Thưởng

 Đang réo rắt cậu bé bỗng nhiên im bặt sau lời dỗ dành dường như đã trở nên chuyên nghiệp của bà ngoại: “Ngoan nào, ngoan nào, nín đi, nín lát nữa bà thưởng cho 10 cái kẹo”. Cậu bé lập tức chuyển trạng thái từ khóc lóc đau khổ sang vui vẻ hồ hởi. Tiếng cụ ông trong nhà vọng ra: “Nín là nín, không có kẹo kiếc gì hết, bà đừng có dùng vật chất tầm thường mà mua chuộc sự im lặng cao quý. Tôi nín cả tháng sao bà không cho cái kẹo nào”.

Đoạn đối thoại đời thường vọng qua từ bên hàng xóm chiều nay bất chợt gợi cho tôi liên tưởng về một hoạt động thường diễn ra nhộn nhịp mỗi dịp cuối năm – thưởng! Những cái “kẹo” bắt đầu được trịnh trọng xướng lên trong các cuộc bình xét. Vinh quang rất nhiều mà ngậm ngùi cũng lắm. Năm nào cũng như năm nào, kẻ cười người khóc. Nhân viên đơn vị ăn nên làm ra hoan hỉ cầm mấy trăm triệu xông xênh sắm sanh tết nhất, cán bộ chỗ èo uột lủi thủi nhận vài chục chiếc quần đùi về biếu ngược biếu xuôi. Còn viên chức công chức ư, phần thưởng phổ biến của họ trong buổi lễ tổng kết không đủ sức để vượt qua những… tràng pháo tay giòn giã! Công chức chép miệng an ủi nhau, thưởng bằng vỗ tay vừa vui lại vừa rẻ. Thưởng bằng vật chất hình như không nằm trong bộ từ điển thu nhập của những người ăn lương theo “chấm phẩy”. Sau những tràng pháo tay bất tận thì mọi con mắt ráo riết đổ về phía công đoàn, hy vọng khép lại cho đến khi mỗi đoàn viên ưu tú nhận được một can dầu lạc. Vẫn là dầu lạc như mấy mươi năm về trước. Trong thực đơn sắm tết của nhà tôi chưa năm nào có dầu lạc bởi biết chắc thế nào món này cũng được công đoàn trang bị. Nhà tôi gọi vui là dầu công đoàn, một phần thưởng trơn mượt theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Mỗi lần nhận quà công đoàn chúng tôi lại thưởng tổ chức mang danh “là mẹ là cha” ấy một… tràng pháo tay đáp từ. “Cuốc xẻng phát dưới phát lên, đường sữa phát trên phát xuống”. Chỉ dầu lạc thôi, quen rồi!

Công tác khen thưởng có từ bao giờ nhỉ? Theo một nghiên cứu chưa công bố thì “thưởng” hình thành từ thời… nguyên thủy. Đừng ngạc nhiên, xa xưa là vậy nhưng có những thứ phần thưởng của thủa hồng hoang ấy lại cực kỳ hiện đại. Không chỉ thịt nướng hay củ mài, người ta đã sáng tạo ra những thứ phần thưởng mà có lẽ đến thời đại 5.0 vẫn khối kẻ bị mê hoặc. Vâng, đó là quyền lực và đàn bà. Khi một gã đàn ông dũng mạnh và can trường nào đó lập được nhiều chiến công trong việc đánh đuổi kẻ thù bảo vệ đồng loại thì ông ta được tôn lên làm thủ lĩnh đứng đầu bộ lạc, và tất nhiên khi đã làm “quan” của bộ lạc thì cái quyền lợi kèm theo có tính âm dương kia là mặc định. Một phần thưởng quyến rũ đến chết người! Rất công khai minh bạch, rất nguyên thủy, chả cần lén lút, cứ thích cô nào thì chấm cô ấy mà chả sợ bị kiểm điểm vì tội “nâng đỡ không trong sáng” bao giờ!

Trở lại câu chuyện cậu bé và bà ngoại trong ở ví dụ vừa kể ở đầu bài viết thì thưởng có lúc được sử dụng biến tấu như một vật ngang giá để mặc cả. “Thành tích” xuất sắc của cậu bé là im lặng, và phần thưởng cao quý cho hành động đó là 10 cái kẹo. Vì sao lại phải là 10 cái kẹo? Dạ thưa, với tư cách là vị hàng xóm tò mò tôi biết tỏng trước đó bà cụ đã đưa ra mức 8 cái kẹo mà cậu bé láu lỉnh kia vẫn không chịu nín! Yêu sách phải 10 cái kẹo cơ. Thế mới biết, ở đời có lúc cũng dùng chữ thưởng nhưng không phải là thưởng mà là đổi chác.

Mấy ngày vừa rồi báo đăng tíu tít câu chuyện về một bí thư xã bị cách chức vì nhiều lần nhận “phần thưởng phi vật thể” của nữ cán bộ văn phòng trong khách sạn. Chả là vị này là đã có thành tích xuất sắc trong việc “bồi dưỡng” cô nhân viên xinh đẹp kia trong suốt quá trình công tác của mình nên được chính cô ấy “thưởng nóng”! Ừ nhỉ, có những phần “thưởng” được bảo tồn trọn vẹn từ từ thời nguyên thủy. Mỉa mai và xuyên tạc, ô uế và ô nhục, cũng chả khác gì vụ quan tỉnh năm trước bị chủ tịch nước ra quyết định tước danh hiệu anh hùng. Chưa hết, mấy ngày vừa rồi còn có cả một bị cáo ra tòa mà vẫn mang theo danh hiệu anh hùng. Cay như ớt bột!

Khen là gì và thưởng thì nên thế nào là những câu hỏi không khó trả lời nhưng không dễ để thực hiện. Cố Tổng bí thư Trường Chinh từng viết: “Khen thưởng là vấn đề thuộc phạm trù khoa học xã hội. Công tác khen thưởng cũng như trừng phạt là một vấn đề thực hiện phát sinh và tồn tại trong quá trình phát sinh, phát triển của con người”. Mục đích của thưởng là khích lệ, khơi dậy một cách đúng đắn động cơ làm việc của con người. Cách đây hơn 600 năm, Nguyễn Trãi đã viết: “Nhà nước thưởng nhiều hơn phạt là Nhà nước phồn vinh; nhà nước thưởng, phạt nghiêm minh là nhà nước vững mạnh; nhà nước phạt nhiều hơn thưởng là nhà nước đang suy tàn”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định “Trong một nước thưởng, phạt phải nghiêm minh thì nhân dân mới yên ổn, kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công”, “Có công thì thưởng, có lỗi thì phạt, khen thưởng phải có tác dụng giáo dục, động viên, nêu gương…”.

Nguyên tắc của khen thưởng là “Chính xác, công khai, công bằng, kịp thời”. Thưởng mà sai đối tượng thì không những không có tác dụng mà còn vô cùng tác hại. Biết là biết vậy, lý luận thì ưu việt vậy nhưng rất tiếc, nhiều nơi, nhiều năm cứ khen là phải “chia” từ trên xuống. Vị trí càng thấp thì cơ hội được khen thưởng càng xa vời. Xin lấy ví dụ ở địa phương được mệnh danh là “thành phố đáng sống” để minh chứng: Trong một năm danh hiệu chiến sĩ thi đua thành phố “ban” cho đối tượng làm công tác quản lý (trưởng, phó phòng, ban, đơn vị trực thuộc sở ban, ngành, hội, đoàn thể, UBND quận, huyện trở lên) là 83 người, đạt tỷ lệ 87,4% so với đối tượng trực tiếp công tác là 12 người, chiếm tỷ lệ 12,6%. Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố “ban” cho quản lý là 849 người, đạt tỷ lệ 62,0% so với đối tượng trực tiếp công tác là 520 người, chiếm tỷ lệ 38,0%. Chỉ ngần ấy thôi cũng đủ để khẳng định mỗi quan hệ giữa tầng lới “cuốc xẻng” với tầng lớp “đường sữa” còn khoảng cách như thế nào. Mà đấy là ở “thành phố đáng sống” chứ ở địa phương khác chắc “khó sống” lắm! Với người lao động trực tiếp thì khen thưởng vẫn là một trò chơi ú tim mà họ thuộc phe chịu bịt mắt. Cứ tặc lưỡi “Thời thế – thế thời – thời phải thế” thì “Thua” là hiển nhiên rồi!

Khen thưởng gắn liền với thi đua, Các Mác cho rằng: “Thi đua nảy nở trong quá trình hợp tác lao động, trong hoạt động chung và kế hoạch của con người với sự tiếp xúc xã hội tạo nên thi đua và sự nâng cao theo lối đặc biệt, nghị lực sinh động làm tăng thêm nghị lực riêng của từng người”. Khen thưởng không đúng đối tượng thì thi đua bị triệt tiêu. Mọi phong trào phát động đều chỉ còn là hình thức. Chỉ có “phát” nhưng không “động”, chỉ có “nâng” nhưng không “cao”, vừa mới “quyết” thì đã “liệt”!

Tóm lại, phần thưởng có giá trị nhất phải là phần thưởng đến từ sự công bằng minh bạch. Không ai đòi hỏi “ăn một quả khế trả một cục vàng”. Nó có thể là một chai dầu lạc giản dị với cô viên chức, nó có thể là kỳ nghỉ phép quý báu với chú bộ đội, nó có thể là “tràng vỗ tay” an ủi động viên nhau vượt qua khó khăn. “Của cho không bằng cách cho” cha ông đã dạy vậy. Bệnh phiên phiến, thói bảo thủ và tư tưởng ban phát kẻ cả đang triệt tiêu động lực thi đua. Nếu bạn làm công tác khen thưởng trong lúc này có lẽ không cần phải quá cầu kỳ, không nhất thiết phải cầu toàn nhưng có lẽ cũng phải cầu thị. Đã bao giờ bạn là nạn nhân của một trò khen thưởng lố bịch chưa? Nếu có xin đừng buồn, thôi thì cứ coi việc chúng ta có mặt trên cõi đời này đã là một phần thưởng vô giá của tạo hóa. Lạc quan và tiếp tục cống hiến đi, một ngày nào đó bạn cũng sẽ có “mười cái kẹo”!