Trung thu thành phố

TRUNG THU THÀNH PHỐ

Chung cư nơi tôi ở đã giăng đèn lồng từ nửa tháng trước đêm Trung thu. Ở đây có nhiều gia đình trẻ, nên rất đông trẻ em. Các ông bố bà mẹ đều hăm hở góp sức, hy vọng hàng trăm em bé sẽ có một đêm Trung thu đáng nhớ.

Năm nào cũng vậy. Đêm Trung thu luôn rực rỡ với đèn lồng, đèn ông sao, tưng bừng náo nhiệt hát múa, phá cỗ. Đầy háo hức, đầy kỳ vọng. Nhưng là háo hức, kỳ vọng của các… ông bố bà mẹ. Còn bọn trẻ, có cũng được, không có cũng không sao.

Vì sao vậy?

Trung thu trong ký ức người lớn, dù là sinh sống ở thành thị hay nông thôn, đều lung linh biết bao. Trong ngôi làng nhỏ ở tít miền núi, chúng tôi đã dùng cơm giã ra để dán những tờ giấy màu tích cóp từ… mùa Thu trước, lên cái khung tre tự đan, để cho ra những chiếc đèn ông sao. Đêm Rằm, ăn cơm sớm, nghe tiếng í ới là vội vội vàng vàng châm lửa cho đèn sáng, và lò dò đi ra ngõ. Không dám chạy nhanh dù lòng dạ hớn hở lắm, vì chạy nhanh thì đèn tắt mất. Tôi đi trước, sau lưng là con chó vàng. Tôi đi chơi Trung thu, nó cũng chơi Trung thu. Đi ra đến đầu ngõ đã thấy nhấp nháy hàng chục cái đèn đang túa ra từ các nhà hàng xóm. Đường xóm trăng trắng dưới ánh trăng, đèn Trung thu như đom đóm. Thỉnh thoảng có đứa được bố mẹ mua cho cái trống nhỏ trên chợ tỉnh, ra sức gõ, rộn ràng khắp núi đồi. Đi cho mỏi chân, cho cạn dầu trong đèn thì về giữa làng phá cỗ. Bánh nướng bánh dẻo ít lắm, phải cắt nhỏ, chia ra, mỗi đứa một miếng bé xíu. Còn thì bưởi, na, hồng… vườn nhà ai có gì mang ra cái nấy. Người lớn trẻ con ngồi túm tụm trên sàn phơi lúa nhà bà lão già nhất xóm, vừa ăn vừa tán chuyện rổn rảng.

Trẻ con miền núi, đồng bằng, thành thị, những năm tháng ấy, những thập niên xa tít ấy đã chờ Trung thu cả một năm trời. Nên khi nó đến, thật là đã vui vẻ biết bao.

Còn giờ đây, đêm Rằm hay không phải Rằm, đều không ai nhìn thấy trăng. Có trăng hay không có trăng, những ngọn đèn vẫn thắp sáng đường phố. Con gái tôi, mỗi khi đi đâu đó xa, nhìn thấy trăng, nó đều lặng đi vì xúc động.

Thực ra thì ông trăng chẳng đi đâu vắng cả. Ông ấy vẫn ở nguyên trên trời, chỉ có điều bọn trẻ sống trong những hộp diêm không được nhìn thấy ông ấy mà thôi.

Trung thu xưa luôn được mong chờ vì… nghèo, có người nói vậy. Nghèo thì hội hè gì cũng vui, lễ tết gì cũng được mong chờ. Cũng đúng. Nhưng không phải tất cả. Trung thu là để rước đèn, phá cỗ, trông trăng. Trẻ con của chúng ta hôm nay không có không gian để nhìn thấy vẻ đẹp tuyệt mỹ của vầng trăng vào đêm Rằm, tròn trĩnh, lấp lánh như miếng ngọc trai; Trẻ cũng không có bạn. Cả ngày đi học, tối về nhà đóng cửa, cơm nước, học bài, đi ngủ. Không biết nhà hàng xóm có bao nhiêu người, tên gì, dù đã ở cạnh nhau chỉ cách có bức tường đã 3 năm; Trẻ con càng không thể ra đường rước đèn. Xe cộ rầm rập, vỉa hè bị lấy làm chỗ để xe cho quán nhậu; Và chúng mất tự do. Ai cho chúng được dắt theo một con chó và đi ra khỏi nhà vào ban đêm?

Một cuộc sống luôn đầy những bất an, nguy cơ, một tuổi thơ bị cấm túc trong các bức tường, và những ước mơ cất cánh trước màn hình smart phone… là thứ mà người lớn chúng ta đang buộc phải trao cho các con mình.

Trung thu đến rồi, ai ai làm cha mẹ chắc chắn cũng đều ước ao rằng, ông trăng trên trời cao kia có thể tỏa những tia sáng trong lành, thiện lương, công bằng, an toàn cho những đứa trẻ của thế kỷ 21.