Văn hóa đậm bản sắc là động lực, nền tảng cho sự phát triển toàn diện của Nghệ An

P.V: Thưa đồng chí Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, theo đồng chí, ý nghĩa lớn nhất của Nghị quyết số 39 về xây dựng phát triển Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là gì?

PGS, TS Nguyễn Hồng Sơn: Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39 về xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng – an ninh tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có ý nghĩa rất quan trọng. Điều đó được thể hiện qua 4 điểm sau:

Thứ nhất: Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39 khẳng định quan điểm của Đảng và Nhà nước về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của tỉnh Nghệ An đối với vùng và cả nước. Đồng thời, theo quan điểm của tôi, là sự tiếp tục hiện thực hóa lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về định hướng phát triển tỉnh Nghệ An. Tháng 12/1961, khi về thăm quê lần thứ hai, trong bài nói chuyện với cán bộ và đồng bào Nghệ An, Bác Hồ có nói đại ý: Tỉnh ta là một tỉnh lớn ở miền Bắc, có một vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa và quốc phòng; là tỉnh có nhiều tiềm năng, đất rộng, người đông, tài nguyên phong phú, nhân dân có truyền thống cách mạng anh dũng, kiên cường; đồng bào và cán bộ phải phấn đấu, quyết tâm xây dựng tỉnh ta trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc, làm được việc đó là tỉnh ta góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội miền Bắc, là cơ sở vững chắc cho việc thực hiện hòa bình và thống nhất nước nhà.

Bác Hồ về thăm Kim Liên - Nam Đàn năm 1957. Ảnh: Tư liệu
Bác Hồ về thăm Kim Liên - Nam Đàn năm 1957. Ảnh: Tư liệu

Như vậy, Bác Hồ đã đưa ra đánh giá về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của tỉnh Nghệ An đối với khu vực và cả nước. Bác cũng đưa ra định hướng phát triển cho tỉnh trong thời kỳ nước ta đang thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, là xây dựng Chủ nghĩa xã hội miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà.

Nghị quyết số 39 đặt ra mục tiêu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá của cả nước và trở thành trung tâm của vùng. Có thể nói, qua Nghị quyết số 39 chúng ta thấy đặc thù phát triển của Nghệ An, thấy được Nghệ An ở trong vùng và thấy được Nghệ An trong cả nước.

Thứ hai: Nghị quyết số 39 được ban hành là cơ sở chính trị rất quan trọng cho việc tiếp tục nghiên cứu xây dựng và bổ sung các cơ chế chính sách đặc thù nhằm phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế nhằm thu hút các nguồn lực của mọi thành phần kinh tế cho phát triển của tỉnh. Đặc biệt, phát triển thành phố Vinh trở thành trung tâm của vùng về kinh tế và văn hóa.

Thứ ba: Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39 là cơ sở chính trị quan trọng cho việc xây dựng quy hoạch phát triển của tỉnh phù hợp với quy hoạch phát triển vùng và cả nước. Điều đó giúp thống nhất không gian phát triển mới cho tỉnh, phát huy cao nhất các tiềm năng lợi thế, thu hút mọi nguồn lực cho phát triển. Chúng ta đều biết nếu có một quy hoạch tốt thì sẽ có các dự án tốt; có các dự án tốt sẽ có các nhà đầu tư tốt, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược.

Thứ tư: Nghị quyết số 39 thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với tỉnh, là sự thống nhất về nhận thức và hành động, về quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn và các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển tỉnh trong thời gian tới; giúp khơi dậy khát vọng phát triển nhanh, bền vững, văn minh, hiện đại; phát huy mức cao nhất ý chí tự lực, tự cường, truyền thống cách mạng anh dũng, cần cù, chịu thương, chịu khó của Nhân dân Nghệ An; phát huy truyền thống văn hóa, đặc biệt là văn hóa xứ Nghệ thành động lực, nguồn lực nội sinh cho phát triển.

Bộ Chính trị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Ảnh: Thành Duy
Bộ Chính trị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Ảnh: Thành Duy

P.V: Vâng, xin đồng chí cho biết về những điểm mới của Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về xây dựng phát triển Nghệ An?

PGS, TS Nguyễn Hồng Sơn: Nghị quyết số 39 có nhiều điểm mới. Tôi chỉ tập trung vào một số điểm cơ bản nhất.

Điểm mới thứ nhất, trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26, Bộ Chính trị đã đưa ra quan điểm phát triển mới, đưa ra các mục tiêu mới, tầm nhìn mới và các chỉ số phát triển cụ thể cho tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Các mục tiêu phù hợp với định hướng phát triển của vùng được thể hiện trong Nghị quyết số 26 về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng – an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phù hợp với định hướng phát triển của cả nước được đưa ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Như vậy, nếu sự phát triển của tỉnh Nghệ An phù hợp với sự phát triển của vùng, phù hợp với sự phát triển của tỉnh, của cả nước, thì sẽ tạo ra một sự cộng hưởng, động lực phát triển trong giai đoạn mới. Nghệ An phát triển có vai trò quan trọng đối vùng và cả nước, đồng thời, sự phát triển của vùng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển của tỉnh Nghệ An.

Điểm mới thứ hai, Nghị quyết số 39 đặt ra yêu cầu kiên định định hướng phát triển nhanh và bền vững dựa nhiều hơn vào sử dụng hiệu quả các nguồn lực và khoa công nghệ, đổi mới sáng tạo. Cụ thể như phát triển công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển dịch vụ giá trị gia tăng. Làm được điều này thì sự phát triển của Nghệ An bắt nhịp được với xu hướng phát triển chung của cả nước, khu vực và thế giới. Tận dụng được lợi thế người đi sau, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.

Định hướng phát triển không gian tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Định hướng phát triển không gian tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Điểm thứ ba, Nghị quyết số 39 đặt ra định hướng mở rộng không gian phát triển cho Nghệ An, cụ thể là mở rộng thành phố Vinh, mở rộng Khu kinh tế Đông Nam; đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả liên kết phát triển giữa tỉnh Nghệ An với các địa phương khác ở trong vùng và cả nước. Đó là thông qua việc xây dựng, phát triển các cơ sở hạ tầng chiến lược như: đường cao tốc, cảng biển, cảng hàng không; thông qua xây dựng phát triển các hành lang kinh tế như: hành lang kinh tế ven biển, hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh, hành lang kinh tế Quốc lộ 7, hành lang kinh tế Quốc lộ 48. Đặc biệt là nâng cao hiệu quả liên kết phát triển Nam Thanh Hóa – Bắc Nghệ An, Nam Nghệ An – Bắc Hà Tĩnh, thúc đẩy liên kết giữa tỉnh Nghệ An với Lào và các nước ASEAN; thúc đẩy các hoạt động liên kết khác với các nước ở trên thế giới.

Điểm mới tiếp theo có thể nhấn mạnh, là Nghị quyết số 39 xác định rõ các động lực phát triển của tỉnh Nghệ An. Việc xác định các động lực phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới dựa trên tiềm năng, lợi thế của từng ngành, từng lĩnh vực, từng khu vực phát triển để có thể phát huy được cao nhất các tiềm năng lợi thế; đó là phát triển kinh tế biển, phát triển thành phố Vinh mở rộng, phát triển Khu kinh tế Đông Nam mở rộng, phát triển 6 đô thị động lực: thành phố Vinh, thị xã Thái Hòa, thị xã Hoàng Mai, các huyện Con Cuông, Đô Lương, Diễn Châu.

Điểm thứ năm, Nghị quyết số 39 cũng xác định rất rõ các đột phá chiến lược cho sự phát triển của tỉnh phù hợp với đột phá chiến lược được đặt ra cho toàn quốc.

Quy hoạch các hành lang kinh tế của Nghệ An ưu tiên phát triển từ nay đến năm 2030.
Quy hoạch các hành lang kinh tế của Nghệ An ưu tiên phát triển từ nay đến năm 2030.

Đột phá đầu tiên là xây dựng cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, nhất là các cơ sở hạ tầng chiến lược. Cụ thể như tập trung đầu tư xây dựng cảng Cửa Lò, cảng Đông Hồi, mở rộng Sân bay quốc tế Vinh đạt chuẩn 4E và các cơ sở hạ tầng cho khu vực phát triển miền Tây. Điều đáng lưu ý, cơ sở hạ tầng phát triển khu vực miền Tây phải đáp ứng được yêu cầu có khả năng chống chịu được với thời tiết khắc nghiệt, thiên tai, bão lũ và có khả năng ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Đặc biệt là xây dựng cơ sở hạ tầng số để phục vụ cho chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số.

Đột phá thứ hai là cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh; phấn đấu nâng hạng các chỉ số như: PCI, PAPI, Par Index, tạo môi trường thuận lợi nhất để thu hút được các nhà đầu tư từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược.

Đột phá thứ ba là xây dựng văn hóa và con người Nghệ An, để văn hóa trở thành động lực đặc biệt, thành nguồn lực nội sinh cho phát triển.

Đột phát thứ tư là phát triển dựa nhiều hơn vào công nghệ, vào đổi mới sáng tạo.

Đột phá thứ năm là Nghị quyết số 39 đưa ra yêu cầu Nghệ An không chỉ phát triển toàn diện, mà phải phát triển có trọng tâm, trọng điểm. Điều này có nghĩa, Nghệ An không thể chỉ tập trung đầu tư vào những vùng phát triển mà bỏ qua các vùng kém phát triển khác. Khu vực miền Tây nhiều khó khăn, nhưng đồng thời cũng là khu vực có nhiều tiềm năng, nên cần biết cách phát huy. Nếu phát triển lệch sẽ xuất hiện các vấn đề liên quan đến xã hội và môi trường sinh thái. Chính vì vậy, Bộ Chính trị mới đặt ra yêu cầu phát triển toàn diện, lấy con người làm trung tâm. Vì con người là nguồn lực có hạn.

Phát triển bền vững kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An trên cơ sở khai thác các tiềm năng, thế mạnh của vùng.
Phát triển bền vững kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An trên cơ sở khai thác các tiềm năng, thế mạnh của vùng.

Đề cập việc Nghệ An phải phát triển toàn diện nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, là thể hiện ở chỗ, Nghị quyết số 39 đặt ra định hướng phát triển nhanh và đột phá phía Đông để thúc đẩy sự phát triển bền vững của phía Tây. Đó là phát triển thành phố Vinh trở thành trung tâm của vùng về kinh tế và văn hóa. Phát triển kinh tế phải gắn với phát triển văn hóa, xã hội, gắn với đảm bảo môi trường sinh thái, đặc biệt là môi trường rừng, biển, đảo và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu. Phải gắn phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng – an ninh. Và đặc biệt, phải chú trọng xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.

P.V: Thưa đồng chí Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, trong Nghị quyết số 39, Bộ Chính trị có nêu 9 nhiệm vụ, giải pháp để cụ thể hóa, hiện thực hóa vào đời sống. Theo quan điểm của đồng chí, nhiệm vụ giải pháp nào là quan trọng nhất?

PGS, TS Nguyễn Hồng Sơn: Theo tôi, giải pháp “Thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy, khơi dậy khát vọng phát triển toàn diện, nhanh, mạnh hơn; phát huy truyền thống, văn hóa mang đậm bản sắc xứ Nghệ trở thành động lực, nguồn lực nội sinh cho phát triển” là quan trọng nhất. Có nhiều Nghị quyết của Bộ Chính trị dành cho các địa phương, nhưng chỉ riêng nghị quyết về Nghệ An mới có một nhiệm vụ, giải pháp như vậy.

Bác Hồ từng nói: “Văn hóa còn thì đất nước còn” hay “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Văn hóa bền vững thì sự phát triển của chúng ta không bị một chiều, không bị nghiêng về phía này, không bị đổ về phía khác. Văn hóa là tổng thể của rất nhiều lĩnh vực khác nhau khó có thể điểm mặt, chỉ tên cụ thể. Văn hóa là cái tổng thể nhưng rất quan trọng, mà Nghệ An có văn hóa bản sắc xứ Nghệ rất tuyệt vời. Tất nhiên văn hóa cũng có mặt trái của nó, nhưng nếu biết cách phát huy yếu tố tích cực sẽ giúp thực hiện được những lĩnh vực khác.

Sự lan tỏa của dân ca ví, giặm trong đời sống của người dân xứ Nghệ qua chiều dài lịch sử được thể hiện trong tiết mục
Sự lan tỏa của dân ca ví, giặm trong đời sống của người dân xứ Nghệ qua chiều dài lịch sử được thể hiện trong tiết mục "Ví, giặm nối những miền quê" tại Hội diễn Đàn, hát dân ca 3 miền. Ảnh: Đình Tuyên

Văn hóa là nền tảng và khi chúng ta có nền tảng văn hóa, có thể ứng xử được với những biến động xã hội, không bị lệch hướng. Tôi lấy ví dụ, trong giai đoạn đang khó khăn, khi sự phát triển của tỉnh còn thấp, thì khát khao phát triển rất mạnh, đặc biệt là Nghệ An nằm giữa hai tỉnh Thanh Hóa và Hà Tĩnh. Ở đây không phải là so sánh và cũng không nên so sánh hơn thua. Hà Tĩnh và Thanh Hóa có lợi thế phát triển công nghiệp nền tảng, mà phát triển công nghiệp nền tảng thì có những tác động mạnh đến môi trường. Nếu văn hóa mạnh thì hoàn toàn có thể phát triển công nghiệp nền tảng, nhưng vẫn đảm bảo sự bền vững. Nghệ An là tỉnh đi sau. Đi sau không phải là kém, đi sau có lợi thế riêng. Đó là có thể rút kinh nghiệm của người khác, bắt nhịp với sự phát triển tiếp theo.

Nghệ An phải phát triển nhanh, nhưng phải bền vững. Và đôi khi phải đặt yếu tố bền vững lên đầu, bởi vì môi trường sinh thái một khi đã mất thì khôi phục rất khó. Giống như lòng tin, một khi đã mất thì lấy lại rất khó. Nghệ An nếu nóng vội kêu gọi những nhà đầu tư không chuẩn dễ rơi vào thực trạng hủy hoại môi trường và tạo ra các vấn đề xã hội. Bởi vậy, yếu tố văn hóa đậm bản sắc xứ Nghệ sẽ tạo nền tảng cho sự phát triển toàn diện của tỉnh trong tương lai.

P.V: Tới đây, Bộ Chính trị và tỉnh Nghệ An sẽ triển khai Nghị quyết số 39. Theo đồng chí, vấn đề cốt lõi nhất trong việc triển khai Nghị quyết là yếu tố nào?

PGS, TS Nguyễn Hồng Sơn: Suy đến cùng, tất cả nghị quyết, chủ trương, chính sách đều hướng đến việc nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho người dân. Và Nghị quyết số 39 đưa ra định hướng cho phát triển của tỉnh Nghệ An trong giai đoạn tiếp theo. Chúng ta đi có thể chậm nhưng không bao giờ được đi sai định hướng. Nếu sai định hướng thì có đi nhanh bao nhiêu nữa thì sẽ là đi chậm.

Điều đầu tiên, để Nghị quyết số 39 thực sự đi vào cuộc sống, biến thành của cải vật chất, nâng cao đời sống của người dân, thì phải tuyên truyền, quán triệt để làm sao không chỉ các cấp lãnh đạo mà từng người dân, từng doanh nghiệp phải thấu hiểu về Nghị quyết. Điều này vô cùng quan trọng nhằm tạo sự thống nhất về mặt nhận thức, thống nhất về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của tỉnh Nghệ An. Tất cả người dân Nghệ An phải thấu hiểu “tại sao Nghệ An cần phải có Nghị quyết của Trung ương”. Và không chỉ riêng Nghệ An, các tỉnh trong vùng cũng phải thấu hiểu, thấm nhuần điều đó. Các bộ, ngành Trung ương và địa phương cũng phải thấm nhuần về Nghị quyết.

Khi thống nhất về mặt nhận thức thì hành động mới đúng, mới có quyết tâm và sự phối hợp, từ đó mới thu hút được các nguồn lực cho phát triển. Do vậy, điều đầu tiên cốt yếu mà tỉnh Nghệ An cần làm ngay là tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết số 39. Việc Báo Nghệ An đang triển khai một loạt các phóng sự, bài viết về Nghị quyết 39 là có phần thực hiện được điều đó.

Một góc thành phố Vinh.
Một góc thành phố Vinh.

Điều thứ hai, trên tinh thần Nghị quyết số 39, cần có một sự nỗ lực, vào cuộc rất mạnh của tập thể lãnh đạo, của cả hệ thống chính trị cùng toàn quân, toàn dân để thực hiện Nghị quyết; phải có các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, với những lộ trình, bước đi, những nguồn lực rất cụ thể để thực hiện Nghị quyết.

Tỉnh Nghệ An hiện tại đang đi những bước rất chắc chắn. Nghị quyết số 39 là cơ sở chính trị, sau đó sẽ có một chương trình hành động của Chính phủ; bước tiếp theo là chương trình hành động của địa phương; bước tiếp nữa là phải rà soát lại Nghị quyết số 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cơ chế tính chất đặc thù cho tỉnh Nghệ An còn thiếu cái gì, mình còn muốn cái gì, để đề xuất, kiến nghị, bổ sung thêm nhằm có một khung pháp lý cho phát triển. Nghị quyết là cơ sở chính trị, cơ chế chính sách đặc thù, là cơ sở pháp lý. Nếu tỉnh thực hiện tốt các yếu tố này sẽ hiện thực hóa Nghị quyết số 39 vào cuộc sống.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí về cuộc phỏng vấn!

PGS-TS Nguyễn Hồng Sơn - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An.