Từ tin Nghệ An đến Báo Nghệ An và báo Nhân dân Nghệ An

Trong các năm 1956, 1957… Tỉnh ủy Nghệ An tập trung chỉ đạo thực hiện công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, cùng cả nước xây dựng hòa bình ở miền Bắc, đấu tranh đòi hòa bình thống nhất ở miền Nam. Mặc dù có rất nhiều khó khăn, thử thách nhưng Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An đã từng bước vượt qua, khẩn trương vừa khôi phục, vừa phát triển kinh tế – xã hội. Lần đầu tiên, tỉnh Nghệ An xây dựng Nhà máy điện Vinh do Liên Xô (cũ) giúp đỡ. Nhiều công trình trọng điểm về công nghiệp chế biến gỗ, diêm, xà phòng, hải sản và cơ khí chế tạo công cụ, máy công tác nông nghiệp được xây dựng.và đưa vào sử dụng. Nhà máy in Nghệ An cũng được đổi mới kỹ thuật, công nghệ nhằm đáp ứng yêu cầu xuất bản báo chí với chất lượng cao hơn.

Trong những công việc cần làm, Tỉnh ủy và Ủy ban Nhân dân tỉnh chủ trương xây dựng lại các cơ sở thông tin, báo chí của tỉnh. Để phù hợp với hoàn cảnh kinh tế – xã hội và nhiệm vụ chính trị, cuối năm 1957, phòng Thông tin Nghệ An (trực thuộc Ủy ban Hành chính tỉnh) được thành lập, trong đó có tờ “Tin Nghệ An” (sau đó đổi tên là Nghệ An), hoạt động dựa vào nguồn kinh phí của chính quyền tỉnh. Ông Phạm Đình Nguyên làm chủ bút. Nội dung tờ báo do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chịu trách nhiệm. Tờ “Nghệ An” ra mỗi tuần 1 số, khổ giấy 30cm x 40cm, với 4 trang, phát hành 600 đến 800 tờ, đến tận các xã, các cơ quan, công, nông trường, xí nghiệp trong tỉnh.

Tòa soạn rất ít cán bộ, Chủ bút và Thư ký Tòa soạn kiêm công việc của phóng viên, trình bày mặt báo, giao dịch nhà in và phát hành báo. Hình thức chung của tờ “Nghệ An” có các mục xã luận, tin thời sự trong tỉnh, tin vắn ngoại tỉnh…, các văn kiện (tóm tắt) của Đảng và Nhà nước, lời phát biểu của các nhà lãnh đạo hoặc của người lao động xuất sắc… Ngoài các mục thông tin nghị luận còn có mục thơ ca và ảnh thời sự.

Về nội dung thông tin chủ yếu là nguồn tin tức trong tỉnh, một phần tin thời sự trong nước và quốc tế (khai thác từ nguồn tin Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và một phần tin tức của các cơ quan thông tấn phương Tây được khai thác, chọn lọc qua Radio).

Những dịp lễ lớn hoặc Đại hội Đảng, tờ “Nghệ An” ra số đặc biệt hai màu. Do tỉnh Nghệ An đất rộng, có 3 vùng đồng bằng, miền núi, miền biển, việc khai thác tin bài khá vất vả, nhất là buổi đầu chưa có lực lượng cộng tác viên. Sau này, khi tờ “Nghệ An” phát hành rộng rãi, đều kỳ, các huyện và một số ngành đã tích cực cung cấp tin, bài.

Về nhiệm vụ và nội dung tuyên truyền, qua 4 năm (1958 đến nửa năm 1961), tờ “Nghệ An” đã tập trung phản ánh những sự kiện nổi bật như: Đại hội Đảng bộ tỉnh năm 1959 (15/3/1959), Đại hội năm 1960 – 1961 (2 vòng) trong tháng 6, 7 năm 1960 và cuối tháng 3/1961, khai mạc Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng tại Hà Nội.

Tờ “Nghệ An” đã bám sát Nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh và Đại hội Đảng toàn quốc, tuyên truyền, phổ biến tư tưởng, hành động kế hoạch 3 năm, tổng kết thắng lợi của 3 năm cải tạo xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế – xã hội toàn diện, về quôc phòng và giữ vững an ninh chính trị đi đôi củng cố và tăng cường sức chiến đấu của các lực lượng vũ trang tỉnh nhà (chống tư tưởng “gối đầu” lên thắng lợi…).

Dựa theo các văn kiện của mỗi kỳ Đại hội, kết hợp với tình hình cụ thể ở tỉnh nhà, tờ “Nghệ An” đi sâu vào các thể loại tin bài, phát hiện và phản ánh tình hình phát triển kinh tế, nhất là phát triển nông nghiệp như Hợp tác xã tiên tiến Ba Tơ, Vạn Hồng (đồng bào công giáo) cùng các Anh hùng Lao động Hoàng Hanh, Cao Lục, về ngư nghiệp có điển hình Quỳnh Long (Quỳnh Lưu), Nghi Tân, Nghi Hải (Nghi Lộc).

Trong giai đoạn 1958 – 1959, tờ “Nghệ An” đã cổ vũ cuộc đấu tranh quyết liệt giữa đồng bào ta với bọn Mỹ – Diệm ở miền Nam, lên án hành động, thủ đoạn đàn áp tàn bạo của chúng, điển hình là vụ Mỹ – Diệm đầu độc hàng nghìn đồng bào tại trại tập trung Phú Lợi (Sài Gòn). Đồng bào trong tỉnh, nhất là số đồng bào miền Nam tập kết trên đất Nghệ An hết sức quan tâm, nóng lòng theo dõi cục diện máu lửa đó. Tờ “Nghệ An” ra ngày 1/2/1959 đã dành 1/2 tờ báo đưa tin, bài về vụ khủng bố man rợ. Với mục đề: “Bè lũ Mỹ – Diệm, gây thêm một tội ác cực kỳ dã man đầu độc tàn sát 1.000 đồng bào yêu nước ở trại giam Phú Lợi” chạy suốt đầu trang báo, ngay giữa bài báo là tranh áp phích “Căm thù Mỹ Diệm nỗ lực phấn đấu”, trang 2 là bài thơ dài “Tiếng thét của chúng ta” cùng một loạt tin, bài cổ động đồng bào Nghệ An biến căm thù thành hành động, đẩy mạnh sản xuất, sẵn sàng chi viện cho cách mạng miền Nam.

Giữa năm 1958, do nhiệm vụ tuyên truyền ngày càng nặng, nội dung thông tin ngày càng nhiều, tờ “Nghệ An” bắt đầu có ảnh hưởng trong và ngoài tỉnh, Tỉnh ủy và Ủy ban Hành chính tỉnh cho bổ sung đội ngũ từ 2 cán bộ quản lý và biên tập lên 5 cán bộ, có người đã từng làm báo, nhờ vậy tờ báo được chú ý cải tiến nội dung và hình thức tin, bài. Do yêu cầu về tổ chức bộ máy và điều kiện hoạt động, 2 bộ phận biên tập Báo Nghệ An và Đài Truyền thanh Nghệ An ở chung trong một nhà, cùng chung một người phụ trách nên có sự hỗ trợ, bổ sung bài vở cho nhau. Từ đây, “Nghệ An” vươn tay về phía miền Tây tỉnh nhà, ra tờ phụ trương “Miền núi Nghệ An” (khổ giấy vừa) ra mắt độc giả các huyện miền núi. Phụ trương “Miền núi Nghệ An” không đặt chế độ xuất bản đều kỳ trong tháng, các dịp lễ hội, Tết cổ truyền đều ra số đặc biệt. Chúc mừng Xuân 1958, tờ “Miền núi Nghệ An” in màu xanh, có thơ xuân và thơ minh họa, mang đậm nét sinh hoạt của các dân tộc ít người ở miền Tây đất Nghệ.

Tờ “Nghệ An” xuất bản đều kỳ đến cuối tháng 10/1961 thì ngừng xuất bản, đây là thời kỳ chuyển tiếp giữa tờ “Nghệ An” (trực thuộc Ủy ban Hành chính tỉnh) sang tờ “Nhân dân Nghệ An” (trực thuộc Tỉnh ủy) sau ngày 10/11/1961. Từ chỗ chập chững bước đi buổi đầu, hơn 4 năm đã trưởng thành, góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng hòa bình sau 9 năm chống Pháp thắng lợi.

Khi Tỉnh ủy có chủ trương xuất bản tờ báo của Đảng bộ tỉnh, để phù hợp với hoàn cảnh mới, Tỉnh ủy cho giữ nguyên bộ máy biên tập của tờ Nghệ An (cũ) góp phần xây dựng tờ báo mới với măng séc “Nhân dân Nghệ An”.


Nguồn: Lịch sử Báo Nghệ An (1961 – 2011) – NXB Nghệ An, tháng 11/2011
Ảnh: Tư liệu