3 trạm dừng chân tại Cao Vều, Khe Bống, Khe Thơi để phục vụ công tác tuần tra, bảo vệ rừng và các đàn voi; Xây dựng 28,914 km đường tuần tra tại các vùng sinh cảnh của voi thuộc Vườn Quốc gia Pù Mát; Xây dựng 2 chòi canh lửa rừng kết hợp giám sát hoạt động của voi.

Hào ngăn voi ở xã Phúc Sơn (Anh Sơn).
Hào ngăn voi ở xã Phúc Sơn (Anh Sơn).

Đến ngày 31/3/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Quyết định phê duyệt điều chỉnh “Đề án tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2013 – 2020”. Theo điều chỉnh, Đề án trên được thực hiện đến hết năm 2025.

Ông Trần Xuân Cường cho biết, sau khi có Quyết định này, UBND tỉnh Nghệ An giao Vườn Quốc gia Pù Mát tiếp tục thực hiện, tham mưu UBND tỉnh các giải pháp sắp tới. “Chúng tôi dự kiến sẽ điều chỉnh, loại bỏ những hạng mục xây dựng trong dự án cũ mà không còn phù hợp nữa. Ngoài ra, giải pháp sắp tới sẽ là tạo các mô hình sinh kế, để người dân vùng voi thường về phá hoại chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Vì nếu cứ trồng mía, trồng ngô thì voi rất thích ăn. Ngoài ra, cũng sẽ bổ sung các mô hình nuôi ong, vì đây là loài mà voi rất ghét. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, tập huấn các nghiệp vụ cho người dân để biết cách phòng tránh mỗi khi đụng độ với voi. Đặc biệt, sẽ tiếp tục bảo vệ đàn voi bằng nhiều giải pháp như ổn định sinh cảnh cho chúng…”, ông Cường nói.

Nghệ An hiện còn 4 đàn voi hoang dã, nhưng 3 trong số đó là những đàn voi đơn lẻ, không còn khả năng phát triển do không có voi đực. Nếu không di chuyển, sáp nhập thì sẽ bị xóa sổ theo thời gian do già yếu. Về vấn đề này, ông Trần Xuân Cường cho biết, từ năm 2016, Nghệ An cũng đã tính đến phương án di chuyển những con voi đơn lẻ, vừa để cho chúng có bạn để sinh sản, vừa để các địa phương thường xuyên bị voi phá hoại được ổn định cuộc sống.

Một bảng cảnh báo bên đường, nơi voi rừng thường xuất hiện.
Một bảng cảnh báo bên đường, nơi voi rừng thường xuất hiện.

“Tuy nhiên, giải pháp này có thể nói là bất khả thi”, ông Cường nói và cho hay, trong quá khứ, tại Việt Nam đã có những lần di chuyển voi rừng nhưng đều thất bại. Đó là khi đàn voi ở Tánh Linh (Bình Thuận), và Bình Châu – Phước Bửu (Bà Rịa – Vũng Tàu), được di chuyển lên Đắk Lắk. Chúng sau đó nhanh chóng bị chết vì nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do mất sức và môi trường sống không hợp.

Theo ông Cường, muốn di chuyển voi đầu tiên phải bắn thuốc mê. “Tuy nhiên, muốn gây mê cũng phải nắm được trọng lượng voi, để điều chế dung lượng thuốc thích hợp. Ít quá thì nó không mê, còn nhiều quá thì nó chết. Nhưng bây giờ, chả ai dám đoán được trọng lượng voi”, ông Cường nói và cho hay, trong trường hợp đoán được chính xác trọng lượng voi để gây mê, nhưng cũng phải mất hàng chục phút voi mới ngủ. Đến lúc đó, voi đã chạy được hàng chục km vào rừng sâu. Do địa hình hiểm trở, sẽ rất khó để có phương tiện nào có thể vận chuyển được voi ra khỏi rừng.

Một số người dân tiến lại gần con voi ở Khe Kèm nhưng nó vẫn không bỏ chạy.
Một số người dân tiến lại gần con voi ở Khe Kèm nhưng nó vẫn không bỏ chạy.

“Nếu các bước kia thành công, cái quan trọng nhất nữa là di chuyển voi đi đâu?. Bây giờ, như huyện Quỳ Hợp có văn bản đề nghị di chuyển con voi đơn độc sang Vườn Quốc gia Pù Mát, nhưng ai dám cho phép đưa qua đây. Hiện nay, cả nước chỉ có mỗi tỉnh Đồng Nai là được quy hoạch làm nơi thả voi tái sinh, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép”, ông Cường nói và cho rằng, nếu di chuyển voi ở Nghệ An vào tận Đồng Nai, nguy cơ cao cũng sẽ thất bại. Nguyên nhân là do ở những cánh rừng tại Nghệ An, thức ăn của voi khác, còn rừng trong miền Nam thức ăn khác. Đó là chưa kể, khí hậu giữa 2 địa phương cũng hoàn toàn khác biệt, voi sẽ rất khó để làm quen.

Cùng quan điểm này, bà Võ Thị Nhung – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, mới đây huyện Quỳ Hợp có văn bản đề nghị di chuyển voi ở huyện này sang Vườn Quốc gia Pù Mát. “Về đề xuất này, đến thời điểm hiện nay tỉnh Nghệ An chưa thể thực hiện được. Bởi vì trong quá khứ ở Việt Nam đã nhiều lần di chuyển voi rừng đều thất bại do vùng sinh thái mới không phù hợp, voi không hòa nhập được với đàn mới. Tuy vậy, Sở cũng đã và đang đề xuất các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu động vật hoang dã khảo sát, tiếp tục nghiên cứu, điều tra đầy đủ về các yếu tố cần và đủ để triển khai việc di dời voi sang địa bàn mới an toàn”, bà Nhung nói.