Tháng Bảy âm lịch, những cơn mưa dường như muốn níu chân người quên vội, để lòng người chậm lại với những yêu thương. Mưa gọi về nỗi nhớ công ơn sinh thành, về tình yêu đôi lứa của vợ chồng Ngâu, của những giọt nước mắt buồn và đẹp nhất thế gian, của sự ấm áp khi nghe nhắc tới Bông hồng cài áo. Những nỗi buồn và sự ấm cúng lan tỏa yêu thương.
Mấy hôm trước, ngày thất tịch, được coi là “ngày tình yêu” của phương Đông khi gắn với chuyện vợ chồng chàng Ngâu. Vào ngày thất tịch trời thường mưa, tôi vẫn nhớ câu chuyện bà kể khi còn thơ bé, nhiều người nghĩ mưa ngâu dai dẳng vì trời đất khóc chung nước mắt của Ngưu Lang và Chức Nữ khi gặp nhau. Người ta tin rằng hai người yêu nhau nếu cùng ngắm sao Ngưu Lang, Chức Nữ trong đêm mùng 7/7 sẽ mãi mãi bên nhau. Ngắm được hai ngôi sao này thực tình là việc cực khó, khi phố sá đầy ánh đèn. Nhưng có những việc khiến ngày thất tịch ngày càng thêm ý nghĩa. Chẳng biết từ khi nào rộ lên tục lệ ăn chè đậu đỏ cầu duyên, cầu may mắn. Duyên may, niềm vui có đến sau những món chè món cháo làm từ những hạt đậu bé xinh mang màu đỏ của sự may mắn, ấm nồng hay không chẳng ai chắc được, nhưng có điều chắc chắn rằng những người thử và cả người không thử, khi nghe về những thực thực hư hư đầy mộng ảo vẫn thấy lòng mình dịu dàng quá.
Đẹp nhất tháng bảy có lẽ là những đóa hoa hồng cắm trên ngực áo trong ngày lễ Vu Lan – rằm Tháng Bảy, để những người con, người cháu trong gia đình thể hiện lòng hiếu thảo, đền đáp công ơn sinh thành của cha mẹ, ông bà và lòng kính nhớ tổ tiên. Truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” vốn đã có từ rất lâu trong lòng người Việt, bỗng gặp câu chuyện bông hồng cài áo như gặp duyên lành, cứ thế lan tỏa.
Lại nói về nghi thức bông hồng cài áo, do sư ông Thích Nhất Hạnh khởi xướng trong cuốn sách “Bông Hồng Cài Áo” viết năm 1962. Những ai may mắn còn cha, mẹ sẽ được cài bông hồng đỏ và một bông hồng trắng cho những ai cha, mẹ đã không còn bên cạnh mình nữa mà đã đi vào cõi luân hồi. Bông hồng ngát hương thắm sắc được xem là vua các loại hoa, là biểu tượng của tình yêu cao đẹp. Bông hồng cài trên ngực áo thể hiện những tình cảm tốt đẹp nhất, thiêng liêng nhất của người con dành cho cha mẹ mình.
Trong đoản văn Bông Hồng Cài Áo của sư ông, tục lệ cài một bông hoa trên áo vốn trong ngày Mother’s Day của người Nhật. Ông viết: Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương, không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, kẻo một mai người khuất núi, có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục lệ cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan.
Bông hoa mà cô sinh viên người Nhật cài cho ông trong ngày Mother’s Day ở Đông Kinh là hoa cẩm chướng, không phải hoa hồng. Cho đến bây giờ, tục lệ này đã lan tỏa khắp mọi miền. Và không chỉ cài hoa lên áo, những đứa con còn mẹ còn cha được cúi xuống rửa chân, lau mặt cho bậc sinh thành trong tiếng chuông ngân, kinh cầu, được cùng cất lên tiếng nói từ trái tim mình cầu mong những an lành luôn ở bên mẹ cha và những người thương yêu, cùng khóc cùng cười với những người lạ đồng cảm, được thấy khi yêu thương lan tỏa thì cuộc sống thật ấm cúng biết mấy.
Tháng Bảy, bạn có thấy những nỗi buồn thật đẹp đang xao xuyến tim mình?