Mẹ

Có một điều khá lạ và cũng khá thú vị, rất nhiều ngôn ngữ trên thế giới trong đó như tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Tiệp Khắc và rất rất nhiều thứ tiếng khác… đều phát âm từ mẹ bắt đầu bằng chữ M. Riêng ở Việt Nam ngoài chữ “mẹ” thì các vùng miền cũng có cách gọi khác nhau như “má, mạ, mệ, mế, mẫu…” tất nhiên cũng bắt đầu bằng chữ M.

Vì sao vậy nhỉ? Là huyền bí thách thức khoa học hay đơn giản vì phát âm M là cái bật môi đơn giản nhất để mỗi đứa bé có thể dễ dàng gửi đi tín hiệu ngôn ngữ đầu tiên cho người mẹ? Dẫu sao thì chữ mẹ đến với chúng ta trong một khoảnh khắc may mắn và diệu kỳ như thế đấy. Trước khi biết đánh vần “mờ – e – me – nặng – mẹ” trước khi thống lĩnh cả một khối đồ sộ và phức tạp của ngôn ngữ thì chỉ sau mấy tháng lọt lòng chúng ta đã có thể gọi mẹ, nó như món lì xì vô giá mà tạo hóa đã tặng cho tình mẫu tử thiêng liêng. Cuộc đời là vậy, sinh ra gọi mẹ, vui sướng gọi mẹ, khổ đau gọi mẹ, sợ hãi gọi mẹ và thậm chí trước mỗi hiểm nguy ta vẫn thảng thốt gọi “mẹ ơi”.

Mẹ, chữ ấy, hình ảnh ấy, biểu tượng ấy muôn đời là cảm xúc thường trực nhất, sâu lắng nhất của mỗi một con người. Mẹ là ân nhân vĩ đại của thế gian. Tình cảm của mẹ là vô bờ bến, hy sinh của mẹ là thứ không thể lấy thước đo. Có đến hàng triệu tác phẩm điện ảnh, sân khấu, văn học, hội họa, âm nhạc, điêu khắc nỗ lực không ngừng trong việc khắc họa hình ảnh và phẩm chất người mẹ. Những tác phẩm về mẹ bao giờ cũng làm chúng ta rung động, nhưng hình như nó cũng chỉ mới đủ sức phác họa một phần rất nhỏ của những người mẹ mà chúng ta từng biết. Mọi sự mô tả về mẹ suy cho cùng cũng chỉ là sự mô tả một phần rất nhỏ của mẹ. Mẹ chính là vị “lãnh tụ tinh thần” cần mẫn và nhân ái dắt chúng ta bước trọn cuộc đời.

Xóm tôi có cụ Huỳnh, đã 82 tuổi mà vẫn ngồi đợi cửa nếu “cậu con trai” 65 tuổi “bé bỏng” của cụ uống chè xanh bên hàng xóm chưa về. Nghe cứ như chuyện tếu nhưng đó là sự thật. Tình mẹ là thứ tình cảm vô giới hạn và cũng vô điều kiện. Hồi còn làm cán bộ chủ chốt ở cơ sở tôi được chứng kiến một vị tướng lừng danh trận mạc, từng vào sinh ra tử ở chiến trường đường 9 Nam Lào, ông hùng dũng uy nghi “thét ra lửa” trước quân lính, vậy mà mỗi khi về nhà ông vẫn sà vào lòng mẹ để được mẹ ôm, được mẹ vuốt ve và căn dặn những điều nhỏ nhẹ. Thế đấy, mọi anh hùng trên đều sinh ra từ một người mẹ. Với mẹ, càng lớn lên chúng ta càng cảm thấy mình thơ bé. Mẹ đã mang nặng, mẹ đã đẻ đau, mẹ đã dành những giọt sữa đầu tiên ngọt ngào, những lời ru mặn mòi êm ái cứ thế và cứ thế… Chúng ta sinh ra, chúng ta lớn lên và chúng ta trưởng thành. Dù ở đâu, dù gián tiếp hay trực tiếp thì hình bóng mẹ cũng chở che và khích lệ chúng ta.

Chuyện rằng, có tướng cướp hung hãn nọ, khi bị bao vây đã cố thủ và chống trả lực lượng chức năng điên cuồng. Mọi sự thương thuyết, kêu gọi quy hàng đều bất lực cho đến khi người mẹ đẻ của y xuất hiện. Chỉ lời nói yếu ớt “Nam ơi, quay về đi con. Con sai rồi, về với mẹ đi con. Về mẹ gội đầu cho”. Chỉ ngần ấy thôi tên tướng cướp đã chấp nhận buông súng và gục ngã vào đôi bàn tay gầy guộc của mẹ. Sau sâu thẳm lòng mình mẹ mang sức mạnh vô biên, sức mạnh của tình mẫu tử. Con dại cái mang, “Trái tim của người mẹ là vực sâu muôn trượng mà ở dưới đáy, bạn sẽ luôn tìm thấy sự tha thứ” (Balzac).

Mẹ còn hiển diện trong đức tin, Thiên Chúa giáo có Đức Mẹ Đồng Trinh, trong Phật giáo có Phật bà Quan Âm, trong tín ngưỡng dân gian có Thánh Mẫu vân vân. Không phải ngẫu nhiên mà khi qua đời thì người ta gọi là “trở về đất mẹ”. Thế đấy, người ta gọi là “đất mẹ” chứ có ai gọi là “đất bố” đâu.

Có những người mẹ vĩ đại, những người mẹ vượt lên trên những tình cảm riêng tư gia đình, “những người mẹ tự tâm làm mẹ/ Yêu quý con như đẻ con ra” (Tố Hữu) những người “Mẹ về đứng dưới mưa/ Che đàn con nằm ngủ/ Ngăn từng bước quân thù/ Mẹ ngồi dưới cơn mưa” (Trịnh Công Sơn), vâng, đó chính là những người Mẹ Việt Nam! Truyền thuyết kể rằng, ngày xửa ngày xưa, một buổi chiều đẹp trời của thuở hồng hoang tít tắp, mẹ Âu Cơ đã đẻ ra trăm trứng và nở thành một trăm người con đất Việt. Chúng ta cùng chung một người mẹ, đều gắn chặt cùng nhau bởi hai chữ đồng bào.

Mẹ Việt Nam là vậy. Nối tiếp những Bà Trưng Bà Triệu, nối tiếp những Bùi Thị Xuân, Dương Văn Nga, là Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, là mẹ Tơm, mẹ Suốt, là Nguyễn Thị Định, là chị Tư Hậu, là Phan Thị Hồng Gấm, là Đặng Thùy Trâm và hàng triệu người mẹ, người chị khác… Với tinh thần, “còn cái lai quần cũng đánh” đội quân tóc dài tưởng như mềm yếu của chúng ta đã tạc nên một hình tượng người phụ nữ Việt Nam mạnh mẽ, can trường một lòng vì dân vì nước. Ngày nay, những người chị, người mẹ lại xuất hiện trên mặt trận mới. Dù là khoa học hay kinh doanh, dù là nghệ thuật hay thể thao, dù trong phân xưởng nhà máy, trên đồng ruộng hay cùng chiếc chổi tre trên hè phố thì những người mẹ, người chị vẫn miệt mài “nhả tơ” cho đời.

Năm 1994, Đảng và Nhà nước ta chính thức phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, một danh hiệu mà hình như duy nhất có ở nước ta để phong tặng cho những người mẹ “tiễn con đi” và “khóc thầm lặng lẽ”. Chiến tranh tàn khốc đã cướp đi biết bao nhiêu sinh mệnh, không danh hiệu nào có thể bù đắp nổi hy sinh vĩ đại của những người mẹ. Các anh đã ngã xuống nhưng nỗi đau mất con vẫn hằng đêm giày vò mẹ. Những người mẹ Việt Nam tay súng tay cày, dỡ nhà cho đoàn xe ra trận đã chấp nhận nỗi đau tận cùng để hiến dâng cho đất nước những người con ưu tú. Vĩ đại, vĩ đại vô cùng, anh hùng, anh hùng khôn xiết. Tố Hữu có một bài thơ viết về người mẹ Việt Nam thật xúc động: “Con đã về đây ơi mẹ Tơm/ Hỡi người mẹ khổ đã dành cơm/ Cho con cho Đảng ngày xưa ấy/ Không sợ tù gông chấp súng gươm”.

Năm 2018 cả nước thổn thức về một câu chuyện buồn liên quan đến vụ trao nhầm con ở bệnh viện 6 năm trước. Một sự cố đáng tiếc nhưng hiện lên trên tất cả ở đây chính là tấm lòng người mẹ. Chị H đã nuôi bé M trong 6 năm, chịu tiếng oan là không chung thủy, bị chồng ly hôn. 6 năm trời đằng đẵng lặng im cho đến một ngày sự thật được làm rõ. Chị bàng hoàng và đầm đìa nước mắt. Người mẹ ấy không thể xa bé M, đứa con chị không rứt ruột đẻ ra nhưng đã nuôi nấng từ nhỏ.  Tình mẹ là vậy, hãy tin tôi, nếu trên đời này nếu có một ai đó khi cần sẵn sàng chết thay cho chúng ta thì đó chính là mẹ. Ai đó từng nói “Chúa không thể ở khắp mọi nơi, nên Ngài đã sinh ra người mẹ”.

Ấy vậy mà, ngay trước lúc ngồi vào máy viết những dòng này tác giả lại đọc một thông tin giật mình. Theo báo cáo thì đến năm 2049 nghĩa là chừng 30 năm nữa thôi thì nước ta sẽ “thừa” 4,3 triệu đàn ông. Hậu quả của vấn nạn lựa chọn giới tính! Thật đau xót và thật phẫn nộ khi tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn án ngữ. Thừa 4,3 triệu đàn ông, đồng nghĩa với việc chúng ta đã tự đánh mất đi 4,3 triệu người mẹ!

Có lẽ khi bài báo này đến tay bạn đọc là lúc cả thế giới  đang dăng đầy những câu khẩu hiệu chào mừng ngày mùng 8 tháng 3. Thông điệp nào cũng quý nhưng có lẽ cái chúng ta cần là hành động thay vì hô hào bằng những chiếc băng rôn. Mỗi người phụ nữ đều mang trọng trách làm mẹ, mỗi người mẹ đều là một vị ân nhân. Trước khi làm những điều to tát xin hãy làm một đứa con ngoan của mẹ! Đừng “nghịch dại” mà làm buồn lòng đấng sinh thành, đừng để đến lúc thất cơ lại đổ vấy “Con hư tại mẹ”!