Bài 1: Nông sản chờ nhà máy

Nghệ An có những thế mạnh rất rõ về sản phẩm nông nghiệp, với hàng triệu tấn lương thực mỗi năm, nhiều vùng nguyên liệu được hình thành như chè, mía, cao su, sắn, cây ăn quả… Thế nhưng nhiều năm qua, tình trạng nông sản bị ế thừa, ép giá thường xuyên diễn ra, nhiều loại nông sản giá trị vẫn trong tình trạng “chờ nhà máy”.

“Giải cứu nông sản” có lẽ là cụm từ không còn mới đối với nông dân và cả người tiêu dùng thời gian gần đây. Hết dưa chuột, su su, hành tăm đến cà chua, chanh, cam…

Năm 2018, nông dân xã Nam Xuân (Nam Đàn) vì dưa chuột giá quá rẻ, đã không buồn thu hoạch để quả già vàng chất đầy ruộng; một số bà con xót của thì mang về cho bò ăn. Còn đầu vụ dứa năm 2019 này, giá dứa bán ra tại các vườn đồi ở huyện Quỳnh Lưu giảm mạnh so với đầu vụ của năm trước. Giá dứa chỉ có 3.000 – 5.000 đồng/kg, người trồng dứa thất thu.

Được biết ở xã Quỳnh Thắng, bà con nông dân trồng được 85 ha dứa, trong đó 60 ha đã cho thu hoạch. Tuy nhiên, giá dứa giảm, chỉ có 3.000 đồng/kg, loại quả đẹp 4.000 đồng/kg, trong khi nhà máy chỉ thu mua với giá 1.800 đồng/kg…

Bà con xã Tân Thắng, Quỳnh Lưu thu hoạch dứa. Ảnh: Sách Nguyễn
Bà con xã Tân Thắng, Quỳnh Lưu thu hoạch dứa. Ảnh: Sách Nguyễn

Với diện tích đất màu rộng lớn, bình quân mỗi năm huyện Diễn Châu sản xuất được từ 12.000 – 15.000 tấn lạc. Là doanh nghiệp được coi là lớn nhất ở “vựa lạc” của tỉnh này, Công ty TNHH XNK Sỹ Thắng – xã Diễn Thịnh không chỉ bao tiêu phần lớn lượng sản phẩm lạc được sản xuất trên địa bàn, mà còn nhập hàng từ các địa phương khác trong tỉnh và một số tỉnh bạn để sơ chế, đóng gói, tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Thái Lan.

Tuy nhiên, lượng hàng đó ít ỏi và không hề đáng kể so với lượng sản phẩm mỗi năm được sản xuất trên địa bàn cũng như khả năng thu mua và lượng hàng xuất bán của doanh nghiệp.

Gia đình có 7 sào lạc, thời điểm này, lạc vụ xuân 2019 của ông Thái Vân Thu ở xóm 13, xã Diễn Thịnh đã thu hoạch và bán hết, nhưng đồng thời ông cũng mới tiêu thụ xong gần 1 tấn lạc của vụ xuân năm 2018. “Năm ngoái giá lạc xuống thấp quá nên tôi cất trữ hy vọng cuối vụ giá lên lại 28.000 – 29.000 đồng/kg như mọi năm.

Thế nhưng để đến tháng 4 năm nay, không thể chờ được nữa, tôi buộc phải bán, vẫn với giá 23.000 đồng/kg như năm ngoái, mà khối lượng và chất lượng thì bị giảm sút vì đóng bì để trong nhà lâu quá. Đó là vài năm nay lạc còn dễ bán dù giá không cao, chứ như năm 2017, thời điểm này lạc vẫn đang chất đống trong nhà không bán được”, ông Thái Vân Thu chia sẻ.

Có lẽ, ở Nghệ An, sản phẩm lạc nhân dù đầu ra khó khăn nhưng chưa đến nỗi dư thừa ế ẩm như nhiều nông sản khác. Lạc Nghệ An là thương hiệu nổi tiếng một thời, sản phẩm qua sơ chế được xuất khẩu sang nhiều nước như Thái Lan, Indonesia, nhưng hiện nay chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, và một số cơ sở thu mua để chế biến dầu ăn thủ công.

Vì thế, điệp khúc “được mùa, rớt giá” diễn ra nhiều năm làm cho người nông dân lâm vào cảnh lao đao, sản xuất kinh doanh khó khăn.

Như thế, nhìn chung trong sản xuất nông nghiệp ở Nghệ An, do lối sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu khoa học, chạy theo phong trào và thị trường nên cung vượt cầu, dẫn tới không tiêu thụ được sản phẩm. Nông sản sản xuất ra không có bảo quản chế biến, dẫn đến chính vụ bị rớt giá, ế ẩm nhưng khi có nhà máy chế biến thì không ít nhà máy thiếu đói nguyên liệu, phải chạy dưới công suất, thậm chí là đóng cửa. “Vòng luẩn quẩn” của nông sản cứ thế đã, đang tiếp diễn.

Được coi là một trong những “thủ phủ” của cây cam hàng hóa, cuối năm 2018, diện tích cam của huyện Quỳ Hợp đã lên tới hơn 2.826 ha, đạt hơn 94% so với mục tiêu đề ra đến năm 2020. Nhiều tiến bộ KHKT đã được áp dụng nâng cao năng suất và hiệu quả cây cam như trồng cam VietGAP; áp dụng công nghệ tưới nước tự động Israel; phun chế phẩm Retain bảo quản quả cam; hỗ trợ và phối hợp xây dựng kho lạnh, máy bảo quản cam. Đặc biệt, đã hình thành một số thương hiệu cam được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ.

Dây chuyền chế biến tại Công ty CP Trang trại nông sản Phủ Quỳ là một trong những dây chuyền đầu tiên chế biến các sản phẩm từ quả cam tươi tại Quỳ Hợp. Với các loại sản phẩm khá hấp dẫn như mứt cam, cam sấy, tinh dầu cam, trà cam sả… công suất khoảng 7 – 10 tấn cam tươi, 300 kg sản phẩm/tháng, được tiêu thụ tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… đã không chỉ góp phần giúp người dân trong vùng tiêu thụ cam một cách ổn định, mà còn “giải quyết” một lượng lớn cam loại 2, loại 3, mẫu mã và chất lượng xấu hơn, khó bán hoặc giá trị rất thấp nếu bán quả tươi.

Chị Nguyễn Thị Lê Na – Phó Giám đốc Công ty CP Trang trại nông sản Phủ Quỳ chia sẻ: Đơn vị đã đầu tư kho lạnh chứa 20 tấn cam tươi, nhưng cũng không thể đủ nguyên liệu để sản xuất cả năm. Tuy vậy, đây đang được coi là những mô hình cần nhân rộng, phát triển, nâng cao năng lực chế biến, tạo thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm cam Nghệ An.

Hệ thống tưới tự động cho cam. Ảnh: Xuân Hoàng
Hệ thống tưới tự động cho cam. Ảnh: Xuân Hoàng

Tại hầu hết các vùng nguyên liệu, công nghiệp chế biến còn rất nhiều bất cập. Bà Đậu Thị Thủy ở xóm 2, xã Thanh Hương (huyện Thanh Chương) chia sẻ: Với 2 ha chè, năng suất cao 28 tấn/năm nhờ được đầu tư hệ thống tưới và chăm sóc tốt, nhưng giá trị thu lại không cao và việc tiêu thụ rất bấp bênh. “Vài năm nay, tiêu thụ chè khá ổn định, giá cả chấp nhận được. Nhưng nếu chế biến tốt giá trị sẽ cao hơn. Có những năm giá chè xuống chỉ còn 3.000 đồng/kg, trừ chi phí phân đạm, tiền hái, chỉ đủ vốn là may. Mà những năm ế, rẻ, sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác. Chè mua chậm, đến độ tuổi không được hái sẽ giảm năng suất và chất lượng, giảm số lần hái, thiệt đơn thiệt kép”, bà Thủy cho biết.

Có thể khẳng định, Nghệ An có những thế mạnh rất rõ về nông sản, với hàng triệu tấn lương thực mỗi năm, nhiều vùng nguyên liệu được hình thành như chè, mía, cao su, sắn, cây ăn quả… và đã có các cơ sở chế biến. Thế nhưng nhiều năm qua, tình trạng nông sản bị ế thừa, ép giá thường xuyên diễn ra.

Những sản phẩm đã có chế biến thì người dân không tuân thủ quy hoạch đã được xây dựng dựa trên sự cân đối giữa sản xuất và tiêu thụ, ví dụ như cây cam hiện đã đạt diện tích quy hoạch đến năm 2020 và vẫn đang tiếp tục được mở rộng. Một số sản phẩm mang tính hàng hóa như rau các loại, thời vụ và thời gian bảo quản rất ngắn nhưng một số địa phương lại chưa có kế hoạch hợp lý dẫn đến cung vượt cầu.

Dây chuyền chế biến chè ở Hùng Sơn, Anh Sơn. Ảnh: Thu Huyền
Dây chuyền chế biến chè ở Hùng Sơn, Anh Sơn. Ảnh: Thu Huyền

Tuy nhiên, nguyên nhân cực kỳ quan trọng, vẫn là chế biến chưa đáp ứng nhu cầu. Đơn cử như cây chè, hiện các sản phẩm chủ yếu của Nghệ An như chè xanh chỉ được bán với giá 1,2 – 1,3 USD/kg (trên dưới 30.000 đồng) trong khi nếu chế biến được ra sản phẩm tinh như trà gói, trà Matcha, giá có thể lên tới trên dưới 1 triệu đồng/kg. Giá trị gia tăng cao thì ngược lại người trồng chè sẽ bán được nguyên liệu với giá cao hơn, sự đầu tư nâng cao chất lượng chè nguyên liệu sẽ tốt hơn.