Tương Dương đột phá trong xây dựng nông thôn mới

Tam Quang là xã biên giới đầu tiên của huyện Tương Dương và của tỉnh Nghệ An về đích NTM vào cuối năm 2017, hiện nay, xã đang trong lộ trình xây dựng NTM nâng cao. Điều dễ nhận thấy hiện nay, ngoài những con đường bê tông nối dài vào tận xóm, bản, nhà cửa khang trang, là nhiều mô hình kinh tế được triển khai.

Giới thiệu về đặc sản Tương Dương tại Hội chợ xúc tiến thương mại.
Giới thiệu về đặc sản Tương Dương tại Hội chợ xúc tiến thương mại.

Đơn cử như làng Bãi Sở, xã Tam Quang là điểm đầu tiên của huyện và của tỉnh trong xây dựng NTM từ thôn, bản. Theo ông Nguyễn Hữu Trường – Trưởng làng Bãi Sở, thì đến nay, các tiêu chí NTM của làng Bãi Sở ngày càng được nâng cao như tiêu chí nhà ở, hộ nghèo… Đáng nói, nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập cao từ 100 – 300 triệu đồng/năm ngày càng được người dân triển khai nhân rộng, như: mô hình trồng trọt và chăn nuôi của gia đình ông Tống Văn Chiến; mô hình cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả của ông Lê Đăng Dần; mô hình nuôi bò nhốt của gia đình ông Nguyễn Hữu Duệ – 1 trong số 45 hộ chăn nuôi bò nhốt ở làng Bãi Sở…

Ông Tống Văn Chiến – hộ trồng 400 gốc thanh long, nuôi hàng chục con lợn rừng, bò, ở làng Bãi Sở phấn khởi nói: “Từ những trục giao thông chính vào các bản, đến từng đường ngang, ngõ xóm đều đã được bê tông hóa, không chỉ giúp người dân đi lại thuận tiện, mà các loại cây ăn quả, vật nuôi của bà con làm ra mang đi tiêu thụ được dễ dàng… tất cả đều nhờ chương trình nông thôn mới”.

Ông Nguyễn Hữu Hiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương tham quan mô hình trồng cà chua múi tại bản Phòng, thị trấn Thạch Giám (Tương Dương).
Ông Nguyễn Hữu Hiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương tham quan mô hình trồng cà chua múi tại bản Phòng, thị trấn Thạch Giám (Tương Dương).

Theo bà Kha Thị Hiền – Chủ tịch UBND xã Tam Quang, điều quan trọng nhất là người dân đã chuyển dần sản xuất nông nghiệp tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, với nhiều mô hình nuôi, trồng hiệu quả như trồng thanh long, nuôi bò, lợn rừng… Thu nhập bình quân của người dân xã Tam Quang đã tăng lên đáng kể, hiện đạt 48,1 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 9,6%.

Còn tại xã Lưu Kiền, đang phấn đấu về đích NTM trong thời gian tới. Ông Vang Kiên Cường – Chủ tịch UBND xã cho biết: Từ khi nắm được các tiêu chí cần phải đạt trong xây dựng NTM, bà con đều rất nỗ lực. Về môi trường, gia súc, gia cầm trước đây chủ yếu nuôi nhốt dưới gầm nhà sàn, đến nay, các hộ trong bản đều tách ra khỏi khu vực nhà ở; bà con cũng đã có ý thức thu gom và phân loại rác đúng quy định… Đáng nói, cùng với các chính sách hỗ trợ cây, con giống, xây dựng các mô hình sản xuất, bà con đã thực sự có ý thức trong phát triển kinh tế. Nhiều mô hình đã cho thấy hiệu quả như: mô hình chăn nuôi trâu, bò nhốt tại bản Lưu Thông; mô hình VAC tại bản Khe Kiền; mô hình trồng chuối lấy lá; mô hình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản (cá mát)…

Người dân huyện Tương Dương triển khai sôi động các mô hình kinh tế.
Người dân huyện Tương Dương triển khai sôi động các mô hình kinh tế.

Việc Tương Dương nằm trong số ít các huyện 30a trong cả nước có xã đạt chuẩn NTM sớm, phản ánh rõ quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của người dân ở đây. Đáng nói, bằng các nguồn kinh phí, nguồn hỗ trợ, huyện đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà ở cho hộ nghèo… Ngoài ra, huyện lồng ghép các chương trình, dự án để hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề; hỗ trợ máy móc, cây, con giống; hỗ trợ người dân tiếp cận nhiều thông tin để định hướng phát triển kinh tế bền vững, được tập huấn, hướng dẫn về cách thức sản xuất, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả. Từ đó, đưa thu nhập bình quân đầu người đến nay ước đạt 36,02 triệu đồng/năm; đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 34,03% xuống còn 29,51%.

Nghề truyền thống mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Nghề truyền thống mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Ông Nguyễn Hữu Hiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: Với mục tiêu sớm trở thành huyện dẫn đầu về xây dựng NTM ở khu vực miền núi cao, huyện Tương Dương tiếp tục tuyên truyền chuyển đổi nhận thức, quyết tâm thoát nghèo của cán bộ, nhân dân, với quan điểm “thoát nghèo từ trong nhận thức”; từ đó, tập trung phát triển kinh tế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Trên cơ sở xây dựng cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tiêu thụ và chế biến sản phẩm nông nghiệp… huyện đẩy mạnh thực hiện Chương trình “Mỗi xã 1 sản phẩm” (OCOP) để khẳng định vị thế sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Huyện Tương Dương nằm trong số ít các huyện 30a trong cả nước có xã đạt chuẩn NTM sớm.
Huyện Tương Dương nằm trong số ít các huyện 30a trong cả nước có xã đạt chuẩn NTM sớm.

Ngoài ra, huyện Tương Dương cũng xác định công tác lập kế hoạch xây dựng NTM cho xã là hết sức quan trọng, để xác định được lộ trình, xác định nguồn lực đầu tư; quan trọng nhất là phân định rõ nhiệm vụ của các cấp, các ngành; tiêu chí nào, công trình nào huyện làm; tiêu chí nào, công trình nào xã làm; tiêu chí nào, công việc nào dân làm; công việc nào là Nhà nước và người dân cùng làm.

Đặc biệt, với phương châm “Tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau”, quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới ở cơ sở, huyện chỉ đạo không chạy theo thành tích bằng mọi giá; cần xác định rõ xây dựng được tiêu chí nào thì người dân phải thực sự được hưởng thành quả của tiêu chí đó…

Tương Dương đang ngày càng đổi mới trên mọi phương diện.
Tương Dương đang ngày càng đổi mới trên mọi phương diện.